Kỷ niệm 75 năm ngày
Hiến pháp Đức được công bố: Thành tựu và thách thức
Đỗ Kim Thêm | Báo Tiếng Dân
21/05/2024
Tuần
này, Cộng hòa Liên bang Đức làm lễ kỷ niệm lần thứ 75 (23/5/1949 –
23/5/2024) ngày công bố Luật Cơ bản (Das Grundgesetz, tên gọi khác của Hiến
pháp). Cho dù nước Đức trải qua bao nhiêu biến cố, Hiến
pháp Đức năm 1949 vẫn là nền tảng pháp lý vững chắc, giải quyết
các vấn đề quan trọng cho dân chúng.
Hiện
nay, Hiến pháp này vẫn tiếp tục mang lại các
thành tựu rực rỡ cho
tòan dân Đức và nó sẽ được tiếp tục tu chỉnh để đáp ứng
những thách thức mới như biến đổi khí hậu và nền dân chủ đang bị đe
doạ.
***
Ngày
23 tháng 5 năm 1949, Hội đồng Nghị viện Đức công bố Hiến pháp, bộ Luật Cơ bản,
bộ luật này bắt đầu có hiệu lực vào đêm ngày 24 tháng 5. Cũng trong ngày này, Cộng
hòa Liên bang Đức ra đời như là một nhà nước hiến định, tự do, dân chủ. Cho đến
nay, Hiến pháp đã được tu chỉnh nhiều lần và đang phải tìm cách thích nghi hơn
trước các biến đổi.
Những
tu chỉnh đã được thực thi
Hiến
pháp Đức có một số điều khoản mà nội dung không được phép thay đổi, thí dụ như
các quy định về nhân phẩm, tính cách hiến định của nền dân chủ tự do và hệ thống
luật pháp của một nhà nước liên bang. Những nguyên tắc này được xem là cố định,
được gọi chung là “điều khoản vĩnh cửu”. Các điều khoản khác của Hiến pháp có
thể thay đổi, nhưng phải có đa số 2/3 dân biểu Hạ viện đồng thuận.
Cho
đến nay, tổng cộng có 67 lần tu chỉnh Hiến pháp, đáng kể nhất là tu chỉnh để
thành lập Quân đội Đức, (Bundeswehr, 1957) và luật khẩn cấp (1968). Năm 1990, Đức
thống nhất đất nước, sự kiện này đã mang lại nhiều cải cách về cấu trúc liên
bang và đến năm 2006, 19 điều khoản liên hệ đã được tu chỉnh.
Năm
1992, quyền cơ bản về tị nạn và năm 1998 luật về “cuộc tấn công nghe lén trên
quy mô lớn” cũng được xét lại. Trong trường hợp nghi ngờ có vi phạm nghiêm trọng,
khi có lệnh trước đó của tòa án, nhà nước được phép sử dụng các phương tiện kỹ
thuật để theo dõi.
Năm
1994, vấn đề bảo vệ môi trường đã được Hiến pháp bổ sung là mục tiêu chính của
nhà nước. Năm 2002, do nhu cầu bảo vệ động vật, cụm từ “các loài động vật” đã
được ghi vào Hiến pháp.
Năm
2022, trước nguy cơ chiến tranh Ukraine lan rộng, Hiến pháp Đức thành lập một
quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ Euro, cho nhu cầu tân trang quân đội.
Những
tu chỉnh đang đề xuất
Hiện
nay, quyền trẻ em được thảo luận để tu chỉnh, nhưng vẫn chưa được chung quyết.
Việc xóa cụm từ “chủng tộc” ra khỏi Hiến pháp cũng nhiều lần được đề cập đến,
nhưng không gây sự chú ý trong công luận.
Năm
2021, theo một phán quyết của Tòa Bảo hiến Liên bang, chính phủ phải đề ra các
biện pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ khí hậu, nếu không sẽ bị xem là vi hiến, đặc
biệt là quyền của các thế hệ tương lai đã được quy định trong Điều 20 Hiến
pháp.
Kể
từ năm 2018, Đảng Xanh kêu gọi đưa vấn đề bảo vệ khí hậu vào Hiến pháp và đề xuất
này được phe cánh tả ủng hộ. Năm 2024 Viện Nghiên cứu Đô thị Đức (Deutsche
Institut für Urbanistik, Difu) cũng đưa ra yêu cầu tương tự.
Mạng
lưới liên bang “Quyền tự nhiên” cũng đang tìm cách nâng cao quyền tự nhiên
thành một quyền hiến định.
Trong
chiều hướng này, “Luật cơ bản về sinh thái” đề nghị là Hiến pháp nên quy định
thêm một loạt các quyền sinh thái mới như là quyền tòan vẹn sinh thái. Người
dân không chỉ có “quyền tòan vẹn cơ thể” mà còn được hưởng “quyền nguyên vẹn
môi trường” và các “quyền tự nhiên của cuộc sống”. Tất cả các nền tảng này sẽ
được bảo đảm như quyền hiến định.
Theo
ý kiến này, thiên nhiên phải được hiểu là bao gồm cả động vật và địa vị pháp lý
của thiên nhiên sẽ được nâng cao trong Hiến pháp. Ví dụ, một khu rừng phải được
công nhận là “nhân vật sinh thái”, nghĩa là, giống như các doanh nghiệp hoạt động
với tư cách pháp nhân. Ngoài ra, quyền sở hữu không chỉ mang tính bắt buộc về mặt
xã hội, mà còn phải mang tính sinh thái.
Bảo
vệ Tòa Bảo hiến Liên bang và nền dân chủ
Mục
tiêu cao cả của Tòa Bảo hiến Liên bang là bảo vệ Hiến pháp và nền dân chủ. Từ
lâu, chính giới và công luận quan tâm đến tinh thần độc lập của Tòa, không chỉ
từ khi có cuộc họp của những thành phần cực đoan cánh hữu ở Potsdam vào ngày 25
tháng 11 năm 2023.
Theo
kết quả các thăm dò dư luận gần đây, việc ủng hộ đảng AfD, lực lượng cực hữu,
ngày càng nhiều, nhất là tại các vùng Đông Đức cũ; do dó, nguy cơ như cảnh
Hitler trở lại cầm quyền, cần phải được cảnh báo nghiêm túc. Nhiều cuộc biểu
tình của dân Đức chống lại hoạt động của đảng AfD đã diễn ra rầm rộ khắp nơi.
Trong
tình thế đảng cực đoan dân tuý thâm nhập vào các cơ cấu công quyền, chính phủ
liên hiệp đang cầm quyền cũng chủ trương rằng, Tòa Bảo hiến Liên bang cần tìm
các biện pháp giới hạn để bảo đảm an toàn cho nền dân chủ.
Nhiều
luật gia nhấn mạnh rằng, đạo luật quy định về hoạt động của Tòa Bảo hiến Liên
bang có thể được Hạ viện tu chỉnh với tỷ lệ đa số đơn giản, trong khi những
thay đổi tại Thượng viện có thể đạt được dễ dàng hơn.
Đằng
sau ý kiến này là những lo ngại đáng kể khác: Ngoài hai bộ phận xét xử hiện nay
của Tòa Bảo hiến, một bộ phận thứ ba có thể được thành lập với những tay chân
tâm phúc của chính phủ. Ngân sách dành cho Tòa, thời gian và điều kiện làm việc
của các thẩm phán có thể dễ dàng bị thao túng, mà hậu quả về lâu dài là thanh
danh của Tòa sẽ bị thiệt hại. Những kinh nghiệm về các hoạt động tiêu cực của
tòa án tối cao ở Ba Lan và Hungary là một bài học quý giá, đáng suy ngẫm.
Ngoài
ra, việc bầu chọn các thẩm phán với mức đa số 2/3 được đề ra. Cho đến nay, vấn
đề này được quy định trong một đạo luật thông thường; do đó, cũng nên được thay
đổi. Tuy nhiên, vấn đề là, liệu đa số 2/3 có nên được Hiến pháp quy định hay
không. Luật giới cảnh báo về những cạm bẫy này. Ví dụ như, nếu một đảng cánh hữu
dân túy giành được hơn 1/3 số ghế trong Quốc hội, họ có thể tìm cách ngăn chặn
việc bầu thẩm phán là chuyện dễ dàng.
Các phản
đối về việc lạm dụng tu chỉnh
Ngược
lại với trào lưu chung, đã có nhiều cảnh báo cho rằng không nên lạm dụng quá
nhiều việc tu chỉnh. Lý do chính là vì Hiến pháp hiện nay dựa trên nền tảng về
dân chủ và tự do, nó có sức mạnh thuyết phục mạnh mẽ đối với đa số dân chúng.
Điển hình nhất là Điều 1 của Hiến pháp quy định về nhân phẩm và nhân quyền rồi
mới đến các tổ chức của nhà nước.
Tuy
nhiên, ý kiến đối nghịch cho rằng, ý nghĩa về dân quyền cơ bản ngày càng được
diễn giải ngược lại, nghĩa là, thành nghĩa vụ để bảo vệ nhà nước.
Điểm
quan trọng cần ghi nhận là các nguyên tắc tự do cơ bản hiến định đều không gây
nguy hại nghiêm trọng đến các diễn biến trong tình hình chung. Vì thế, giới lập
pháp cũng không nên quá dễ dãi trước “sự cám dỗ độc đoán” mà đề ra các biện
pháp “độc tài hơn” vì muốn bảo vệ nền dân chủ đang bị đe doạ.
Tinh
thần thượng tôn pháp luật
Các
luật gia lập luận rằng, cho dù nước Đức trải qua nhiều biến động, nhưng tinh thần
thượng tôn pháp luật được giữ vững và do đó cần phải được duy trì và phát huy,
điển hình nhất là việc Hiến pháp quy định các nguyên tắc dân chủ, quy tắc tổ chức
nhà nước và sự chung sống của toàn dân mà mọi tranh chấp xã hội đều được giải
quyết thông qua phương tiện pháp lý.
Gần
đây nhất, vụ chỉ trích thường được nêu lên làm thí, dụ đó là trường hợp Hiến
pháp Đức thành lập quỹ đặc biệt để tân trang cho Quân đội. Liệu việc tân trang
này có nên đưa ra trong khuôn khổ tu chỉnh không, thủ tục này có hợp hiến
không, vấn đề này gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều lập luận xem việc tu chỉnh này
là không phù hợp với mục tiêu của Hiến pháp.
Nhìn
chung, trong tiến trình tu chỉnh Hiến pháp, thủ tục thường quá cồng kềnh. Ví dụ,
Điều 3, “quyền bất khả xâm phạm về nhà ở” ban đầu đơn giản chỉ gồm có bốn dòng.
Sau những thay đổi về nội dung quy định “cuộc tấn công nghe lén”, đoạn văn trên
lên đến 30 dòng. Những thay đổi này đã được thực hiện, mà đáng lẽ ra, về hình
thức phải thuộc về phạm vi luật thủ tục.
Lòng
dân đối với Hiến Pháp
Cuối
cùng, để kết luận, thành tựu của Hiến pháp Đức suốt 75 năm qua đã được chứng minh,
đó là sự đồng thuận của toàn dân đối với giá trị của Hiến pháp.
Theo
kết quả từ một cuộc thăm dò mới nhất của đài truyền hình ARD, 77% người Đức coi
Luật Cơ bản là hiến pháp tốt hoặc rất tốt.
Nhìn
chung, 25% những người được hỏi cho rằng, Luật Cơ bản là hiến pháp “rất tốt” và
52 % coi đó là “tốt”. Ngược lại, 5% cho rằng “ít tốt hơn” và 4% cho rằng “không
tốt”.
Khi
được hỏi riêng về phía Đông Đức và phía Tây Đức, tỷ lệ đồng ý là 70% ở phía
Đông Đức (“tốt” hoặc “rất tốt”) và 78% ở phía Tây Đức.
Trước
những thách thức mới về tương lai của nền dân chủ, người Đức cũng có nhiều âu
lo. Khi được hỏi “nền dân chủ ở Đức hiện nay có bị đe dọa bởi các thế lực chính
trị cực đoan không?” 14% trả lời là “bị đe dọa rất nghiêm trọng”, 39% trả lời
“bị đe dọa nặng nề”, 31% cho rằng “ít nghiêm trọng hơn” và 7% thấy “không có mối
đe dọa”.
___________
Bài
liên quan:
Bàn
về các khái niệm Luật Hiến pháp, Rule of Law và Rechtsstaat
Bàn
về khái niệm Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa
Hiến
pháp Việt Nam: Thực trạng, nguyên nhân vả giải pháp
No comments:
Post a Comment