Monday, May 27, 2024

HIỆN TƯỢNG HÀNH GIẢ MINH TUỆ (Duy Trung / Facebook)

 



Hiện tượng hành giả Minh Tuệ

Duy Trung

22 tháng 5, 2024  lúc 09:35  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02dSgr1tvMXsVKxjFoXMVrkf8GiBtf5GPJQ6NcSs6bmn6KXS5PNYFCBzfz4acD5vDCl&id=100006887716539

 

Hiện nay Phật giáo tại VN được chia ra một số tông phái chính, nhưng cơ bản là truyền thống Bắc tông (còn được gọi là Phật giáo phát triển) và Nam tông (còn được gọi là Phật giáo Nguyên Thuỷ). Phật giáo Bắc tông lại chia nhiều tông phái khác nhau phủ khắp ba miền Bắc Trung Nam. Phật giáo Nguyên thuỷ chủ yếu từ miền Trung trở vào, chủ yếu hiện diện ở miền Nam. Ngoài Bắc chỉ có vài chùa theo phái Nguyên thuỷ, dù Phật tử theo Phật giáo Nguyên thuỷ cũng khá nhiều so với số lượng sự hiện diện của các ngôi chùa theo Nguyên thuỷ ở vùng này.

 

Sự khác biệt của hai tông phái này chủ yếu là hai hệ thống Tam tạng Kinh, y bát và cách hành trì. Tam tạng Kinh của Phật giáo Nam truyền là bộ ba Kinh, Luật, Vi diệu pháp/Thắng pháp (Bắc truyền gọi là bộ Luận - nội dung có khác biệt).

 

Đối chiếu với những hình thức thể hiện của hành giả Minh Tuệ thì có thể nói hành giả đang hành trì theo Phật giáo Nguyên thuỷ.

 

 

1. Y áo.

 

Hành giả Minh Tuệ dùng những mảnh vải nhặt được trên đường đi để cắt và khâu lại thành tấm y để mặc. Cách thức thực hiện này được nhắc đến trong Kinh tạng và Luật tạng thuộc Nam truyền. Trong kinh điển, các vị nhặt những mảnh vải mà người ta quăng bỏ ở nghĩa địa (là những tấm vải từng quấn người chết) hoặc vải thừa vụn bị vứt bỏ trên đường. Những vị tỳ kheo trong kinh điển là dùng y qua cách thức này (còn được gọi là y phấn tảo). Hiện nay ngay cả ở một số nước quốc giáo theo Phật giáo Nguyên thuỷ như Myanmar, Thái Lan, Sri Lanka, Cambodia, Lào dù có cùng kiểu y là một tấm vải lớn hình chữ nhật, nhưng rất hiếm thấy được kiểu y phấn tảo (đúng nghĩa là nhặt các mảnh vải vứt đi rồi khâu may ghép lại).

 

Tam y là ba tấm y gồm: y nội (dùng đắp từ thắt lưng trở xuống), y thượng (đắp ở phía trên, hay còn gọi là y vai trái) và y kép (sanghati, là y hai lớp). Cách may và sử dụng tam y theo Luật tạng rất chặt chẽ và nghiêm khắc. Một hành giả mà chỉ sử dụng Tam y đúng theo Luật tạng thì rất đơn sơ giản dị đến mức khó khăn nếu không biết linh hoạt khi tắm rửa, trời mưa bị ướt. Hành trì theo hạnh đầu đà thì cực kỳ khó khổ khi không có trú xứ thích hợp lúc trời nắng mưa, nơi tắm giặt, khi ngủ nghỉ (trời lạnh chỉ có thể dùng y kép để đắp chứ không có chăn, không có y áo khác để mặc thêm). Hiện nay các sư theo phái Nam truyền hầu hết đều mặc y do Phật tử cúng dường qua lễ dâng y Kathina. Ở một thiền viện nổi tiếng thì chỉ sau một mùa lễ dâng y Kathina (lễ này diễn ra sau ba tháng an cư kiết hạ mùa mưa) thì một vị sư có thể nhận được tới cả chục bộ y. Nếu một vị sư đã thọ trì Tam y thì sau khi được cúng dường nhiều bộ y đều phải xả (bỏ) lại cho văn phòng chư tăng (Sangha office), hoặc các chùa khác, các vị sư nơi khác khó khăn hơn. Một tấm y theo đúng Luật tạng không phải là một miếng vải, mà phải may từ nhiều mảnh vải nhỏ ghép lại, kích thước được tính theo đơn vị “hắc tay” của thời trước (được cụ thể hơn qua các bộ chú giải và phụ chú giải của Luật tạng). Hạnh đầu đà chỉ là một trong các pháp tu hành trì, nhưng được chính Đức Phật tán thán trong Kinh tạng. Vì đây chính là biểu hiện rõ nhất của tinh thần “thiểu dục tri túc” trong đạo Phật. Một hành giả mà có tâm tham, tâm ngã mạn nhiều thì pháp tu đầu đà là cách thức làm thuyên giảm những chướng ngại về tham dục (dục ở đây là ngũ dục thông qua ngũ căn chứ không phải tình dục) và sự cống cao ngã mạn. Có thể nói hiện nay pháp tu hạnh đầu đà không còn hiện diện nhiều ngay cả ở những nước quốc giáo, nổi tiếng uy tín về giới luật như Myanmar, hay một số pháp môn “sơn tăng” tại Thái Lan hay Sri Lanka. Một số vị chỉ có thể hành trì một vài điều trong tổng số (12 hoặc 13) hạnh đầu đà như ngày ăn một bữa, ngủ trong rừng. Còn thực sự đắp y phấn tảo, ngủ nơi nghĩa địa, dưới gốc cây, ăn ngày một bữa thì rất hiếm còn. Tại VN gần như là chưa thấy vị nào hành trì được những hạnh đầu đà này. Giờ chỉ có thể thấy một hành giả Minh Tuệ “dám” thực hiện điều đó: đắp y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, ngồi nơi nghĩa địa,… Đó là những điều quá xứng đáng để được tán thán trong bối cảnh Phật giáo hiện nay tại VN. Thậm chí là một hiện tượng đáng để tự hào so với Phật giáo hiện nay trên thế giới. Một người từ trong kinh điển bước ra, khiến cho các “thầy chùa” choáng váng, hổ thẹn.

 

 

2. Bình bát.

 

Các sư theo Nguyên thuỷ hiện nay hầu hết đều sử dụng bình bát để thọ thực. Các bình bát này cũng đều được các Phật tử dâng cúng. Sau khi thọ nhận một bình bát mới thì theo Luật tạng phải làm cho bình bát “hoại sắc” (y áo cũng theo tinh thần này). Tại Myanmar một số thiền viện các sư vẫn dùng bình bát chất liệu bằng sắt, được hun đốt thành màu đen, có loại bằng nhôm. Sang hơn là dùng bình bát bằng chất liệu inox, rất thịnh hành ở Thái Lan. Bình bát bằng inox khi mới sáng bóng, cũng được các vị mang đốt bằng một loại dầu để làm cho “hoại sắc”. Về bản chất thì đã đúng theo Luật tạng quy định, nghĩa là không sai, nhưng vẫn là một kiểu “hình thức mới”, đôi khi còn thấy đẹp hơn! Hành giả Minh Tuệ dùng chiếc ruột cũ của nồi cơm điện đi xin được làm bình bát, một sáng tạo không thể ngờ tới, quá là đáng yêu! Nó “đáng yêu” ở chỗ không chấp vào hình thức. Tới thời điểm hiện tại thì thấy các Phật tử đã đổi cho ông một bình bát mới, nhìn sáng bóng kiểu chất liệu inox, điều này là không cần thiết nhưng có thể hiểu cho “tình cảm” (nhu cầu cúng dường tạo phước) của các Phật tử.

 

 

3. Chân đất.

 

Hiện nay các sư bên Phật giáo Nguyên thuỷ chủ yếu là đi dép xỏ ngón/tông. Đi giày được coi là phạm giới, nếu trời lạnh có thể đi thêm tất. Chỉ một số ít là các vị hành trì việc đi chân đất hoàn toàn. Dù khi đi khất thực, hay lúc thọ nhận đồ cúng dường các vị đi dép vẫn phải bỏ tạm dép ra, đứng chân đất để thọ nhận để cho “hợp luật”. Hình ảnh các vị sư đi chân đất khất thực vào buổi sáng tại Myanmar rất quen thuộc, không còn lạ gì với người theo Phật giáo Nguyên thuỷ. Tại VN cũng không quá khó khăn để thấy được những hình ảnh như thế, một vị (hay một nhóm vị) đi chân đất khất thực vào buổi sáng. Nhưng để thấy được một vị đi hoàn toàn bằng chân đất, không sử dụng dép thì có thể nói ở VN hiện nay, ngoài hành giả Minh Tuệ ra thì cũng khó tìm ra thêm. Vì để hành trì được điều này, hành giả gần như buộc phải chọn trú xứ là rừng cây, nghĩa địa, chứ sống trong chùa, thiền viện, ngủ trên giường là quá bất tiện, không phù hợp. Nói “đi chân đất” nghe có vẻ bình thường, nhưng để đi chân đất trên đường ngày nắng nóng, sự nguy hiểm của chông gai rắn rết khi đi vào rừng, bãi hoang là điều không phải tầm thường. Đó là điều mà hạng người độn căn, thiếu trí, ngoại đạo cười chê, cho là hâm dở, nhưng lại là biểu hiện cho tinh thần “bi-trí-dũng” được những người lợi căn, có trí, có tâm tán thán. Vì đã “vô duyên” với đạo Phật thì miễn bàn, mà đã “hữu duyên” thì không thể không tán thán một biểu hiện của tinh thần “thiểu dục tri túc”, hạnh kham nhẫn trong Phật giáo.

 

 

4. Nhận tiền và không nhận tiền.

 

Cần nói ngay và luôn, một người khi đã xuất gia theo Phật giáo Nguyên thuỷ thì hành trì theo tạng Kinh và tạng Luật, thì trong tạng Luật hành vi nhận tiền, tích trữ tiền vàng là phạm giới luật. Một vị sadi (giữ 10 giới) còn một vị tỳ kheo thọ đại giới là 227 giới. Trong giới luật tỳ kheo thì đứng đầu là bốn tội nặng nhất (tội bất cộng trụ), phạm vào một trong bốn tội này được cho là một tỳ kheo đã “mất đầu”, dù có tu như nào nữa thì trong kiếp này không thể thành tựu (Pháp thượng nhân). Khi một vị bị phát hiện (hoặc chủ động sám hối) thì cũng lập tức buộc phải xả y (hoàn tục), nếu không thực hiện cũng bị đuổi ra khỏi tăng đoàn. Tiếp theo là 13 tội tăng tàn, những tội này muốn sám hối thanh tịnh giới phải thông qua một hội đồng chư tăng (những vị trong sạch giới hạnh). Tiếp theo nữa mới đến các giới nhỏ dần. Nhận tiền (bao gồm vàng bạc) là một trong 227 giới luật, được cho là một giới nhỏ so với những giới nặng được nhắc ở trên. Trong bối cảnh Phật giáo hiện nay, không chỉ ở VN mà ở mọi nơi có Phật giáo hiện diện thì “nhận tiền” là một vấn đề nổi cộm gây nhiều nhức nhối. Bên Phật giáo Bắc tông tại VN việc các thầy nhận tiền cúng dường gần như đã được coi là việc bình thường. Chỉ những hình ảnh của một số “thầy chùa” tay chộp phong bì liên hồi trên tay các “phật tử” là dễ gây phản cảm, hay các bài “thuyết pháp” gây bức xúc khi nhai đi nhai lại việc cúng dường (chủ yếu là tiền bạc). Bên Phật giáo Nguyên thuỷ có tiếng hơn trong việc nghiêm trì giới luật nên việc các sư nhận tiền là rõ ràng đã phạm giới. Nhưng hiện nay ở VN (và cả một số các nước quốc giáo khác như Myanmar, Thái Lan,…) hình ảnh các sư thọ nhận tiền bạc không phải quá hiếm. Trong các lễ hội cúng dường tại các chùa, thiền viện ở VN không thiếu những hình ảnh các “phật tử” bỏ tiền, bỏ phong bì vào bình bát của các sư. Có người nhận thì có người cúng hay có người cúng thì có người nhận. Các sư phạm giới nhận tiền là do chính Phật tử đã cúng dường tiền, làm “hư” các sư. Trong Kinh tạng và Luật tạng một vị tỳ kheo chỉ cần bốn thứ cần thiết (Tứ vật dụng) cho đời sống xuất gia: vật thực (đồ ăn uống), trú xứ (liêu cốc), y áo và thuốc chữa bệnh. Phật giáo Nguyên thuỷ có quy định về “người hộ tăng” (Kappyya) để lo việc hộ trì cho các sư. Khi Phật tử muốn cúng dường “tứ vật dụng” trên cho các sư mà chưa thể “hiện thực hoá” ngay các vật đó thì họ tác bạch với các sư và đưa tiền cho người hộ tăng nhận. Nói một cách thẳng thắn thì việc này là các sư không nhận tiền trực tiếp mà là gián tiếp thông qua người hộ tăng. Khi nhận thấy vị sư có nhu cầu cần đến một trong các “tứ vật dụng” thì người hộ tăng sử dụng số tiền được cúng dường để thực hiện. Với một người tu tập đúng đắn, đã có tâm xả bỏ tài sản, gia đình thì tiền bạc thực sự không có ý nghĩa nhiều. Và hơn hết vị sư đó sẽ thông qua người hộ tăng để sử dụng số tiền một cách “hợp luật”, không phạm giới. Nhưng nếu một vị không có tinh thần xả bỏ, tu tập và nghiêm trì giới hạnh lại trực tiếp nhận tiền và giữ tiền thì điều gì cũng có thể xảy ra. Hành giả Minh Tuệ không có người hộ tăng, nghĩa là không có người nhận tiền “gián tiếp”, càng không có việc nhận tiền trực tiếp như lời ông tuyên bố và đã thực hiện qua những gì mọi người thấy thì điều đó đã thể hiện một người tu tập giữ giới này trọn vẹn như nào. Trong bối cảnh Phật giáo hiện nay, điều đó chả phải đáng tán thán ư?! Đó là việc khiến cho bao người xuất gia phạm giới nhận tiền khác phải hổ thẹn. Nó là việc khiến hàng nghìn Phật tử đã động tâm.

 

 

5. Xưng hô.

 

Trong truyền thống Phật giáo, một người xuất gia sau thường xưng “con” với người đã xuất gia trước (thường nhiều tuổi). Hoặc một vị sadi thường xưng hô là “con” đối với một vị tỳ kheo (để biểu lộ sự tôn kính với người tu bậc trên). Và rõ ràng hơn là việc xưng con với người thầy tế độ (người cho mình xuất gia), hay với các thiền sư, pháp sư dạy mình. Ngôn ngữ trong Pali còn gọi các bậc trưởng lão là “sayadaw” (với ý tôn kính bậc cao thượng), hay “Bhante” dành cho các vị tỳ kheo. Trong tiếng Việt các vị sư hay gọi các vị cao hạ hơn là “đại đức”. Với một người xuất gia mà xưng “con” với người tại gia là xưa nay chưa từng thấy/nghe. Chỉ thấy việc mấy ông sư trẻ tuổi, ít hạ, mấy thầy chùa lên giọng sư giọng thầy và gọi Phật tử là “con” dù Phật tử có nhiều tuổi hơn họ (thậm chí bằng hoặc lớn hơn tuổi bố mẹ các sư các thầy) lại là điều không hiếm thấy. Việc hành giả Minh Tuệ xưng “con” với hầu hết mọi người, bất kể già trẻ trai gái, bất kể với xuất gia hay tại gia là một sự khiêm hạ, khiêm cung đáng nể, gần như không thể thấy có ai khác trong giới tu sĩ. Khi người ta vẫn đang học về “vô ngã” là người ta còn cái ngã. Cái ngã mạn này ở mỗi tu sĩ có cao thấp khác nhau, và biểu lộ của sự đụng chạm đến cái ngã là tâm sân. Và một người khi đã tạm đặt cái ngã này sang một bên để chủ động hạ mình xuống trước tất cả mọi người thì không dễ một chút nào. Khi làm được điều đó với một sự chân thật, có phần hồn nhiên vô tư thì tự họ đã vô tình nổi bật trong đám đông tăng sĩ (điều mà nhiều tu sĩ có muốn “diễn” cũng không làm nổi), đừng nói tới hạng phàm phu tục tử.

 

Dù đã và đang hành trì theo kinh điển với những biểu hiện về y phấn tảo, không nhận tiền, ngày ăn một bữa, đi chân đất, ngủ dưới gốc cây,… nhưng hành giả Minh Tuệ lại không nhận mình là tu sĩ. Đó lại là một điều khiến nhiều tu sĩ khác phải hổ thẹn. Dù hiện nay một số người có tìm hiểu Kinh, Luật cho rằng hiện tượng hành giả Minh Tuệ là không đúng đắn, các phân tích về việc thọ trì giới luật, hội chúng tăng đoàn, thầy tế độ,… Có ý kiến còn nặng đến mức cho rằng hành giả Minh Tuệ “ăn trộm tăng tướng”. Xét một cách máy móc về giới luật và kiểu áp đặt giới luật thì một số nhận định phân tích là không sai. Nhưng đó chỉ là một trong các cách diễn giải giới luật còn nhiều tranh luận. Người ta cũng quên rằng, giới luật là để bảo vệ người tu, chứ không phải là làm khó người thực sự muốn tu. Hành giả Minh Tuệ chỉ nhận mình là người đang học theo Đức Phật, ông không nhận mình là tu sĩ, nên không thể quàng lên ông những giới luật một cách máy móc (áp dụng cho một vị tỳ kheo xuất gia đúng “quy trình”). Mà thậm chí những biểu hiện của hành giả Minh Tuệ đã đáng để nhiều vị tỳ kheo hiện nay học hỏi. Bậc cao nhất của một người theo đạo Phật chính là thực hành giáo Pháp (dhamma - Pali). Hành giả Minh Tuệ có thể ăn nói chưa “hoa mỹ”, dùng từ hồn nhiên nhưng lại chân thật, ông không phải một Pháp sư (người giảng Pháp) để diễn ngôn chuẩn chỉnh. Nhưng hàm chứa trong lời nói ngây ngô chân thật đó phải là một người có trí, lợi căn và chân thật, biểu lộ các ba la mật (Parami) về hạnh kham nhẫn, khiêm cung, thiểu dục tri túc, thu thúc lục căn (những điều luôn được nhấn mạnh quan trọng, đáng tán thán trong tạng Kinh Nikaya). Khó có thể tìm thấy một biểu hiện của sự cống cao ngã mạn, tâm tham, tâm sân ở hành giả Minh Tuệ. Những người tôn xưng hành giả Minh Tuệ là Phật sống, thánh tăng có thể là quá lời, cũng có thể hiểu được “tình cảm” đó của mọi người trong bối cảnh Phật giáo ngày nay. Nhưng nếu là một “phàm tăng” thì hành giả Minh Tuệ là một phàm tăng xuất chúng, tìm mỏi mắt cũng không thấy người thứ hai. Chỉ riêng những điều đó thôi cũng đủ xứng đáng để người ta đảnh lễ, cúng dường, cung kính, tán thán. Những đố kỵ, ganh ghét, sân giận với ông trong thời điểm này chỉ biểu hiện của hàng độn căn, tự hạ thấp mình. Dĩ nhiên quyền cá nhân biểu hiện thì thoải mái đi. Nếu nhìn từ khía cạnh đời sống không có nhiều điều để bàn, thậm chí chỉ gây tranh cãi vô nghĩa. Nhìn một hiện tượng về tâm linh thì cần bàn trên góc nhìn tâm đạo. Pháp (dhamma) là “đến để mà thấy”, dành cho người hữu duyên, không phải chỉ để tin và cho người vô duyên (với đạo). Có thể tương lai hành giả Minh Tuệ sẽ đổi khác, không đúng, thì đó là chuyện của tương lai. Hành trình “Giới - Định - Tuệ” là con đường cả đời, trải qua nhiều kiếp sống mới có thể thành tựu. Nhưng với những gì đã diễn ra cho đến thời điểm này, “hiện tượng Minh Tuệ” sẽ còn được nhắc đến lâu dài, như một biểu tượng mới về “hình ảnh tu sĩ” trong Phật giáo hiện nay.

 

Duy Trung

22/5/2024.

 

.

43 BÌNH LUẬN 

 






No comments: