Friday, May 10, 2024

HÀNH TRÌNH RƯỚC ĐUỐC THẾ VẬN HỘI PARIS 2024 : NHỮNG THÁCH THỨC VỀ AN NINH (Anh Vũ / RFI)

 



Hành trình rước đuốc Thế Vận Hội Paris 2024: Những thách thức về an ninh

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 09/05/2024 - 15:25

https://www.rfi.fr/vi/th%E1%BB%83-thao/20240509-h%C3%A0nh-tr%C3%ACnh-r%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91u%E1%BB%91c-th%E1%BA%BF-v%E1%BA%ADn-h%E1%BB%99i-paris-2024-nh%E1%BB%AFng-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-v%E1%BB%81-an-ninh

 

Đuốc Olympic Paris 2024 đã về đến Marseille ngày 08/05/2024 bắt đầu hành trình rước đuốc vòng quanh nước Pháp kéo dài hơn 70 ngày. Lực lượng an ninh Pháp cũng bắt đầu bước vào giai đoạn căng thẳng cao độ trên khắp cả nước để bảo vệ hành trình rước đuốc cũng như lễ khai mạc và thời gian diễn ra Olympic và Paralympic từ ngày 26 /07 đến 10/09.

 

https://s.rfi.fr/media/display/e214ffa6-0e04-11ef-849c-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP24130337038027%20%281%29.webp

Ngôi sao bóng rổ Pháp Tony Parker tham gia rước đuốc Olympic Paris 2024 giữa các nhân viên an ninh hộ tống tại Marseille, Pháp, ngày 09/05/2024. AP - Laurent Cipriani

 

Lễ đón ngọn lửa thiêng Olympic, được con thuyền buồm ba cột Belem đưa về từ Hy Lạp hôm qua đã diễn ra thuận buồm xuôi gió trên thành phố cảng Marseille. Khoảng 6000 cảnh sát quốc gia, hiến binh, cùng với hàng nghìn cảnh sát thành phố, nhân viên bảo vệ đã vượt qua thách thức đầu tiên bảo đảm an ninh cho thành phố Marseille có một ngày lễ hội lớn chưa từng có.

 

Đó mới chỉ là điểm khởi đầu chặng đường dài cho những thách thức về an ninh. Tiếp sau đây, ngọn đuốc Olmympic còn phải trải qua hành trình 12 nghìn km qua 400 thành phố trong nước và vùng lãnh thổ hải ngoại, trước khi về đến Paris châm lên đài lửa Thế Vận Hội ngày 26/07 trong lễ khai mạc.

 

Trong suốt hành trình, ngọn đuốc Olympic luôn được 115 cảnh sát và hiến binh bao quanh bảo vệ, chưa kể đến hàng trăm nhân viên an ninh cơ động. Nhiệm vụ của lực lương an ninh là bảo đảm không có một sự cố nào xảy ra, dù là tai nạn hay phá hoại.

 

Khủng bố luôn là nỗi lo ám ảnh đối với an ninh Pháp. Trong trường hợp tấn công khủng bố xảy ra, GIGN, lực lượng tinh nhuệ của hiến binh Pháp, sẽ sẵn sàng can thiệp. Các đơn vị của lực lượng này luôn được bố trí « thường trực » và « sát cạnh » địa điểm rước đuốc, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết.

 

Olympic ( từ 26/07 đến 11/08) tiếp đến Paralympic ( từ 28/08 đến 08/09) diễn ra trong bối cảnh đe dọa khủng bố tại Pháp ở mức cao. Từ hôm 24/03, sau vụ tấn công khủng bố  vào rạp hát Crocus City Hall ở Matxcơva, Pháp đã nâng báo động khủng bố lên mức cao nhất.

Một quan chức cao cấp của bộ Nội Vụ cho biết: « Chúng tôi đã chuẩn bị kỳ Thế Vận Hội trong tình trạng an ninh tối đa, không bị bất ngờ với hoàn cảnh ». Ngay cả khi ở giai đoạn này, "không có" mối đe dọa cụ thể nào đối với Thế Vận Hội, như chính quyền vẫn nói, nhưng một nguồn tin an ninh khẳng định  "mối đe dọa là rất cao", " trái lại bối cảnh quốc tế không hề giảm căng thẳng", với chiến tranh ở Ukraina và Gaza.

 

Mối đe dọa từ trong nước vẫn là nguy cơ chính, bằng chứng là các cuộc tấn công khủng bố mới nhất ở Arras (miền bắc nước Pháp) vào tháng 10/2023, cho đến vụ tấn công tại chân tháp Eiffel vào tháng 12 năm ngoái. Một quan chức của Bộ Nội Vụ cho biết thêm, các vụ khám xét hành chính sẽ nhiều hơn và sẽ tiếp tục “tăng mạnh” từ nay đến Thế Vận Hội.

Một nguồn tin an ninh Pháp cho AFP hay, điểm chú ý hàng đầu của các đơn vị chống khủng bố trong suốt kỳ Thế Vận Hội này là « lượng du khách tập trung quá đông, trong đó có thể có những thành phần bất hảo ». Một nguy cơ khác, là các hành vi thao túng, can thiệp bằng thông tin, gây ra những sự cố nhỏ nhưng cũng được lực lượng an ninh, tình báo theo dõi sát.

 

Vấn đề phản kháng xã hội cũng rất được quan tâm. Chính quyền dự phòng sẽ có các cuộc biểu tình của những nhóm bảo vệ môi trường hay cực tả chống Thế vận hội. Những thành phần này có thể sẽ nhận cơ hội để gây sự chú ý trên truyền thông, đặc biệt là trong hành trình rước đuốc.

 

Nhìn vào hành trình rước đuốc, có rất nhiều điểm có thể dễ xảy ra biểu tình phản kháng như trên.Tuy nhiên, với mức độ bảo vệ dày kín xung quanh các chặng rước đuốc, giới chức an ninh của Pháp tỏ tin tưởng có thể tính và xử lý trước các ý định của các tổ chức đấu tranh xã hội muốn phá hỏng ngày hội.

 

 

Những sự cố hy hữu xung quanh ngọn đuốc qua các kỳ Thế Vận Hội 

Là thời điểm biểu tượng cao của mọi kỳ Thế Vận Hội, các nhà tổ chức luôn nghĩ cách châm ngọn lửa thiêng Olympic lên đài lửa làm sao có thể gây ấn tượng mạnh nhất.

 

Ở Olympic Barcelona 1992, đài lửa được châm bằng cách bắn bằng cung mũi tên châm lửa đuốc lên đài lửa. Bốn năm sau vạc lửa Thế vận hội Atlanta, Hoa Kỳ được vận động viên quyền anh huyền thoại Mỹ Mohamed Ali châm lên khi ông đang mắc bệnh Parkinson. Nhưng với Ở Thế vận hội Seoul 1988, nghi thức thắp đài lửa lại diễn ra ngoài mọi dự kiến. Đàn chim bồ câu biểu tượng cho hòa bình được thả ra ít phút trước nghi thức, khi đài lửa lửa được thắp lên, hàng chục con chim bồ câu bay gần miệc vạc lửa, đã bị thiêu cháy, khiến khán giả chứng kiến cảnh tượng không khỏi bàng hoàng.

 

 

Biểu tình phản kháng

Biểu tình vẫn là hiện tượng thường xảy ra trong các cuộc rước đuốc Olympic, bởi đây là cơ hội để những người biểu tình gây tiếng vang lớn trên truyền thông.

 

Những người bảo vệ nhân quyền cho Tây Tạng đã làm được điều họ muốn trong cuộc rước đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, ở chặng rước đuốc qua Paris. Khi đó hành trình rước đuốc Olympic đã phải bị hủy và ngọn đuốc được đưa lên xe bus chuyển đi do xảy ra xô xát với người biểu tình.

 

Trong chặng rước đuốc về Olympic Sydney 2000, một khán giả, không rõ vì động cơ gì đã giật ngọn đuốc trên tay vận động viên lướt sóng Tom Carroll định ném xuống bờ biển ở cảng Kiama, phía nam Sydney, trước khi bị cảnh sát khống chế. Sau đó một học sinh trung học cũng đã định dập tắt ngọn đuốc bằng bình xịt cứu hỏa.

 

 

Đuốc bị tắt  

Theo truyền thuyết, lửa thiêng Olympic lấy từ Hy Lạp về là biểu tượng của sự vĩnh cửu, không bao giờ tắt. Thế nhưng ở Olympic Luân Đôn đã xảy ra sự cố khiến đuốc phải được châm lại vì bị tắt khi đang được vận động viên khuyết tật môn cầu lông David Follett rước trên xe lăn ở vùng tây nam nước Anh. Lý do chỉ là vì gặp một cơ gió mạnh

.

Trong kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông Sotchi 2014, đuốc Olympic do một nhà máy chế tạo tên lửa của Nga sản xuất đã nhiều lần bị tắt không rõ vì lý do kỹ thuật gì và các nhân viên mật vụ của Nga đã phải kín đáo châm đi châm lại nhiều lần ngọn đuốc.  

 

Đến kỳ Olympic 2020, nghi thức rước đuốc đã bị bỏ, vì đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ngọn lửa được chuyển đến Tokyo ngày 19/03/2020 và chỉ bắt đầu được đưa đến sân vận động ngày 25/03/2021. Ngọn lửa được thắp suốt một năm trong bảo tàng Olympic tại thủ đô Nhật Bản.

 

Trong hành rình rước đuốc đến sân vận động, dài vài km, chỉ có lác đác khán giả đeo khẩu trang đến cổ vũ, nhưng họ được yêu cầu không được vỗ tay hay reo hò vì sợ làm lây lan virus.





No comments: