Tuesday, May 14, 2024

CHUYÊN GIA : VIỆT NAM NÊN QUAN SÁT TÌNH HÌNH PHILIPPINES ĐỂ CHUẨN BỊ CHO MÌNH (RFA)

 




Chuyên gia: Việt Nam nên quan sát tình hình Philippines để chuẩn bị cho mình

RFA
2024.05.14

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/expert-vietnam-should-observe-the-situation-in-the-philippines-to-prepare-itself-05142024090531.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/expert-vietnam-should-observe-the-situation-in-the-philippines-to-prepare-itself-05142024090531.html/@@images/2351c4c0-641c-4727-8d71-1af3bbf2aac0.jpeg

Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu BRP Bagacay (giữa) của Philippines hôm 30/4/2024 gần bãi Scarbrough ở Biển Đông    (Philippine Coast Guard (PCG) / AFP)

 

Trung Quốc hiện đang phong tỏa cùng lúc ba thực thể của Philippines, trong đó có hai thực thể trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là Bãi Cỏ Mây, tức Second Thomas Shoal, và Bãi cạn Scarborough. Đồng thời Trung Quốc cũng đang bao vây thực thể thứ ba là đảo Thị Tứ do Philippines quản lý. Trước tình hình đó, ông Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Stanford, cho rằng: “Việt Nam nên quan sát tình hình Philippines để chuẩn bị cho mình”.

 

Theo ông Powell, Việt Nam hiện đang quản lý nhiều thực thể hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và đến một lúc nào đó Trung Quốc sẽ hướng mắt về những thực thể này. Tất cả những gì Việt Nam quản lý đều nằm trong yêu sách của Trung Quốc và “bây giờ chúng ta có thể thấy Trung Quốc sẵn sàng đi bao xa”.

 

Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell cũng cho rằng động thái Trung Quốc hiện nay xâm nhập vào khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam có mục đích khẳng định các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh. Mặc dù hành động này diễn ra đồng thời với việc phong tỏa ba thực thể của Philippines, tuy nhiên, việc diễn ra đồng thời không có gì đặc biệt. Ông nêu quan điểm của mình với RFA:

 

“Bởi lẽ, tàu Hải cảnh 5403 của Trung Quốc có lịch trình riêng của nó. Những cuộc tuần tra của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính diễn ra khá đều đặn. Luôn có tàu CCG trong khu vực. Khi tàu này rời đi, tàu khác sẽ thế chỗ. Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần, tra xâm nhập trong vùng biển tranh chấp “để thiết lập sự hiện diện liên tục và dần dần bình thường hóa quyền tài phán của Trung Quốc đối với các khu vực vốn là của các nước láng giềng nếu xét theo luật pháp quốc tế”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/expert-vietnam-should-observe-the-situation-in-the-philippines-to-prepare-itself-05142024090531.html/ae49eb1b-95d8-4fa9-81fc-622fc37a35fd.jpeg/@@images/4a04aeb4-6bbf-4306-a379-c050d39891b7.jpeg

Tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5403 xâm nhập, tuần tra bãi Tư Chính của Việt Nam hôm 13/5/2024. SeaLight / Raymond Powell

 

Tuy vậy, TS. Nagao Satoru ở Hudson Institute thì không có cái nhìn như vậy. Theo TS. Nagao, Trung Quốc có cái nhìn tổng hợp, kết nối tất cả các khu vực trong một tầm nhìn duy nhất. Đối với các nước khác thì đó là các vùng khác nhau, nhưng đối với Trung Quốc thì các vùng khác nhau đó nằm trong cùng một vùng. 

 

TS. Nagao Satoru chỉ ra rằng, nếu nhìn từ phía Trung Quốc, Trung Quốc có thể tích hợp và kiểm soát mọi hành động quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ Biển Hoa Đông, Đài Loan, Biển Đông, biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương, v.v. dưới một trung tâm điều hành, một chính phủ. Ví dụ, Trung Quốc có thể kiểm soát Biển Hoa Đông và Biển Đông để cô lập Đài Loan như một chiến lược tổng hợp. 

 

Nhưng đối với các nước xung quanh Trung Quốc, theo ông Nagao, mỗi vấn đề đều được tách biệt. Đối với Philippines và Việt Nam, Biển Đông là vấn đề chính. Đối với Nhật Bản, biển Hoa Đông là vấn đề chính. Đối với Đài Loan, vùng biển xung quanh Đài Loan mới là vấn đề. Đối với Ấn Độ, biên giới Ấn Độ-Trung Quốc và Ấn Độ Dương là những vấn đề chính. Vấn đề Nam Thái Bình Dương là vấn đề lớn đối với Úc (hoặc QUAD) nhưng không phải là vấn đề đối với tất cả các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

 

Vì vậy, theo TS Nagao Satoru, hoạt động phối hợp trong tầm nhìn toàn cảnh là rất quan trọng đối với các quốc gia này, vị chuyên gia ở Hudson Institute về an ninh quốc tế nhận định với RFA.

 

Giai đoạn 2013-2022, Trung Quốc đóng 148 tàu hải quân. Đây là quy mô tương đương với tổng số Hải quân ở Nhật Bản hoặc Ấn Độ. Để đối phó với lực lượng Trung Quốc khổng lồ như vậy, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc hoặc các quốc gia khác nên phối hợp nỗ lực với Mỹ để đối phó với Trung Quốc, TS. Nagao Satoru chia sẻ góc nhìn của mình. Ông trao đổi với RFA: 

 

“Chúng ta nên làm gì? Tôi nghĩ điều quan trọng là khả năng răn đe bằng năng lực tấn công. Trung Quốc có thể mở rộng lãnh thổ vì họ không phải lo lắng về khả năng phòng thủ của mình. Vào tháng 4/2024, Philippines đã tiếp nhận hệ thống tên lửa tầm xa mới "Typhon" (dựa trên Tomahawk) của Mỹ. Nhật Bản đang nhập khẩu tên lửa Tomahawk từ Mỹ. Úc sẽ sở hữu các tàu ngầm hạt nhân mới với tên lửa Tomahawk dưới sự quản lý của AUKUS. Đài Loan đang sở hữu tên lửa tầm xa tấn công Thượng Hải. Hàn Quốc đang mở rộng phạm vi của kho vũ khí tên lửa của mình. Ấn Độ đang phát triển nhiều loại tên lửa đủ tầm xa răn đe Trung Quốc. Và Việt Nam cũng đang sở hữu tên lửa phóng từ tàu ngầm Klub. Khả năng răn đe bằng năng lực tên lửa của các nước này rất quan trọng vì Trung Quốc cần chi nhiều tiền hơn để phòng thủ chúng. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không thể sử dụng toàn bộ ngân sách và nguồn lực của mình cho hành vi xâm lược. Tất cả các quốc gia này nên tích hợp các nỗ lực của mình và nâng cao năng lực cũng như hiệu quả. Đó là giải pháp.”

 

Theo thông tin từ ông Raymond Powell, vào ngày 12 tháng 5, 2024, tàu Hải cảnh Trung Quốc 5403 đã tiến hành xâm nhập vào khu vực các mỏ dầu khí của Việt Nam gần Bãi Tư Chính. Đồng thời, Trung Quốc huy động bốn tàu hải cảnh và 26 tàu dân quân biển để phong tỏa bãi cạn Scarborough của Philippines cũng như bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và đảo Thị Tứ. Và đó là những diễn biến đang diễn ra hiện nay trên Biển Đông.

 

-------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Trung Quốc thực thi chiến thuật “con ếch chết luộc” xung quanh Biển Đông như thế nào?

Thế trận an ninh mới ở Á châu: Việt Nam có thể bình thản được bao lâu?

Việt Nam quốc tế hóa Biển Đông: hợp tác với các cường quốc mà không chọn Trung Quốc

Mỹ và các đồng minh sẽ tiến hành tuần tra chung chống lại Trung Quốc

Việt Nam có đang ỷ lại quá mức vào "ngoại giao cây tre"?

 

 





No comments: