Sunday, May 26, 2024

BÌNH CŨ VÀ RƯỢU KHÔNG MỚI (J.B Nguyễn Hữu Vinh / Blog RFA)

 



BÌNH CŨ VÀ RƯỢU KHÔNG MỚI

J.B Nguyễn Hữu Vình

Thứ Bảy, 05/25/2024 - 04:16 — nguyenhuuvinh

https://www.rfavietnam.com/node/8056

 

Mới đây, ngày 9/5/2024, Tổng Bí thư (TBT) đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng ký ban hành một văn bản có tên: Quy định số 144-QĐ/TW với nội dung: Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.

 

Như vậy, qua một quá trình hơn 60 năm đảng ra sức phát huy mọi yếu tố, mọi hoạt động nhằm chứng minh rằng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như lời Hồ Chí Minh nói năm 1960. Thì nay, đảng tự thấy rằng cái đạo đức, cái văn minh ấy phải vứt đi để thay thế bằng một thứ “đạo đức cách mạng” khác.

 

 

Vậy cái gọi là “Đạo đức cách mạng” là gì?

 

Có thể nói rằng, mọi người dân Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản, nhất là giai đoạn trước đây, khi mà đảng CSVN luôn mồm hô hào những câu sáo ngữ “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội” bằng “Ba cuộc cách mạng” được tiến hành đồng thời… thì không một ai không nghe nói, không được (hoặc bị) đóng đinh vào đầu những chữ này, nhưng chẳng mấy ai hiểu được ngọn ngành cái gọi là “Đạo đức cách mạng” hay “Quyền làm chủ tập thế”. Bởi, nó cũng mông lung, cũng chung chung và dựa dẫm vào nhiều khái niệm khác không rành mạch.

 

Có thể nói rằng, khái niệm đạo đức là một khái niệm khó xâm nhập vào hệ thống Cộng sản với chủ thuyết vô thần, chủ thuyết duy vật vốn quan niệm “Vật chất có trước, tinh thần có sau”. Nghĩa là vật chất quyết định ý thức con người. Mọi cuộc bạo lực cách mạng, vấn đề mục đích cướp chính quyền, chiếm đoạt vật chất là quan trọng bậc nhất.

 

Đạo đức là thứ xa lạ.

 

Cái gọi là “Đạo đức cách mạng” trước đây, cũng như khái niệm “đạo đức” chung chung, đảng CSVN chưa hề có một sự định nghĩa chính xác, cụ thể nào. Đảng CSVN đã xuất bản một tác phẩm với tựa đề: “Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Mặc dù tác phẩm này được ghi với bút danh T.L. như một thói quen thường có là giấu mặt khi viết các bài viết - thì Đảng vẫn khẳng định rằng đây là sản phẩm của Hồ Chí Minh được đăng trên báo Nhân Dân, số 5409, ngày 3/2/1969. 

 

 Tuy nhiên, cũng như bao nhiêu sách vở của các lãnh đạo được sản xuất, được xuất bản, có lẽ cũng ít có ai chú ý đến những cuốn sách tuyên truyền kiểu này. Nó được sản xuất, được in ra hàng đống, đặt trên các giá sách hoặc thậm chí để nguyên trong kho, để rồi sau đó một thời gian lại được tái chế qua hệ thống giấy loại như các loại Tuyển tập hoặc tác phẩm khác của các lãnh đạo đảng và nhà nước.

 

Thực tế, những sản phẩm ấy chẳng có tác dụng gì. Tác dụng chủ yếu là lấy oai cho lãnh đạo, rằng cũng biết viết sách, cũng để lại tác phẩm… Bởi ai có ngờ ngay cả như Đỗ Mười cũng có hàng loạt “tác phẩm” để lại thành “Tuyển tập Đỗ Mười” đấy thôi.

 

Thế nên, việc lãnh đạo viết sách, để lại tác phẩm… đã là nguyên tắc, đã là quán tính và có vậy mới là lãnh đạo, là tầm cỡ. Còn viết để làm gì, có viết thật không và nội dung ra sao, chẳng phải là quan trọng.

 

Đã có người nói đùa rằng: Đọc toàn bộ tác phẩm của Đỗ Mười mà không hề tìm thấy một bài nào về chuyên môn của ông ta là nghề hoạn lợn. Và có người trả lời lại: “Có thể ông ta không viết về nghề hoạn lợn, nhưng tất cả nội dung những điều ông ta để lại, thì ông ta không chỉ hoạn lợn mà còn thiến cả đất nước, cả dân tộc đến mức không thể phát triển, sinh sôi được đấy thôi”.

 

Thế nên, tác phẩm “Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch Chủ nghĩa Cá nhân” của Hồ Chí Minh cũng nằm trong số những tác phẩm lãnh đạo như trên. Người ta không chú ý đến nội dung của nó nhiều ngoài cái nhan đề cuốn sách, và người ta chú ý xem người viết cuốn sách đó hành động ra sao.

 

Rồi người ta thấy một Hồ Chí Minh được thêu dệt nên như một thánh nhân ngay khi còn sống, được ca ngợi, tôn thờ bằng mọi khả năng, bằng mọi cách mà hệ thống tuyên truyền, hệ thống chính trị có thể nghĩ ra như thánh thần khi đang ngồi trên ghế quyền lực.

 

Người ta thấy Hồ Chí Minh kêu gọi “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ngay khi ông ta đang tự tôn sùng mình bằng mọi cách, mọi hình thức. Ông ta có thể ngồi hàng giờ, hàng buổi, có thể hết ngày nọ sang ngày kia cho hàng loạt các họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, các nhà sáng tác sản xuất tác phẩm về mình. Ông ta ngồi ngay dưới tấm hình của mình lớn bằng cái chiếu và câu khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm” ngay trên đầu mình để nói về việc “nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

 

Thậm chí, người ta còn moi ra được việc ông giấu mặt, lấy tên người khác để tự viết tác phẩm tự ca ngợi mình… Điều mà không có một lãnh đạo đất nước nào trên thế giới, dù là độc tài, phát xít hay thực dân đế quốc có thể làm. Tác phẩm ấy là Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch được tái bản liên tục như muốn khẳng định việc “Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch Chủ nghĩa cá nhân” của Hồ Chí Minh.

 

Thế nên, cái gọi là “Đạo đức cách mạng” dù được nói đến nhiều, được kêu gọi bằng mọi cách, thì người ta cũng không thể hiểu được cụ thể nó là cái gì trong thực tế.

 

Hồ Chí Minh, trong bài viết giấu mặt, lấy tên Trần Lực, đăng trên tạp chí Học tập số 12 -1958 đã viết như sau:

 

“Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là:

Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân. Hết  lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.

Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác và cùng đồng chí mình tiến bộ”.

 

Có nghĩa là cái “Đạo đức cách mạng” ấy tức là làm mọi việc cho đảng để phục vụ đảng, còn mọi thứ khác, đều là thứ không cần chú ý, kể cả đạo đức con người.

 

 

Hậu quả của một quá trình “Nâng cao đạo đức cách mạng”.

 

Đã 65 năm, kể từ khi Hồ Chí Minh đặt ra khái niệm “Đạo đức cách mạng” ấy cho đến nay, nghĩa là đã hơn 3 lớp người được sinh ra và trưởng thành, được giáo dục bằng cái gọi là đạo đức cách mạng ấy, ngày nay đảng ra sao và cơ đồ đất nước như thế nào?

 

Đó là câu trả lời cho cái “Đạo đức Cách mạng” mà Hồ Chí Minh đã đặt ra 65 năm trước.

Sau gần 1 thế kỷ có mặt tại Việt Nam, chủ thuyết Cộng sản đã để lại những thành quả hay hậu quả nào trên đất nước, dân tộc này?

 

Ngoài việc đất nước cạn kiệt mọi nguồn tài nguyên vốn dồi dào, giàu có, nợ đầm đìa và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao ở những vụ việc liên quan đến người Việt khi đi làm thuê, khi đi làm nô lệ hoặc trốn chạy khỏi đất nước đến khắp thế giới.

 

Điều ai cũng thấy rõ ràng là một xã hội suy đồi đạo đức đến tận đáy. Những việc suy đồi tưởng như ngày xưa, với truyền thống đạo đức ngàn đời nay của xã hội Việt Nam chẳng ai có thể nghĩ ra, ngày nay đã trở thành chuyện bình thường trong thời cộng sản.

 

Chỉ riêng nội bộ đảng CSVN. Từ khi Hồ Chí Minh hô lên rằng: “Đảng ta vĩ đại thật” con số đảng viên chỉ nửa triệu người. Đến nay, con số đảng viên đã tăng lên gấp cả hơn chục lần. Hơn 5 triệu đảng viên ấy đã đưa đất nước đến ngày hôm nay. Đánh giá về đội ngũ này, không cần dẫn chứng nào khác của “thế lực thù địch”, chỉ cần nghe các lãnh đạo cộng sản, các văn bản của người Cộng sản nói về họ, đủ để thấy thực chất của đảng ra sao.

 

Đó là ngay từ 2006, nghị quyết Đại hội đảng lần thứ 10 viết: “Một bộ phận không nhỏ (có nghĩa là một bộ phận lớn trong đảng -NV) cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt cao cấp, yếu kém cả về phẩm chất và năng lực; thiếu tinh thần chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng…Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”

 

Như vậy, một tổ chức, một đảng mà phần lớn là hư hỏng, là cơ hội, là chủ nghĩa cá nhân… thì cái tổ chức ấy là tổ chức của đa số những kẻ cơ hội, tội phạm, không thể nói cách nào khác hơn.

 

Cụ thể hơn, đó là “một bầy sâu” – Lời Trương Tấn Sang, chủ tịch nước.

 

Bầy sâu đó, “ăn của dân không chừa một thứ gì” – Lời Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước.

 

Chúng đã hùa nhau “ăn quá dày” – Lời Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội.

 

Và bây giờ, Nếu ai vi phạm cũng kỷ luật thì lấy ai mà làm việc – Lời Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội Việt Nam – Bởi từ trên xuống dưới, từ nhỏ đến lớn, từ nam ra bắc đều là đua nhau phạm tội, đua nhau tham nhũng, ăn cắp của công, ăn cướp của dân.

 

Vậy thì đó có phải là kết quả của một quá trình gần 2/3 thế kỷ đảng hô hào “Nâng cao đạo đức Cách mạng”?

 

 

Bình cũ mà rượu… không mới.

 

Bản Quy định số 144-QĐ/TW mà TBT Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành có nội dung gì? Có gì mới, có gì đặc biệt để đến mức phải đưa ra một bản quy định mới trong giai đoạn hiện nay?

 

Văn bản này có 5 điều được nêu ra như sau:

 

- (1) Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc.

 

- (2) Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập.

 

- (3) Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

 

- (4) Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm.

 

- (5) Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời

 

Đọc qua nội dung, chúng ta thấy cái “Đạo đức Cách mạng” ngày nay có điều gì mới so với những quy định về “đạo đức cách mạng trước đây? Chúng ta thấy khác với cái “Đạo đức cách mạng” trước đây, là ở đây có nói đến Tổ Quốc và Nhân Dân chứ không chỉ có đảng như cũ.

 

Nhưng, thực tế của đảng hiện nay như thế nào qua các quy định? 

 

“Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc” – Đây là một đòi hỏi trái ngược với thực tế đảng hiện nay.

 

Bởi đã yêu nước, tôn trọng Nhân dân, thì không thể trung thành với Đảng CS. Ngay từ đầu, đảng CS khẳng định rằng: “Đảng chỉ có một lợi ích là lợi ích của nhân dân”. Ngày nay, cái lợi ích, quyền lợi của nhân dân, đảng đã tự coi như là của mình, mặc sức đảng “thu hồi”, định đoạt, tàn phá, cho, tặng cũng như mặc sức tham nhũng… mà nhân dân đố dám mở mồm nếu không muốn bị trấn áp, vào tù, hay “giải phóng”. Và người dân được tự do làm dân oan khắp nơi.

 

Còn Tổ Quốc ư? Có Tổ Quốc nào ở đây để trung thành, khi mà Tinh thần Quốc tế cộng sản vẫn là sợi dây trói buộc đảng vào hệ thống mấy quốc gia mang danh độc tài, cộng sản hoặc tàn dư Cộng sản như Nga, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Lào, những “quái gở” của thế giới.

 

Liệu có còn Tổ Quốc không, khi mà chính cái mồm TBT Đảng nói rằng: “Nếu có đụng độ ngoài Biển Đông, liệu có thể ngồi đây mà bàn Đại hội đảng được không” khi mà dân tình đòi hỏi lên tiếng vì Tổ Quốc, biển đảo đang bị xâm lăng? Thế rồi, những người lên tiếng vì đất nước, vì Tổ Quốc đã được đảng dành cho những chỗ ở trong các nhà tù với những bản án kinh hoàng.

 

“Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập” ư? Người ta chưa thấy đảng bản lĩnh nào ngoài việc đứng vào phe thiểu số, vào những quốc gia           quái gở, bị khinh rẻ nhất, được coi là những côn đồ quốc tế, những con bệnh của thế giới văn minh. Những cái gọi là sáng tạo, hội nhập, chỉ là chuyện “Không học bắt chuột, chỉ học ỉa bếp” là nhanh.

 

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo cách nào? Hãy cứ nhìn vào hệ thống cán bộ đảng hiện nay từ trên xuống dưới, từ mọi ngành, mọi cấp… hễ cứ đụng đến chỗ nào, thì từng đoàn, từng ổ từ Bí Thư, Chủ tịch cho đến các Đầu ban ngành, từ trưởng đến phó, từ đương chức cho đến cựu, cán bộ đến nhân viên… đều bị dọn sạch bởi tham nhũng chùm, tham ô tập thể. Hàng chục Tỉnh đảng bộ hiện không còn cán bộ lãnh đạo.

 

Còn cái “Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” hay “Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời”?. Thiết nghĩ rằng những câu khẩu hiệu hay ho này, đã được chứng minh hết sức sinh động qua một nhóm nhỏ 18 Ủy viên Bộ Chính trị nay thì bị kỷ luật 1/3, Tứ trụ triều đình bị đốn mất một nữa bằng những cú Knokout không thể nào thanh minh nửa lời.

 

Có lẽ không cần phải chứng minh nhiều, chỉ mấy ví dụ trên đã đủ để chứng minh rằng những lời hò hét của Bản Quy định này, chỉ là những câu khẩu hiệu nơi cửa miệng xưa nay của người Cộng sản, chúng hoàn toàn không có trong thực tế và không hề tồn tại trong môi trường Cộng sản.

 

Và nếu vẫn bám vào những khẩu hiệu này, thì đó chỉ là một ví dụ để chứng minh lời nói bất hủ của Cố TT Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu: “Hãy xem việc Cộng sản làm. Đừng nghe lời người Cộng sản nói”.

 

23.05.2024

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 

nguyenhuuvinh's blog






No comments: