Thursday, December 14, 2023

VIỆT NAM MẤT DẦN ẢNH HƯỞNG VỚI CAMPUCHIA (Hà Lệ Chi / RFA)

 



Việt Nam mất dần ảnh hưởng với Campuchia

Bình luận của Hà Lệ Chi
2023.12.12

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-losing-its-influence-on-cambodia-12122023103203.html

 

Chuyến xuất ngoại thứ hai của Hun Manet

 

Sáng ngày 11/12, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam.[1] Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ đón tiếp người đồng cấp từ nước láng giềng. Đây là chuyến xuất ngoại thứ hai của ông Hun Manet từ khi giữ trọng trách thủ tướng. Chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Hun Manet trong cương vị Thủ tướng là đi sang Trung Quốc.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-losing-its-influence-on-cambodia-12122023103203.html/@@images/b06912c1-4ca7-4287-a913-cbe0df6593f5.jpeg

Thủ tướng VN Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet (giữa) tại lễ đón ở Hà Nội hôm 11/12/2023   (AFP)

 

Mặc dù bị lu mờ bởi chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ một ngày sau đó (mà cả Tứ trụ Việt Nam đều phải tham gia tiếp kiến), nhưng báo chí Việt Nam và Campuchia cũng đưa khá nhiều tin về chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Hun Manet.

 

Campuchia là quốc gia khá đặc biệt trong quan hệ với Việt Nam. Là một trong ba nước Đông Dương (Gồm Việt Nam, Lào và Campuchia), Campuchia có cả biên giới trên bộ và trên biển với Việt Nam. Việt Nam đã trải qua cuộc chiến với lực lượng Khmer Đỏ - Vốn là một chính thể theo lý tưởng chủ nghĩa xã hội nhưng dưới tinh thần Maoist. Từ cuộc chiến này, Việt Nam đã giúp dựng lên nhân vật Hun Sen, người đã nắm chức vụ Thủ tướng kéo dài rất lâu ở Campuchia. Ông Hun Sen cũng chính là cha của ông Hun Manet. Nội các của ông Hun Manet hầu hết là những gương mặt mới nhưng đều là con cháu của những đại công thần dưới trào ông Hun Sen.

 

 

Vấn đề biên giới trên đất liền

 

Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.255 km, kéo dài từ cặp tỉnh Kon Tum - Rattanakiri đến cặp tỉnh Kiên Giang - Kampot. Đường biên giới này đi qua 10 tỉnh  của Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và chín tỉnh của Campuchia là Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takeo và Kampot.[2]

 

Cho đến nay, biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia vẫn chưa thể hoàn tất xong công việc phân giới cắm mốc. Tính đến năm 2018, hai nước đã hoàn thành phân giới được khoảng 1.045km đường biên giới (khoảng 84%), xây dựng được 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí (chưa kể cột mốc không số cắm tại vị trí ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-

Campuchia).[3] Vẫn còn 16% chưa thể phân giới. Điều này khiến chính quyền Việt Nam luôn cảm thấy như ngồi trên đống lửa, vì mỗi khi chính trị Campuchia bị xáo trộn thì vấn đề biên giới Việt - Cam lại bị lôi ra mổ xẻ.

 

Mặc dù đã hoàn toàn xoá sổ đảng đối lập mạnh nhất cùng với đối thủ chính trị Sam Rainsy.[4] Sam Rainsy cùng đảng Ánh nến của ông ta đã liên tục tấn công ông Hun Sen và chính quyền Campuchia về tội “bán đất cho Việt Nam”. Nhưng không hiểu vì sao ông Hun Sen vẫn chưa chấp nhận phân giới cắm mốc với Việt Nam 16% còn lại? Hay có lẽ ông Hun Sen muốn có những toan tính chính trị nào đó đằng sau vấn đề này hay không?

 

Việt Nam có lẽ đang hy vọng ông Hun Manet sẽ tiếp tục đường lối của cha mình và sẽ tiếp tục việc hoàn tất phân giới cắm mốc biên giới trên bộ với quốc gia này. Ông Hun Sen là người được đào tạo tại Việt Nam, đã từng lấy bằng Tiến sĩ tại Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ông Hun Sen là một nhà chính trị khôn ngoan và xảo quyệt, cho nên ít nhất từ năm 2009 trở về đây, Campuchia dường như đã ngả về phía Bắc Kinh để đổi lấy những món lợi lớn về kinh tế, trong khi quay lưng lại với người bạn hàng xóm Việt Nam của mình, thậm chí có những hành động đối lập lợi ích đối với quốc gia ASEAN láng giềng này.

 

Không chỉ đứng ra với tư cách thành viên ASEAN để ngăn cản các Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN các năm 2012, 2016 khi các Ngoại trưởng muốn lên án hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, Campuchia giờ đây được coi như một “chư hầu” hăng say và nhiệt tình trước các nhiệm vụ của Bắc Kinh.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-losing-its-influence-on-cambodia-12122023103203.html/2016-12-20t000000z_1517132043_rc1f97ba3830_rtrmadp_3_vietnam-cambodia.jpg/@@images/1d4d02e2-b9a2-4f5a-b9d9-672f59d89aa0.jpeg

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 20/12/2016. Reuters

 

 

Căn cứ quân sự Ream

 

Căn cứ quân sự Ream là một đề tài gây tranh cãi giữa Campuchia và nhiều quốc gia trên thế giới. Trước đó, Campuchia cho sửa chữa căn cứ quân sự cũ này, với mục đích như giới chức Campuchia nói là để hiện đại hoá quân đội Campuchia và không liên quan đến Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, năm 2019, tở Wall Street Journal lại phát hiện ra về một dự thảo ban đầu của một thỏa thuận theo đó Campuchia cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm, với quyền được bố trí quân lính, lưu trữ vũ khí và cho tàu chiến neo đậu.[5]

 

Thủ tướng Campuchia thời đó là ông Hun Sen đã phủ nhận sự tồn tại của thỏa thuận, nhưng sau đó Phnom Penh đã cho phép Trung Quốc nâng cấp và phát triển đáng kể căn cứ Ream.

 

Trong một bài phân tích ngày 1/12, báo mạng “Asia Sentinel” cho biết hình ảnh vệ tinh trong 18 tháng qua đã cho thấy là quân cảng Ream ở Campuchia không chỉ có thêm bến tàu đủ dài để cho tàu sân bay neo đậu, nhưng cũng đồng thời có thêm một ụ tàu lớn trên vùng đất khai khẩn ở phần phía Nam của căn cứ.[6]

 

Tom Shugart - nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ - đã phân tích một số ảnh vệ tinh và thấy rằng việc rà phá và làm đường đáng kể đã được thực hiện trong khu vực dành riêng cho quân đội Trung Quốc sử dụng. Việc này sẽ cho phép triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa dẫn đường bằng radar từng được ghi nhận tại các căn cứ hải quân của Trung Quốc.[7]

 

Chiến hạm Trung Quốc đã trở thành những chiếc tàu đầu tiên sử dụng quân cảng Ream của Campuchia vừa được nâng cấp.

 

Thông tin về việc ít nhất 2 tàu Hải Quân Trung Quốc cập bến tại Căn cứ hải quân Ream của Campuchia nhìn ra Vịnh Thái Lan đã được đưa ra một cách gián tiếp, thông qua một bài đăng của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha trên mạng xã hội Facebook ngày 3/12 vừa qua.[8] Bài viết cho biết là quan chức này đã đến căn cứ Ream để thị sát việc chuẩn bị cho hoạt động huấn luyện của Hải quân Campuchia cũng như kiểm tra tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng ở nơi này.

 

Bài viết không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng lại kèm theo nhiều hình ảnh chụp quan chức Campuchia cùng Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên và nhất là cho thấy hai chiến hạm đậu tại bến, một chiếc được xác định là tàu hộ tống Văn Sơn (Wenshan) của Hải Quân Trung Quốc.

 

Hãng tin AP đã tham khảo thêm các bức ảnh vệ tinh do Planet Labs PBC chụp ngày 3/12 cho thấy hai tàu chiến Trung Quốc neo đậu ở căn cứ Ream và hình dáng tương ứng với những hình ảnh được ông Tea Seiha chia sẻ trên mạng. Căn cứ vào kích thước và hình ảnh các con tàu mà Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia công bố, AP cho rằng rất có thể cả hai đều là tàu hộ tống hạm lớp Type 56 của Trung Quốc.[9]

 

Sự hiện diện của hai chiến hạm Trung Quốc tại căn cứ Ream đã đặt ra câu hỏi về khả năng Trung Quốc bắt đầu tiếp quản cơ sở quân sự có giá trị chiến lược trọng yếu này.

 

Nếu Trung Quốc thực sự quản lý cơ sở quân sự Ream này, thì sẽ là một lo ngại đặc biệt đối với Việt Nam, quốc gia láng giềng của Campuchia nhưng lại đang có những tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.

 

Bằng cách triển khai quân đội của mình tại đây, Trung Quốc có thể đe doạ Việt Nam ngay tại Vịnh Thái Lan, dễ dàng thọc sâu vào khu vực biển phía Nam của nước này. Và cũng với căn cứ quân sự này, Trung Quốc có thể dần thúc đẩy việc tiến tới kiểm soát các con đường vận tải biển chiến lược gần eo biển Malacca, đồng thời thúc đẩy gia tăng sự uy hiếp đối với các quốc gia Đông Nam Á.[10]

 

Căn cứ quân sự Ream đặt Việt Nam vào tình thế hai mặt trận, thậm chí ba mặt trận, khi phải đối mặt với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc không chỉ dọc biên giới phía bắc và ở Biển Đông mà còn ở biên giới phía tây nam.[11]

 

 

Kênh đào Phù Nam Techno

 

Mới đây, Campuchia đã tuyên bố chính thức thực hiện dự án kênh đào Phù Nam Techno, được học giả Campuchia ca ngợi là “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi.”[12]

 

“Phù Nam Techo có thể coi là nỗ lực của Campuchia trong việc biến mình thành cửa ngõ kinh tế và văn hóa của sông Mekong. Dự án đã được phê duyệt tại phiên họp toàn thể Quốc hội vào ngày 19/5/2023. Ngày 7/6/2023, chính phủ quyết định thành lập Ủy ban liên bộ để thực hiện dự án. Vào ngày 17/10/2023, Campuchia đã ký một thỏa thuận cho phép Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) tiến hành nghiên cứu tính khả thi của dự án.”[13]

 

Tuy nhiên, con kênh này sẽ được đánh giá sẽ có ảnh hưởng đến sự sống còn của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và hơn 20 triệu cư dân vùng châu thổ này.[14]

 

Không chỉ về vấn đề môi trường và thuỷ văn, bài học căn cứ quân sự Ream, tất cả đã cho thấy cả Campuchia và Trung Quốc đã che giấu nhiều thứ đằng sau như thế nào. Liệu đó chỉ là một kênh đào với mục đích kinh tế đơn thuần như Campuchia đã tuyên bố? Hay là còn nhiều vấn đề chiến lược để kiềm chế và làm suy yếu, đe doạ Việt Nam như cả Campuchia và Trung Quốc đã làm với căn cứ Ream?

 

 

Việt Nam cần phải hành động

 

Chuyên gia cao cấp về phân tích chiến lược của RAND Derek Grossman đã cho biết: “Hàng loạt hoạt động của Trung Quốc với các “đối tác chiến lược đặc biệt” truyền thống của Việt Nam hẳn sẽ gây khó chịu cho các nhà lãnh đạo Việt Nam. Mặc dù ít công khai hơn, những tương tác của Việt Nam với Campuchia và Lào vẫn tiếp tục đặc biệt gần gũi bất chấp ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Nhưng thực tế là Trung Quốc đã làm lu mờ Việt Nam ở Đông Dương, và thực tế đó có nghĩa là nỗi lo lắng của Hà Nội sẽ chỉ tiếp tục gia tăng ở sân sau của mình. Hà Nội có thể sẽ phải tìm các biện pháp thay thế để lôi kéo Campuchia và Lào chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực quan trọng này trong những năm tới.”[15]

 

Vấn đề là Việt Nam cần phải hành động, chứ không chỉ biết nhún nhường và ve vuốt các quốc gia láng giềng vốn là “đàn em” của mình trước kia. Trong chuyến thăm của ông Hun Manet, không biết các lo ngại này có được đặt lên bàn nghị sự của hai bên không? Nếu không, có lẽ Việt Nam cần lo lắng và chuẩn bị cho các nguy cơ của mình trong tương lai gần.

 

_____________

Tham khảo:

 

[1] https://nhandan.vn/thu-tuong-vuong-quoc-campuchia-hun-manet-bat-dau-tham-chinh-thuc-viet-nam-post786900.html

 

[2] http://biengioilanhtho.gov.vn/vi/tin-tuc/duong-bien-gioi-tren-dat-lien-viet-nam-va-campuchia-di-qua-nhung-tinh-nao--1089204.html

 

[3] https://special.nhandan.vn/biengioi_vietnam_campuchia/index.html

 

[4] https://thanhnien.vn/campuchia-loai-dang-tung-mang-ten-ong-sam-rainsy-truoc-them-bau-cu-185230515163910641.htm

 

[5] https://www.wsj.com/articles/secret-deal-for-chinese-naval-outpost-in-cambodia-raises-u-s-fears-of-beijings-ambitions-11563732482

 

[6] https://www.asiasentinel.com/p/cambodia-ream-naval-base-chinese-trojan-horse

 

[7] https://www.asiasentinel.com/p/cambodia-ream-naval-base-chinese-trojan-horse

 

[8] https://www.facebook.com/TeaSeiha0055/posts/pfbid02axSFZ5SqLex5R69p2Wxd9uEXcevcEH6AzwffYmRtMSwqKCMF9LB4hX3mhmoaQQx3l

 

[9] https://apnews.com/article/cambodia-china-navy-base-thailand-gulf-25fd5ba4af472ec96c68108ea0371c11

 

[10] https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/ream-naval-base-threat-vn-06102022132154.html

 

[11] https://www.dw.com/en/is-china-building-a-military-base-in-cambodia/a-62124251

 

[12] https://www.khmertimeskh.com/501401182/cambodias-funan-techo-canal-a-game-changer/

 

[13] https://www.khmertimeskh.com/501401182/cambodias-funan-techo-canal-a-game-changer/

 

[14] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/funan-canal-in-cambodia-the-final-nail-in-the-coffin-of-the-mekong-delta-10032023123358.html

 

[15] https://www.rand.org/pubs/commentary/2020/11/vietnam-is-losing-its-best-friends-to-china.html

 

----------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài  Á Châu Tự Do

 

Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. 

 

------------------------------------

Tin, bài liên quan

BLOG

 

Việt Nam cần đề phòng tình huống xấu nhất từ căn cứ của Trung Quốc ở Campuchia

 

Hun Manet liệu có giống cha mình? Quan hệ CPC – Việt Nam sau khi Phnom Penh có Thủ tướng mới

 

Hun Sen thăm Trung Quốc: Bối cảnh của bức tranh lớn hơn

 

Một năm thất bại của Campuchia và Trung Quốc

 

Tại sao Campuchia nói muốn thúc đẩy COC ở Biển Đông vào lúc này?

 

 





No comments: