Câu chuyện về một gia đình
nông dân bất khuất
Thứ Ba, 12/12/2023 - 13:07 — songchi
https://www.rfavietnam.com/node/7865
Trong số hàng vạn, hàng triệu dân oan bị mất đất
ở Việt Nam, có một gia đình rất đặc biệt: Thoạt đầu, họ chỉ là những người nông
dân bị mất đất, rồi gia nhập đội ngũ dân oan đi khiếu kiện với chính quyền, kiện
cho mình sau đó đứng ra khiếu kiện cho cả những người khác, dần dà mắt thấy tai
nghe, phẫn uất trước những hành động, chính sách cướp đoạt đất đai, tước đoạt tự
do, đàn áp, bắt bớ, thậm chí giết hại dân lành của nhà cầm quyền (như trong vụ
án Đồng Tâm), họ trở thành những nhà hoạt động mạnh mẽ, những tù nhân lương tâm
bất khuất. Cả gia đình 4 người lần lượt vào tù, với 6 bản án…Đó là gia đình bà
Cấn Thị Thêu mà nhiều người đã biết đến.
*****
Bà Cấn Thị Thêu quê ở huyện Thạch Thất, tỉnh
Hà Tây, bây giờ tỉnh Hà Tây đã được sáp nhập vào thành phố Hà Nội.
Năm 1978 gia đình cô Cấn Thị Thêu đến xã Ngọc
Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình để khai hoang, theo chính sách khuyến
khích người dân đi khai hoang ở những vùng đất cằn cỗi của nhà nước cộng sản Việt
Nam lúc bấy giờ.
Còn ông Trịnh Bá Khiêm khi ấy là một chàng
trai trẻ được tổng động viên đi nghĩa vụ quân sự vào tháng 4.1979 để chống
Trung Quốc xâm lược. Đơn vị của ông đóng quân ở địa bàn sát với nơi gia đình cô
Cấn Thị Thêu khai hoang, nên hai người quen nhau. Anh bộ đội Trịnh Bá Khiêm ra
quân năm 1983 thì tháng 2.1984 hai người lập gia đình với nhau, sau đó cùng về
cư ngụ tại Dương Nội – nơi có gia đình, dòng họ anh Trịnh Bá Khiêm sinh sống.
Xã Dương Nội thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây
cũ. Khi chưa sáp nhập, nhà cầm quyền cắt Dương Nội về quận Hà Đông, thuộc thành
phố Hà Đông. Sau đó sáp nhập vào Hà Nội, trở thành quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Dương Nội vốn thuộc ven đô thành phố Hà Nội.
Ngày trước Hà Nội chỉ có 4 quận huyện thuộc thành phố, còn lại là huyện ven
thành phố. Đất nơi đây là đất truyền từ nghìn đời. Dương Nội có 3 ngôi chùa thờ
những nhân vật theo đạo Phật cả 1000 năm như ông Từ Đạo Hạnh.
Lập gia đình xong anh Khiêm đưa chị Thêu về nhập
hộ khẩu Dương Nội, còn mảnh đất ở xã Lộc Nương vẫn làm trang trại trồng cây ăn
quả. Trang trại này gia đình được cấp đất sử dụng lâu dài. Trước đây trồng na
(mãng cầu xiêm), bây giờ trồng bưởi Diễn.
Theo số liệu của nhà cầm quyền khi tiến hành
thu hồi đất Dương Nội vào năm 2008 thì xã Dương Nội có 4000 hộ gia đình, khoảng
17,000 dân. Bình quân mỗi hộ dân có khoảng gần 200 m2 đất canh tác, 200 m2 đất
thổ cư, ngoài ra còn có khoảng 50 m2 trồng rau để ăn. Riêng đất canh tác mỗi
năm người dân ở đây làm 2 vụ lúa, 1 vụ màu, cũng đủ sống.
Như đã nói, dân ở đây toàn là dân có gốc gác từ
nghìn đời. Gia đình ông Khiêm cũng vậy, đất đai kế thừa từ tổ tiên bao đời để lại.
Nhưng chế độ cộng sản tham lam luôn nhòm ngó đến
đất đai của dân. Từ 2008 chính quyền tỉnh Hà Tây dưới thời chính phủ của ông cựu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định thu hồi đất Dương Nội để “phát triển
kinh tế”. Đất canh tác của Dương Nội có khoảng 320 hecta, chính quyền tỉnh Hà
Tây lệnh cho thu hồi khoảng 80%. Dân Dương Nội xôn xao phản ứng. Ông Nguyễn Văn
Thanh, Phó Tổng Thanh tra của chính phủ còn bảo: Tất cả đất canh tác của Dương
Nội là nằm trong dự án hết rồi.
Như vậy, đa số dân Dương Nội bị mất trắng đất
đai, chỉ còn một số ít chưa bị mất. Gia đình ông Trịnh Bá Khiêm có khoảng 1400
m2, sau khi thu hồi còn lại khoảng 400 m2.
Nhà cầm quyền trả cho người dân 200, 000
VNĐ/m2, trong khi họ bán lại 30–50–70 000 000 VNĐ/m2. Còn đến bây giờ thì giá đất
Dương Nội đã lên tới 100,000,000 VN Đ/m2 là thấp nhất)
Ông Trịnh Bá Khiêm nói: Tính ra tổng cộng số
tiền mà nhà cầm quyền đền bù cho mỗi khẩu, tức mỗi người dân, không mua nổi một
m2 mà nhà nước thu hồi rồi bán lại.
Không chịu được việc bị cướp đất trắng trợn
như vậy, người dân Dương Nội bắt đầu đi đấu tranh. Gia đình ông Trịnh Bá
Khiêm–bà Cấn Thị Thêu cũng đi theo mọi người làm đơn khiếu nại, gửi thư lên nơi
này nơi kia.
Cả 2 vợ chồng bị tù lần thứ nhất:
Vào cái ngày 24.5.2014 ấy nhà cầm quyền cho
côn đồ xã hội đen, công an, dân phòng với số lượng đông đảo cùng với máy ủi ầm ầm
đến cưỡng chế một khu đất ven xã Dương Nội.
Ông Trịnh Bá Khiêm còn nhớ như in những cảnh
tượng tàn ác của nhà nước Việt Nam trong quá trình thu hồi, cưỡng chế đất đai của
người dân. Như cho xe ủi đất ủi, san bằng nghĩa địa tồn tại đã bao nhiêu đời của
dân Dương Nội, có ngôi mộ đã được xây thì vỡ nát, nhưng nhiều ngôi mộ chỉ là nắm
đất, xe ủi làm bật lên tất cả mồ mả, xương cốt lẫn vào với nhau, chả biết xương
nào là của ai. Người dân nhặt nhạnh cho vào cái thùng đựng mì tôm, đem lên các
cơ quan công quyền để khiếu nại, nhưng sau chính quyền xã giữ lại rồi thủ tiêu
đi đâu mất.
Nhà cầm quyền còn cho côn đồ đi đào mọi cái mồ
còn sót lại vứt đi, để lấy đất. Tiền công cứ 500, 000 VNĐ một cái mộ. Dân Dương
Nội bắt được một tay đã đào 3 cái mộ như vậy nhưng chính quyền không xử lý theo
luật tội xâm phạm mồ mả mà ỉm đi. Hoặc ruộng lúa đang xanh tốt, nhà cầm quyền
cho xe ủi tới chà sạch, dân không có lúa. Trong quá trình cưỡng chế thì đánh đập
dã man, bỏ tù tất cả hơn 10 người.
Ngày 24.5.2014 ông Trịnh Bá Khiêm và người dân
ngăn cản liền bị công an, côn đồ đánh đập dã man. Sau đó ông Trịnh Bá Khiêm và
3 người nữa bị bắt đưa lên xe tù về trại giam Hà Đông. Trong khi đó bà Cấn Thị
Thêu đứng trên một cái chòi cao khoảng 4.50 m (người dân dựng cái chòi khoảng
2, 50 mx 3 m trên 4 cây tre để có thể nhìn bao quát chung quanh) để thu hình cảnh
công an, côn đồ đến cưỡng chế đất. Phát hiện ra điều đó, 4 tên công an, dân
phòng liền leo lên chòi, đánh ngất xỉu bà Thêu rồi cho vào bao tải, dùng gầu
máy xúc đưa lên bỏ bà Thêu vào hạ xuống đất, đưa về trại giam.
Khi ở trong trại giam bà Cấn Thị Thêu đã tuyệt
thực 13 ngày, người yếu, chân tay lạnh hết. Nhà cầm quyền phải cho luật sư vào
gặp, bà Thêu mới ngừng tuyệt thực. Trong một phiên tòa “án bỏ túi” sau đó, hai
vợ chồng ông Trịnh Bá Khiêm–Cấn Thị Thêu bị kết án 15 tháng tù vì tội “chống
người thi hành công vụ”. Ba người khác, hai nam một nữ cũng bị bắt, bị tuyên án
6 tháng tù. Nhưng trước khi hai vợ chồng bị bắt chừng vài ngày thì có 2 người
khác là ông Trần Văn Miên và Trần Đình Sang bị kết án 20 tháng tù.
Hết hạn tù, ông Trịnh Bá Khiêm, bà Cấn Thị
Thêu lại tiếp tục cùng dân Dương Nội đấu tranh đòi lại đất.
Bà Cấn Thị Thêu bị tù lần thứ hai:
Lần thứ hai bà Cấn Thị Thêu bị bắt là ngày
20.6.2016. Công an đến tận trang trại Ngọc Nương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình
bắt với tội danh “gây rối trật tự công cộng”. Họ vin vào lý do trước đó bà Thêu
đi gửi đơn khiếu nại đòi lại quyền sở hữu đất đai ở Bộ Tài Nguyên-Môi trường, bảo
là “làm tắc đường và gây rối trật tự công cộng”.
Lần này chỉ có một mình bà Thêu bị bắt, và bị
kết án 20 tháng tù. Lúc tạm giam thì ở trại tạm giam số 1 Công An TP. Hà Nội,
lúc thi hành án thì đưa về trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên.
Ông Trịnh Bá Khiêm và bà Cấn Thị Thêu có tất cả
3 người con: con trai cả Trịnh Bá Phương, con gái Trịnh Thị Thảo, con trai út
Trịnh Bá Tư.
Tù tội không hề làm cho tinh thần của bà Cấn
Thị Thêu và gia đình bà nói chung chùn bước. Xong 20 tháng tù trở về, gia đình
bà vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội dân sự, tham dự các phiên biểu
tình đòi trả tự do cho các tù nhân lương tâm trong Hội anh em Dân chủ, đòi trả
tự do cho Luật sư Lê Quốc Quân, nhà hoạt động Trần Thị Nga ở Phủ Lý, Hà Nam
(nay đã được phóng thích sang tỵ nạn tại Mỹ cùng chồng và hai con), biểu tình
phản đối nhà máy thép Formosa làm ô nhiễm môi trường v.v…
Hoạt động cuối cùng của gia đình bà là đưa tin
về vụ án Đồng Tâm – một vụ án cưỡng chế đất đai, đàn áp dân lành bộc lộ tội ác
tàn bạo, dã man của nhà nước cộng sản Việt Nam khi ra lệnh cho hàng ngàn quân
ùa vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, bắn, giết tại
chỗ người đứng đầu dân làng Đồng Tâm đấu tranh chống lại lệnh cưỡng chế, thu hồi
đất của nhà nước là cụ Lê Đình Kình–một đảng viên 60 tuổi đảng; bắt giam 29 dân
làng, trong đó nhiều người bị thương nặng. Nhà cầm quyền sau đó ngụy tạo, dựng
lên vụ án người dân giết 3 chiến sĩ công an để kết án tử hình hai con trai cụ
Lê Đình Kình là Lê Đình Công và Lê Đình Chức, kết án chung thân cháu nội của cụ
là Lê Đình Doanh – không khác gì bị “tru di ba đời”, khiến nhiều người liên tưởng
đến vụ án “tru di tam tộc” mà gia đình vị công thần Nguyễn Trãi ngày xưa phải
gánh chịu. Nhiều người khác bị kết án nặng nề trong đó có cụ Bùi Viết Hiểu bị
công an bắn trọng thương, sau đó bị xử 16 năm tù!
Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du từng phẫn uất
chỉ ra lũ sai nha “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”, bây giờ chỉ vì 59 hecta
đất nông nghiệp mà đảng cộng sản sẵn sàng bắn giết, bỏ tù, đàn áp, vu khống dân
dã man như vậy.
Trở lại gia đình bà Cấn Thị Thêu, trong những
ngày xảy ra vụ Đồng Tâm, cả gia đình bà rất tích cực lên tiếng. Trịnh Bá Phương
liên tục đưa tin, hình ảnh vụ việc lên trên mạng xã hội. Nhà cầm quyền cho bắt
cả 3 người.
3 người trong gia đính đều bị tù, với bà Cấn Thị Thêu là lần thứ ba:
Cả 3 người đều bị bắt cùng ngày 24/6/2020. Trịnh
Bá Phương bị bắt tại nhà ở Dương Nội khi đứa con thứ hai vừa mới sinh được 4
ngày. Bà Cấn Thị Thêu đang ở Dương Nội chăm cho con dâu là vợ Phương mới sinh,
hôm đó qua nhà con gái là Trịnh Thị Thảo ở gần đó, cũng bị bắt luôn, còn Trịnh
Bá Tư thì bị bắt tại căn nhà đang sống với cha là ông Trịnh Bá Khiêm ở Hòa
Bình.
Ngày 5/5/2021, TADN tỉnh Hòa Bình mở phiên xét
xử sơ thẩm đối với bà Cấn Thị Thêu (SN 1962) và Trịnh Bá Tư (SN 1989) về tội
"Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm
nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Cả hai bị
tuyên án 8 năm tù, 3 năm quản chế.
Ngày 24/12/2021, tại Hoà Bình, TAND Cấp cao tại
Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, giữ nguyên mức án của 2 người.
Trong khi đó, mãi đến ngày 15/12/2021, Tòa án
nhân dân TP.Hà Nội mới mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Trịnh Bá Phương (SN 1985) và
bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1972), cùng trú quận Hà Đông, Hà Nội về tội “Làm, tàng trữ,
phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 117-Bộ luật Hình sự năm
2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Kết quả, Trịnh Bá Phương bị tuyên án 10 năm tù
cộng 5 năm quản chế, và Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù, 3 năm quản chế.
Và mãi đến ngày 17/8/2022, Tòa án nhân dân Cấp
cao tại Hà Nội mới mở phiên tòa xét xử phúc thẩm 2 người, và cũng y như trường
hợp bà Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư, kết quả là y án.
Theo ông Trịnh Bá Khiêm, không phải chỉ vì
tích cực đưa tin vụ Đồng Tâm–một tội ác tày trời của đảng và nhà nước cộng sản,
mà ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu phải vào tù; mà còn vì toàn bộ những hoạt động xã
hội dân sự của cả nhà suốt một thời gian dài, bất cứ vụ việc bất công, ngang
trái nào gia đình ông cũng tham gia, thêm một lý do nữa, bắt để làm tắt những
tiếng nói đấu tranh trong vụ cướp đất Dương Nội. 80% đất canh tác ở Dương Nội bị
cưỡng chế, thu hồi, nay đã biến thành biệt thự, chung cư hoặc để phân lô bán nền,
người dân bị mất đất vĩnh viễn.
Ngục tù dưới chế độ cộng sản:
Khi được gọi điện về nhà lần đầu tiên, Trịnh
Bá Phương đã kể cho gia đình nghe việc anh bị bọn công an điều tra đánh đập để
yêu cầu mở khóa điện thoại. Vì anh nói không biết điện thoại đó của ai nên bị
đánh vào đầu, vào bộ phận sinh dục, bị đe dọa cho vào Viện Tâm thần. Trịnh Bá
Phương tiếp tục im lặng, không trả lời mọi câu hỏi nên rốt cuộc 6, 7 tháng sau
bọn công an đưa Trịnh Bá Phương qua Bệnh viện Tâm thần. Anh bị giam trong một
căn buồng nhỏ hẹp, điều kiện sinh hoạt khổ sở nhưng còn may mắn là không bị ép
uống thuốc điều trị bệnh tâm thần. Sau một tháng bọn họ trả anh về lại giam ở Hỏa
Lò.
Với các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị,
từ cách xử án, bản án đều vi phạm ngay chính luật tố tụng của nhà nước Cộng hòa
XHCN Việt Nam. Ông Trịnh Bá Khiêm cho biết: Với trưởng hợp của Trịnh Bá Phương,
luật quy định một lần tạm giam 3 tháng, được phép gia hạn thêm 2 lần nữa, cũng
có thể mỗi lần gia hạn 4 tháng. Nhưng Trịnh Bá Phương bị tạm giam 4 tháng, gia
hạn thêm 2 lần là 12 tháng.
Như vậy phiên tòa sơ thẩm đã tạm giam Trịnh Bá
Phương quá thời hạn 3 tháng. Xử sơ thẩm xong thì tòa phúc thẩm lại giam giữ quá
thời hạn 5 tháng. Tổng cộng quá thời hạn 8 tháng, như vậy Tòa Án, Tư pháp của
chế độ cộng sản đã vi phạm luật lệ của Quốc hội do chính chế độ cộng sản lập
ra.
Trong thời gian ba người bị tạm giam, xét xử,
gia đình và luật sư đều không được thăm gặp. Mãi đến khi xử phúc thẩm xong, một
tuần sau gia đình mới được gặp lần đầu tiên. Theo chị Đỗ Thị Thu, vợ Trịnh Bá
Phương, từ lúc Trịnh Bá Phương bị bắt cho đến khi gia đình được gặp là 27
tháng.
Còn bà Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư tuy thời
gian xử sớm hơn nên được gặp gia đình sớm hơn 5 tháng, nhưng khi xử phúc thẩm 2
người xong trại giam công an thành phố Hòa Bình không cho gọi điện thoại về
nhà. Mà theo luật, xử phúc thẩm xong là được gọi về.
Điều kiện giam giữ, chế độ lao tù trong nhà tù
cộng sản vô cùng khắc nghiệt, có thể gọi là “địa ngục trần gian”, đặc biệt đối
với tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị. Một căn buồng lẽ ra giam 2 người thì
giam 5, 7 người, thiếu không khí để thở. Mùa nóng nhiệt độ bên trong phòng có
khi lên tới 50 độ C. Có những hôm trong phòng có tới 2 người bị ngất, phải đưa
đi cấp cứu. Nước uống thì bẩn.
Trịnh Bá Tư 2 lần tuyệt thực, ở trại tạm giam
Hòa Bình 21 ngày, ở trại 6 thì 22 ngày. Lúc ở trại 6 Trịnh Bá Tư bị cùm chân và
biệt giam 10 ngày khi đang bắt đầu tuyệt thực.
Nguyên nhân của việc bị cùm này là do ông Đỗ
Công Đương--một tù nhân lương tâm cũng bị giam cùm buồng với Tư, bị chế độ cộng
sản giam giữ đến gần chết mới cho đi bệnh viện, 3 ngày sau thì chết, Trịnh Bá
Tư làm đơn tố cáo lên Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An, trại giam số 6 không cho ông
Đỗ Công Đương tạm dừng thi hành án về nhà chữa bệnh mà giam giữ tới chết, vì vậy
mà Trịnh Bá Tư đã bị đánh đập, bị kỷ luật cùm chân, lại còn cắt thời gian thăm
gặp, cắt không cho gọi điện thoại về nhà. Trịnh Bá Tư đã tuyệt thực để phản đối.
Bà Cấn Thị Thêu không bị cùm nhưng khi bị giam
ở trại số 5 bà bị cô lập, ở một mình trong một thời gian rất dài. Đây là một
hình thức để khủng bố tinh thần người bị giam. Bà phải bảo những người tù phòng
bên cạnh là khi nào thấy bà đập cửa là biết nguy kịch, làm ơn gọi ầm ỹ lên cho
họ mở cửa.
Còn Trịnh Bá Phương thì bị biệt giam 10 ngày từ
ngày 9/9/2023--19/9/2023. Bị cùm cả 2 chân. Nguyên nhân do Trịnh Bá Phương cùng
các tù nhân lương tâm khác là Trương Văn Dũng, Phan Công Hải…cầm giấy biểu
tình: Đả đảo Trung Quốc xâm lược, đả đảo cộng sản vi phạm nhân quyền. Trưởng
phân trại số 2 và một số công an bảo vệ đã xúm vào đánh đập, sau đó cùm chân
các tù nhân.
Sau này Trịnh Bá Phương có kể với vợ, anh bị
cùm bằng cùm thép xoắn dùng trong xây dựng, rất đau đớn. Sau 2 ngày, Trịnh Bá
Phương có ý kiến thì họ mới thay bằng loại cùm nhẵn hơn.
Trong thời gian điều tra mọi người bị giam kín
trong phòng, khi thi hành án thì cho ra ngoài lao động, nhưng cả gia đình bà Cấn
Thị Thêu đều cương quyết khẳng định mình không có tội, chống lao động vì lao động
là một hình thức “cải tạo”, có nghĩa là thừa nhận mình có tội. Cuối cùng đám
cán bộ trại giam cũng chịu không làm gì.
Chế độ tù đày ở Việt Nam rõ ràng là kết án để
người tù chết dần chết mòn trong tù. Những tù nhân lương tâm như nhà báo Nguyễn
Tường Thụy, nhà thơ Trần Đức Thạch đều gần 70, ốm yếu, liệu có sống nổi cho hết
thời hạn tù là 11, 12 năm? Ông Bùi Viết Hiểu trong vụ án Đồng Tâm, nếu thi hành
án 16 năm tù có nghĩa là quá 90, bây giờ thị lực, thính giác đều kém, có khi gặp
người nhà nói chưa được mấy câu đã bị đuổi ra. Không biết đã có bao nhiêu tù
nhân chính trị, tù nhân lương tâm phải chết trong nhà tù cộng sản, tính từ sau
ngày 30.4.1975?
Chỉ sơ sơ từ năm 2019 tới nay đã có thầy giáo
Đinh Đăng Định, thầy giáo Đào Quang Thực, ông Huỳnh Hữu Đạt, ông Phan Văn Thu,
ông Đoàn Đình Nam, mục sư Đinh Diêm, ông Đỗ Công Đương… chết trong tù, tất cả đều
do điều kiện tù đày khắc nghiệt, bệnh tật nhưng không được chữa trị kịp thời.
Hiện tại như kỹ sư Trần Bang có khối u to ở đùi trái nghi ung thư, trại không
cho đi khám chữa bệnh. Hay ông Vũ Quang Thuận ở trại giam Ba Sao, Nam Hà, bị
cái u ở trong mũi cần phải phẫu thuật nếu không là không thở được, phải thở bằng
miệng. Và cũng vì thở bằng miệng lâu năm nên ông còn bị viêm họng, viêm phổi…đủ
thứ bệnh tật…
Một điều luật dã man khác là khi chết, trại
giam bắt chôn tại nghĩa địa nhà tù, hoặc cùng lắm thì cho mang tro về nhà chứ
không cho người nhà mang xác về chôn cất.
Tinh thần, thái độ của 3 dân oan–tù nhân lương tâm:
Trước phiên tòa, khi Chủ tọa hỏi bà Cấn Thị
Thêu, Trịnh Bá Tư: Tên là gì. Cả hai dõng dạc trả lời: Tên tôi là nạn nhân của
cộng sản.
Chủ tọa nhắc nhở phải xưng là bị cáo, nhưng bà
Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư đều nói tôi không có tội gì mà phải xưng bị cáo, và
xưng tôi với chủ tọa phiên tòa.
Trong cả 2 phiên tòa khi kết thúc bà Cấn Thị
Thêu và Trịnh Bá Tư đều hô lớn: Đả đảo cộng sản. Sau này khi ông Trịnh Bá Khiêm
đi thăm, bà Cấn Thị Thêu kể lúc hai người hô như thế thì có một tên công an của
tỉnh Hòa Bình đe dọa giết.
Bên cạnh các luật sư, cả 3 người đều có những
lời tự bào chữa và những lời nói cuối cùng trước tòa với ngôn ngữ mạch lạc,
dũng cảm, bất khuất, lập luận rõ ràng, sắc bén, khẳng định họ không có tội mà
chính đảng cộng sản mới có tội với dân với nước. Đây cũng là điều rất khác giữa
các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị và các quan tham trước tòa. Các tù
nhân lương tâm, tù nhân chính trị, dù già hay trẻ, nam hay nữ, là nông dân
không được học hành nhiều hay trí thức có bằng cấp cao, đều hiên ngang, tự tin
không chút sợ hãi; ngược lại các quan tham người thì khóc lóc, xin khoan hồng
vì nhân thân tốt, vì quá trình cống hiến bao năm, người thì than thở vợ dại con
thơ, sợ chết làm ma trong tù …chả bù cho lúc còn đương chức hét ra khói nói ra
lửa!
Đi thăm người nhà, ông Trịnh Ba Khiêm cho biết,
tinh thần cả 3 người rất mạnh mẽ, không sợ, không khuất phục chế độ cộng sản và
đều rất lạc quan. Sức khỏe của 3 người bây giờ đều ổn. Còn khi Trịnh Bá Tư ở trại
6 bị kỷ luật, trại giam họ cùm chân treo lên nên lúc đi ra người cứ liêu xiêu.
Kể từ sau khi đấu tranh vụ Đỗ Công Đương, Trịnh
Bá Tư không còn được ở chung với tù chính trị nữa mà bị chuyển qua ở chung với
tù hình sự và cũng không được tiếp xúc với ai ngoài 2 tù hình sự đó.
“Hậu phương” của 3 tù nhân lương tâm – tinh thần vững vàng nhưng vật chất
khó khăn:
Đối với Trịnh Thị Thảo, lần đầu khi bố mẹ là
ông Trịnh Bá Khiêm–Cấn Thị Thêu bị bắt, Thảo lúc đó đã lập gia đình và con còn
rất nhỏ. Trịnh Bá Phương thì phải ra Hà Nội đi đấu tranh, khiếu kiện đòi đất.
Thảo phải thay anh Phương đi bán hàng ở chợ – trước khi bị bắt Trịnh Bá Phương
mưu sinh bằng việc bán cua đồng xay ở chợ. Còn Trịnh Bá Tư ở Hòa Bình, lo công
việc trang trại.
Đến lần thứ hai, rồi thứ ba, cả gia đình đã
quen với việc có người thân bị bắt, bị tù, sức chịu đựng cũng dày dạn hơn. Lần
này Trịnh Bá Phương bị bắt khi vợ mới sinh con trai thứ hai được 4 ngày. Con
trai đầu mới được 2 tuổi. Trịnh Thị Thảo cũng 2 con – một bé học lớp 5, một bé
học lớp 1. Tháng 6.2020, sau khi mọi người bị bắt gia đình Thảo từ Dương Nội
chuyển hẳn xuống Hòa Bình ở với bố là ông Khiêm để phụ việc nhà, việc trang trại.
Thu nhập trông cả vào cái vườn bưởi Diễn ở Hòa Bình để đi thăm tù, nuôi 3 người
tù và chi tiêu cả nhà, còn hỗ trợ thêm cho Thu, vợ Phương ở Dương Nội vì con
còn nhỏ không ra chợ được nhiều. Nhưng cả nhà đều tâm niệm phải cố chu cấp đầy
dủ cho những người đang ở tù bị thiếu thốn, khổ sở đủ thứ, còn ở ngoài thì thắt
chặt một chút cũng không sao. Và ngay cả trong trường hợp nếu có bị bắt thêm một
người nữa thì cả nhà vẫn bình tĩnh đón nhận mọi việc.
Trong khi đó, không chỉ hành hạ các tù nhân
lương tâm, nhà cầm quyền còn tìm cách hành hạ gia đình họ. Chẳng hạn giam người
tù ở nơi xa nhà để gia đình thêm khó khăn khi đi thăm nuôi.
Như bà Cấn Thị Thêu hiện bị giam ở trại giam số
5, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Cách Hà Nội hơn 167 cây số.
Trịnh Bá Tư bị giam ở trại 6, huyện Thanh
Chương, tỉnh Nghệ An. Cách Hà Nội hơn 360 cây số.
Trịnh Bá Phương, bị giam ở trại giam An Điền,
tỉnh Quảng Nam. Cách Hà Nội hơn 853 cây số.
Vì nhà có 3 người ở tù, nên phải chia nhau đi
thăm nuôi. Đã vậy mà còn không yên, vẫn thường xuyên bị công an theo dõi, làm
phiền.
Tháng 12.2022 an ninh Hà Nội triệu tập chị Đỗ
Thị Thu, vợ anh Trịnh Bá Phương, vào tháng 5.2023 lại triệu tập nói không được
đăng bài, viết bài trên facebook, nếu không thì vào “một ngày đẹp trời” họ cũng
bắt.
Gia đình cũng bị gây khó khăn trong việc bán
bưởi là nguồn thu nhập duy nhất, một đầu mối mua bưởi của gia đỉnh ở Sài Gòn
thì Tết 2024 này cũng bị đe dọa không cho mua bưởi nữa. Công an nói nếu năm nay
mà bán bưởi cho gia đình bà Cấn Thị Thêu thì cũng bị bắt luôn.
Cả nhà đều lo ngại nếu họ chặn đường tiêu thụ
bưởi thì gia đình vô vàn khó khăn.
Thức tỉnh vì nhìn thấy quá nhiều bất công, sai trái trong xã hội:
Sự bình tĩnh, can trường của cả gia đình người
nông dân ấy, từ người đang ở tù cho đến người ở ngoài, có lẽ bắt đầu từ thực tế
họ phải chứng kiến vô vàn những bất công, phi lý, phi nhân dưới chế độ độc tài
toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam.
Ông Khiêm cho biết, hai vợ chồng đã nhận thức
được những sự sai trái của chế độ này từ những năm 1990, 1991, cách đây 32 năm,
thời còn mô hình kinh tế hợp tác xã, với những cảnh quan chức địa phương thu tiền
của dân vô tội vạ, rồi ăn chia với nhau… Từ thời đó hai người đã phải cùng với
những người khác đi đòi tiền cho người dân.
Còn những người con như Phương, Tư, Thảo, từ
khi thấy nhà mất đất, bố mẹ đi đấu tranh, đã nhận thức ra.
Ai cũng biết, một trong trong những nguyên
nhân đưa đến nhiều cảnh bất công trong xã hội Việt Nam là chính sách về đất
đai, khi người dân không có quyền sở hữu đất. Thay đổi quyền tư hữu đất đai là
niềm mong ước của gia đình ông Trịnh Bá Khiêm--Cấn Thị Thêu và của người nông
dân Việt Nam nói chung, để chế độ cộng sản khỏi cướp bóc vô tội vạ. Nhưng người
dân cũng biết, đó chỉ là mơ ước, chế độ cộng sản khó có thể thay đổi vì đất đai
là nguồn lợi to lớn, các quan chức từ trên xuống dưới chỉ cần đặt bút ký một
cái là đã có hàng tỷ đô la.
Đã hàng thập niên trôi qua dưới thời bình
nhưng cuộc sống của người nông dân vẫn rất cực khổ. Như ở Dương Nội, Hà Đông,
ông Trịnh Bá Khiêm cho biết, bà con nông dân rất khổ vỉ đất canh tác bị nhà nước
cộng sản thu hồi gần hết, 80% hộ gia đình bị thu hồi nên bây giờ toàn đi làm những
nghề tự do, mà chi phí học hành ăn tiêu thì đắt đỏ, không đủ sống. Công việc
làm nông, làm vườn vẫn chủ yếu là sức người. Bây giờ nhà nước có nhập thêm máy
cày, máy xay, máy gặt, nhưng người dân lại phải bỏ tiền ra thuê thì cũng lại chả
kiếm được hơn. Mà hễ bị cướp đất, đi kêu thì bị bắt, bị tù.
Đảng cộng sản vẫn luôn nói họ là đảng của giai
cấp công nhân, nông dân nhưng cả hai thành phần này đều đang có mức sống ở dưới
đáy xã hội, trong khi giới quan chức cướp bóc của dân và đám tư bản thân hữu dựa
vào những mối quan hệ với quan chức để làm ăn thì giàu “khủng”, khoảng cách
giàu nghèo trong xã hội cách nhau hàng trăm, hàng ngàn lần.
Câu chuyện của gia đình
bà Cấn Thị Thêu là câu chuyện điển hình cho bi kịch của người nông dân trong một
chế độ có tên gọi “cộng sản” nhưng thực chất là tư bản rừng rú kết hợp với độc
tài toàn trị.
No comments:
Post a Comment