Friday, December 15, 2023

VIỆT NAM BỚT NGHI NGẠI VÀNH ĐAI & CON ĐƯỜNG CỦA TRUNG QUỐC? (Thu Hằng / RFI)

 



Việt Nam bớt nghi ngại Vành đai và Con đường của Trung Quốc ?

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 14/12/2023 - 14:05

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20231214-vi%E1%BB%87t-nam-b%E1%BB%9Bt-nghi-ng%E1%BA%A1i.....BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c

 

Phải chăng Việt Nam khó có thể đứng ngoài Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc trong khi hai nước láng giềng Lào và Cam Bốt hiện trở thành tuyến đường vận tải huyết mạch nối Đông Nam Á với cường quốc đông dân nhất thế giới ? Trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 kết thúc chuyến công du Hà Nội của chủ tịch Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí tăng cường hợp tác đường sắt giữa hai nước và nâng cao hiệu suất hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/5a22ed48-9a7c-11ee-a258-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP23346447921558.webp

Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình tại Văn phòng Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/12/2023. AP - Minh Hoang

 

Trước đó, trả lời trang VnExpress, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết « phía Trung Quốc sẵn sàng thông qua nguồn vốn vay ưu đãi giúp Việt Nam thực hiện nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội, cũng như đẩy nhanh quy hoạch tuyến đường sắt từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hải Phòng », trong đó có việc xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn. Theo đại sứ Hùng Ba, « Việt Nam có vị trí địa lý độc đáo, là cầu nối quan trọng kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN, là quốc gia quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Trung Quốc với các nước ASEAN ».

 

 

Lào - Cam Bốt trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam

 

Dường như Hà Nội thay đổi cách nhìn về sáng kiến cơ sở hạ tầng vận tải của Bắc Kinh. Tháng 10/2023, khi tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường - BRI lần thứ ba và đánh dấu tròn 10 năm hình thành dự án, chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc khai thác BRI để tăng cường khả năng kết nối và trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

 

So với hai nước láng giềng Lào và Cam Bốt, Việt Nam nhận được ít tài trợ nhất từ Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2015-2021, theo số liệu của Viện Lowy tại Úc, được nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hà trích dẫn trong bài phân tích ngày 14/12/2023 trên trang Fulcrum của Singapore, chuyên phân tích về Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu cao cấp, điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Khu vực, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS - Yusof Ishak, nêu một số lý do, như nguyên tắc của Việt Nam về chi tiêu công cho phát triển cơ sở hạ tầng chỉ được chiếm 6% GDP, tiếp theo là tâm lý nghi ngại Trung Quốc sau một số dự án như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội, nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án khai thác bauxite ở cao nguyên miền trung…

 

Tuy nhiên, những dự án quy mô lớn của Trung Quốc đã làm thay đổi đáng kể không gian địa-kinh tế và năng lực cạnh tranh của Lào và Cam Bốt buộc Hà Nội cân nhắc lại, trong đó phải kể đến hai dự án lớn. Thứ nhất là tuyến đường sắt Boten-Viêng Chăng dài 414 km nối tỉnh Côn Minh với thủ đô của Lào trở thành hành lang kinh tế Bắc-Nam nối Trung Quốc với Đông Nam Á. Hoạt động từ năm 2021, chỉ trong năm đầu tiên khai thác, tuyến đường sắt đã vận chuyển 11,2 triệu tấn hàng hóa, gấp đôi khối lượng vận tải của cả Việt Nam (5,7 triệu tấn). Thái Lan đã từ bỏ trung chuyển qua Việt Nam, thay vào đó là sử dụng tuyến đường này để xuất nông phẩm sang Trung Quốc. Nông phẩm Việt Nam, chủ yếu xuất sang Trung Quốc, cũng chịu nguy cơ cạnh tranh với hàng hóa Đông Nam Á khi tuyến đường này được sử dụng nhiều hơn.

 

Dự án thứ hai là kênh đào Funan Techo, mà Trung Quốc đề xuất với Cam Bốt, cũng có thể sẽ tác động đáng kể đến kinh tế và hệ sinh thái cho Việt Nam. Tuyến đường thủy dài 180 km trên sông Mêkông sẽ xuyên suốt Cam Bốt đến cảng của nước này mà không cần phải trung chuyển qua cảng biển của Việt Nam.

 

 

Việt Nam tham gia BRI để duy trì tính cạnh tranh trong khu vực ?

 

Do những dự án này đã và sẽ tái định hình kết nối trong vùng, nên chính phủ Việt Nam rơi vào thế khó. Hà Nội sẽ phải cân nhắc những lợi ích tiềm tàng của Sáng kiến Vành đai và Con đường để cải thiện năng lực cạnh tranh của đất nước so với những rủi ro về kinh tế và an ninh, cũng như phản ứng từ công luận.

 

Dù những sự kiện gần đây có thể cho thấy sự thay đổi về lập trường của Hà Nội, nhưng cũng cần chờ xem liệu những thay đổi đó có được cụ thể hóa thành những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng do Trung Quốc đầu tư hay không. Không chỉ Việt Nam nghi ngại về đầu tư của Bắc Kinh mà Trung Quốc cũng do dự, nếu nhìn vào mức độ tài trợ thấp của nước này vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.

 

Nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hà cho rằng một dấu hiệu quan trọng trong tương lai để xem Việt Nam có tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường hay không, có lẽ sẽ là Trung Quốc tham gia xây dự tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam ở quy mô nào. Nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đã tỏ ý được tham gia nhưng hiện tại chính phủ Việt Nam vẫn hướng đến Nhật Bản.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

LÀO – TRUNG QUỐC

Lào: Nạn nhân mới nhất rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc

 

VIỆT NAM - TRUNG QUỐC - ĐẤT HIẾM

Bắc Kinh và Hà Nội xem xét nâng cấp tuyến đường sắt xuyên qua vùng giàu đất hiếm của Việt Nam

 

TẠP CHÍ KINH TẾ

Lào - Miến Điện : Mồi ngon của chủ nợ Trung Quốc

 

 





No comments: