Friday, December 15, 2023

CÓ THỰC SỰ TỒN TẠI CÁI GỌI LÀ 'PHƯƠNG NAM TOÀN CẦU'? (C. Raja Mohan  |  Foreign Policy)




 


Có thực sự tồn tại cái gọi là ‘Phương Nam toàn cầu’?

C. Raja Mohan  |  Foreign Policy

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

15/12/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/12/15/co-thuc-su-ton-tai-cai-goi-la-phuong-nam-toan-cau/

 

Cách phân loại này khơi gợi nhiều cảm xúc, nhưng về cơ bản, nó là một cách phân loại sai.

 

Chúng ta cần nói về “Phương Nam toàn cầu” (global south). Nhưng không phải về hơn 120 quốc gia thường được xếp vào danh sách này, mà về chính ý tưởng phương Nam toàn cầu – và cách mà nó đã thống trị diễn ngôn quốc tế trong những năm gần đây. Trước tiên, cần đặt một câu hỏi cơ bản: Có tồn tại cái gọi là phương Nam toàn cầu hay không?

 

Việc xếp hơn một nửa nhân loại vào một nhóm chung duy nhất không chỉ là một cách phân loại chứa nhiều sai sót, mà còn là một trở ngại cho sự can dự nghiêm túc với thế giới phi phương Tây, bất chấp những ý định dường như tốt đẹp của các học giả, chính trị gia, và các nhà hoạch định chính sách khi sử dụng thuật ngữ này. Nhưng đừng hy vọng ý tưởng này biến mất – lợi ích của việc duy trì ảo tưởng về một tập thể phi phương Tây là quá lớn, cả ở phương Tây lẫn phần còn lại của thế giới.

 

Gộp thế giới phi phương Tây rộng lớn, đa dạng, và phân tán rộng khắp vào một phạm trù duy nhất, với những lợi ích tương tự nhau đã trở thành một lối tắt thuận tiện trong các cuộc tranh luận về mọi vấn đề, từ chính sách khí hậu, ứng phó với đại dịch COVID-19, đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Trong lúc nhiều quốc gia không thuộc phương Tây đang cùng nhau chống lại Israel tại các cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ý tưởng cho rằng tồn tại một phương Nam toàn cầu đối lập với một phương Bắc toàn cầu lại càng thu hút được nhiều sự chú ý hơn.

 

Tuy nhiên, sử dụng phương Nam như một phạm trù và hệ quy chiếu chung sẽ gây khó khăn cho việc hiểu những thực tế phức tạp của các quốc gia và khu vực khác nhau. Dù thuật ngữ này đang được sử dụng ngày một nhiều, những thiếu sót phân tích khách quan của khái niệm phương Nam toàn cầu vẫn sẽ hiện rõ ngay khi bạn tìm hiểu về nó. Trung Quốc có điểm gì chung với Peru? Qatar với Haiti? Thái Lan với Sierra Leone? Việc gộp các quốc gia này vào một danh sách duy nhất – rồi sau đó định nghĩa danh sách này là khác biệt về bản chất với phương Bắc toàn cầu – là một rào cản ngăn trở việc hiểu một thế giới cực kỳ phức tạp.

 

Phương Nam là một thuật ngữ khó nắm bắt về mặt nhận thức, nhưng lại rất giàu cảm xúc, chứa đựng nhiều hy vọng – và đối với một số nước, chứa đựng cả những lo ngại – về một thế giới công bằng hơn về chính trị và kinh tế. Thuật ngữ này nảy sinh từ các tranh luận hậu thuộc địa giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới, dựa trên nhiều trục so sánh khác nhau – phát triển và đang phát triển, giàu và nghèo, mạnh và yếu. Một ủy ban do cựu Thủ tướng Đức Willy Brandt đứng đầu đã hệ thống hóa sự phân chia này trong bản báo cáo công bố năm 1980, một báo cáo đã vẽ một đường màu đen phân chia trên bản đồ thế giới theo đúng nghĩa đen. Và thế là cái gọi là Đường Brandt (Brandt Line) đã tồn tại như một cách để tư duy về quan hệ giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới. Sau một thời gian bị giới học thuật cho “ngủ đông” trong thời kỳ hoàng kim của toàn cầu hóa vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, ý tưởng về một phương Nam toàn cầu đã bùng nổ trở lại trong diễn ngôn quốc tế chính thống trong những năm gần đây.

 

Vì thế, khái niệm này chỉ là bình mới rượu cũ, là một trong vô số những ý tưởng và chủ nghĩa được phát triển từ cuộc gặp gỡ giữa châu Âu với phần còn lại của thế giới, vốn đã bắt đầu cách đây 5 thế kỷ. Trong thế kỷ 20, cuộc gặp gỡ đó đã tạo ra một số phong trào, nhóm, và hệ tư tưởng xuyên quốc gia, bao gồm chủ nghĩa liên Á, chủ nghĩa liên Ả Rập, chủ nghĩa liên Phi, chủ nghĩa liên Hồi giáo, Phong trào Không Liên kết, Thế giới Thứ Ba, và G-77. Một số ý tưởng – như Thế giới Thứ ba – là sản phẩm của giới tinh hoa học thuật phương Tây, nhưng số khác đến từ phần còn lại của thế giới. Và quan trọng là không có ý tưởng nào sống sót sau cuộc chạm trán nghiêm túc với thế giới thực.

 

Những hệ tư tưởng cực đoan, chống phương Tây, và hậu thuộc địa này chắc chắn đã đụng độ với chủ nghĩa dân tộc, vốn phủ nhận nhiều bản sắc siêu quốc gia mà những người đề xướng các hệ tư tưởng này đã tìm cách tạo ra trong nỗ lực chống lại phương Tây. Ngay cả ở cấp độ khu vực, bất kỳ bản sắc chung nào về tôn giáo và sắc tộc cũng không thể che đậy xung đột giữa các nhóm chủ nghĩa dân tộc khác nhau. Chẳng hạn, trong Khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956, Thủ tướng Pakistan lúc đó là Huseyn Suhrawardy đã gọi sự đoàn kết của thế giới Ả Rập là “0 cộng 0 cộng 0.” Vấn đề xây dựng sự thống nhất của các nước Ả Rập vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

 

Khác biệt đáng kể về lợi ích kinh tế, đường hướng phát triển, lựa chọn tài nguyên, và truyền thống chính trị cũng đi ngược lại ý tưởng về một phương Nam toàn cầu như một nhóm gồm những nước ngang hàng. Quả thực, nhiều cuộc xung đột trên thế giới ngày nay đang diễn ra giữa và trong nội bộ các quốc gia đang phát triển. Bất chấp những nỗ lực lặp đi lặp lại nhằm đặt họ vào khuôn khổ một cuộc đối kháng Bắc-Nam rộng lớn, những xung đột giữa và trong nội bộ các quốc gia này vẫn tiếp tục thống trị chính trị của thế giới phi phương Tây.

 

Để theo đuổi các mục tiêu kinh tế và an ninh, giới tinh hoa phi phương Tây hầu như không có vấn đề gì khi phải bắt tay với phương Tây. Vì lo lắng về Ấn Độ, Pakistan đã gia nhập liên minh Chiến tranh Lạnh do Mỹ dẫn đầu. Về phần mình, Ấn Độ lo ngại bá quyền của Trung Quốc nên đã hợp tác với Mỹ. Hoặc như Việt Nam, dù có ý thức hệ cộng sản tương tự Trung Quốc, nhưng lại đang xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ để tăng cường quyền tự chủ trước những hành vi của Trung Quốc trong khu vực.

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/12/Global-south-energy-africa-GettyImages-1232816466.jpg

Một con đường chạy qua các tuabin gió tại một nhà máy điện ở Ngong Hills thuộc Hạt Kajiado, Kenya, vào ngày 09/05/2021. © Donwilson Odhiambo. Getty Images

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/12/Global-south-energy-Brazil-GettyImages-82543678.jpg

Công nhân tan ca rời khỏi công trường xây dựng mỏ dầu Petrobras ngoài khơi Angra dos Reis, Brazil, vào ngày 21/08/2008. © Vanderlei Almeida. Getty Images

 

Xét trên khía cạnh kinh tế, việc xây dựng một liên minh chống lại phương Tây chưa bao giờ là dễ dàng đối với cái gọi là phương Nam toàn cầu. Khác biệt là quá rõ. 50 năm trước, lệnh cấm vận dầu mỏ của các nước Ả Rập và việc thành lập OPEC được coi là một đòn giáng của Thế giới Thứ Ba – thuật ngữ tương đương với phương Nam toàn cầu ở thời đại đó – chống lại phương Tây, nhằm có được mức giá tốt hơn cho hàng hóa của mình. Tuy nhiên, việc dung hòa những lợi ích trái ngược nhau của nhà sản xuất hàng hóa và người tiêu dùng trong thế giới phi phương Tây vẫn luôn là điều khó khăn, kể cả ngày ấy lẫn bây giờ. Chẳng gì khiến cuộc sống của người dân ở các nước đang phát triển không có dầu mỏ trở nên khó khăn hơn việc giá cả tăng vọt.

 

Tương tự, quan hệ kinh tế của Ấn Độ và Trung Quốc với Cộng hòa Dân chủ Congo ngày nay về cơ bản không khác biệt so với quan hệ kinh tế của châu Âu hay Nhật Bản với Congo – công ty công nghiệp nào cũng cần đồng, cobalt, và các nguyên liệu đầu vào khác. Về chính sách khí hậu cũng đang có sự chia rẽ toàn cầu sâu sắc. Một số nước phương Nam đứng về phía Mỹ và châu Âu, ủng hộ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng hầu hết các quốc gia đang phát triển cần nhiều năng lượng hơn để giúp người dân thoát nghèo, và nhiều quốc gia trong số đó, chẳng hạn như Ấn Độ, muốn tiếp tục sử dụng than và các nhiên liệu hóa thạch khác. Và các nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông, châu Phi, và Mỹ Latinh vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ nguồn tài sản chính của mình.

 

Những định hướng phát triển khác nhau trong cái gọi là phương Nam toàn cầu cũng tạo ra những mối quan hệ khác nhau với các nước giàu. Đông Á đã trở nên thịnh vượng nhờ tìm được điểm chung với tư bản phương Tây để nhanh chóng nâng cao mức sống của người dân. Hàn Quốc đã gia nhập hàng ngũ các nước giàu, trong khi Trung Quốc ngày càng được coi là đối thủ ngang hàng về kinh tế và công nghệ của phương Tây.

 

Quả thực, quá trình trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng mang một màu sắc riêng. Bất kể bản chất của cuộc xung đột giữa Trung Quốc và phương Tây là gì, điều không thể chối cãi là chính phương Tây đã mở đường cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong lúc Trung Quốc còn mải tranh cãi với phương Tây, Ấn Độ đã học theo sách giáo khoa của Trung Quốc, háo hức đón nhận nguồn vốn và công nghệ từ phương Tây với hy vọng tận dụng chúng để tăng trưởng nhanh chóng.

 

Điều này đưa chúng ta đến một lỗ hổng phân tích khác: ranh giới vô định của phương Nam toàn cầu và các tiêu chí mơ hồ để xác định nhóm này. Trung Quốc, vốn là đối tác cấp dưới của Liên Xô trong thế kỷ 20, hiện là đối tác cấp trên của Nga – và tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ vẫn là một quốc gia đang phát triển cũng đang gây tranh cãi. Với việc Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, còn NATO đang vươn tới châu Á, tiến trình hội nhập an ninh đang diễn ra ở châu Âu và châu Á – thường được thúc đẩy một cách tích cực bởi chính các quốc gia châu Á – càng làm suy yếu ý tưởng về thế giới phi phương Tây như một đối trọng thụ động của phương Bắc toàn cầu. Một loạt các quan hệ tiểu đa phương mới đã dễ dàng vượt qua ranh giới Bắc-Nam. Và thay vì nằm yên trong danh sách mà các chuyên gia đã xếp họ vào, các cường quốc mới nổi ở khắp nơi trên thế giới đang ngày càng có ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực giữa các chủ thể an ninh truyền thống.

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/12/Global-south-urbanism-dubai-GettyImages-1232803812.jpg

Quang cảnh đường chân trời Dubai nhìn từ Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới, vào ngày 05/05/2021. © Giuseppe Cacace. Getty Images

 

Kể từ khi khái niệm phương Nam toàn cầu lần đầu tiên có được chỗ đứng, sự khác biệt giữa các nước đang phát triển đã ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Các quốc gia Vùng Vịnh đã có được khối tài sản khổng lồ; Dubai hiện được xếp hạng là một trung tâm tài chính lớn cùng với New York, London, Thượng Hải, Hong Kong, và Singapore. Thủ đô Vùng Vịnh đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên khắp Trung Đông và châu Phi. Nó cũng trao cho các vương quốc Vùng Vịnh sự tự tin để tích cực can thiệp vào các cuộc xung đột nội bộ và khu vực khác nhau, chẳng hạn như ở Yemen. Ai dám khẳng định rằng chủ nghĩa can thiệp ở phương Nam toàn cầu chỉ là truyền thống của phương Tây?

 

Việc gieo rắc nỗi sợ hãi ở phương Tây càng làm trầm trọng thêm sự nhầm lẫn trong phân tích do thuật ngữ phương Nam toàn cầu tạo ra. Nỗi sợ hãi phi lý về “những kẻ man rợ” đã khiến nhiều người ở phương Tây tin vào một phiên bản khác của việc gộp chung toàn bộ thế giới phi phương Tây. Năm 2018, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump đã diễn đạt một cách thô thiển bằng cách nhắc đến “các nước hố phân” (shithole countries) khi thảo luận về vấn đề người nhập cư từ châu Phi và Haiti. Cũng đừng quên những lo lắng của Cao uỷ Ngoại giao châu Âu Josep Borrell về “những người rừng phi phương Tây” đang xâm chiếm khu vườn thịnh vượng và trật tự của châu Âu. Theo cách nào đó, quan điểm bảo thủ về một phương Nam toàn cầu man rợ và quan điểm tiến bộ hơn nhấn mạnh đến các nạn nhân và cảm giác tội lỗi của phương Tây là hai mặt của cùng một đồng tiền đã quy giản một nhóm nhân loại rộng lớn, đa dạng vào một phạm trù tinh thần duy nhất.

 

Đối với những người theo chủ nghĩa tự do ở phương Tây, phương Nam toàn cầu là một phương tiện để dễ dàng thể hiện sự đồng cảm với thế giới phi phương Tây. Tuy nhiên, sự đồng cảm luôn luôn đi kèm thái độ trịch thượng. Phương Tây phủ nhận quyền tự quyết của mỗi quốc gia phi phương Tây bằng cách coi họ như một khối, và thường giả định rằng khối này sẽ thúc đẩy một loạt các mục tiêu tự do của phương Tây – từ chính sách khí hậu đến tầm nhìn về công bằng xã hội – bất kể các quốc gia trong khối được dán nhãn đó có thực sự tán thành chúng hay không. Dù các đế quốc đã biến mất, nhưng xu hướng chung ở phương Tây, cả cánh tả lẫn cánh hữu, vẫn là rao giảng, phán xét, và trừng phạt.

 

Giới tinh hoa không thuộc phương Tây cũng có lý do riêng để tán thành phương Nam toàn cầu. Đổ lỗi cho phương Tây luôn là cái cớ thuận tiện cho những thất bại của họ, và việc trở thành kẻ chống lại phương Tây luôn mang lại lợi thế về mặt chính trị. Cả hai chiến lược đều bắt nguồn từ câu chuyện hậu thuộc địa về các nạn nhân, và cả hai đều bỏ qua những tiến bộ phi thường đã đạt được ở nhiều nơi trên thế giới phi phương Tây trong vài thập niên vừa qua. Chúng bác bỏ khả năng ngày càng lớn của thế giới phi phương Tây trong việc thay đổi các điều khoản can dự với phương Tây. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong ba thập niên qua là một ví dụ nổi bật. Ấn Độ, bất chấp những luận điệu được hồi sinh nhằm thúc đẩy phương Nam toàn cầu, vẫn đang đàm phán các điều khoản xích lại gần phương Tây.

 

Phần lớn các luận điệu về phương Nam toàn cầu đều cố gắng lý giải cách mà Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia Vùng Vịnh, các con hổ châu Á, và các cường quốc phi phương Tây khác trỗi dậy và thâu tóm quyền lực để gây ảnh hưởng đến trật tự khu vực và toàn cầu. Vậy thì tại sao Bắc Kinh và New Delhi lại ủng hộ ý tưởng về một phương Nam toàn cầu? Rõ ràng, đây là một phần trong cuộc chiến giành ảnh hưởng toàn cầu. Đối với Trung Quốc, luận điệu về phương Nam là nhằm huy động thế giới phi phương Tây tham gia vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ đang tỏ ra cảnh giác trước sự xâm lấn ngày càng tăng của Trung Quốc vào khu vực lân cận của mình, và đang cố gắng giành lại quyền bình đẳng chính trị truyền thống trong thế giới phi phương Tây.

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/12/Global-south-alliances-china-india-GettyImages-842692600.jpg

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến tham dự Đối thoại giữa các Thị trường Mới nổi và các Nước Đang phát triển bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn, Trung Quốc, vào 05/09/2017. © Mark Schiefelbein. Getty Images

 

Nhưng trái ngược với nhận thức phổ biến ở phương Tây, Ấn Độ – trước đây là động lực thúc đẩy Phong trào Không Liên kết vốn đã không còn tồn tại – sẽ không quay trở lại với con đường cũ của mình. Như Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nói, quan điểm truyền thống cho rằng phương Tây là kẻ xấu không phản ánh thực tế phức tạp hiện tại. Jaishankar đã nhắc đến sự tập trung sản xuất toàn cầu ở Trung Quốc và việc Bắc Kinh vũ khí hóa lợi thế kinh tế của mình. New Delhi đang cạnh tranh để giành ảnh hưởng ở châu Á, châu Phi, và những nơi khác với Bắc Kinh, chứ không phải Washington – điều này một lần nữa đi ngược lại với cấu trúc phân chia Bắc-Nam toàn cầu.

 

Trái ngược với hình ảnh về một phương Nam toàn cầu bất lực, ngay cả những quốc gia nhỏ nhất trong thế giới phi phương Tây cũng đã nhận ra không gian mới để có thể hành động. Khác với thời điểm giữa thế kỷ 20, khi giới tinh hoa phi phương Tây phần lớn bị chi phối bởi ý thức hệ, ngày nay họ rất thực dụng. Họ sẵn sàng tham gia các thỏa thuận song phương với các đối tác phương Tây, nhưng đồng thời vẫn tán thành quan điểm về chính nghĩa của một tập thể phương Nam bất cứ khi nào quan điểm đó phù hợp với họ về mặt chính trị hoặc tài chính.

 

Với việc mổ xẻ những bất cập của một thuật ngữ phổ biến như vậy, có lẽ tôi đang đánh nhau với cối xay gió. Bất chấp lời kêu gọi của tôi và của nhiều người khác về việc ngừng sử dụng “phương Nam toàn cầu,” thuật ngữ này sẽ không sớm biến mất khỏi kho từ vựng quan hệ quốc tế. Đối với nhiều người ở phương Tây, nó là một cách để phân biệt họ với phần còn lại của thế giới. Còn đối với tầng lớp tinh hoa ở phần còn lại của thế giới, nó là một cách để truyền tải sự phẫn nộ sâu sắc chống lại sự thống trị của phương Tây. Đối với các cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, việc bảo vệ cái gọi là phương Nam toàn cầu là một phương tiện để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của họ. Nhưng đừng nhầm lẫn: Việc sử dụng một phạm trù rộng rãi, không rõ ràng, khái quát hóa quá mức như vậy sẽ giúp người ta che giấu được nhiều điều, nhưng nó có rất ít giá trị giải thích hoặc dự báo trong việc tìm hiểu thế giới của chúng ta.

 

----------------------------

C. Raja Mohan là chuyên gia bình luận của Foreign Policy, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội châu Á và là cựu thành viên Ban Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ.

 

Nguồn: C. Raja Mohan, “Is There Such Thing as a Global South?,” Foreign Policy, 09/12/2023

 

======================================================

 

#180 – Người giàu – kẻ nghèo trong chính trị thế giới: Số phận buồn thảm của Phương Nam

Nguồn: Charles W. Kegley, JR. & Gregory A. Raymond, The Global Future: A Brief Introduction to World Politics (Chapter 5), (Boston, MA: Wadsworth, 2010)

Biên dịch: Lê Tuấn Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Global Future Một xã hội loài người mà dựa trên cơ … 

Đọc tiếp#180 – Người giàu – kẻ nghèo trong chính trị thế giới: Số phận buồn thảm của Phương Nam

 

Nghiên cứu quốc tế

 

 




No comments: