Tập Cận Bình đến Việt Nam trong sự ngoảnh mặt của người
Việt
Thứ Năm, 12/14/2023 - 06:07 — tuankhanh
https://www.rfavietnam.com/node/7867
Cây viết bình luận thời sự về chính trị Á Châu, ông Donald Kirk đã nhận định
một cách ngắn gọn là “kết thúc thất bại” khi mô tả chuyến đến Việt Nam của chủ
tịch Trung Cộng Tập Cận Bình. Các nhà quan sát khác thì cũng đồng quan điểm,
cho rằng Tập đã không hề chinh phục được trái tim và khối óc của người Việt Nam
trong chuyến thăm Hà Nội, mà nếu so sánh gần, điều này hoàn toàn tương phản với
thái độ của người dân Việt từ những chuyến đi của các đời tổng thống Mỹ.
Mặc dù lần trước Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam là để nhận lời mời
về việc kết nối một mối quan hệ lên một tầm cao khác, sau nửa thế kỷ coi nhau
là thù địch; Còn Tập Cận Bình đến Việt Nam đem theo nhiều gợi ý về quyền lợi ký
kết cùng với Đảng trưởng đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, về 36 “văn kiện
hợp tác”, từ ngoại giao, viễn thông đến đường sắt… chuẩn bị cho cuộc ăn mừng đồng
minh lịch sử 50 năm miền Bắc đã chiến thắng miền Nam Việt Nam. Nhưng sự chờ đón
và những bình luận trên mạng xã hội có thể nhận thấy, chuyến đi của lãnh đạo
hai quốc gia lớn này là thực sự rất khác biệt trong lòng người Việt.
Đó là ấn tượng nói chung của người Việt Nam nói với phóng viên nước
ngoài, khi chứng kiến lễ ký kết hôm thứ Tư 13 tháng 12, của Chủ tịch Tập
và Tổng Bí thư Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc
gia hiếm hoi đang cùng một hệ ý thức trong việc cầm quyền, tuy nhiên trong lần này, TTXVN đưa rằng ông Trọng nhấn
mạnh, chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của ông Tập là một “dấu ấn mới” đặc biệt
quan trọng trong “lợi ích chung của cả hai nước”.
Trong sự long trọng tiếp đón của Hà Nội, người ta nhìn thấy rõ ràng Đảng
Cộng sản Việt Nam muốn cho thấy sự khắng khít và trọng thị với mối quan hệ với
Trung Quốc. Từ đầu đến cuối, chuyến đi hai ngày ngắn và bảo mật của ông Tập, được
coi là đến với một đồng minh lâu năm, đã hoàn toàn im lặng trong lòng người dân
Việt. Người ta chỉ có thế biết được tin tức nhỏ giọt qua tin tức truyền hình do
nhà nước kiểm soát. “Chẳng có ai quan tâm,” một người Việt Nam nói khi nhìn vào
ảnh chiếc xe limo của ông Tập đang đi từ sân bay vào trung tâm Hà Nội.
Còn nhớ, khi TT Donald Trump tới Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ
hai với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 2 năm 2019, rồi sau đó là TT
Joe Biden vào tháng 9, không khí xã hội Việt Nam đã làm dấy lên sự tò mò gần
như ngưỡng mộ. “Mọi người xếp hàng để xem họ,” một người Việt Nam giấu tên nói.
Nhận xét này đã được nhà quan sát lâu năm người Australia, Carl Robinson,
người thường xuyên đến thăm Việt Nam cho biết, bởi đối với người Việt Nam, “Hoa
Kỳ đại diện cho tự do. còn Trung Quốc chẳng có ý nghĩa gì cả”, ông Robinson
nói, “Bạn sẽ không biết mọi người thực sự đang nghĩ gì, khi các phương tiện
truyền thông do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam ca ngợi việc ký kết hàng loạt các
thỏa thuận, mà người dân qua kinh nghiệm cho thấy hầu như không có khả năng
mang lại nhiều kết quả như đã hứa".
Tuy nhiên,cũng theo nhà báo người Úc, Carl Robinson, thì có thể nhận thấy
khi nói chuyện với người Việt, “Cảm giác của công chúng rất hoài nghi”. Rốt cuộc, “Họ hiểu biết tất cả những điều này
trước đây,” ông nói, “Hà Nội hầu như không đồng quan điểm với người dân Việt
Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc, và người dân có vẻ nhìn thấu những gì
đang diễn ra”.
Trên thực tế, ông Robinson tin rằng, “Phần lớn tình trạng tham nhũng tràn
lan ở Việt Nam là do đầu tư của Trung Quốc gây ra, và đó là một phần do mối
quan hệ quá thân mật với giới thượng lưu và quan chức”.
Được biết, trước chuyến thăm của ông Tập, Việt Nam và Trung Quốc đã bất đồng
không chỉ về chi tiết thỏa thuận mà còn về triển vọng tổng thể.
Đài truyền hình Đức Deutsche Welle đưa tin từ Hà Nội cho biết: “Ban đầu,
45 thương vụ được đề xuất nhưng 8 thương vụ – gắn liền với các tài liệu quan trọng
và quý hiếm – đã không được ký kết”. Trong nhiều tháng, “Trung Quốc và Việt Nam
đã tranh luận về ý nghĩa thực sự của cụm từ 'chung vận mệnh' - một cách nói có
ý ràng buộc - trong khi Việt Nam có vẻ thích ý tưởng rộng hơn về 'tương lai
chung'. Theo Deutsche Welle, cuối cùng ông Tập đã không đạt được thỏa thuận như
mong muốn về việc khai thác đất hiếm cần thiết ở Việt Nam cho các sản phẩm điện
tử.
Phần được công bố trong chuyến đi lần này, là về việc xây dựng các tuyến
đường sắt và sản xuất các sản phẩm của Trung Quốc tại Việt Nam, nhưng hai bên vẫn
tranh cãi về các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông, bao gồm cả việc
khoan dầu và khí đốt tự nhiên. Đôi khi, Trung Quốc và Việt Nam tạm làm giãn các
cuộc tranh cãi quá nhạy cảm đó bằng các quyết định “tuần tra chung” ở vùng biển
đang tranh chấp. Carlyle Thayer, nhà tư vấn và giáo sư lâu năm ở Úc, cho biết:
“Đó là vấn đề khó chịu lớn nhất trong quan hệ song phương Việt - Trung. Không
làm sao để có được các giải pháp để làm
cho nó tốt hơn”.
Trên bề mặt, sự tiếp đón nồng nhiệt của Hà Nội dành cho ông Tập, được nhiều
nhà quan sát coi là phương thức “ngoại
giao cây tre” của Việt Nam, mà sự co giãn của Việt Nam đang dao động giữa việc
khuất phục Trung Quốc và tỏ ra thân thiện với kẻ thù cũ là Mỹ.
Ông Robinson nói với tờ The New York Sun : “Trung Quốc có thể làm chậm lại
và thậm chí đóng cửa hoàn toàn giao thông xuyên biên giới”. Việt Nam biết rõ
mình dễ bị tổn thương như thế nào cả về kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, không có
gì có thể được nói công khai,” ông Robinson nhận định. “Nhất là ở Việt Nam lúc
này, mọi biểu hiện giận dữ chống lại Trung Quốc của công chúng đều bị dập tắt
ngay lập tức, nhưng bạn vẫn thường nghe người ta nói mỉa mai với nhau rằng Việt
Nam đang là thuộc địa của Trung Quốc”.
No comments:
Post a Comment