"Châu Á của người châu Á": phiên bản thuyết Đại
Đông Á của Tập Cận Bình
Thứ Năm, 12/14/2023 - 04:25 — nguyenanhtuan
https://www.rfavietnam.com/node/7866
Ba tháng sau khi đón Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm lịch sử
nâng cấp bang giao giữa hai cựu thù, Việt Nam tiếp tục đón Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình bằng những nghi thức ngoại giao cao nhất trong bối cảnh Hà Nội tìm
cách cân bằng mối quan hệ với hai siêu cường đang cạnh tranh chiến lược với
nhau.
Đây không phải là bài toán dễ tìm lời đáp cho Hà Nội khi mà Hoa Kỳ kỳ vọng
phải được xếp ngang bằng với Trung Quốc, xét tầm quan trọng về cả an ninh quốc
phòng lẫn kinh tế với Việt Nam, còn Bắc Kinh lại nhất mực muốn xếp trên một bậc
dựa vào mối quan hệ truyền thống “vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Nếu như việc nâng cấp quan hệ một lúc hai bậc chưa có tiền lệ giữa Hà Nội
và Washington dường như đã cho Mỹ cái họ muốn thì chỉ 3 tháng sau, Bắc Kinh cho
thấy họ vẫn nắm thế chủ động như thế nào khi đã thành công trong việc đưa Việt
Nam vào khuôn khổ sáng kiến cộng đồng chia sẻ tương lai - điều mà họ sẽ diễn giải
là nấc thang mới và cao nhất trong thang bậc ngoại giao của Việt Nam.
Chuyến thăm của Tập Cận Bình vì vậy đóng vai trò rất quan trọng, ít nhất
về mặt hình thức. Phía Việt Nam, đúng như thông báo, đã dành cho họ Tập sự đón
tiếp trọng thị ở mức cao nhất. Trung Quốc cũng cho thấy họ coi trọng chuyến
thăm thế nào với động thái chưa từng có của Chủ tịch Tập Cận Bình là gửi
một bài viết cho báo Nhân Dân của Việt Nam ngay trước khi ông đến. Trong bài viết
này, ông Tập đề cập đến châu Á không dưới 18 lần, khẳng định vận mệnh của lục địa
này nằm trong tay người châu Á. Ông đã liên kết một cách phức tạp các sáng kiến
toàn cầu của Trung Quốc, từ “cộng đồng chia sẻ” đến dự án “Vành đai và Con đường”
đầy tham vọng với tương lai của châu Á.
Là một quốc gia đã phải chịu đựng áp lực bá quyền khu vực suốt chiều dài
lịch sử, Việt Nam vẫn cảnh giác trước những ý định của Trung Quốc. Lời kêu gọi
của Tập Cận Bình về một “Châu Á của người Châu Á” đặt ra câu hỏi về sự tương đồng
với thuyết Đại Đông Á của Đế quốc Nhật Bản.
Khối
thịnh vượng chung Đại Đông Á là một khái niệm được Đế quốc Nhật
Bản thúc đẩy vào đầu thế kỷ 20, đặc biệt là trước và trong Thế Chiến II. Lý
thuyết này nhằm mục đích thiết lập một khối các quốc gia châu Á tự chủ dưới sự
lãnh đạo của Nhật Bản, với mục tiêu giải phóng châu Á khỏi chủ nghĩa thực dân
phương Tây. Tuy nhiên, trên thực tế, nó là chiêu bài cho chủ nghĩa bành trướng
và tham vọng đế quốc của Nhật Bản.
Giống như tuyên bố của Đế quốc Nhật Bản về việc giải phóng châu Á khỏi sự
thống trị của phương Tây trước đây, việc Tập Cận Bình nhấn mạnh vào vận mệnh của
châu Á nằm trong tay người châu Á gợi ý một cam kết về quyền tự chủ trong khu vực.
Theo cách nhìn của họ Tập, các thế lực bên ngoài do Mỹ cầm đầu đang gây bất ổn
trong khu vực và can thiệp quyền tự chủ của các quốc gia trong vùng. Châu Á
theo đó đang cần đoàn kết cùng nhau dưới sự dẫn dắt của Trung Quốc để loại bỏ ảnh
hưởng của các thế lực bên ngoài.
Bên cạnh đó, sự khẳng định của ông Tập về vai trò lãnh đạo khu vực của
Trung Quốc hiện nay tương tự với mục tiêu theo đuổi quyền bá chủ của Nhật Bản ở
khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước kia. Trong bài viết ông Tập nhiều lần nhấn
mạnh rằng châu Á chỉ có thể trở nên thịnh vượng khi nghiêm túc thực hiện các
sáng kiến Trung Quốc đưa ra bao gồm “Vành đai - Con đường” và công đồng chia sẻ
tương lai Châu Á, cũng không khác Đế quốc Nhật Bản vài chục năm trước khăng
khăng khẳng định chỉ có họ mới dẫn dắt được khu vực đi đến phồn vinh thịnh vượng.
Tuy nhiên, có vẻ họ Tập cố tình quên rằng chính sự trỗi dậy hung hăng của
Trung Quốc là nguồn cơn cho sự bất ổn trong khu vực, từ đe dọa dùng vũ lực cưỡng
chiếm Đài Loan đến đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông, từ đụng độ biên giới chết người
với Ấn Độ đến bảo trợ cho chế độ Bắc Hàn lăm le vũ khí hạt nhân.
Thêm nữa, ngay cả khi nhiều quốc gia trong vùng thấy ở Trung Quốc một đối
tác thương mại hàng đầu, họ vẫn không cảm giác an toàn trước một Trung Quốc
đang hung hăng trỗi dậy. Hơn ai hết chính các quốc gia này cần sự hiện diện an
ninh của Hoa Kỳ trong khu vực để cân bằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc với kỳ vọng
một châu Á hòa bình hơn.
Và chính ở đây một bài học lịch sử mà Trung Quốc có thể cần lưu ý. Trái với
kỳ vọng của những kẻ chủ xướng thuyết Đại Đông Á, các dân tộc Á Châu đã chẳng hề
hưởng ứng lời kêu gọi này, dù Đế quốc Nhật Bản có đe dọa bằng sức mạnh vũ lực
hay chiêu dụ bằng lợi ích kinh tế. Trái lại, phong trào giải phóng dân tộc của
các quốc gia trong vùng đã hợp tác chặt chẽ với phe Đồng Minh trong Thế chiến
II và cuối cùng đã đưa đến thất bại ê chề cho Đế quốc Nhật Bản.
Vết xe đổ vẫn còn nguyên đó.
No comments:
Post a Comment