Monday, December 4, 2023

RẢI BOM & HỖN LOẠN : 'DI SẢN' HENRY KISSINGER ĐỂ LẠI CHO CAMPUCHIA (Ouch Sony & George Wright / BBC News)

 



Rải bom và hỗn loạn: 'Di sản' Henry Kissinger để lại cho Campuchia

Ouch Sony & George Wright

BBC News, từ Phnom Penh và London

3 tháng 12 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c132yey3z6yo

 

Sau tin tức Henry Kissinger qua đời hồi tuần này, nhiều cựu lãnh đạo thế giới đã tiếp nối nhau gửi lời chia buồn.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/e515/live/724866d0-919b-11ee-952c-5f8de97ee99b.png

Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100 vào tuần này

 

Cựu Tổng thống Mỹ George W Bush nói nước Mỹ đã "mất đi một trong những tiếng nói khác biệt và có thể tin cậy nhất trong vấn đề ngoại giao".

 

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã mô tả cựu ngoại trưởng Mỹ là một nghệ sĩ ngoại giao, người được thôi thúc từ "tình yêu thuần túy dành cho thế giới tự do và nhu cầu bảo vệ nó". Ông Boris Johnson đã gọi Kissinger là "một người khổng lồ về ngoại giao và chiến lược - và kiến tạo hòa bình".

 

Thế nhưng "nhà kiến tạo hòa bình" không phải là cụm từ bạn có thể nghe từ nhiều người dân ở Campuchia khi họ mô tả về Henry Kissinger.

 

Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, Kissinger và Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã ra lệnh ném bom rải thảm bí mật nhằm vào một Campuchia trung lập, nhằm quét sạch lực lượng Cộng sản Bắc Việt ra khỏi miền đông của quốc gia này.

 

Tổng cộng, Mỹ đã ném hơn hai triệu tấn bom xuống Campuchia. Một sự so sánh, quân Đồng minh chỉ ném hơn hai triệu tấn bom trong suốt Thế chiến lần hai, bao gồm hai quả bom nguyên tử bị ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.

 

Kissinger vẫn duy trì lập luận là vụ ném bom nhằm vào quân đội Bắc Việt trong Campuchia, không phải nhằm vào chính quốc gia này.

 

Henry Kissinger: Trung Quốc tiếc thương 'người bạn cũ quý giá nhất'

 

Henry Kissinger: Người định hình thế giới đầy tranh cãi

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/22be/live/9c36cea0-919b-11ee-952c-5f8de97ee99b.png

Ông Vorng Chhut nhớ lại những người đã phải bỏ mạng vì cuộc ném bom của Mỹ

 

Ông Vorng Chhut, 76 tuổi, chưa bao giờ nghe đến cái tên Henry Kissinger khi bom bắt được rải xuống ngôi làng của ông, tại tỉnh Svay Rieng, gần biên giới với Việt Nam.

 

"Không còn gì sót lại, thậm chí cây tre. Người dân bỏ chạy, trong khi số ở làng thì chết cả," ông nói. "Nhiều người đã chết, tôi không thể đếm tất cả tên của họ. Thi thể thì trương phình, và khi tình hình yên ắng, người dân đến và chôn cất."

 

Một báo cáo năm 2006 của Đại học Yale, mang tên Bombs Over Cambodia, nêu rằng "Campuchia có lẽ là quốc gia bị ném bom nặng nề nhất trong lịch sử".

 

Một báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố năm 1973, nêu rằng "Kissinger đã phê duyệt từng cuộc ném bom một trong tổng số 3.875 trong hai năm 1969 và 1970" cũng như "các biện pháp giữ kín thông tin này trước báo giới".

 

"Đó là một mệnh lệnh, phải thực hiện. Bất kỳ thứ gì bay, bất kỳ thứ gì di chuyển. Hiểu không?" Kissinger nói với một cấp phó hồi năm 1970, theo một bản ghi chép về các cuộc trao đổi qua điện thoại được giải mật.

 

Không rõ số người chết trong các vụ ném bom này, vốn theo ước tính là từ 50.000 cho đến 150.000 người.

 

Khmer Đỏ: Ai từng trợ giúp phe kháng chiến Pol Pot?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/ee25/live/b02d20d0-919b-11ee-ac7f-c97dfdb65d91.png

Mỹ đã ném hơn hai triệu tấn bom xuống Campuchia. Cảnh ở huyện Samrong, Campuchia vào năm 1973

 

Một trong những vụ khét tiếng nhất là ném bom nhầm vào một thị trấn nhỏ Neak Luong, khiến ít nhất 137 người Campuchia thiệt mạng và 268 người khác bị thương.

 

Một bài báo trên New York Times của Sydney Schanberg, người sau đó được mô tả trong bộ phim Cánh đồng chết (The Killing Fields), đã trích lời một người đàn ông tên Keo Chan, có vợ và 10 đứa con bị giết chết.

 

"Tất cả gia đình tôi chết rồi!" ông ấy khóc thét, đập mạnh tay vào chiếc ghế dài bằng gỗ, và ngã gục. "Tất cả gia đình tôi đã chết! Chụp ảnh tôi đi, hãy chụp ảnh tôi! Hãy để người Mỹ thấy mặt tôi!"

 

Một người đàn ông khác đứng gần một quả bom chưa nổ trong thị trấn và chỉ đơn giản hỏi: "Khi nào mấy người Mỹ các người mang nó đi đây?"

 

Các quả bom chưa phát nổ của Mỹ rải trên khắp vùng miền quê của Campuchia, đã gây thương tật và giết chết người trong những thập niên sau đó.

 

Nhiều người cũng nói rằng một hậu quả khác từ chiến dịch ném bom của Nixon và Kissinger đó là giúp dọn đường cho một trong những cuộc diệt chủng tồi tệ nhất của thế kỷ 20. Khoảng 1,7 triệu người đã chết dưới bàn tay của chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu từ năm 1975 đến 1979 - gần bằng một phần tư dân số.

 

Đường dẫn tới Cuộc chiến Đông Dương lần Ba

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4577/live/e0f539f0-919b-11ee-952c-5f8de97ee99b.png

Ước tính 1,7 triệu người đã chết dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ

 

Trước đó, cộng sản ở Campuchia nhận ít sự ủng hộ, thế nhưng vị thế của phe này đã gia tăng khi Mỹ ném bom.

 

Giám đốc chiến dịch này của CIA báo cáo vào năm 1973 rằng lực lượng Khmer Đỏ đã thành công trong việc "sử dụng những sự tàn phá từ các cuộc ném bom B-52 như chủ đề chính trong nền tuyên truyền của mình".

 

Năm 2009, một quan chức đầu tiên của chế độ Khmer Đỏ đã bị đem ra xét xử vì các tội ác trong thời gian thống trị, đã phát biểu trong phiên tòa do Liên Hiệp Quốc bảo trợ như sau: "Ông Richard Nixon và Kissinger đã cho phép Khmer Đỏ chớp được được thời cơ vàng."

 

Kissinger luôn bác bỏ những lời chỉ trích liên quan đến vụ ném bom ở Campuchia.

 

"Tôi chỉ muốn nói rõ rằng không phải ném bom ở Campuchia, mà là ném bom nhằm vào Bắc Việt ở Campuchia," ông tuyên bố năm 1973.

 

Khi ở tuổi 90, ông tuyên bố các quả bom chỉ được ném ở những khu vực "trong năm dặm [8 km] tính từ đường biên giới với Việt Nam, không có cư dân sinh sống".

 

Quan hệ Việt Nam-Campuchia: Bất đồng sẽ được giải quyết dưới thời ông Hun Manet?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/65ca/live/f080df00-919b-11ee-833d-0f8d294ddc97.png

Tổng thống Richard Nixon chỉ vào bản đồ Campuchia, và Kissinger đã ra lệnh tiến hành ném bom bí mật tại Campuchia

 

Elizabeth Becker, một nhà báo người Mỹ, người đã tham gia đưa tin về chiến dịch ném bom này vào năm 1973, nói điều này không đúng.

 

"Trước hết khi phỏng vấn những người tị nạn, tháo chạy để tránh các cuộc ném bom, sau đó đi vào địa điểm ném bom, có cảnh như trên mặt trăng - rồi xác trâu chết, nhà bốc cháy, cánh đồng lúa tan hoang," bà nói với BBC.

 

"Bạn sẽ chứng kiến sự hủy diệt và suy nghĩ: tại sao cuộc ném bom của không quân hiện đại này lại nhằm vào các làng quê nhiều đến vậy? Thời đó, các nông dân ở Campuchia thậm chí không quen thấy xe chạy trên đường, họ thường bảo tôi: 'Tại sao có lửa từ trên trời rơi xuống?'"

 

Pen Yai, 78 tuổi, đã hợp tác cùng Việt Cộng ngay trong lòng Campuchia trước khi đợt ném bom bắt đầu, nói số lượng lớn dân thường bị chết dưới bom Mỹ, bao gồm cha và em rể của ông.

 

"Tôi quá sợ hãi và không ngủ được. Người dân chết khắp nơi. Chúng tôi chạy đi và nhận ra họ đã bị giết... chúng tôi không thể làm được gì," ông nói.

 

Nhiều lãnh đạo thế giới đã ca ngợi Kissinger, người được đồng trao giải Nobel Hòa bình năm 1973 với lãnh đạo Bắc Việt, Lê Đức Thọ, về vai trò thương lượng chấm dứt chiến tranh Việt Nam, và sau đó được trao Huân chương Tự do của Tổng thống - giải thưởng cao quý nhất của nước Mỹ dành cho một công dân.

 

 

Nhìn lại chế độ Khmer Đỏ và nạn diệt chủng

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9db2/live/022e0480-919c-11ee-952c-5f8de97ee99b.png

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9db2/live/022e0480-919c-11ee-952c-5f8de97ee99b.png

Bà Prum Hen nói bà vẫn còn căm giận nước Mỹ cho đến ngày hôm nay

 

Thế nhưng chỉ ít người ở Campuchia vào những năm 1970 còn nhớ rõ về những gì Kissinger đã để lại.

 

Bà Prum Hen, 70 tuổi, buộc phải bỏ chạy khỏi làng của mình khi các quả bom của Mỹ bắt đầu bị ném xuống. Bà nói bản thân biết rất ít về Kissinger và cảm thấy có ít sự thương cảm khi nghe tin ông ta qua đời.

 

"Hãy để ông ta chết đi bởi vì ông ta đã giết nhiều người dân của chúng tôi," bà nói, và cho biết bà vẫn còn cảm thấy sự căm phẫn sâu sắc nhằm vào nước Mỹ.

 

"Họ đã ném bom đất nước của tôi, giết nhiều người, chia cắt cha mẹ và con cái. Sau đó, Khmer Đỏ giết chồng, vợ và con."

 

Bà Becker nói tầm quan trọng trong những sách lược của Kissinger tại Campuchia không thể được đánh giá thấp.

 

"Tuyên bố ném bom không chuẩn xác... là vô nhân tính. Đây không chỉ là số lượng người, đây là những gì đã để lại."

 

"Bạn không thể thổi phồng về hậu quả cuộc ném bom đã gây ra cho quốc gia này."

 

Henry Kissinger: Trung Quốc tiếc thương 'người bạn cũ quý giá nhất'

 

Henry Kissinger: Người định hình thế giới đầy tranh cãi

 

-----------------------------------------

TIN ;LIÊN QUAN

 

·         

Henry Kissinger: Người định hình thế giới đầy tranh cãi

30 tháng 11 năm 2023

·         

Henry Kissinger: Trung Quốc tiếc thương 'người bạn cũ quý giá nhất'

2 tháng 12 năm 2023

·         

Đường dẫn tới Cuộc chiến Đông Dương lần Ba

20 tháng 2 năm 2017

·         

Quan hệ Việt Nam-Campuchia: Bất đồng sẽ được giải quyết dưới thời ông Hun Manet?

2 tháng 8 năm 2023

·         

Từ khóa 'Việt Nam' trong bàn cờ chính trị Campuchia ngày nay

25 tháng 7 năm 2023

·         

Ai từng trợ giúp Pol Pot và đồng minh?

17 tháng 11 năm 2018

 

 

 

 



No comments: