Monday, December 4, 2023

HENRY KISSINGER & "HỘI CHỨNG NHƯỢC TIỂU" TRƯỚC TRUNG HOA (Nguyễn Quốc Tấn Trung / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Henry Kissinger và “hội chứng nhược tiểu” trước Trung Hoa

Nguyễn Quốc Tấn Trung  -  Luật Khoa Tạp Chí

December 04 2023 5:06 PM

 https://www.luatkhoa.com/2023/12/henry-kissinger-va-hoi-chung-nhuoc-tieu-truoc-trung-hoa/

 

Người bạn lâu năm của Trung Quốc.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/12/Kissinger.png

Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.

 

Henry Kissinger là một trong những nhà ngoại giao nổi tiếng (và khét tiếng) nhất của Hoa Kỳ hiện đại, với một di sản ngoại giao gây nhiều tranh cãi. Đối với một số người, Kissinger là một tên đồ tể, kẻ đứng sau chính sách can thiệp hung hăng của Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian dài ở nhiều châu lục. Đối với một số khác, Kissinger là một nhà ngoại giao tài ba, có kỹ thuật, thực hiện đúng nghĩa vụ “Hoa Kỳ trên hết” và đã làm hết mình vì lợi ích Hoa Kỳ. 

 

Tuy nhiên, cả hai góc nhìn yêu ghét trên vẫn còn mang đậm cảm tính chính trị, vốn không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Bài viết này, tiếp nối một số quan điểm đã được nêu lên trước đó, cùng với các thông tin của chính Kissinger rút ra từ tác phẩm “Về Trung Hoa” (tựa gốc: On China) xuất bản năm 2011, muốn chỉ ra rằng ngay cả khi nếu chúng ta nói về năng lực và tầm nhìn, Kissinger không đạt đến được hình ảnh mà nhiều người xây dựng về ông. [1]

 

                                                     ***

 

Những điều vừa nói bên trên được thể hiện rõ qua tư tưởng và các suy nghĩ của Kissinger, đặc biệt là trong quyển sách Về Trung Hoa, nặng đến mức người viết tự đặt tên cho nó là “Hội chứng Trung Hoa” trong tư tưởng của Kissinger. 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2023/12/210202-henry-kissinger-china-1971-ew-440p-87bb24.webp

Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong chuyến thăm đến nước này vào năm 1971. Nguồn ảnh: AP Photo.

 

Về Trung Hoa không phải là một tác phẩm tệ, cũng không phải không có một nền tảng vững chắc về lý luận hay phương pháp. Tác giả của cuốn sách là người có kinh nghiệm hoạt động chính trị trong gần một thập niên, và có nguồn lực khổng lồ để tuyển các ghost writer (người viết thuê ẩn danh) tốt nhất có thể. Với hơn 500 trang sách, người viết tin rằng sẽ có rất nhiều thông tin thú vị để độc giả thẩm thấu, chiêm nghiệm.

 

Ở các phần đầu sách, chúng ta nhận thấy một Kissinger nhạy cảm và nhiều chiều.

 

Ông cho rằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không nên là một cuộc đua về không. Đây là một quan sát có tính toán và có nền tảng lịch sử. Theo Kissinger, khi nhìn lại hai cuộc thế chiến, ta thấy gốc gác nằm ở quá trình tranh giành vị thế bá quyền giữa Anh và Đức. Ông đưa ra các dẫn chứng cho rằng người Anh đã nhìn sự trỗi dậy của Đức và sự xung đột của hai quốc gia trong tương lai là một điều không thể tránh khỏi. Ngay từ những năm 1907, Văn phòng Đối ngoại Anh (British Foreign Office) đã xem những cam kết hòa bình từ Đức là không giá trị.

 

“Tính khủng hoảng của hệ thống vốn đã nằm ngay trong bản chất của cấu trúc của nó,” có thể nói là một quan sát chuyên sâu trong quyển Về Trung Hoa.

 

Cách tiếp cận ban đầu của Kissinger về Trung Quốc cũng không phải là vô lý.

 

Ví dụ, ông nói rằng Washington không nên tìm cách can thiệp hay làm thay đổi bản chất của nhà nước Trung Quốc từ bên ngoài. Lịch sử hàng ngàn năm của đế chế này đã chứng minh nó quá lớn, quá tự cao, và quá độc lập khỏi thế giới để có thể tác động vào mà không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào.

 

Kissinger cũng vẽ ra một cách tiếp cận khá… khai phóng trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, khi cho rằng người Mỹ cần áp dụng cả chủ nghĩa hiện thực (realism) lẫn chủ nghĩa tự do (liberalism). Những học giả của chủ nghĩa hiện thực cần thấy rằng tất cả các chính sách của Hoa Kỳ sẽ tuân thủ và lồng ghép “giá trị Mỹ” vì đó là danh tính của quốc gia. Tuy nhiên, giới học giả tự do cũng cần thận trọng và kiên nhẫn trong việc thay đổi Trung Quốc. Sẽ là thật tốt nếu Hoa Kỳ có một người bạn Trung Quốc dân chủ, khi đó Hoa Kỳ sẽ không cần phải lo ngại về vị trí bá quyền kế tiếp nữa. Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ có thể biến Trung Quốc thành một quốc gia dân chủ hay không lại là câu chuyện khác.

 

                                                    ***

 

Đến phần tiếp theo của quyển sách, người viết đồng tình với bạn đọc rằng hầu hết những quan sát và phân tích mà Kissinger đưa ra là đầy đủ, đứng ở một góc nhìn rất khách quan, và có cân nhắc lợi và hại của nhiều phương pháp tiếp cận. Tuy nhiên, không quá khó để thấy rằng càng về sau, lời lẽ ôn hòa và vỏ bọc về lý luận của Kissinger có mục đích thúc đẩy chính quyền Hoa Kỳ rơi vào thế “nhượng bộ”, “hòa hoãn”, và nên chấp nhận mọi yêu sách hay hành động của Trung Quốc để hai quốc gia có thể chung sống “hòa bình” với nhau.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2023/12/APKissinger3-1100x759.jpg

Henry Kissinger và Đặng Tiểu Bình dùng bữa tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, năm 1974. Nguồn ảnh: AP Photo.

 

Nếu nói về xung đột giá trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự kiện Thiên An Môn có thể nói là đỉnh điểm xung đột trong sự nghiệp ngoại giao của Kissinger. Tuy nhiên, với quyển Về Trung Hoa, sau hàng thập niên nhìn lại, Kissinger không chỉ không có thay đổi nào về góc nhìn mà còn chủ động bảo vệ các quyết định của Bắc Kinh. Ông cho rằng: “Đây [quyển sách] không phải là nơi để đánh giá các chuỗi sự kiện dẫn đến bi kịch tại Thiên An Môn; mỗi bên có những quan điểm và nhìn nhận khác nhau phụ thuộc vào thời điểm và nguồn gốc họ bắt đầu liên đới với khủng hoảng này.”

 

Đứng trước một trong những khủng hoảng nhân quyền lớn nhất ở Trung Quốc sau khi nước này đổi mới kinh tế, Kissinger gần như hoàn toàn im lặng trong ngoại giao lẫn các phát ngôn. Thậm chí, chúng ta có thể nhận thấy giọng điệu biện hộ cho Bắc Kinh, khi ông khẳng định chính các nhóm biểu tình đã khiêu khích chính quyền và dẫn đến sự kiện đau thương này. 

 

Sẽ có người cho rằng các lý luận về nhân quyền bên trong Trung Quốc vẫn còn nhạy cảm và không liên quan lắm đến lợi ích sát sườn của nước Mỹ. Nhưng đây không phải là sự kiên duy nhất mà Kissinger bỏ qua chủ nghĩa tự do - giá trị lập quốc của Hoa Kỳ, hay thậm chí là bỏ qua cả chủ nghĩa hiện thực để nhận biết và can thiệp đúng lúc khi quyền lợi của Hoa Kỳ bị gây ảnh hưởng. 

 

Tuy nhiên, không đâu trong quyển sách 500 trang này bạn có thể tìm được những thông tin thừa nhận thực tế về việc chính Trung Quốc đã phổ biến vũ khí hạt nhân cho Pakistan, hỗ trợ Iran phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân liên quan, cũng như tài trợ cho các hoạt động của Triều Tiên và cho phép chính quyền nước này bán nhiều vũ khí công nghệ cho các nhóm vũ trang tư nhân phản loạn. 

 

Tương tự, khi nhắc đến các chính sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên khắp châu Á, với Ấn Độ, Nhật Bản, và hàng loạt các quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), Kissinger dùng văn phong và vị trí quan sát, “không phán xét” để cho rằng: “Đối với mỗi sự kiện, sẽ có một phiên bản nơi mà Trung Quốc là quốc gia bị xâm phạm.”

 

Cách tiếp cận này không chỉ thể hiện sự yếu kém về mặt phán xét chính trị mà cả về mặt phân tích chính trị. 

 

Nỗ lực “tranh chấp hóa” và “xung đột hóa” các vùng lãnh thổ, vùng biển vốn trước nay chưa từng do Trung Quốc quản lý rõ ràng là một định hướng chính sách, một mục tiêu quốc gia của Bắc Kinh. Nó không đơn thuần chỉ là một màn trình diễn ngoại giao để thăm dò hay răn đe Hoa Kỳ. 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2023/12/231130082446-xi-jinping-kissinger-072023.webp

Henry Kissinger đến thăm Trung Quốc và gặp Tập Cận Bình vào ngày 20/7/2023. Nguồn ảnh: AFP.

 

Ngoài ra, tất cả các vụ việc mà Kissinger liệt kê trong quyển sách, bao gồm cả tranh chấp Biển Đông, đều là những vụ mà Trung Quốc có tính chính danh chủ quyền rất yếu, hay thậm chí là không có gì (như ở Biển Đông). Cho rằng mỗi vụ việc đều có một phiên bản khả dĩ mà Trung Quốc là quốc gia bị xâm phạm quyền lợi, là kiểu phân tích nhượng bộ phi lý, gây nhiễu thông tin tầng cao ở Hoa Kỳ, từ đó mang lại lợi thế cho Trung Quốc hơn là giúp đưa ra các quyết định và chính sách đúng đắn. 

 

Đó là chưa kể đến hàng loạt các chính sách hung hăng về thương mại, sở hữu trí tuệ, gián điệp quân sự, v.v. mà Trung Quốc thực hiện nhắm tới Hoa Kỳ, các quốc gia láng giềng Châu Á, cũng như nhiều định chế quốc tế, mà Kissinger bỏ qua hay cho rằng không quan trọng. 

 

                                                       *** 

 

Chính trong thời đại của Kissinger, Trung Quốc - với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ - có cơ hội trỗi dậy và nhận mọi nguồn lực, nguồn đầu tư từ khắp thế giới đổ dồn về. Và cũng suốt nhiều năm tiếp theo, với ảnh hưởng học thuật, tư duy của mình, ông tiếp tục thuyết phục các chính quyền Hoa Kỳ sau đó duy trì sự nhượng bộ của họ đối với Bắc Kinh. Đây cũng là một trong những lý do chính quyền Trung Quốc luôn hết lời tán dương Kissinger. 

 

Có vẻ Kissinger tin rằng, dựa trên quá trình phân tích dài hơi về lịch sử Trung Quốc, là những lãnh đạo toàn trị ở đây không nên bị làm phật lòng phật ý dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Song khi mà cho rằng mình đang né tránh các cuộc xung đột địa chính trị không cần thiết, ông chỉ đang nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho một cuộc xung đột lớn hơn với một quốc gia hung hãn và giàu thực lực hơn.

 

-----------

Chú thích

 

1. Henry Kissinger, On China (Penguin Books 2012).

 


 

Tả, hữu và Tập Cận Bình

Cấp ủy, cấp ủy, cấp ủy

Luật Khoa tạp chí         Hoàng Dạ Lan

 

 

Tìm lời giải cho hiện tượng Trung Quốc: Vì sao tham nhũng nặng nhưng phát triển thần kỳ?

Vai trò của các cỗ xe tam mã trong mối liên hệ tham nhũng – phát triển của Trung Quốc.

Luật Khoa tạp chí                            Nguyễn Văn Lung

 

 

“Một Trung Quốc” qua các đời tổng thống Hoa Kỳ

Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành lần đầu trên ấn bản

Luật Khoa tạp chí                       Nguyễn Quốc Tấn Trung

 





No comments: