Nỗi sợ hãi chưa có điểm dừng: Sau dao, sẽ cấm cái gì?
Thứ Năm, 12/21/2023 - 06:54 — nguyenhuuvinh
https://www.rfavietnam.com/node/7876
Một dự luật và sự chuẩn bị dư luận
Bộ Công an dự định sẽ trình Kỳ họp thứ 7 của Quốc Hội dự thảo “Luật
Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ” (sửa đổi).
Trươc khi trình dự án này, Bộ Công an mà trực tiếp là Thượng tướng Nguyễn
Duy Ngọc, Thứ trưởng bộ này đã ít nhất vài ba lần lên phân trần trước Quốc hội,
rằng thì là việc này đã được cân nhắc cẩn thận, chuẩn bị đầy đủ và nghiên cứu kỹ
lưỡng trước khi sẽ trình ra Quốc hội. Rằng thì là đã tổng kết con số bao nhiêu
năm nay,số vụ án được thực hiện do dao đã là 58%. Và rồi rất nhiều lý lẽ của
viên Thứ trưởng này để biện hộ cho việc Bộ Công an sẽ đưa dao vào diện vũ khí
và sẽ quản lý dao trong dân chúng.
Kể ra Bộ Công an cũng đã sử dụng đúng người, đúng việc khi đưa Nguyễn
Duy Ngọc ra để thuyết phục Quốc hội thông qua Dự án này. Thực chất thì để trấn
an lòng dân. Bởi ai cũng biết dù có ngược ngạo đến mấy, vô lý đến bao nhiêu đi
nữa, thì cứ đưa ra Quốc hội là sẽ giơ tay. Nhất là những dự án mà Bộ Công an
đưa ra, thì chắc chắn là được thông qua dù tất cả dân chúng phản đối. Câu nói của
nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn còn đó, rằng: “Bộ chính trị đã
quyết định, kiểu gì cũng phải ra được luật”. Câu nói đó, đã nói lên thực chất
cái gọi là “Cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước” nó cao đến đâu.
Bởi Nguyễn Duy Ngọc là người có năng khiếu thuyết phục, năng khiếu sáng
tác ngôn ngữ, năng khiếu “nói như có thật” trong các vụ việc, thậm chí đã có dư
luận cho rằng nên đưa anh ta phụ trách viện ngôn ngữ, hoặc “Từ điển Công an”.
Bởi dân Việt vẫn nhớ và lưu truyền các khái niệm “Giơ chân hơi cao” và
“Gạt tay trúng má” mà Nguyễn Duy Ngọc là tác giả. Và cũng nhờ những thành tích ấy,
nhất là khi nói những điều đó, thể hiện được cái bản lĩnh của người cộng sản,
mà Nguyễn Duy Ngọc được nâng lên với tốc độ… tên lửa trên con đường quan lộ của
mình.
Cũng đúng thôi, thời đại 4.0 này mà vẫn có những người đủ can đảm như vậy,
tài năng như vậy thì quả là hiếm. Bởi với nhiều người, thì liêm sỉ con người vẫn
quan trọng trong đời sống của họ.
Một dự luật… không bình thường
Theo đề xuất của cái gọi là “Luật” này thì ngoài Vũ khí quân dụng, vũ
khí thô sơ và vũ khí thể thao. Trong đó, súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng bắn
đạn nổ, súng bắn đạn sơn, súng nén gas, súng nén khí, súng nén hơi… được bổ
sung vào danh mục vũ khí quân dụng. Thì lần này, Bộ Công an còn đưa vào danh mục
Vũ Khí bao gồm: “Các loại dao có tính sát thương cao”, những loại này được bổ
sung vào danh mục “các loại vũ khí thô sơ”.
Hẳn nhiên, đã là dao thì dao nào mà chẳng có tính sát thương. Dao mà
không có tính sát thương đâu còn là dao. Bởi chức năng của dao, hẳn nhiên là phải
sắc, phải bén.
Mà định nghĩa dao là “Vũ khí” – Nghĩa là công dân không được sử dụng mà
không phải xin phép công an hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bộ Công an cho rằng: “Dao có tính sát thương cao được định
nghĩa là dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi từ 20cm trở lên, hoặc
dao có chiều dài lưỡi dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng,
tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao”.
Thứ trưởng, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc giải thích rằng:
việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào danh mục vũ khí thô sơ đã được ban
soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức hội thảo nhiều lần, nghiên cứu kinh nghiệm
của quốc tế nhằm ngăn ngừa hậu quả từ hành vi sử dụng dao gây ra cho xã hội…
Nghĩa là, khi “Luật” này được thông qua, người dân không được dùng dao
có mũi nhọn, không được dùng dao sắc, chỉ được dùng dao cùn, dao ngắn dưới 20
cm, và không được hoán cải khác thông thường… hoặc tốt nhất là chỉ được dùng đồ
đá, đồ bằng xương, bằng sành… như thời nguyên thủy.
Ai cũng biết rằng, trong đời sống xã hội, con dao là vật bất ly thân hầu
như của mọi người. Nó không chỉ để tự vệ ở những vùng núi rừng như thường thấy,
mà nó còn có mặt trong hầu hết mọi hoạt động, sinh tồn của con người từ xây dựng,
ăn ở, trồng trọt hái lượm đến chế biến. Lịch sử tiến hóa của xã hội loài người
được ác nhà nghiên cứu qua các thời kỳ con người biết sử dụng những công cụ để
chinh phục thiên nhiên, để phục vụ đời sống, phục vụ sản xuất của mình và xã hội.
Qua quá trình đó, dao, búa, rìu… là những công cụ thiết thực nhất thể hiện
trình độ phát triển của loài người.
Thế nên, khi luật này được thông qua, thì Quốc hội, dưới sự chỉ đạo của
Bộ Công an, đã góp phần đưa đất nước Việt Nam tiến một bước dài về thời kỳ tiền
sử.
Theo hệ thống tuyên truyền của đảng, thì cách đây hơn 50 năm, Tổng thống
Mỹ Nixon đã ra lệnh thực hiện Chiến dịch Linebacker II nhằm "đưa miền Bắc
trở về thời kỳ đồ đá". Vậy nhưng, hùng mạnh như Đế Quốc Mỹ mà cũng không
làm được. Nay, với chỉ một lần giơ tay của Quốc hội, đảng đang từng bước hiện
thực hóa thời kỳ đồ đá tại Việt Nam.
Vì đâu nên nỗi!
Ai cung biết, con dao là vật không thể thiếu trong đời sống người dân,
nó được sử dụng hầu như mọi nơi, mọi lúc, nó được sản xuất, mua, bán và dùng
trong đời sống con người như một điều tất yếu, cái mà người dân cần, là nó sắc
hơn, bén hơn, bền hơn và sử dụng thuận tiện hơn.
Việc sản xuất, mua bán dao, rìu, búa… là những vật dụng thông thường,
là nghề nghiệp của biết bao nhiêu người trong xã hội. Nay bỗng nhiên bị đưa vào
quản lý, để bị cấm, để bị tịch thu, để bị phạt, bị tù tội nếu cố tình sản xuất
và sử dụng.
Vậy thì sẽ có hàng loạt làng nghề mất nghiệp, sẽ có một xã hội mà nhiều
làng nghề chuyển sang chế tác đá thay cho dao. Mặc dù ông Thứ trưởng Bộ Công an
trấn an rằng: “Đối với vấn đề quản lý hoạt động sản
xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu dao có tính sát thương cao có đưa vào loại
hình kinh doanh có điều kiện hay không? Hay sẽ quản lý theo biện pháp của ngành
công an? Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên
cứu thận trọng, thấu đáo vấn đề này, để làm sao đạt được cả thuận lợi cho công
tác quản lý cũng như không làm ảnh hưởng tới hoạt động xã hội”.
Chuyện “không làm ảnh hưởng tới hoạt động xã hội” thì đó lại là chuyện
“giơ chân hơi cao”. Một xã hội từ bà nấu bếp cho đến thái rau, từ ông tiều phu
đến người dân bán thịt, từ ngàn đời nay trên tay họ vẫn là con dao. Bây giờ muốn
sử dụng phải có giấy phép, có lệnh của Công an, còn không là “Cấm”. Vậy làm sao
để không ảnh hưởng đến xã hội?
Mặc dù biết rất rõ điều đó, nhưng Bộ Công an vẫn kiên quyết và kiên trì
để nhất định đưa dao thành Vũ khí.
Mà ở Việt Nam, thì mọi loại vũ khí, từ tinh vi đến thô sơ, từ lớn đến
nhỏ, người dân không được sờ mó đến, không được bén mảng đến gần… để cho đảng
yên tâm ngồi trên chiếc ghế cai trị của mình.
Thế nên, việc xã hội cần là một chuyện, còn đảng sợ là một chuyện khác.
Mà nguyên tắc của đảng, là phải bảo vệ đảng khỏi nỗi sợ hãi đó.
Điều gì đằng sau?
Năm 1995, khi nhà cầm quyền VN ra lệnh cấm pháo Tết, bắt đầu từ pháo nổ
rồi pháo bông, rồi các loại pháo khác nhau đều bị cấm trong mọi trường hợp.
Nguyên nhân là nỗi sợ hãi những tiếng nổ.
Nguyên nhân, là sự ám ảnh của những tiếng nổ Tết Tết Mậu Thân 1968, khi
người Cộng sản miền Bắcđã lợi dụng thời điểm nổ pháo mừng xuân mà thay bằng đại
bác vào toàn Miền Nam. Ngay sau lời “Chúc tết” của Hồ Chí Minh, “Tiến
lên! Toàn thắng ắt về ta” thay cho tiếng pháo nổ mừng xuân, là hàng loạt tiếng
súng, tiếng đại bác dìm Miền Nam trong biển máu dù trước đó có thỏa thuận ngừng
bắn để đón xuân.
Thế rồi, khi mà một chính quyền “Của
dân, do dân, vì dân” đã và đang hiểu được lòng dân đối với mình ra sao thì họ
đã triệt để cấm pháo, trừ hậu họa. Họ sợ người dân học tập và làm theo khi mà lòng căm
phẫn trong dân càng ngày càng sôi sục.
Sau khi cấm pháo nổ, bước tiếp theo là tịch thu toàn bộ vũ khí trong
dân, kể cả súng đạn trước cấp cho các lực lượng tự vệ, dân quân.
Chưa yên tâm, nhà cầm quyền Việt Nam lại tịch thu toàn bộ vật liệu nổ,
vũ khí thô sơ, súng săn, súng hơi… miễn là có tính sát thương, có nguy cơ nổ
vào cơ quan đảng và nhà nước.
Rồi sau đó, là công cụ hỗ trợ và bây giờ là… dao.
Câu chuyện chàng A.Q của nhà văn Lỗ Tấn, trong chuyện “kiêng
tuyệt không dùng đến tiếng "sẹo" và tất cả những tiếng âm gần giống
âm "sẹo". Về sau cứ mở rộng phạm vi dần, tiếng "sáng", tiếng
"rạng" cũng kiêng, rồi tiếng "đèn", tiếng "đuốc"
cũng kiêng tuốt. Chẳng cứ người nào, bất kỳ vô tình hay hữu ý mà phạm phải huý
là A Q nổi giận, cái đám sẹo đỏ ửng lên, y nhìn để đánh giá đối thủ rồi kẻ ít mồm
ít miệng là y chửi, kẻ sức yếu là y đánh.
Sau đúng 100 năm, tại một đất nước phía Nam Trung Quốc, đang có một
chính phủ thực hiện một cách đầy đủ tính
cách A.Q. Chính phủ đó cấm mọi thứ có thể gây sát thương. Từ súng đạn, vũ khí,
chất nổ, công cụ thô sơ rồi lan dần đến tiếng nổ và bây giờ là dao.
Người ta đang đặt ra câu hỏi: Sau dao, sẽ là cái gì để nhà nước quản
lý, để cấm tiếp.
Hẳn là khi đó, Công an sẽ cho biết rằng: Hầu hết mọi cuộc tấn công, thì
người dân đều dùng tay chân nên sẽ có Luật mới để quản lý tay, chân của người
dân chăng?
Điều này nói lên rằng, Nhà cầm quyền Việt Nam sợ hãi đến từng dụng cụ
hàng ngày trong đời sống xã hội.
Bởi cái chính phủ đó sợ hãi trước lòng dân.
Điều này, cũng có nghĩa là nhà cầm quyền Việt Nam đã phần nào hiểu được
lòng dân và tự họ biết được vị trí của họ trong lòng dân ra sao.
Nên nhớ điều này: Dân số Hoa Kỳ có 331 triệu người nhưng có đến gần 400
triệu khẩu súng trong dân chúng. Có nghĩa là ở Hoa Kỳ, mỗi người trưởng thành sử
dụng trung bình nhiều hơn 2 khẩu súng. Dù xã hội Mỹ thỉnh thoảng vẫn có những vụ
xả súng và tai nạn súng đạn mà mỗi lần xảy ra là cơ hội cho báo chí Việt Nam
tung hê rằng xã hội ấy mất an toàn.
Nhưng, chính phủ Hoa Kỳ vẫn đứng vững trước mũi của hàng trăm triệu khẩu
súng ấy của người dân. Hơn 200 năm qua, có thể có những vụ xả súng do thù hận,
do tâm thần vào xã hội gây những vụ sát thương kinh hoàng.
Nhưng người dân vẫn không nổ súng vào chính phủ. Mặc cho chính phủ ấy
không tự xưng là “Của dân, do dân, vì dân”. Chính phủ ấy, nhà nước ấy vẫn đứng
vững trước hàng trăm triệu khẩu súng của người dân.
Bởi điều đáng sợ hơn cả là lòng dân, chứ không phải vũ khí mà họ đang cầm
trong tay.
Bởi lòng dân mới là biển lớn, sẽ đến lúc nhấn chìm bọn vô lại.
Ngày 20.12.2023
J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment