Nỗ
lực điều hành “cứu” tăng trưởng, Chính phủ đối phó thách thức, rủi ro kép
Phạm Quý Thọ
11-12-2023
Bài
bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học
Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
Một người
dân đạp xe đi qua tấm biển cổ động cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà
Nội hôm 31/1/2021 (minh hoạ)
Sau ‘cú sốc’
từ đại dịch COVID-19 làm tổng sản phẩm quốc nội GDP sụt giảm mạnh, mục tiêu
tăng trưởng là ưu tiên của chính sách kinh tế. Tuy nhiên, do nóng vội việc nới
lỏng nhanh tiền tệ, khuyến khích đầu tư để tăng trưởng khiến cho lãi suất huy động
và cho vay của ngân hàng tăng nhanh, ‘bong bóng’ phình to trên thị trường trái
phiếu doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp bất động sản ‘tiên phong’ với sự ‘tiếp
tay’ của ngân hàng... Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ảm đạm và nguy cơ suy trầm
lộ rõ. Nỗ lực điều hành kinh tế để “lấy lại đà” tăng trưởng, Chính phủ đang đối
diện với thách thức và rủi ro nghiêm trọng cả về thị trường và, cả về thể chế.
Tăng trưởng
kinh tế dựa vào các trục tăng trưởng, chủ yếu là nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) và lĩnh vực bất động sản (BĐS), tôi tạm gọi là trục “ngoại” và trục
“nội”, mỗi trục có đặc điểm khác biệt. Trong một phân tích cá nhân
cho rằng việc thu hút FDI vẫn được Đảng chú trọng, kể cả việc “nhích” lại gần
phương Tây hơn. Tuy nhiên, trái ngược với mục đích tăng trưởng, các chính sách
cứng rắn chống tham nhũng và siết chặt sự kiểm soát của Đảng với toàn xã hội
đang gây ra hiệu ứng ngược, làm kinh tế suy trầm và, biểu hiện trước hết trong
lĩnh vực BĐS và tài chính, hai bệ đỡ cho trục tăng trưởng “nội.” Nó có vai trò
quan trọng, không chỉ bởi vì nó từng có tốc độ tăng trưởng nhanh và, hiện chiếm
khoảng 20% GDP, mà còn chứa đựng những đặc tính điển hình về chuyển đổi thị trường
trong bối cảnh chế độ Đảng Cộng sản (CS) lãnh đạo: tính không bền vững, đầu cơ,
rủi ro cao. Và, mỗi khi có biến cố không lường trước như chiến tranh, dịch bệnh
hay truy tố các nhà tài phiệt… thì, như một phản ứng tự vệ, trục tăng trưởng “nội”
“lung lay”, hậu quả là thị trường BĐS “đóng băng” và hiệu ứng đô-mi-nô diễn ra.
Trước hết,
thách thức về thị trường qua sự sự bất ổn của hệ thống tài chính, ngân hàng. Ảnh
hưởng tiêu cực rõ rệt là gây bất ổn cho ngành tài chính, ngân hàng. Biểu hiện nổi
bật là lộ diện một số tổ chức tài chính và ngân hàng yếu kém đứng trước nguy cơ
sụp đổ. Ngân hàng SCB là trường hợp điển hình đang phải “kiểm soát đặc biệt”.
Thực chất là một kiểu phá sản mang “thương hiệu Việt” để tránh phản ứng sụp đổ
dây chuyền đô-mi-nô khi nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân quen, và chỉ
biết trông chờ vào “sự cứu giúp” của Đảng, Nhà nước theo kiểu tuyên truyền về
chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tập thể, mà chưa “sẵn sàng” thích ứng với những cú
sốc thị trường. Hậu quả đặc trưng mang tính chuyên môn là ngân hàng “có tiền mà
không tiêu được.” Lượng tiền ‘ùn ứ’ trong hệ thống ngân hàng đã hơn một triệu tỷ
đồng, tương đương 41 tỷ USD, chiếm gần 10% GDP, mà đang “bế tắc” đầu ra. Các
nhà kinh tế đã cảnh báo về nguy cơ trì trệ hiện hữu sẽ còn kéo dài tạo sức ép lớn
cho nền kinh tế phục hồi và “lấy lại đà” tăng trưởng.
Chính phủ
đã thấy điều này. Nhiều phản ứng chính sách đã nhanh chóng can thiệp, các nghị
định, thông tư, chỉ thị, công điện… trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, BĐS,
các tổ công tác đặc biệt, các chuyến đi nắm bắt tình hình thực tế để “tháo gỡ”
bất cập cho các địa phương, doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực đầu tư công, đường
cao tốc Bắc – Nam, đại dự án sân bay Long Thành... Trong phiên điều trần tại kỳ
họp thứ 6 Quốc hội khoá 15 vừa qua, như sự đánh giá hoạt động giữa kỳ Quốc hội
và có lấy phiếu tín nhiệm, mặc dù diễn ra khá căng thẳng nhưng Chính phủ đã có
“cơ hội” giãi bày về tình hình kinh tế - xã hội, thực trạng khó khăn, các
nguyên nhân và sự bất cập về thể chế và, đặc biệt là về sự nỗ lực của Chính phủ!
Mới đây,
ngày 7/12/2023 ông Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị bao gồm
các ngân hàng trong cả nước để ‘bàn’ giải pháp tháo gỡ khó khăn, “thúc đẩy tăng
trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.” Có thể liệt kê nhiều kiểu hội nghị như vậy vì
mục đích tăng trưởng kể từ khi ông Chính lên nhậm chức từ giữa năm 2021, trong
đó đặc biệt có các cuộc gặp các doanh nghiệp BĐS. Ông Thủ tướng yêu cầu “các
doanh nghiệp bất động sản phải cơ cấu lại phân khúc, giảm giá bán” và các ngân
hàng cần có “chính sách phải hết sức linh hoạt, không hạ chuẩn các điều kiện
cho vay, nhưng có linh hoạt được không?” Chính phủ đã đề xuất mười nhóm giải
pháp điều hành, và khi chỉ ra nguyên nhân của tình hình ông Thủ tướng cũng lưu
ý những căn bệnh cố hữu, đã gây nên cuộc khủng hoảng trong thập kỷ trước, trong
đó có tình trạng sở hữu chéo, cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án
thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn hay mở rộng room tín dụng
và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng… Đại án Vạn Thịnh
Phát phơi bày cách mà các nhà tài phiệt BĐS vượt qua các quy định giới hạn sở hữu,
“nhờ” sự tha hoá, ăn hối lộ khủng của các quan chức quản lý ngành, thanh kiểm
tra… để thâu tóm ngân hàng SCB, phát hành trái phiếu ‘khống’ lừa đảo các nhà đầu
tư.
Rõ ràng,
những diễn ngôn chính trị kiểu như ngân hàng, doanh nghiệp cùng nằm trong một hệ
sinh thái kinh tế cần phải "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ!" không
khoả lấp nỗi lo trước tình hình kinh tế ảm đạm, khó khăn. Một trong những bài học
lớn cho điều hành từ đây có lẽ, thông qua câu ca dao để dễ nhớ, là “Quan có cần
nhưng ‘thị trường’ chưa vội; Quan có vội quan lội quan sang!” Sự tương phản: thị
trường ‘đủng đỉnh’ vận động theo quy luật tự nhiên, khách quan trong khi quan
chức ‘nỗ lực’, ‘vội vã’ vì nhiệm vụ, vì chế độ!
Tuy nhiên,
những bất cập về thể chế mới thực sự là thách thức lớn cho việc điều hành của
Chính Phủ. Các doanh nghiệp, trong đó ngành ngân hàng và bất động sản hoạt động
trong môi trường thiếu vắng các nguyên tắc thị trường cơ bản, bởi vậy mang tính
đầu cơ cao, thiếu tính minh bạch và, hơn thế, còn bị chi phối bởi sự tha hoá
quyền lực công và cá nhân các quan chức chính quyền. Trước hết, các doanh nghiệp
BĐS theo đuổi lợi nhuận cao bằng cách đầu cơ cao, như hơn 2/3 số vốn để kinh
doanh là vốn vay từ ngân hàng và từ người dân thông qua phát hành trái phiếu
tràn lan không có đảm bảo, với đội ngũ ‘cò mồi, môi giới’ mời chào đánh vào
“lòng tham”, “sự ngây thơ” dễ bị lừa của người mua – “thượng đế” vô minh trong
kinh tế thị trường chuyển đổi!
Hơn thế, sự
thao túng của quan chức trong bộ máy chính quyền, thanh kiểm tra bằng hối lộ
“khủng” là nguồn cơn đã huỷ hoại những quy định hiện hành, nhưng sau nhiều năm
mới bị phanh phui, chẳng hạn Đại án AIC sau cả thập kỷ tính từ khi Vụ án tại Bệnh
viện Đa khoa Đồng Nai, năm 2010, hay mới đây, Vạn Thịnh Phát sau ít nhất là năm
năm tính từ năm 2017-2018 khi hai đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước “vào,
ra” nhưng che đậy sự vi phạm của doanh nghiệp. Sự thực thi yếu kém là vấn đề thể
chế, nhưng bản thân thể chế cũng rất bất cập cho thị trường phát triển lành mạnh.
Một bằng chứng đặc trưng, không thể phủ nhận trong lĩnh vực đất đai, tạo ra
‘gót chân Asin’. Đó là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện quản
lý”, thiếu vắng nguyên tắc quyền sở hữu và đảm bảo tài sản. Người đại diện là
các quan chức chính quyền, họ đại diện cho chế độ, cho Đảng CS thay vì người
dân, định đoạt tất cả trong thẩm quyền phân cấp, từ việc thay đổi quy hoạch,
chuyển đổi mục đích sử dụng, thành lập các dự án BĐS đến tổ chức đấu giá, kêu gọi
các nhà đầu tư, mua bán… Những bất cập thể chế như vậy đã phơi bày tại Kỳ họp 6
Quốc Hội khoá 15 mới vừa kết thúc trong tháng 11/2023, trong đó Luật Đất đai sửa
đổi năm 2023 đã bị đề nghị hoãn lại do chưa đáp ứng yêu cầu từ thực tế thị trường.
------------------------------------------------------------------
* Bài
viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
***
Nỗ
lực điều hành “cứu” tăng trưởng, Chính phủ đối phó thách thức, rủi ro kép (phần
tiếp)
Phạm Quý Thọ
17-12-2023
Bài
bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học
Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
Minh họa:
Cán bộ Hà Nội tham gia lớp cán bộ nguồn ở Quảng Châu, Trung Quốc . (SGGP
screenshot)
Thách thức
và rủi ro điều hành nền kinh tế đã tích tụ trong thể
chế “khai thác” với đặc thù mô hình tăng trưởng kiểu Trung Quốc,
trong đó Đảng cộng sản (CS) độc quyền lãnh đạo kinh tế thị trường. Về nguyên
lý, kinh tế thị trường cần có thể chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, chẳng hạn
như chế độ dân chủ với tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp, bởi
vậy vấn đề được đặt ra từ sau chủ trương Đổi mới chuyển nền kinh tế sang thị
trường. Trong thời kỳ đầu, những thành tích tăng trưởng do “cởi trói” nền kinh
tế từ xuất phát điểm thấp, hơn thế, lại bị níu kéo bởi ý thức hệ chủ nghĩa xã hội
giáo điều và dồn nén lâu năm do kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp đã tạo
ra ảo tưởng về năng lực chế độ toàn trị, trì hoãn cải cách thị trường. Tuy
nhiên, khi nền kinh tế chuyển đổi càng sâu rộng sang thị trường, khó khăn thách
thức càng lớn, tăng trưởng kinh tế trồi sụt theo xu hướng giảm.
Hậu quả là
sự trì trệ xây dựng và cải tiến các thể chế thị trường, Đảng thường ‘lưu ý’ rằng
cái gì, vấn đề gì, điều gì đã rõ, đã ‘chín’, “đồng thuận cao”… thì mới đưa vào
hoạch định và thực thi chính sách, nếu còn ‘ý kiến khác nhau’ (trong lãnh đạo đảng)
thì thôi trong khi kêu gọi “đột phá” có trật tự và phải xây dựng đề án và được
“cấp uỷ” đồng ý. Thị trường là thuộc tính của chủ nghĩa tư bản, từ cội nguồn lý
luận, luôn có mâu thuẫn, xung đột với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tập thể vốn
là nền tảng tư tưởng của chế độ dựa vào chủ thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin. Đây
là nguyên nhân cơ bản của hiện trạng bất cập thể chế khiến điều hành tăng trưởng
gặp thách thức ngày càng lớn.
Một là, bị
động đối phó, chay theo các hiện tượng tiêu cực, như lừa đảo trên không gian mạng,
cho vay nặng lãi, tiếp thị gian dối, bằng cấp giả, bôi trơn… hay thậm chí các vụ
cướp ngân hàng để hòng kiểm soát. Do quan niệm đơn giảm hoá thị trường là công
cụ tăng trưởng kinh tế nên giới lãnh đạo đã “xem nhẹ” mặt trái của thị trường.
Thực tế chứng tỏ nó có sức mạnh nhưng đồng thời cũng có sức phá huỷ mạnh, kể cả
một chế độ tập quyền cao nhưng cũng có thể bị lung lay như chúng ta đang chứng
kiến. Tiếc rằng, giới lãnh đạo đã không cho rằng cần phải quyết liệt tạo dựng
và thực thi các nguyên tắc cơ bản để thị trường vận hành theo quy luật.
Hai là,
quan điểm cải cách đang có xu hướng quay lại mô hình cũ, duy trì chế độ kiểm
soát chặt nền kinh tế, xã hội và từng công dân. Đối với cải cách thị trường vấn
đề an ninh kinh tế được tập trung, chẳng hạn, sự bành trướng vô trật tự của tư
bản tư nhân, các ‘đại gia’ mà Đảng thấy ‘không có lợi’ cho mình liền ‘trấn áp.’
Các doanh nghiệp tư nhân, các nhà đầu tư là ‘xương sống’ của nền kinh tế, Đảng
cần có thái độ, tạo môi trường kinh doanh nhất quán cho họ. Họ có vai trò to lớn
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và, kể cả những năm thời kỳ đổi mới vừa
qua, họ đã lớn mạnh, trở thành một lực lượng sản xuất ‘mới’ trong khi các doanh
nghiệp nhà nước độc quyền và được bảo vệ thì ‘ăn tàn, phá hại’, dần lụn bại.
Hãy phán xét tập đoàn điện lực, than và khoáng sản, Viêtnam Airlines… lỗ triền
miên và nặng nề. Họ đang ‘ăn’ tiền thuế của người dân trong khi một số đại gia,
chủ doanh nghiệp tư nhân như bà chủ tịch AIC hay FLC đã từng được ‘vinh danh’,
tặng các danh hiệu lớn nhỏ, thậm chí được ‘tháp tùng’ các lãnh đạo đảng, nhà nước
trong các chuyến công du nước ngoài với tư cách là thành viên của đoàn các nhà
đầu tư! Nay, đã bị truy tố, một số bỏ trốn và một vài còn đang bị giam trong
tù. Vì lý do “an ninh” mà mở rộng hình sự hoá quan hệ kinh tế sẽ huỷ hoại môi
trường kinh doanh và tinh thần doanh nhân. Nhiều vụ án kinh tế đã gây chấn
thương tâm lý trầm trọng, sự bất an của giới doanh nhân là nguyên nhân hiện hữu
của thực trạng kinh tế trì trệ.
Còn vô số
minh chứng cho sự bất cập thể chế kiểu như trên, các quý vị có thể tự nhận thấy
từ thực tế chuyển đổi và đánh giá. Bây giờ, dành đôi dòng về sự rủi ro mà Chính
phủ có thể phải đương đầu. Sự thay đổi thể chế chỉ có thể diễn ra trên thượng tầng,
ở “cung đình” – đây là đặc trưng của chế độ tập quyền cao có truyền thống và cội
nguồn phong kiến như Trung Quốc hay Việt Nam. Đã qua 3 đời Thủ tướng Chính phủ
kể từ Đại hội 11 năm 2011 khi Đảng CS nhận rõ “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo
đức lối sống” của cán bộ đảng viên, tha hoá quyền lực và tham nhũng ngày càng
nghiêm trọng là nguy cơ tồn vong chế độ. Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016 đã gắn liền
với sự bất ổn lên đỉnh điểm trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Ông ra đã rời
chính trường để về hưu làm “người tử tế”. Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021 nên được
coi là “quá độ”, do thoả thuận phe phái trong tập thể lãnh đạo. Ông ấy đã được
‘đôn’ lên làm Chủ tịch nước, để thôi điều hành kinh tế và rồi, đã phải “từ chức”
vì trách nhiệm chính trị trong thời gian làm Thủ tướng. Cả một ekip ‘kỹ trị’,
bao gồm cả hai ông nguyên phó thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021 cũng phải ‘rời’ chính trường khi
đương chức…
Phá vỡ những
quy định của Đảng, ông Tổng bí thư đã tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 để bảo vệ chế độ
trước nguy cơ tồn vong. Đang giành ưu thế ông ấy nỗ lực tiến hành “đốt lò” đồng
thời thể hiện năng lực lãnh đạo kinh tế thị trưởng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
“định hướng xã hội chủ nghĩa” với phương cách thực dụng. Tuy nhiên, vận dụng tư
tưởng thực dụng trong thực tế thật ‘thiên biến’, luôn gây ra những hiệu ứng khó
lường. Đảng CS có niềm tin cố hữu rằng công tác cán bộ là ‘then chốt’ và đang
‘thử nghiệm’ trong hệ thống chính trị. Khi nói về chủ đề này sự ‘trích dẫn’ thường
là câu của V. Lênin, đại ý rằng “hãy cho tôi một tổ chức, tôi sẽ lay chuyển nước
Nga.” Chỉ dẫn này cũng được áp dụng cho cương vị Thủ tướng đương nhiệm
(2021-2026). Ông ấy được Đảng ‘cử’ bởi nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, từng là
nguyên Bí thư tỉnh Quảng Ninh, rồi Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Một bề dày trải
nghiệm công tác thoả mãn những điều kiện cơ bản của Đảng. Ông ấy đang gánh vác
‘trọng trách’ điều hành nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi thị trường. Thật
khó cho ông ấy nếu tăng trưởng kinh tế suy giảm cũng là một trong những rủi ro
lớn.
Không thể
không nhận thấy ưu điểm “năng nổ” của cá nhân ông Thủ tướng. Ngoài những hành động,
phản ứng chính sách như nêu ở trên, ông ấy thể hiện như một ‘Tư lệnh’ mặt trận,
đặc biệt hình ảnh ông ấy mặc bộ đồ màu xanh ‘bộ đội’, đẫm mồ hôi trong tâm dịch
đợt 4 ở thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối năm 2021. Tuy nhiên, kinh tế thị trường
đang thử thách ông ấy. “Quan có cần nhưng ‘thị trường’ chưa vội; Quan có vội
quan lội quan sang!” Chúng ta hay chờ
xem ông ấy và Chính phủ sẽ vượt qua những thử thách và rủi ro như thế nào.
Còn khoảng
hơn 2 năm nữa đến kỳ Đại hội 14, dự kiến tháng 1/2026. Công việc chuẩn bị đang
khởi động. Ông Thủ tướng đương nhiệm là Trưởng Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội
đại biểu toàn quốc lần này của Đảng. Ông ấy chủ trì phiên
họp thứ nhất của Tiểu ban gồm 53 thành viên từ hệ thống chính trị. Thật
khó và bất khả kháng đối với ông ấy khi muốn trình bày một nội dung “đột phá”,
chẳng hạn cải cách thể chế thế nào sao cho giải quyết được mâu thuẫn giữa hai hệ
giá trị đối nghịch giữa chế độ tập quyền và thị trường hay dung hoà thế nào giữa
dân chủ và độc đoán…
“Trông người
lại ngẫm đến ta”. Nhìn sang nước láng giềng phương Bắc, ‘người bạn’ với phương
châm “4 tốt và 16 chữ vàng” cái chết “đột ngột” của cố thủ tướng Lý Khắc Cường
gây nhiều đồn đoán về nội trị của chế độ Đảng CS toàn trị. Trong thời gian ông ấy
làm Thủ tướng, được mang danh là “của nhân dân”, đã có những phát biểu được giới
phân tích chính trị chú ý. . Một trong số đó là “trời xanh nhìn thấu chuyện trần gian” như một cảnh
báo, nỗi ai oán hay sự thay đổi ‘nào đó’ có thể xảy ra cho chế độ ở một quốc
gia có một tỷ tư người này trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng, khủng hoảng
kinh tế mang tính cấu trúc và bất ổn chính trị nghiêm trọng.
Phạm
Quý Thọ
-------------------------------------------------------------
*Bài
viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do
No comments:
Post a Comment