Những
kẻ cản trở đại nghiệp quốc gia
Ngô Quốc Thịnh (Wu Quosheng)
Thứ Ba, 5
tháng 12, 2023
https://vandoanviet.blogspot.com/2023/12/nhung-ke-can-tro-ai-nghiep-quoc-gia.html
Mấy
hôm trước, trên diễn đàn Vietnamphysics anh Dam
Thanh Son có giới thiệu một bài báo viết bằng tiếng Trung với nội dung
là trả lời phỏng vấn của một giáo sư sử học của Đại học Thanh Hoa về những điểm
thắt mấu chốt của nền khoa học Trung Quốc so với nền khoa học Hoa Kỳ. Đọc bài
viết qua google translate thấy ý kiến của vị giáo sư này là rất hay, rất bổ ích
cho những suy nghĩ ở Việt Nam ta. Với mong muốn được hiểu sâu sắc hơn nội dung
bài báo tôi đã nhờ một người bạn của tôi, bạn Huong
Tran, người từng học tập tại Trung Quốc, dịch hộ bài báo này. Đọc bản dịch
của tiến sĩ Văn học, tôi thấy ý kiến và phân tích của vị giáo sư ở Đại học
Thanh Hoa kia quả là sâu sắc, chứa đựng nhiều điều mà tôi cho rằng chúng ta có
thể học hỏi được. Cảm ơn bạn Huong
Tran. Tôi đăng tải bản dịch ở đây để mọi người có thể tham khảo.
Đỗ
Văn Nam
-----------------------------------
Nhiều năm
qua, vì sao sức mạnh khoa học kĩ thuật của Mĩ luôn ở vị trí dẫn đầu? Khoảng
cách thực sự giữa Mĩ và TQ là gì? Cái gì đã cản trở những sáng tạo khoa học của
Trung Quốc? Chính phủ, giáo dục, giới khoa học và toàn xã hội cần thay đổi những
gì? Dưới đây là chuyên đề phỏng vấn giáo sư Ngô Quốc Thịnh, chủ nhiệm khoa Lịch
sử, ĐH Thanh Hoa. Trong giai đoạn bản lề hiện nay, quan điểm của ông thực sự sắc
bén và mang tính thức tỉnh.
1.
Khoảng cách thực sự giữa Mĩ và Trung Quốc là gì?
Đối với tiềm
lực khoa học kĩ thuật của hai nước Trung Mĩ, tôi cho rằng chúng ta cần có nhận
thức rõ ràng hơn. Sự phát triển của khoa học hiện đại là một kết cấu lập thể,
bao gồm ba phương diện: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, và nghiên cứu
phát triển thị trường. Sức mạnh KHKT tổng hợp của một quốc gia cũng được quyết
định bởi ba yếu tố trên. Chỉ cần một yếu tố yếu kém thì sức mạnh KHKT của quốc
gia đó sẽ bị thiên lệch. Tại sao ba phát minh lớn nhất thế kỉ 20 là vô tuyến điện,
máy tính, internet đều thuộc về nước Mĩ? Bởi vì nguyên nhân quan trọng nhất là
cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng lẫn nghiên cứu phát triển của họ đều
cực mạnh. Đặc biệt, Mĩ luôn chú trọng và không tiếc tiền đầu tư tối đa cho
nghiên cứu cơ bản. Sau thế chiến thứ II, Mĩ thành lập quỹ khoa học quốc gia
(NFS), liên tục rót tiền cho nghiên cứu cơ bản. Tại sao Mĩ lại coi trọng khoa học
cơ bản đến vậy? Vì khoa học cơ bản quyết định trình độ phát triển của lĩnh vực
nghiên cứu khoa học nền tảng, quyết định việc quốc gia đó sản sinh ra được bao
nhiêu phát minh gốc, khiến cho “phát minh gốc” đó giống như quả cầu tuyết càng
lăn càng lớn thêm, những nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu phát triển cũng theo
đó mà lớn mạnh. Như vậy, tiềm lực khoa học kĩ thuật của Mĩ ngày càng mạnh.
Trong khi đó, sở đoản của Trung Quốc lại chính là thiếu nhận thức chính xác về
nghiên cứu nền tảng và khoa học cơ bản. Truyền thống văn hóa của ta vốn không cổ
vũ cho khoa học, chân lí và sáng tạo. Trong cả giai đoạn lịch sử cận đại và hiện
đại hóa, thứ khoa học được chúng ta phát triển hầu như không phải là thứ khoa học
đơn thuần phục vụ việc theo đuổi chân lí, phát triển sức sáng tạo cá thể, khao
khát khám phá vũ trụ huyền bí. Phần lớn chúng ta phát triển thứ khoa học phục vụ
mục đích cứu nước cứu dân, chấn hưng Trung Quốc, phục vụ nhu cầu văn hóa. Điều
đó dẫn đến việc chúng ta thường nhìn khoa học từ góc độ thực dụng, góc độ lợi
ích.
Với một số
người, anh làm khoa học nghĩa là anh sẽ phải mang vinh quang về cho dân tộc như
Trần Cảnh Nhuận, sẽ ích nước lợi nhà như Tiền Học Sâm, sẽ nhiều tiền như Viên
Long Bình, nếu chẳng có hiệu quả gì thì còn gọi gì là khoa học! Do vậy, phát
minh khoa học của chúng ta, từ trong cốt tủy luôn bao hàm tính ứng dụng. Công
trình khoa học những năm gần đây đều mang tính ứng dụng như thế, được nhà nước
nhắm đến, dùng tiền nhà nước đầu tư, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, sự
phát triển của nó rất rõ ràng, ví dụ như đường sắt, hàng không…
Thiếu vắng
khoa học cơ bản, chúng ta hầu như đều thiên vị cho những phát minh khoa học “mì
ăn liền”, chính là những công trình tạo ra chút đột phá cục bộ trên cơ sở nền tảng
khoa học cơ bản sẵn có, miễn là với mục tiêu thực dụng thì đều đạt được thành
công nhất định. Nhưng những phát minh khoa học nền tảng chân chính đều cần trí
tưởng tượng, nghiên cứu cơ bản mà yếu ớt thì năng lực sáng tạo nền tảng của
chúng ta trước sau không khá lên nổi, giống như người ta đã xây nền cả rồi còn
anh chỉ có thể cải tiến một chút dựa trên cơ sở đó, nhưng tất cả những cái đó
chỉ là tạm thời, tuyệt đối không thể duy trì tiếp tục. Tất nhiên, ở giai đoạn
quốc gia non nớt, chúng ta cần loại khoa học mô phỏng, bắt chước, cần loại kiểu
sáng tạo “từ 1 đến 100”. Nhưng giờ đây, Trung Quốc đã trở thành nước lớn thứ
hai trên thế giới, chúng ta càng cần hơn loại phát minh gốc “từ 0 đến 1”. Đây mới
chính là yếu tố căn bản quyết định sức cạnh tranh của Trung Quốc. Do vậy, tôi
cho rằng khoảng cách KHKT giữa ta và Mĩ tương đối lớn, chỉ có thay đổi quan niệm
của chúng ta về khoa học, về nghiên cứu cơ bản, về văn hóa sáng tạo từ gốc rễ mới
có thể thực sự rút ngắn được khoảng cách đó. Tất nhiên, con đường đó có thể rất
gập ghềnh.
2.
Ba nhân tố cản trở sức sáng tạo của Trung Quốc
Nhìn đường
dài, dân tộc Trung Hoa muốn duy trì phát triển thì rất cần bồi dưỡng văn hóa
khoa học. Trong nền văn hóa Trung Quốc, chúng ta dễ dàng nhìn thấy khoa học và
kĩ thuật luôn được coi như nhau. Thực ra chúng có những khác biệt về bản chất:
kĩ thuật thực ra là thứ giống như cá thấy thính thì lao vào. Còn khoa học lại
là thứ chứa đựng tính sáng tạo, là cái gốc của tự do nhân tính; không có tự do
phát triển cá tính, không có không gian tự do thì phát minh và sáng tạo chỉ là
cái cây không gốc, dòng nước không nguồn mà thôi. Điều đó cần các nhà giáo dục,
giới khoa học và toàn xã hội cùng nỗ lực. Tôi thấy có ít nhất 3 vấn đề tồn tại
mà nên làm rõ.
1)
Phương diện giáo dục:
trong việc xây đắp nền văn hóa khoa học, chủ yếu có 3 điểm mấu chốt: Thứ nhất,
mô hình giáo dục hiện nay và mô thức tư duy sáng tạo, đổi mới cần tương phản.
Phương thức giáo dục phục tùng, học vẹt, thuộc bài hiện nay cần phải được cải
cách ngay tập tức. Cụ Trịnh Dã Phu có câu nói rất hay: “La kéo cả đời cũng chả
theo kịp thiên lý mã”. Thiên lí mã cần không gian tự do rộng lớn để phát huy
năng lực của nó, còn lao động của con la tương đối đơn giản, giáo dục hiện nay
của chúng ta đang đi theo khuynh hướng đáng sợ đó, biến bọn trẻ thành những con
la mà không cho chúng trở thành thiên lí mã. Trịnh Dã Phu còn nói: “Phàm những
học sinh đã tiếp thu nền giáo dục phổ thông và đại học của Trung Quốc đều không
thể trở thành những nhà khoa học có những phát minh gốc trong tương lai”. Có thể
cách nói của Trịnh Dã Phu khắc nghiệt, nhưng những vấn đề đằng sau đó, tôi cho
rằng cực kì nghiêm trọng. Nếu tư tưởng giáo dục của chúng ta không phát huy cá
tính của trẻ thì cải cách KHKT của Trung Quốc hoàn toàn không có nền tảng. Giống
như chúng ta vẫn thường nói đùa là từ nhỏ đến lớn bắt các con nghe lời, áp đặt
quy tắc, học đến tiến sĩ thì đột ngột bắt chúng sáng tạo, vậy chúng sáng tạo
cái gì, sáng tạo bằng cách nào?
Thứ hai, đừng
coi trường học là “chốn quan trường”: Hiện nay, rất nhiều hiệu trưởng điều hành
trường học giống như vận hành hệ thống hành chính. Đây là vấn đề nghiêm trọng.
Trường học giống như một kết cấu văn hóa, nó có chuỗi logic vận hành riêng,
nhưng vấn đề lớn nhất của chúng ta hiện nay là vận hành kết cấu văn hóa này giống
như hệ thống hành chính. Ví dụ hiệu trưởng cũng có nhiệm kì, tại sao chức vụ hiệu
trưởng lại bị hạn chế bởi nhiệm kì? Hiệu trưởng là một chức vụ văn hóa đặc biệt.
Một vị hiệu trưởng giỏi có thể làm hiệu trưởng cả đời, như vậy ông ta mới có thể
thực hiện một cách triệt để lí trưởng giáo dục của mình tại cơ sở giáo dục của
ông ta. Nếu cứ coi hiệu trưởng là một cán bộ cấp trường, cấp sở, liên tục luân
chuyển như một viên chức thì làm sao có thể điều hành tốt trường học, hoặc nếu
may mắn vận hành tốt thì cũng chỉ là một kiểu công xưởng sản xuất dây chuyền mà
thôi.
Thứ ba, tư
tưởng của các nhà giáo chưa khai phóng: thực ra, thay đổi tư tưởng giáo dục là
việc rất khó khăn. Đội ngũ nhà giáo của chúng ta hiện nay đa phần được đào tạo
bởi hệ thống tư tưởng giáo dục thủ cựu, cứng nhắc. Mặc dù xã hội kêu gọi đổi mới,
nhưng những người thực hiện cụ thể vẫn là những nhà giáo dục đó, nếu họ không tự
thay đổi bản thân thì việc đổi mới giáo dục là cực kì khó khăn. Hiện nay, lĩnh
vực giáo dục đại học đang tiếp cận tương đối tốt với lí tưởng giáo dục tiên tiến,
nhưng giáo dục phổ thông thì vẫn phong bế, nhiều “góc chết”, ví dụ những vụ bạo
hành học sinh, trẻ em tự tử… đã phản ánh sự yếu kém trong giáo dục phổ thông của
chúng ta, thậm chí đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
2)
Phương diện cộng đồng các nhà khoa học: cộng đồng các nhà khoa học được coi là văn hóa khoa học.
Hiện nay có một hiện tượng rất dở, đó là nội bộ cộng đồng các nhà khoa học nước
ta đang dần biến thành một cơ cấu quan liêu. Ví dụ viện sĩ trở thành đội ngũ tiếp
nhận và cung ứng tài nguyên học thuật chủ yếu, trở thành tiêu điểm lợi ích béo
bở. Đây thực ra là vấn đề rất nghiêm trọng, viện sĩ tiền trong tay tiêu không hết,
lúc nào cũng nghĩ đến việc tiêu tiền, còn nhà khoa học trẻ thì không kiếm đâu
ra tiền, chẳng có tiền để tiêu, cộng đồng các nhà khoa học cần có cơ chế để cải
cách. Tất nhiên, nước ta vài năm trở lại đây cũng đang cải cách, như quỹ khoa học
tự nhiên quốc gia đã làm rất tốt, họ có cả một hệ thống cơ chế và chế độ đánh
giá nặc danh. Nhà nước nên cổ vũ những cải cách tự thân như vậy, chứ không phải
làm ngơ hoặc là cấm đoán. Tóm lại, nội bộ cộng đồng các nhà khoa học cần hình
thành chế độ phân phối lực lượng hợp lí.
3)
Phương diện xã hội:
xã hội cần có nhận thức chính xác về khoa học. Tôi cho rằng, trên phương diện
xã hội, ta cần có một phong khí chuẩn xác chứ không cần một tổ ong, kiểu như một
nhà khoa học được coi trọng thì mỗi lĩnh vực nghiên cứu khoa học phải có những
đột phá to lớn, nếu nhà khoa học thất bại liền cho rằng anh ra có vấn đề. Phần
trên chúng ta nói về sáng tạo, chính là nhấn mạnh việc cần hướng ra thị trường,
hướng ra mũi nhọn khoa học, nhưng thứ văn hóa khoa học còn cần hướng đến toàn
dân, cần làm cho toàn dân có ý thức khoa học, tạo được không khí cổ vũ cho những
sáng tạo.
3.
Chủ nghĩa thực dụng đã giết chết sự sáng tạo của Trung Quốc
Hiện nay,
chủ nghĩa thực dụng tồn tại phổ biến trong xã hội, là thứ cực kì độc hại cho bầu
không khí sáng tạo.Từ gốc rễ của khoa học mà nói, tất cả những phát hiện và
nghiên cứu mang tính sáng tạo đều là phi lợi ích. Giữ được một trái tim trong
sáng đứng trên lợi ích mới có thể thâm nhập được vào trạng thái sáng tạo. Đừng
cứ luôn nghĩ làm ra cái này có lợi gì, có tác dụng ra sao. Bởi những việc có lợi
đều được tổng kết bởi kinh nghiệm của quá khứ, mà sáng tạo thì cần phá vỡ mọi
rào cản của kinh nghiệm để khai mở một thứ hoàn toàn mới, do đó, cái tâm lợi
ích quá nặng thì không bao giờ tạo ra được những thứ mang tính sáng tạo cao.
Đây cũng lại là bộ phận thiếu khuyết trong văn hóa Trung Quốc, khuynh hướng văn
hóa thực dụng của ta quả thật quá nặng. Tôi lấy một ví dụ điển hình, những danh
hiệu trong cộng đồng các nhà khoa học của ta kì thực đều là hệ thống lợi ích do
chúng ta chế tạo ra. Một số nước phát triển cũng có hệ thống giải thưởng nhưng
nó là những tổ chức tự phát trong cộng đồng khoa học. Ví dụ như giải thưởng
khoa học phương Tây không có chế độ khai báo, tôi chưa bao giờ nghe nói chủ
nhân giải thưởng Nobel nào phải viết đơn đăng kí xét giải. Còn các hạng mục giải
thưởng của TQ đều phải đăng kí xét giải, phải xin xét thưởng, theo quan điểm của
tôi, đây là một kiểu xúc phạm nhân phẩm, bởi hành động đó biến nhà khoa học trở
thành tôi đòi của công danh lợi lộc. Đăng kí xét thưởng còn tạo nên phong khí
hư vinh, chính là tự mình khen mình, giới khoa học kĩ thuật của ta đầy rẫy những
ví dụ như vậy, những việc giả dối cũng từ đó mà ra cả. Rõ ràng biết là giả mà vẫn
khen, khen mãi khen mãi đến mức chính mình cũng tưởng đó là thật, cuối cùng tạo
thành những ảnh hưởng tai hại khủng khiếp. Ngoài ra, khi xét giải, chúng ta còn
phải nghiên cứu cân bằng khu vực, cân bằng ngành nghề, thậm chí là cân bằng các
mối quan hệ giao tế, lâu dần, anh đạt giải mọi người cũng chẳng ghi nhận trình
độ của anh mà cho rằng đó là kết quả của sự sắp xếp đó. Chỗ này luôn tồn tại
các tuyệt chiêu, đến mức có một số loại người chuyên tung hứng giải thưởng, ví
dụ như cấu kết với nhau, lần này anh bầu cho tôi, lần sau tôi bầu anh, hoàn
toàn không có chút tác dụng khích lệ nào. Hiển nhiên, đây là hạn chế lớn của chế
độ giải thưởng của giới khoa học. Nếu giải thưởng không được trao bằng trái tim
phi lợi ích mà bằng chế độ sắp xếp, không phải bình bầu dựa trên thực tài mà do
đơn vị sắp xếp cho anh thì giải thưởng đó còn có ý nghĩa gì, nó chỉ có ý nghĩa
lợi ích chứ làm gì có chút vinh dự nào. Do vậy, cứ có cơ hội là tôi liền đề nghị,
quy trình xét giải đừng bắt khổ chủ phải viết đơn xin mà chúng ta có thể để các
chuyên gia đề xuất danh sách, sau đó thảo luận nội bộ, dần dần để cho giải thưởng
đó tự hình thành thương hiệu. Giống như “Giải thưởng khoa học tương lai” hiện
nay, do các chuyên gia trong ngành đề xuất, sau đó hội đồng các chuyên gia tiến
hành bình xét, giải thưởng kiểu này mới là vinh dự to lớn cho các nhà khoa học.
Nhưng thực tế thì, biết rõ rất nhiều giải thưởng quốc gia là kết quả của sự sắp
xếp, trong hệ thống đánh giá môn học và trên bảng xếp hạng đại học, chúng ta lại
chỉ thừa nhận giải thưởng quốc gia, đây chẳng phải là ta đang củng cố thêm lần
nữa cho mục tiêu lợi ích sao? Anh làm khoa học là để theo đuổi chân lí, anh đạt
giải không phải vì người khác nhận ra chân lí đó của anh mà là họ đang cảm ơn
anh, khi biến nghiên cứu khoa học thành thương vụ kiếm tiền, dân tộc ấy còn có
thể hi vọng được gì nữa. Do đó, muốn thực ra tạo ra một bầu không khí sáng tạo,
thì cần chế độ thưởng phạt phân minh, để những phần thưởng xứng đáng đến được
tay những nhà khoa học chân chính. Tất nhiên, vấn đề căn bản nhất vẫn là đào tạo
được những con người yêu chân lí, hiếu kì trước những bí ẩn của vũ trụ, đó mới
là nhân tố then chốt thúc đẩy sáng tạo trong KHKT.
4.
Sự đổi mới của Trung Quốc cần nỗ lực của toàn dân
Vậy, làm
thế nào để giải được bài toán khó của chủ nghĩa thực dụng trong văn hóa khoa học?
Tôi cho rằng đó là một vấn đề mang tính hệ thống, dường như nút thắt có thể mở
ra mọi vấn đề chính là kêu gọi toàn dân thức tỉnh.
Nhìn đại
thể, đổi mới khoa học kĩ thuật chính là bộ phận hữa cơ của chuyển giao văn hóa.
Gần 200 năm nay, mô hình chuyển giao xã hội Trung Quốc chính là từ xã hội nông
nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ bảo thủ sang khai phóng. Cuộc chuyển giao
này rất toàn diện, nhưng nó vẫn chưa hoàn thành. Từ đổi mới KHKT của xã hội TQ
cho tới tạo lập chế độ KHKT đều dựa vào sự thành bại của cuộc chuyển giao chỉnh
thể văn hóa, nếu chỉnh thể văn hóa không chuyển giao được thì KHKT cũng không
thể nào chuyển giao thành công.
Nhìn tiểu
tiết, nhà khoa học, nhà giáo dục cho tới tất cả mọi người đều có thể trực tiếp
đóng góp một phần sức lực cho cuộc chuyển giao này.
Thứ nhất,
nhà khoa học phải chủ động nói ra, có ý thức đề xuất quan điểm thảo luận. Nếu
nhà khoa học không nói ra, một số ngậm miệng ăn tiền, một số khinh đời đen bạc,
như vậy đều không hay. Rất nhiều sự việc không có phương án sẵn có, chỉ khi các
nhà khoa học phát ngôn thì mới tạo ra tình thế cân bằng, vì vậy cần khuyến
khích các nhà khoa học đưa ra ý kiến.
Thứ hai,
giáo dục phải khai phóng, nhà nước nên tạo điều kiện cho giáo dục tư thục phát
triển. Bàn đến văn hóa khoa học, tôi luôn nhấn mạnh tính quan trọng của giáo dục,
ảnh hưởng của giáo dục vô cùng sâu rộng. Vào thời kì phát triển thần kinh não bộ
của trẻ, nếu trói buộc sức sáng tạo của trẻ, giết chết tiềm năng của trẻ, 10
năm, 20 năm sau, rất có thể sẽ gây ra sự thoái hóa về sức sáng tạo và IQ của cả
dân tộc. Trước mắt, cơ cấu giáo dục công lập của ta rất đồ sộ, quán tính lớn,
cũng khó để có thể chuyển hướng.
Chúng ta
có thể xếp giáo dục công lập vào bộ phận cơ bản, giúp cho tất cả mọi người đều
có thể được tiếp nhận 9 năm giáo dục nghĩa vụ, sau đó phát triển thật mạnh giáo
dục tư thục, từ đó thúc đẩy sự chuyển biến của tư duy giáo dục. Nếu giáo dục
không khai phóng, văn hóa sáng tạo khoa học lâu dài của chúng ta sẽ chịu tổn thất
nặng nề.
Thứ ba, bất
kể thân phận xã hội của anh là gì, nếu là một người Trung Quốc, anh phải lí giải
được đầy đủ thực chất của cạnh tranh hiện đại là gì, cạnh tranh có nghĩa là gì.
Có một thực tế cần nói rõ, quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc là bị ép buộc,
nó không phải là kết quả của phát triển văn hóa tự thân mà là do văn minh
phương Tây mang vào. Do vậy có vài vấn đề khiến chúng ta không khỏi cảm thấy
khó xử. Nhưng chúng ta phải hiểu được chỗ khó xử ấy, nhận thức rõ ràng rằng
trong chỗ khó xử ấy có những gì ta có thể tiếp nhận, những gì trong thâm tâm ta
không bằng lòng nhưng vẫn phải tiếp nhận, những gì ta không thể tiếp nhận, hoặc
những gì cần tránh. Đây là việc vô cùng quan trọng.
Trong giai
đoạn bản lề hiện nay, nếu không có suy nghĩ sáng suốt và nhận thức đúng đắn về
cục diện văn minh nhân loại, cục diện thế giới và cục diện văn hóa Đông Tây thì
rất có thể chúng ta sẽ mất lạc lối trong cuộc đổi mới và chuyển giao mạnh mẽ
này.
Tôi nghĩ,
đây cũng chính là ý nghĩa của chủ đề văn hóa khoa học mà chúng ta bàn đến hôm
nay.
Nguồn: FB
Đỗ Văn Nam
No comments:
Post a Comment