Monday, December 11, 2023

GIỚI ĐẤU TRANH DÂN CHỦ TRONG NƯỚC : VIỆT NAM CẦN CẢNH GIÁC TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC (RFA)

 



Giới đấu tranh dân chủ trong nước: VN cần cảnh giác trong mối quan hệ với TQ

RFA

2023.12.11

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-dissidents-vietnam-needs-to-be-vigilant-in-its-relationship-with-china-12112023164425.html

 

Những tiếng nói và hành động công khai phản đối Trung Quốc có thể giảm đi do bị đàn áp nhưng tinh thần chống Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam, bởi láng giềng phương Bắc luôn là mối đe doạ đối với Việt Nam.

 

Một số người dân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở trong nước nói với RFA như vậy trước chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 12 và 13/12 sắp tới.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-dissidents-vietnam-needs-to-be-vigilant-in-its-relationship-with-china-12112023164425.html/@@images/b34173c8-3901-4d8c-974d-dbfd41ca33ea.jpeg

Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch hồi năm 2017  (Reuters)

 

“Cần cảnh giác với Trung Quốc”

 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, phát biểu với truyền thông trong nước rằng chuyến thăm này mang kỳ vọng về một “định vị mới, tầm mức mới” của quan hệ hai nước, trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

 

Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo rằng chuyến đi của ông Tập tới Hà Nội sẽ tập trung vào các lĩnh vực an ninh chính trị, các vấn đề đa phương và hàng hải, đồng thời thúc đẩy hợp tác chiến lược hơn nữa. 

 

Cựu nhà báo Tạp chí Cộng sản Nguyễn Vũ Bình, hiện đang ở Hà Nội, nhận định với RFA rằng ông không muốn Việt - Trung thắt chặt thêm mối quan hệ. Bởi, theo ông, Hà Nội luôn bị láng giềng phía Bắc o ép trong mọi lĩnh vực:

 

“Tôi không mong muốn nhiều về mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bởi vì, trong mối quan hệ đó thì Việt Nam bị o ép rất nhiều, kể cả trên biển Đông và trên đất liền hay trong quan hệ giao thương.”

 

Ông Lê Anh Hùng, một cựu tù nhân lương tâm vừa được mãn hạn tù hồi giữa năm nay, cho rằng Việt Nam cần phải luôn đề cao cảnh giác trong mối quan hệ với Trung Quốc:

 

“Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa mà còn là hiểm họa đối với Việt Nam và Việt Nam cần phải cảnh giác trong mọi mối quan hệ đối với Trung Quốc.

 

Ông Lê Anh Hùng lấy ví dụ về trường hợp nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Tuy Hoà, Bình Thuận:

 

“Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận được ưu đãi từ sáng kiến Vành đai - Con đường, nhiêu đó đủ thấy rằng là Trung Quốc họ muốn dụ dỗ Việt Nam tham gia vào sáng kiến Vành đai - Con đường. Các dự án này đều tiềm ẩn mối nguy hại về an ninh quốc phòng cho Việt Nam.”

 

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 do các công ty Trung Quốc nắm đến 95% tổng số vốn đầu tư. Đây là lĩnh vực được Bộ Quốc phòng Việt Nam xếp vào các lĩnh vực đặc biệt do có liên quan tới an ninh trật tự, quốc phòng an ninh.

 

Trong khi đó, theo Đài phát thành Quốc tế Trung Quốc Tiếng Việt cho biết nhà máy này là “dự án trọng điểm thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng năng lượng hợp tác kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam dưới sáng kiến Vành đai - Con đường”.

 

Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc được chính thức công bố từ 2013, đến nay đã 10 năm. Dự án có quy mô toàn cầu này nhận được cảnh báo về những nguy hại khôn lường, trong đó có nhiều ý kiến coi đó là một “bẫy nợ” Trung Quốc dành cho các nước nghèo. 

 

 

Thúc ép tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh”

 

Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ nước Đức nhận định với RFA qua ứng dụng tin nhắn rằng lần này, Trung Quốc sẽ cố gắng thúc ép Việt Nam phải gia nhập “Cộng đồng chung vận mệnh”.

Theo luật sư Đài, từ xưa tới nay, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là sân sau hay nước phên giậu để bảo vệ họ từ xa. 

 

Vào tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã nâng cấp “nhảy cóc” quan hệ với Mỹ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngang hàng quan hệ với Trung Quốc. Điều này, theo lậu sư Đài, đã làm Trung Quốc không hài lòng. 

 

Tuy nhiên, nếu để làm vừa lòng Trung Quốc mà Việt Nam tham gia vào “Cộng đồng chung vận mệnh” là một hành động không thể chấp nhận được:

 

“Nếu nhà cầm quyền Việt Nam tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc thì họ đã trói buộc cả đất nước và dân tộc Việt Nam với Trung Quốc. Tôi coi đó là hành động bán nước của nhà cầm quyền Việt Nam.”

 

“Cộng đồng chung vận mệnh” là chính sách đối ngoại cốt lõi của Trung Quốc trong tương lai. Chính sách này, trong một bài viết được đăng trên The Diplomat, cho rằng dưới thời của Tập Cận Bình thì Trung Quốc sẽ đóng vai trò như là một nước lớn và tham gia tích cực vào việc cải cách và phát triển hệ thống quản trị toàn cầu.

 

South China Morning Post trong một bài viết hôm 11/12 cho biết Bắc Kinh đã thúc đẩy ý tưởng này, ít nhất là từ năm 2015. Kể cả khi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến Việt Nam vào ngày 1/12 vừa qua cũng nấn mạnh rằng hai nước Xã hội chủ nghĩa “có chung khát vọng và vận mệnh”.

 

Mạng báo này cũng dẫn lời nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Khắc Giang rằng trong khi một số quốc gia Đông Nam Á khác đã chấp nhận ý tưởng “chung vận mệnh” của Trung Quốc thì “Việt Nam dường như vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện nó một cách trọn vẹn”, ông lưu ý đến những tranh chấp lãnh thổ lâu đời giữa hai nước.

 

Ở Đông Nam Á, hiện đã có bốn nước tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh” là Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

 

 

Tinh thần chống Trung Quốc 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/151103114953_xi_jinping_protest_hanoi_vietnam_976x549_khamreuters.jpeg/@@images/7f388452-980f-4e1e-9c4d-b53d8aa8b77b.jpeg

Ông Trương Dũng biểu tình phản đối khi Tập Cận Bình sang Việt Nam năm 2015. Ảnh: Citizen

 

Ông Tập Cận Bình, trên cương vị là Tổng bí Thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc đã đến thăm chính thức Việt Nam hai lần, hồi năm 2015 và 2017 nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Việt Nam.

 

Vào năm 2015, các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm ông Tập Cận Bình đã diễn ra ở cả Hà Nội và TPHCM. Hàng chục người đã xuống đường, giương cao các khẩu hiệu như “Phản đối Tập Cận Bình sang Việt Nam”, “Phản đối lệ thuộc Trung Cộng”… đi qua các con đường trong thành phố. Chính quyền Hà Nội khi đó ngay lập tức đàn áp, đánh đập và bắt bớ, câu lưu những người biểu tình. 

 

Trong số những người tham gia tuần hành năm đó, có rất nhiều cái tên hiện đang bị chính quyền Hà Nội bỏ tù, bao gồm Nguyễn Lân Thắng, Hoàng Bình, Bùi Tuấn Lâm, Đỗ Nam Trung, Trần Bang, Nguyễn Thuý Hạnh, Trương Văn Dũng… Những người này bị khởi tố theo nhiều tội danh khác nhau, như “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, “Tuyên tuyền chống nhà nước”, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”…

 

Ông Lê Anh Hùng nhận thấy, trước chuyến thăm của ông Tập lần này, tình hình có vẻ im ắng, mọi người khá e dè trước sự đàn áp khốc liệt từ chính quyền Hà Nội trong những năm qua, chỉ còn một số tiếng nói phản đối lẻ tẻ trên mạng xã hội:

 

“Lần thứ ba thì lần này phong trào đấu tranh gần như là đã bị dập tắt, chỉ còn những tiếng nói phản ứng è chừng ở trên Facebook trên mạng xã hội chứ hầu như không còn những hoạt động biểu tình như trước đây nữa.”

 

Tuy nhiên, ông khẳng định, tinh thần chống Trung Quốc trong xã hội Việt Nam chưa bao giờ giảm sút:

 

“Phòng trào dân chủ nói chung và chống Trung Quốc nói riêng trong những năm gần đây bị đàn áp mạnh cho nên bị lắng xuống, chứ còn tinh thần chống Trung Quốc và cảnh giác đối với Trung Quốc thì ngày càng nâng lên trong mặt bằng chung của xã hội.”

 

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết từ đầu tháng 11, những nhà hoạt động ở khu vực Hà Nội đã bị đe dọa không được tổ chức hội họp hay biểu tình phản đối chuyến thăm của Tập cận Bình. 

 

Ông Đài cho rằng mọi người Việt Nam vẫn yêu nước nhưng trước sự đàn áp của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thì họ phải kìm chế lòng yêu nước mà không thể thể hiện ra bên ngoài.

 

----------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Tàu chiến Trung Quốc có mặt tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia để “huấn luyện”

 

Philippines triệu tập Đại sứ Trung Quốc vì những va chạm ở Biển Đông

 

Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, mới là mối bận tâm số một của Việt Nam

 

Nghiên cứu mới: Nhiều thương hiệu lớn của Mỹ có liên quan tới vàng khai thác bởi người Duy Ngô Nhĩ

 

Hà Nội gửi người sang TQ học lớp cán bộ nguồn: Công chúng lo ngại, chuyên gia nói gì?

 






No comments: