Nga:
Chính phủ tịch thu hộ chiếu, hàng triệu người hết hy vọng trốn lính
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày:
Số phận
Ukraina đang trong tay thủ tướng Hungary: Viktor Orban có lập trường thân Nga dọa
dùng quyền phủ quyết chận khoản viện trợ 50 tỷ euro của Liên Hiệp Châu Âu cho
Kiev. Đây trước hết là đòn « mặc cả » để Budapest « vòi tiền »
Bruxelles ? Cốc nước nửa đầy hay nửa vơi : Hội nghị quốc tế khí hậu
COP28 đạt được một kỳ tích lịch sử « nhất trí » thông qua cam kết giảm
dần việc sử dụng dầu, khí và than đá ?
Ảnh
minh họa : Một người biểu tình cầm hộ chiếu Nga trước dại sứ quán Ukraina ở
Tbilisi, Gruzia, ngày 03/04/2022. AP - Vasily Krestyaninov
Thượng đỉnh
Liên Âu quyết định về viện trợ cho Ukraina và tổng kết hội nghị COP28 là hai hồ
sơ đã đẩy xuống hàng thứ yếu những chủ đề khác như là xung đột Cận Đông hay quyết
định phá giá đồng tiền Achentina hơn 50%, một « liều thuốc đắng, một cú sốc
trị liệu » mà tân tổng thống Javier Milei vừa ban hành chưa đầy 48 giờ sau
khi lên cầm quyền.
Nhưng trước
hết xin điểm qua một tin được hai tờ Le Monde và La Croix ngày 14/12/2023 chú
ý. Tránh để các công dân Nga lại tìm đường ra nước ngoài, nhất là thanh niên
trong tuổi nghĩa vụ quân sự, Matxcơva quyết định « giữ hộ » cho người
dân hộ chiếu. Lệnh mới có hiệu lực từ ngày 11/12/2023.
Báo Công
Giáo La Croix chạy tựa ngắn gọn : « Nga tịch thu một số hộ chiếu ».
Le Monde đưa ra rất nhiều chi tiết về lệnh mới : dân Nga chỉ có 5 ngày để ủy
thác hộ chiếu cho các « giới chức liên quan », nghĩa là cho bên
bộ Nội Vụ, Ngoại Giao, bên Mật Vụ FSB và các cơ quan đại diện cho chính quyền
Nga ở hải ngoại.
Chiểu theo
một quy định khác đã được ban hành và có hiệu lực từ tháng 5/2023, bất kỳ một
cán bộ nào cũng có thẩm quyền « tịch thu » hộ chiếu của bất kỳ một ai
và vì bất kỳ một lý do gì. Ngoài những diện bị « cấm » ra nước ngoài,
như nhân viên an ninh hay một số công chức cao cấp, quy định mới liên quan đến
thanh niên từ 18 đế 30 tuổi đã được lệnh động viên, đặc biệt là thành phần
« lính dự bị » được lệnh nhập ngũ hồi tháng 9/2022.
Le Monde
nhắc lại từ khi Matxcơva xâm chiếm bán đảo Crimée năm 2014, các công dân Nga bị
« cấm hoặc hạn chế ra nước ngoài ». Các biện pháp cấm đoán ấy càng
lúc càng khắt khe.
Quy định mới
cho thấy điều gì ? Một là nước Nga của ông Putin đang « thu mình lại ở
bên trong các đường biên giới như thời Liên Xô trước kia » và hai là chính
quyền chặn trước nguy cơ « chảy máu » nhân lực khi cần động viên, đưa
quân sang chiến trường Ukraina.
Le Monde
không thể thẩm định chính xác về số người bị « chính quyền giữ giùm hộ chiếu »
nhưng ước phỏng có « hàng triệu ca »: lực lượng tham gia đội ngũ an
ninh của Nga khoảng 5 triệu người. Thêm vào đó là khoảng 7 triệu người bị cấm
ra nước ngoài do đang mang nợ hay bị phạt tiền …. Đó là chưa kể những công dân
Nga sống ở nước ngoài. Số này đang lo bị từ chối gia hạn hộ chiếu và có nguy cơ
bắt buộc phải quay trở về Nga.
La Croix
đưa ra một chi tiết khác : từ khi đưa quân lấn chiếm Ukraina « Nga sợ
rằng các quan chức nhà nước, doanh nhân có thể tẩu thoát ra nước ngoài và mang
theo những bí mật quốc gia ». Tháng 3/2023 báo tài chính Financial Times
và bộ Quốc Phòng Anh cùng tiết lộ là chính quyền Putin đã « bắt đầu tịch
thu hộ chiếu của một số quan chức cao cấp và chủ doanh nghiệp ».
Thủ
tướng Hungary Victor Orban, nhân vật trong ngày
Trong khi
đó tại Kiev, 14-15/12/2023 chắc chắc là hai ngày rất dài đối với tổng thống
Zelensky và trong suốt 48 giờ sắp tới, mọi chú ý của ông luôn hướng về
Bruxelles.
Thượng
đỉnh Liên Hiệp Châu Âu lần này phải quyết định cấp thêm 50 tỷ euro cho Ukraina
đang phải đối mặt với đội quân của Nga. Hungary dọa dùng quyền phủ quyết chận
khoản viện trợ nói trên vào lúc mà tổng thống Volodymyr Zelensky vừa từ
Washington trở về « gần như tay không ». Libération thiên tả nhắc lại
thủ tướng Hungary, Viktor Orban là người « ủng hộ Putin » và ở vào thời
khắc quyết định này đối với vận mệnh của 44 triệu dân Ukraina, thì Orban là
« kẻ phá rối » làm rạn nứt đoàn kế của Liên Âu trong việc hỗ trợ
Ukraina. Điều bất thường là một thành viên như Hungary với chưa đầy 10 triệu
dân trên tổng số 450 triệu của Liên Âu, và với GDP chỉ bằng 1 % của toàn khối
có thể áp đặt tiếng nói với phần còn lại trong đại gia đình châu Âu.
Các nước lớn
trong khối như Pháp, Đức đã cứng giọng với Hungary. Tổng thống Macron vừa dụ, vừa
dọa : trong tuần ông đã mời thủ tướng Orban đến Paris để « giỗ ngọt ».
Nhưng xem chừng « chưa ăn thua ».
Libération
gắn liền đòn « bắt chẹt » này của thủ tướng Hungary với việc mặc cả
đòi Liên Âu giải ngân khoản hỗ trợ hơn 10 tỷ euro giúp Budapest khắc phục hậu
quả kinh tế, xã hội sau thời kỳ Covid, và thêm hơn 16 tỷ nữa trong khuôn khổ
ngân sách chung cho các thành viên.
Hungary,
con cờ của Putin ?
Thực ra tổng
thống Volodymyr Zelensky còn một lý do nữa để nín thở theo dõi thượng đỉnh
Bruxelles lần này, bởi các bên cũng sẽ bàn về tiến trình kết nạp thêm Ukraina
và một số quốc gia khác vào Liên Âu. Con đường rất gian nan bởi dường như không
mấy ai sẵn sàng.
Báo kinh tế
Les Echos gắn liền thái độ hằn học của Hungary trên hồ sơ Ukraina với việc
Budapest không hài lòng về chính sách của Kiev đối với cộng đồng thiểu số người
Hungary sống tại Ukraina. Ông Orban tố cáo Kiev « truy bức » và
« phân biệt đối xử » với cộng đồng hơn 100.000 người, gốc Hungary, sống
tại vùng có tên gọi là Transcarpathie, nằm lọt giữa biên giới 5 nước gồm
Ukraina, Hungary, Slovakia, Ba Lan, và Rumani.
Nhật báo
thiên hữu Le Figaro nêu lên một khía cạnh khác từ cuộc đọ sức giữa Budapest với
phần còn lại của Liên Âu hiện nay. Thông tín viên Anne Rovan từ Bruxelles ghi
nhận : từ trước đến nay ông Orban đã nhiều lần « làm căng » với
Liên Âu để trục lợi và thường thì cuối cùng luôn lùi bước, nhưng « lần này
thì không » bởi chính quyền Orban không chỉ muốn đổi lá phiếu của mình lấy
một chút tiền bạc (dù đó là bạc tỷ). Sáu tháng trước bầu cử châu Âu, Hungary
không muốn đứng vòng ngoài mà đang có tham vọng « trở thành trung
tâm của cuộc chơi ». Bằng chứng rõ rệt nhất là hôm 13/12/2023 Viktor Orban
khẳng định « Kế hoạch của ông không là chia tay với Liên Âu mà là chiếm lại
Bruxelles ».
Nếu như kết
thúc hai ngày họp ở Bruxelles mà Budepest cương quyết từ chối về lộ trình kết nạp
Ukraina vào Liên Âu và chận khoản viện trợ thêm cho Kiev thì đó sẽ là « một
thắng lợi mới của Nga » như các báo Paris đồng loạt nhận xét.
Dầu-khí
và than đá không lo bị khai tử
Tạm khép lại
các bài báo về Ukraina và Liên Âu hay Hungary để xem các báo Paris trong ngày
đánh giá thế nào về kết quả hội nghị khí hậu COP28 vừa « hạ màn » tại
Dubai.
Đây là chủ
đề chiếm nhiều trang nhất các báo : Le Monde chạy tựa lớn « Một thỏa
thuận chưa từng có » và đã dành hai trang báo cho COP28. « Những giới
hạn của một sự thành công », tựa trên trang nhất báo kinh tế Les Echos.
« Một tín hiệu mạnh được hoan nghênh rộng rãi ».
Theo
Libération « dám đề cập đến năng lượng hóa thạch nhân hội nghị tổ chức tại
một quốc gia dầu hỏa » là một thành công đối với nước chủ nhà Các Tiểu
Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Nhưng có thực đó là một bản « tuyên bố chung
mang tính lịch sử » hay không khi mà COP28 vẫn để ngỏ cánh cổng cho
các tập đoàn trong ngành dầu khí « rộng tay hành động » và đã
« nhượng bộ » các nước dầu hỏa ?
Tờ La
Croix nói đến một « thỏa thuận nửa vời » : những người lạc quan
nhất muốn tin rằng COP28 là « điểm khởi đầu dẫn đến sự cáo
chung » của ngành năng lượng hóa thạch. Thực tế phũ phàng hơn khi mà văn bản
sau cùng đúc kết 2 tuần họp chỉ nói đến một tiến trình « chuyển đổi »
chứ không là « từ bỏ » năng lượng hóa thạch , đến một sự
« rời xa » than đá, đầu hỏa và khí đốt vào ngưỡng 2050. Nhưng thỏa
thuận này « mơ hồ », và « không đi kèm với các biện pháp mang
tính ràng buộc ».
Báo Le
Figaro nhắc đến « công lao của Trung Quốc » : dù là quốc gia thải
khí carbon nhiều nhất trên thế giới, lại rất lệ thuộc vào than đá, Bắc Kinh đã
có « tiếng nói quyết định ». Dẫn đầu một khối 77 quốc gia +1 (với trọng
lượng gần 80 % dân số toàn cầu) Trung Quốc đặt mình vào một vị trí then chốt,
là nhịp cầu nối giữa các nước nghèo và các nước công nghiệp phát triển mà báo
chí gọi là hai khối « phương bắc và phương nam ».
« Sách
giả » tràn ngập Amazon
Một chục
ngày trước Giáng Sinh tập đoàn mua bán trên mạng Amazon đã rất bận rộn lại còn
phải đối mặt với một vấn đề mời mà trí thông minh nhân tạo gây nên. Le Monde có
bài viết thú vị mang tựa đề « Amazon bị tràn ngập vì sách giả ».
Xưa kia chỉ
có nhà văn Pháp Georges Simenon chuyên viết tiểu thuyết trinh thám đủ sức cho ấn
hành sáu tác phẩm một năm cho dù ông thường xuyên chu du bốn bể. Trong những
tháng gần đây, nhờ có trí thông minh nhân tạo và ChatGPT… « cả một đội
ngũ nhà văn mỗi ngày có thể cho ra lò cả trăm cuốn sách, gửi đến Amazon để được
phát hành » qua Kindle để đọc trên máy tính bảng hay điện thoại … máy tính
….
Hiện tượng
này phổ biến đến nỗi tập đoàn của Mỹ phải giới hạn, tối đa mỗi nhà văn một ngày
chỉ được gửi đến Amazon ba « sáng tác » và phải nói rõ « tác giả
có phải là trí thông minh nhân tạo AI hay không ».
Tháng
2/2023 Reuters đã phát hiện hơn 200 cuối sách phát hành ở Mỹ là sản phẩm từ
ChatGPT mà ra. Trong số này bao gồm từ tiểu thuyết đến sách về khoa học… Một
trong những hệ quả kèm theo là trên thị trường « sách giả này » cũng
có những bình luận viên để « định hướng » độc giả, để rồi cũng những
độc giả đó không biết là « hư hay thực » nhưng họ cũng đã rất chăm chỉ
đăng những lời bình luận, phê bình… Năm 2022 Amazon đã « chận được hơn 2
triệu » lời bình luận « giả » về những tác giả « giả »
của những cuốn sách « giả ».
No comments:
Post a Comment