Wednesday, December 6, 2023

MUỐN HỌC KHOA HỌC THÌ NHẤT ĐỊNH PHẢI LÀ TIẾNG ANH (Ann Đỗ)

 


Muốn học Khoa học thì nhất định phải là tiếng Anh

Ann Đỗ

06/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/06/muon-hoc-khoa-hoc-thi-nhat-dinh-phai-hoc-tieng-anh/

 

Chả biết tui thuộc hệ não gì, nhưng học ngoại ngữ rất chậm. Hồi nhỏ học tiếng Nga từ lớp 6 đến 9, lớp 10 học tiếng Anh hệ ba năm. Đại học học ba cái tiếng Anh Streamline gì đó lẹt đẹt đủ đậu, chỉ có mỗi môn tiếng Anh kỹ thuật là tạm.

 

Sau này, quyết tìm học bổng để đi nước ngoài, luyện TOEFL, học kiểu gì cũng không nghe được, nói thì bập bẹ. Vậy nhưng cứ sách tiếng Anh kỹ thuật thì đọc tốt, viết email OK. Sau này đi làm cho Mỹ nữa thì nói cũng câu được câu chăng, sang Úc thì cũng phải học 9 tháng tiếng Anh mới đủ điểm vào khóa sau Đại học. Nói chung là, đọc, viết OK, nghe nói thì như hẹ.

 

Gần đây, tui có ngâm cứu chút ít về vấn đề đọc hiểu của trẻ nhỏ thì biết rằng, muốn học ngoại ngữ hay ngôn ngữ thì đều cần có môi trường. Môi trường bao gồm gia đình và nhà trường. Khi trẻ nhỏ tiếp xúc càng nhiều người có trình độ thì vốn từ, khả năng đọc hiểu ngày càng khá. Muốn học cái chi khác thì đầu tiên phải đọc và hiểu được văn bản thông qua lời nói và chữ viết. Ngôn ngữ cần phải trau dồi liên tục mới giỏi và ngôn ngữ là thứ đầu tiên giúp ta vào đời.

 

Quay trở lại việc học ngoại ngữ ở Việt Nam. Suốt quá trình cấp 2 đến cấp 3, thầy cô giáo chỉ dạy 12 thì ngữ pháp, nghe nói thì hầu như không có, phát âm thì có số ít giáo viên phát âm hay, còn đa số thì dở như hẹ vì đa số có giao tiếp hay trau dồi gì đâu mà đòi giỏi. Muốn nghe được thì phải phát âm chuẩn đã, mà chuẩn là gì? Ít nhất chỉ là phát âm được chữ ‘s’, ‘es’, ‘ed’, cuối chữ là đã hay rồi, chưa kể giọng Mỹ, giọng Anh hay các nước Á châu nói tiếng Anh khác nó phát âm hơi khác nhau chút.

 

Theo nghiên cứu thì những trẻ ở quốc gia nói tiếng Anh, chỉ vài tuổi là có thể phát âm hay dùng ‘ed’, ‘s’, ‘es’ và câu có ngữ pháp giản đơn vì chúng nó được cha mẹ, mọi người xung quanh dùng tự nhiên hàng ngày. Câu cú ngữ pháp phức tạp hơn thì càng lớn càng tiếp xúc và học hỏi thì ngày càng giàu có hơn. Bọn trẻ ở tiểu học mỗi ngày mỗi đọc sách, từ truyện tranh cho đến tiểu thuyết, để nâng vốn từ vựng và khả năng đọc hiểu.

 

Muốn giúp trẻ say mê đọc và học thì thầy cô giáo tiểu học phải giỏi, phải biết món “đọc tương tác”, tức là không chỉ đọc như máy mà phải biết kể chuyện, biết đặt câu hỏi và khuyến khích học sinh tư duy, trả lời, tạo niềm vui hứng thú học hành. Viết lách cũng vậy. Cho cái dàn bài, chất liệu và sáng tác. Mỗi lớp level lên dần, nhưng sẽ tùy học sinh mà cho độ khó dễ khác nhau, không dạy kiểu bằng đầu bằng đít. Thầy cô cũng cần tôn trọng tư duy suy nghĩ của học trò, không đòi hỏi ai phải giống ai, hiểu và nâng đỡ.

 

Về chương trình ngoại ngữ tự chọn, học sinh có thể chọn ngoại ngữ mình thích, tiếng Trung, Ý, Việt, Pháp, Nhật,… nhưng tiếng Anh (ngôn ngữ chính) vẫn là phương tiện chính để hình thành tư duy, kiến thức trong suốt đời Học sinh-Sinh viên (nói riêng ở các quốc gia nói tiếng Anh).

 

Quay trở lại chương trình giáo dục ở Việt Nam. Các giáo trình hiện nay được biên soạn dựa trên cái gì? Nếu nói từ tiểu học, trẻ nhỏ khi vào học được tập đọc, tập viết chữ, đặt câu, ngữ pháp. Nhưng việc học tiếng Việt đó có giúp cho trẻ phát triển các môn học khác hay không? Tức có nâng khả năng đọc hiểu cho trẻ chưa? Trong viết lách có giúp trẻ phát triển tư duy, bày tỏ tình cảm sắc thái bản thân chưa? Có hiểu được các cấu trúc văn bản không? Đối với các môn thuộc khoa học đã cập nhật các kiến thức mới chưa? Liệu học những môn khoa học mà Việt Nam không có nền tảng thì nên học bằng ngoại ngữ nào? Có khuyến khích trẻ học thêm đọc thêm để mở rộng kiến thức và kích thích say mê khoa học không? Chính giáo viên phải là những người đi tiên phong trong việc nâng cấp kỹ năng sư phạm, kiến thức, ngoại ngữ, khoa học để giúp học trò của mình phát triển bản thân.

 

Nhưng dường như hiện nay, giáo viên tiểu học lại là những thầy cô có điểm đầu vào kém, yêu cầu trình độ không cao vì nghĩ giáo dục trẻ em dễ ẹc. Chính vì điều đó, cộng với việc kiến thức mở trên internet ngày càng phổ biến, nên giáo viên trở nên tụt hậu và bị coi thường. Chương trình ngữ văn, ngoại ngữ cũng trở nên nhàm chán, còi cọc. Đọc mà không hiểu thì làm sao yêu thích môn sử, môn văn… Toán hay các môn khoa học là cả một trời các khái niệm, thuật ngữ, không nghe, không cập nhật thì làm sao yêu thích và hiểu nó?

 

Đây là giai đoạn phổ thông, đại học thì sao? Có thể nói, tất cả các lãnh vực ngành nghề hiện nay, từ Hàn, Nhật, Trung, Đài, Sing,… đều phải học sách tiếng Anh để họ phát triển khoa học công nghệ. Nếu nói Việt Nam muốn chọn bán dẫn, chip, thì tiếng Anh là phương tiện đầu tiên, đi thẳng, không vòng vo biên phiên dịch tốn kém. Các ngành khoa học khác không nói vì nó đã lâu đời.

 

Nếu các bạn trẻ chọn ngành thương mại, du lịch, tiếng Trung là OK, nếu chọn ngành tình báo, phiên dịch, công an, an ninh,… chọn tiếng Trung thì OK, nếu chọn lịch sử, văn thơ cổ, tiếng Trung OK. Nhưng muốn học Khoa học thì nhất định phải là tiếng Anh nha các bạn (tối thiểu đấy).

 

------------------------------

COMMENT

 

Hoang Nguyen

Xã hội có nhiều người có tri thức- hiểu biết thì chế độ khó che giấu được những khuyết điểm cực kỳ tài hại-cho nên đừng ngạc nhiên tại sao đảng csvn không muốn có một nền giáo dục tốt. Rất nguy hiểm cho chế độ nếu nên giáo dục đào tạo dựa trên nhân bản và khoa học

 

 19 BÌNH LUẬN




 



No comments: