Chính quyền độc tài
thao túng người dân như thế nào?
Hoàng Dạ Lan - Luật
Khoa Tạp Chí
Dec 6,
2023
https://www.luatkhoa.com/2023/12/chinh-quyen-doc-tai-thao-tung-nguoi-dan-nhu-the-nao/
Đối
chiếu giữa Trung Quốc và Việt Nam.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/12/TQ.png
Đồ họa:
Shiv/ Luật Khoa.
Ngày 11
tháng 9 năm 2001, hàng loạt các vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Hoa Kỳ khiến toàn
thế giới sững sờ và bàng hoàng. Sau thảm kịch này, nhiều quốc gia trên thế giới
đã tổ chức các buổi tưởng niệm và thể hiện lòng đồng cảm sâu sắc với nhân dân
Hoa Kỳ. Lãnh đạo nhiều quốc gia, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch
Dân, đã gửi điện chia buồn đến chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời cam kết đoàn kết với
nước này trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên,
không ít người dân Trung Quốc tỏ ra vui mừng trước bi kịch này. Họ cho rằng các
vụ tấn công khủng bố là sự trả đũa thích đáng cho chủ nghĩa bá quyền nước lớn của
Hoa Kỳ. Họ hả hê trước hình ảnh “cảnh sát của thế giới” phải nhận một đòn đau.
[1]
Tại sao lại
có sự thù ghét nước Mỹ mạnh mẽ đến mức độ này? Không phải Hoa Kỳ đã đóng một
vai trò tích cực trong việc ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế
giới (WTO) trong giai đoạn này sao?
Câu trả lời
nằm ở cách thức các chế độ độc tài như Trung Quốc xây dựng trong đầu người dân
một thế giới chia thành hai phe đối lập giữa “chúng ta” và “chúng nó” (us
versus them). Bằng cách xây dựng một kẻ thù chung, nhà cầm quyền có thể chuyển
sự chú ý của người dân ra khỏi các vấn đề nội bộ, đàn áp các ý kiến bất đồng,
cũng như duy trì sự thống nhất trong tư tưởng của quần chúng. Việc tạo ra một kẻ
thù bên ngoài cũng cho phép chính quyền độc tài chuyển hướng trách nhiệm và đổ
lỗi cho các “thế lực thù địch” mỗi khi có thất bại về chính sách, từ đó duy trì
sự ổn định chính trị của chế độ.
Cụ thể
hơn, chiến lược thao túng của chính quyền Trung Quốc có thể tóm gọn là “ca ngợi
mình, nói xấu người”. “Ca ngợi mình” bao gồm việc đưa tin bài tán tụng chiến
công giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc,
thành công của đất nước về phát triển kinh tế sau quá trình cải cách và mở cửa.
“Nói xấu người” là đưa tin tiêu cực về các “thế lực thù địch”, bao gồm phương
Tây, Hoa Kỳ, những người bất đồng chính kiến và những nhà hoạt động nhân quyền.
Cuốn sách
“Marketing Dictatorship: Propaganda and Thought Work in Contemporary China”
(tạm dịch: Quảng bá chế độ độc tài: Chiến lược tuyên truyền và công tác tư tưởng
ở Trung Quốc ngày nay) của giáo sư Anne-Marie Brady thảo luận một cách chi tiết
những thủ thuật mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để thao túng dư luận, bao gồm:
Tăng
cường thông tin tích cực
Ban Tuyên
truyền Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc yêu cầu các cơ quan truyền thông tập
trung đưa các thông tin tích cực về tình hình của đất nước, bao gồm những câu
chuyện về thành tựu phát triển kinh tế, tiến bộ công nghệ và tiến bộ xã hội, từ
đó giúp gia tăng tính chính danh cho chế độ.
Từ khi Tập
Cận Bình nắm quyền lãnh đạo đảng vào năm 2012, chính phủ sử dụng phương tiện
truyền thông và giáo dục để quảng bá cho “Giấc mơ Trung Hoa”. Các yếu tố chính
của “Giấc mơ Trung Hoa” bao gồm sự phục hưng quốc gia, phát triển kinh tế, tiến
bộ xã hội và sự gia tăng mạnh mẽ vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Bằng
cách kể câu chuyện về tình đoàn kết và thịnh vượng chung, chính phủ khuyến
khích tinh thần tích cực, lạc quan, và thúc đẩy tình yêu nước cùng niềm tự hào
dân tộc trong cộng đồng.
Tuy nhiên,
trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn, chiến
tranh thương mại với Hoa Kỳ không biết khi nào kết thúc, chiến lược ngoại giao
hung hăng và việc quân sự hóa các tranh chấp trên Biển Đông khiến tâm lý bài
Trung Quốc dâng cao và đất nước ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế.
VIDEO :
[ENG SUB]
Xiao Zhan "China Dream, My Dream" 《中国梦。我的梦》 网络视听盛典 Online Audio Visual Ceremony
Bài hát
“Giấc mơ Trung Hoa, giấc mơ của tôi” (中国梦我的梦)
do dàn sao Hoa Ngữ thể hiện.
https://www.youtube.com/watch?v=5veMZX3K4-I
Không
đăng tin tiêu cực trong các dịp lễ lớn hoặc các ngày “nhạy cảm”
Ban Tuyên
truyền Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra các chỉ đạo là cần tập trung
truyền thông tích cực trong các dịp lễ lớn, ví dụ như Tết Nguyên đán, và các
ngày có ý nghĩa đặc biệt, như ngày 4 tháng 5 (ngày kỷ niệm phong trào Ngũ Tứ
năm 1919) và ngày 4 tháng 6 (ngày kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn năm 1989).
Tết Nguyên
đán được xem là một ngày lễ quan trọng, và truyền thông Trung Quốc được chỉ đạo
cần phải “hướng quần chúng đến một năm mới hạnh phúc, may mắn, đoàn kết, không
phiền muộn, văn minh, và khỏe mạnh”. Trước, trong và sau Tết nguyên đán, truyền
thông được yêu cầu tăng cường “đăng tin về sự ổn định và thống nhất quốc gia,
tuyên truyền về tình đoàn kết giữa quân đội và nhân dân, giữa quân đội và chính
phủ, giữa cán bộ và nhân dân, cũng như tôn vinh hòa hợp dân tộc”. [2]
Ca
ngợi thành tựu phát triển kinh tế
Tính chính
danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay dựa phần lớn vào thành tựu phát triển
kinh tế từ khi cải cách và mở cửa. Các vấn đề kinh tế vì vậy mà bị kiểm duyệt
gay gắt. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra hướng dẫn chi tiết về cách thức
đưa tin các thông tin kinh tế - tài chính. Định hướng chung là nhấn mạnh khía cạnh
tích cực trong khi làm nhẹ đi những vấn đề tồn tại.
Trong giai
đoạn 1997 - 1998, các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả bị đóng cửa khiến
công nhân bị sa thải hàng loạt. Nhà báo được yêu cầu phải viết bài về các cải
cách thành công của doanh nghiệp nhà nước cũng như những điển hình thành công về
công nhân bị sa thải đã nhanh chóng tìm được việc làm mới. [3]
Vào những
năm 2000, trước tình trạng phân hóa giàu nghèo sâu sắc, sự gia tăng số người sống
dưới mức nghèo khổ cũng như chi phí xã hội của tình trạng thất nghiệp, chính phủ
không cho phép công khai thảo luận những vấn đề này. Đại hội Đảng lần thứ 16
vào năm 2002 chỉ ngầm thừa nhận những vấn đề này bằng việc công bố các chính
sách xóa đói giảm nghèo mới và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một
xã hội thịnh vượng cho tất cả mọi công dân. Các cơ quan truyền thông cũng được
chỉ đạo phải đẩy mạnh tuyên truyền những chính sách mới này.
Lãnh đạo
cao cấp của Đảng Cộng sản cũng như nhiều chuyên gia kinh tế từ lâu đã thể hiện
sự thiếu tin tưởng vào các chỉ số phát triển kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt
là chỉ số GDP ở địa phương. Lý Khắc Cường, thời còn làm bí thư tỉnh ủy Liêu
Ninh giai đoạn 2004 - 2007, thay vì sử dụng chỉ số GDP mà ông nghi ngờ đã được
“thổi phồng”, ông phải sử dụng ba chỉ số khác để đánh giá tình hình kinh tế tại
tỉnh này, bao gồm: lượng điện tiêu thụ, khối lượng hàng hóa đường sắt, và tín dụng
ngân hàng. [4]
Các dữ liệu
gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn, mức
tăng trưởng hậu Covid-19 kém xa kỳ vọng. Ngày 15/8/2023, chính phủ Trung Quốc
cho biết sẽ ngừng công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, với lý
do “cần cải thiện hơn nữa và tối ưu hóa số liệu thống kê khảo sát lực lượng lao
động”. [5]
Bôi
xấu (demonize) Hoa Kỳ
Tạo ra một
kẻ thù chung để đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa là một thủ thuật
được nhiều nhà nước độc tài sử dụng. Ở Trung Quốc, “thế lực thù địch” này là
Hoa Kỳ. Hoa Kỳ thường được truyền thông mô tả là sợ sự trỗi dậy của Trung Quốc
và luôn tìm mọi cách để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.
Đối phó với
việc Hoa Kỳ chỉ trích tình trạng nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc, truyền thông
nhà nước thường lên án Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Trung Quốc cũng đáp trả Hoa Kỳ bằng việc phê phán nước này phân biệt chủng tộc,
tống người da đen vào các khu ổ chuột và nhà tù.
Một cựu
biên tập viên tin tức quốc tế tại Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV)
cho biết: “Tôi được yêu cầu tìm những video có nhiều thiên tai và tội phạm ở
các nước trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ. Và không bao giờ được trình chiếu
hình ảnh quốc kỳ của nước Mỹ, trừ khi nó đang cháy.”
Ban Tuyên
truyền Trung ương hiểu rõ sức hút của mô hình dân chủ phương Tây đối với dân
chúng, vì vậy họ liên tục phê phán và chê trách mô hình này, đồng thời khẳng định
tính ưu việt của mô hình độc đảng của Trung Quốc. Trên các phương tiện truyền
thông chính thống, Hoa Kỳ thường được mô tả là một “nền dân chủ giả hiệu”, bầu
cử ở Hoa Kỳ không tự do vì chính trị gia bị các nhóm lợi ích thâu tóm, đặc
trưng bởi “one dollar, one vote” (một đô-la, một phiếu bầu) thay vì nguyên tắc
“one person, one vote” (mỗi người một phiếu bầu). Báo đài cũng thường đề cập đến
cuộc nổi loạn ngày 6/1/2021 khi hàng ngàn người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald
Trump xông vào tòa nhà Quốc hội để phản đối kết quả bầu cử, cho rằng đây là biểu
hiện của sự hỗn loạn chính trị Hoa Kỳ và là hệ quả tất yếu của một nền dân chủ
quá đà. [6]
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2023/12/547a2754-6072-458f-a1e0-9419ddbc3e05.webp
Con tàu
dân chủ của nước Mỹ chao đảo và nứt vỡ vì đấu đá chính trị giữa các phe phái.
Tác giả: Liu Rui/ Global Times.
Bên trên
là hình minh họa cho một bài viết về nền dân chủ Hoa Kỳ trên phiên bản tiếng
Anh của Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung
Quốc. Trong hình ta có thể thấy Tòa Quốc hội Hoa Kỳ nằm trên một con tàu, đang
bị nghiêng ngả và nứt vỡ vì va vào một ngọn núi nằm sâu dưới đáy biển. Tảng núi
này được họa sĩ dán nhãn là “political infighting”, có nghĩa là đấu đá chính trị.
Mâu thuẫn
giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bị khoét sâu thêm bởi quan điểm đối lập về vấn đề Đài
Loan. Trong khi Trung Quốc kiên quyết giữ vững lập trường “Đài Loan là một phần
không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc”, Washington xem việc bảo vệ một Đài
Loan dân chủ trước đe dọa thâu tóm từ đại lục vừa là một nghĩa vụ đạo đức, vừa
là một cam kết chiến lược nhằm duy trì ổn định trong khu vực. Hành động Mỹ bán
vũ khí cho Đài Loan và cam kết bảo vệ nước này (đôi khi mơ hồ, đôi khi rõ ràng)
bị nhiều người Trung Quốc xem là “một nỗi nhục khó nuốt trôi”. [7]
Không
được quảng bá lập trường của thế lực thù địch
Từ khi
Trung Quốc cải cách và mở cửa nền kinh tế, các lãnh đạo đảng, đặc biệt là những
người thuộc phe bảo thủ, luôn lo lắng về ảnh hưởng của hệ giá trị tự do - dân
chủ cũng như mô hình chính trị phương Tây lên chính trị Trung Quốc. Trong suốt
thập niên 1990, Ban Tuyên truyền Trung ương đã ban hành nhiều chỉ thị về vấn đề
này, yêu cầu các biên tập viên “cẩn trọng trong việc lựa chọn tin tức quốc tế để
đăng tải trên các phương tiện truyền thông quốc gia, tránh truyền bá các quan
điểm lệch lạc của phương Tây […] không sử dụng phương tiện truyền thông của
chúng ta để thúc đẩy quan điểm của phương Tây”. [8]
Dưới thời
Tập Cận Bình, những tiếng nói nghịch nhĩ chính quyền ngày càng bị đàn áp. Những
người bất đồng chính kiến thường bị chụp mũ là “phần tử phản cách mạng”, “kẻ
thù quốc gia”, hoặc “gián điệp của ngoại bang”, đe dọa đến an ninh và ổn định
chính trị trong nước.
Lưu Hiểu
Ba là một trong số đó. Ông là nhà đấu tranh dân chủ hàng đầu của Trung Quốc và
khôi nguyên giải Nobel Hòa bình năm 2010. Ông được nhớ đến là một trí thức dũng
cảm đồng hành với sinh viên trong cuộc biểu tình Thiên An Môn. Trong những giờ
đầu ngày 4/6/1989, ông và những người bạn của mình đã đàm phán với quân đội, tạo
ra một lối đi an toàn và thúc giục hàng trăm sinh viên rời khỏi quảng trường để
tránh nguy cơ đổ máu.
Ông Lưu đã
nhiều lần bị đưa ra xét xử và cuối cùng bị kết án 11 năm tù vì tội “kích động lật
đổ chính quyền”. Lưu qua đời vào năm 2017 khi đang thụ án sau cuộc chiến đấu chống
lại căn bệnh ung thư gan. Chính quyền Bắc Kinh đã từ chối cho ông Lưu và gia
đình ra nước ngoài để điều trị, bất chấp lời kêu gọi từ nhiều lãnh đạo quốc tế.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2023/12/Osnos-The-Unbroken-Liu-Xiabao.webp
Người
dân Hồng Kông đau buồn vì sự ra đi của Lưu Hiểu Ba. Lam Yik Fei/ The New York Times.
Sau khi
Lưu Hiểu Ba qua đời, một bài bình luận trên Thời báo Hoàn Cầu đã mô tả ông là
“một nạn nhân bị phương Tây lôi kéo vào con đường sai lạc” (nguyên văn tiếng
Anh: “Liu Xiaobo a victim led astray by the West”). [9] Bài báo có những đoạn
như sau:
“Phương
Tây đã phủ lên Lưu một vòng hào quang, nhưng nó sẽ không tỏa sáng mãi. Họ đã ‘bắt
cóc’ Lưu bằng cách trao giải Nobel cho ông. Tuy nhiên, phương Tây chỉ tôn vinh
những kẻ có ích với họ.”
“Lưu sống
trong một thời kỳ Trung Quốc phát triển thần kỳ, nhưng ông cố gắng chống lại xã
hội chủ lưu của Trung Quốc với sự hỗ trợ từ phương Tây. Điều này đã dẫn đến cuộc
đời bi thảm của ông.”
Để dập tắt
những tranh luận xoay quanh cái chết của Lưu, chính quyền Trung Quốc tiến hành
kiểm duyệt một số nội dung liên quan đến ông trên Weibo, bao gồm các từ khóa
“Tôi không có kẻ thù” (bài luận ông Lưu viết trước khi bị kết án 11 năm tù),
“Thẩm mỹ và tự do của con người” (tên luận án tiến sĩ của ông), “Lưu tiên sinh”
và “RIP”. Trong tuần đó, các phương tiện truyền thông cũng được chỉ đạo tập
trung quảng bá thành tích ngoại giao của Tập Cận Bình, đặc biệt là chuyến công
du tới Nga và Đức của ông Tập. Trong khi đó, loạt câu hỏi về ông Lưu từ báo chí
quốc tế tại các cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao bị loại bỏ khỏi các bản ghi của
bộ này, như thể chúng chưa từng tồn tại. [10]
Tận
dụng tin tức quốc tế để định hướng dư luận về những vấn đề có liên quan đến
Trung Quốc
Theo giáo
sư Anne-Marie Brady, việc chọn lọc đưa tin tức quốc tế theo định hướng của Đảng
Cộng sản là một chiến lược hiệu quả để định hình dư luận trong các vấn đề có
liên quan đến Trung Quốc. Từ những năm 1990, Ban Tuyên giáo đã áp dụng chiến lược
này để tăng tính cường uy tín của Đảng và thu hút sự ủng hộ của quần chúng đối
với các chính sách của nhà nước.
Trong giai
đoạn khối cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, truyền thông Trung Quốc đưa tin
chi tiết về những khó khăn và thách thức của các nước này hậu chuyển đổi, trong
khi lờ đi những thành tựu của họ. Thủ thuật đưa tin này gieo vào đầu người dân
nỗi lo sợ Trung Quốc sẽ gặp khủng hoảng và mất ổn định như các quốc gia kia nếu
theo đuổi mô hình đa nguyên đa đảng. [11]
Tuyên truyền
về lòng yêu nước và trung thành với lợi ích quốc gia tạo ra một “nhà tù ảo”
trong tâm lý quần chúng nhân dân, nơi mà nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo được
đồng nhất với tổ quốc, với đất nước Trung Hoa. Vì vậy, mọi hành động chỉ trích
chính quyền bị coi là phản quốc, biến người phê phán thành “Hán gian”, hoặc thậm
chí là “quân bán nước”. [12]
Chiến lược
“ca ngợi mình” không chỉ tập trung vào Trung Quốc mà còn bao gồm tăng cường đưa
tin tích cực đối với những quốc gia được xem là đồng minh hoặc có quan hệ đối
tác chiến lược với Trung Quốc, ví dụ như Triều Tiên và Nga.
Do mối
quan hệ chiến lược quan trọng giữa Trung Quốc và Triều Tiên, các bài viết phê
phán Triều Tiên và chế độ toàn trị của nước này bị cấm. Truyền thông vẫn có thể
đưa tin về những khó khăn mà Triều Tiên phải đối mặt, nhưng những bình luận
tiêu cực bị cấm. [13]
Mối quan hệ
giữa Nga và Trung Quốc ngày càng thân thiết trong những năm gần đây. Một phần
lý do là cả hai nước đều có thái độ đối nghịch với Hoa Kỳ và quan ngại về một
trật tự thế giới do Hoa Kỳ dẫn dắt. Đối với cuộc chiến tranh ở Ukraine, truyền
thông Trung Quốc được đảng chỉ đạo không đưa tin tiêu cực về Nga và không nêu
quan điểm ủng hộ phương Tây.
CNN đã
phân tích 5.000 bài đăng trên mạng xã hội Weibo từ 14 cơ quan truyền thông của
Trung Quốc trong 8 ngày đầu của cuộc xâm lược. CNN tập trung vào những bài đăng
có lượt chia sẻ trên 1.000 lần, đại diện cho những thông điệp được lan truyền rộng
rãi. Trong số 300 bài đăng, khoảng 140 bài chứa thông tin ủng hộ Nga, bao gồm
thông tin sai lệch như binh lính Ukraine có khuynh hướng phát xít, Tổng thống
Zelensky tháo chạy khỏi thủ đô Kyiv, Putin là nạn nhân đứng lên bảo vệ một nước
Nga bị phương Tây bắt nạt và Nga bị buộc phải tiến hành “chiến dịch quân sự đặc
biệt” do lo sợ NATO mở rộng về hướng Đông. Những bài đăng này thường được trích
dẫn nguồn trực tiếp từ quan chức Nga hoặc truyền thông nhà nước Nga. Trong khi
đó, chỉ có 15 bài đăng chứa thông tin ủng hộ Ukraine. [14]
Theo truyền
thông nhà nước Nga, Trung Quốc, và ngay cả Việt Nam, việc NATO mở rộng về phía
Đông là vấn đề “sống còn” đối với Nga và Tổng thống Putin sẽ sử dụng tất cả mọi
biện pháp cần thiết để ngăn cản điều này. Trong thực tế, giai đoạn trước khi
Nga xâm lược Ukraine, NATO đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mâu thuẫn nội bộ
giữa các nước thành viên. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Economist vào cuối
năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn tuyên bố rằng NATO đang
bị “chết não”. [15]
Tuyên bố của
Macron được đưa ra trong bối cảnh cam kết của Hoa Kỳ với NATO ngày càng suy giảm,
thể hiện qua chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Tổng thống Barack Obama và
chỉ trích từ Tổng thống Donald Trump nhắm vào các thành viên NATO vì không đóng
góp đủ vào ngân sách quốc phòng của khối. Tổng thống Trump thậm chí đã thảo luận
về khả năng rút Hoa Kỳ ra khỏi NATO, khiến nhiều quan chức quốc phòng Mỹ và
lãnh đạo các nước thành viên NATO lo lắng như “ngồi trên đống lửa”. [16] Thật
khó hiểu khi một cường quốc hạt nhân như Nga lại xem một NATO bế tắc và mất
đoàn kết như vậy là một mối đe dọa “sống còn”.
Ngoài ra,
trước khi Nga xâm lược Ukraine vào đầu năm 2022, việc Nga sáp nhập bán đảo
Crimea và căng thẳng quân sự kéo dài tại vùng Donbass đã đủ để khiến cho khả
năng Ukraine gia nhập NATO trở thành một viễn cảnh xa vời. NATO sẽ không bao giờ
chấp nhận một quốc gia đang mắc kẹt trong xung đột và tranh chấp lãnh thổ làm
thành viên của tổ chức. Do đó, việc Nga xâm lược Ukraine là hoàn toàn không cần
thiết nếu mục tiêu của Putin chỉ là ngăn Ukraine gia nhập NATO và duy trì nước
này như một “vùng đệm an ninh”. Những quan điểm này, tất nhiên, không được phép
xuất hiện trên báo chí chính thống ở những nước thân Nga.
***
Câu chuyện
về cách thức chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt thông tin và thao túng dư luận mở
ra cơ hội so sánh với thực tiễn tại Việt Nam.
Trong thực
tế, có nhiều dấu hiệu cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã “nhập khẩu” mô hình của
Trung Quốc để quản lý xã hội. Chúng ta có thể thấy lối tư duy “chúng ta đối đầu
chúng nó” và “ca ngợi mình, nói xấu người” trong nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam về văn hóa tư tưởng, tiêu biểu là Nghị quyết 35/NQ/TW của Bộ
Chính trị về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong phần
quan điểm, nghị quyết này viết:
“Nâng
cao hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; uốn nắn những nhận
thức lệch lạc. Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống”
phải quyết liệt, hiệu quả. Kết hợp giữa nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài;
nâng cao khả năng tự phòng, chống của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước âm
mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội
chính trị.”
Trong phần
nhiệm vụ, giải pháp, nghị quyết đề xuất: “Chủ động tăng cường thông tin tích
cực đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu độc trên
Internet, mạng xã hội. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
để đảm bảo xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân đưa tin sai sự thật, xấu
độc trên Internet, mạng xã hội”.
Một nhà
giáo đã nhận định rằng “Một dân chúng cừu ắt tạo ra một chính phủ sói”. Để loại
trừ “chính phủ sói” và xây dựng một xã hội minh bạch, tôn trọng quyền tự do
thông tin, tự do ngôn luận và tư tưởng, mỗi người dân Việt Nam cần có các hành
động cụ thể để thoát khỏi thân phận “dân chúng cừu”.
Chúng ta
có thể thực hiện một số biện pháp để vượt qua các thủ thuật kiểm duyệt thông
tin và thao túng tâm lý của chính quyền, bao gồm:
·
Đọc
và ủng hộ cho sứ mệnh làm báo độc lập của những tờ báo như Luật Khoa tạp chí và
The Vietnamese Magazine.
·
Sử
dụng mạng riêng ảo (VPN) hoặc các máy chủ proxy để ẩn địa chỉ IP và truy cập được
các trang web bị chặn ở Việt Nam như BBC News Tiếng Việt, VOA Tiếng Việt, The
Diplomat, The 88 Project, v.v.
·
Học
ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để đọc các tờ báo quốc tế như The New York
Times, The Washington Post, BBC News, The Guardian, CNN, Reuters, Bloomberg, Al
Jazeera English, Foreign Affairs, v.v. Việc này mở ra cánh cửa đến những nguồn
thông tin không bị kiểm duyệt và mang lại góc nhìn toàn cầu.
·
Cuối
cùng, hãy bước ra thế giới, gặp gỡ và tương tác với những người đến từ các nền
văn hóa khác nhau, từ đó mở rộng tầm nhìn và hiểu biết sâu sắc hơn về sự đa dạng
và tính độc đáo của thế giới.
Luật Khoa tạp
chí Hoàng Dạ Lan
Phòng
chống tham nhũng ở Trung Quốc: Thiết kế để thất bại? - Kỳ 1
Lợi
ích chính trị cao hơn khi chỉ tập trung “chống” thay vì “phòng”.
Luật
Khoa tạp chí Nguyễn Văn Lung
No comments:
Post a Comment