Monday, December 11, 2023

LỊCH SỬ TUYẾN ĐƯỜNG SẮT “VÀNH ĐAI và CON ĐƯỜNG” Ở VIỆT NAM (Dương Quốc Chính)

 



Lịch sử tuyến đường sắt “Vành đai và Con đường” ở Việt Nam

Dương Quốc Chính

11/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/11/lich-su-tuyen-duong-sat-vanh-dai-va-con-duong-o-viet-nam/

 

Báo chí ta và địch đang đồn ầm là đồng chí Tập sang Việt Nam sẽ hứa hẹn xây dựng tuyến đường sắt Lào Kai – Hà Nội – Hải Phòng, chắc theo chuẩn đường sắt Trung Quốc. Tuyến hiện có cũ rích từ thời Pháp thuộc với khổ đường ray hẹp.

 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tài trợ cho Việt Nam cải tạo tuyến đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Hà Nội và làm mới tuyến Móng Cái – Hải Phòng. Các tuyến đường sắt này nằm trong chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Đều nhằm mục đích vận chuyển từ các cửa khẩu lớn của Trung Quốc sang Việt Nam và ra biển.

 

Điều đặc biệt nữa là, ngoài tuyến Móng Cái chưa xây thì các tuyến đường sắt kia đều đã có từ thời Pháp. Thời đó công ty hỏa xa Vân Nam (của Pháp) đã đầu tư đường sắt sang tận Côn Minh, từ Hải Phòng, để giao thương với Trung Quốc.

 

Mục tiêu ban đầu của người Pháp muốn chiếm Sài Gòn và Hà Nội là nhằm mục đích tìm đường tiếp cận giao thương với miền Nam Trung Quốc. Đối với người Pháp từ thế kỷ 19 thì họ hầu như không để tâm tới Đông Dương, mà chỉ biết tới Trung Quốc.

 

Ban đầu, Pháp chiếm Gia Định rồi tìm đường đi ngược sông Mekong để sang Tàu. Nhưng tuyến đường đó quá xa xôi hiểm trở. Thế là họ quay ra đi ngược sông Hồng lên Trung Quốc và điểm trung chuyển chính là Hà Nội.

 

Nhà thám hiểm ở cả hai tuyến đường là Jean Dupuis, cũng là một thương gia. Tay này chiếm chỗ trong lịch sử Việt Nam, còn được đặt tên đường thời Pháp thuộc, do có công khai phá, cũng gây nên biến cố Hà Nội, do bị quan lại Hà Nội đòi thu thuế. Quân Pháp mới được thể chiếm béng thành Hà Nội để bảo kê cho tàu buôn của Dupuis. Thế nên mới có chuyện mấy chục lính Pháp của Garnier chiếm thành Hà Nội với 2000 quân của đại tướng Nguyễn Tri Phương!

 

Năm 1879, Dupuis viết cuốn “Khai thông sông Hồng cho thương mại”, trong đó có vẽ bản đồ Bắc Kỳ, bản đồ đầu tiên của vùng này.

 

Năm 1881 Dupuis được Viện Hàn lâm Khoa học Paris trao giải thưởng Delalande Guérineau cho công trạng thám hiểm và hỗ trợ chinh phục Bắc Kỳ.

 

Phố Hàng Chiếu đâm vào ô Quan Chưởng thời Pháp tên là Jean Dupuis.

 

“Vành đai và con đường” có lịch sử manh nha từ cuối thế kỷ 19 bởi con buôn Pháp, bắt nguồn từ như thế, ban đầu là đường thủy dọc sông Hồng, bắt đầu từ vịnh Hạ Long, khi còn chưa có cảng Hải Phòng. Tàu buôn Pháp sang Tàu qua ngả đó.

 

Con đường tơ lụa này mới chỉ thực sự trở nên hoàn chỉnh là vào thời Toàn quyền Paul Doumer. Ông này là người quyết định mở tuyến đường sắt nói trên, kết hợp với việc xây cầu Doumer (Long Biên) thì mới có sự kết nối tuyến đường sắt và đường bộ từ Hải Phòng – Hà Nội – Lao Kay (hồi xưa gọi thế) bên cạnh đường sông. Thế mới thấy là tầm nhìn của người Pháp mới là kinh khủng, khi họ mở tuyến đường sắt này tới tận Côn Minh.

 

Ngày mai, khi Trung Quốc và Việt Nam họp bàn với nhau về tuyến đường này thì thực ra cũng chỉ là lặp lại ý tưởng của người Pháp mà thôi.

 

__________

 

Bài liên quan: Lịch sử bi thương của đường sắt Hải Phòng – Côn Minh (PLVN).

 

 





No comments: