Di sản của Kissinger vẫn còn hiện hữu khắp Việt Nam và Campuchia
Cù Tuấn biên dịch
Tóm tắt: Quyết định của ông Kissinger cho phép ném bom Campuchia,
những nỗ lực rút Mỹ khỏi Chiến tranh Việt Nam và vai trò của ông trong việc nối
lại quan hệ với Trung Quốc tiếp tục được thể hiện ở Đông Nam Á.
Quyết định của Henry A. Kissinger cho phép ném bom bí mật rải thảm vào
Campuchia, những nỗ lực của ông nhằm đàm phán để Mỹ rút khỏi chiến tranh Việt
Nam và vai trò của ông trong việc nối lại quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc đã lan
truyền khắp Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ kể từ đó.
Ông Kissinger, người qua đời hôm thứ Tư 29/11, đã là người nhận chung
Giải Nobel Hòa bình năm 1973 vì đã đàm phán hiệp định hòa bình chấm dứt sự can
dự của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam. Nhưng một số nhà phê bình cáo buộc ông đã
kéo dài chiến tranh một cách không cần thiết khi khuôn khổ của hòa bình đã có từ
nhiều năm trước.
Cuộc giao tranh giữa miền Bắc Việt Nam và miền Nam Việt Nam do Mỹ hậu
thuẫn đã không kết thúc cho đến khi miền Bắc giành chiến thắng vào năm 1975. Một
số nhà quan sát cho rằng đó là kết quả tất yếu của chính sách hoài nghi của Mỹ
nhằm tạo ra không gian – “một khoảng cách hợp lý”, như ông Kissinger từng nói –
giữa việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam năm 1973 và sự sụp đổ của Sài Gòn hai năm
sau đó.
Việc ném bom Campuchia vào năm 1969 và 1970, được ông Kissinger cho
phép với hy vọng sẽ tiêu diệt tận gốc các lực lượng Việt Cộng hoạt động tại các
căn cứ dọc biên giới phía Tây của Việt Nam, cũng làm dấy lên tranh luận trong
nhiều năm về việc liệu Mỹ có vi phạm luật pháp quốc tế hay không khi mở rộng cuộc
xung đột sang một quốc gia bề ngoài có vẻ trung lập.
Ông Kissinger đã bảo vệ những quyết định thời chiến của mình trong nhiều
năm sau đó.
“Mỹ không nên tự hành hạ mình với quan điểm rằng lẽ ra họ có thể đạt được
thỏa thuận sớm hơn nếu các Tổng thống của họ sẵn lòng hơn,” ông Kissinger nói
trong một sự kiện năm 2016 tại Thư viện và Bảo tàng Lyndon B. Johnson ở Austin,
Texas. “Các Tổng thống Mỹ không thể có một thỏa thuận nào, ngoại trừ việc bỏ hết
và rút lui vô điều kiện, điều mà không ai có thể ủng hộ.”
Về chiến dịch ném bom, ông viết trong hồi ký của mình rằng đó là quyết
định mà các hành động của Bắc Việt Nam đã áp đặt lên chính quyền Tổng thống Mỹ
Richard M. Nixon.
Ở Việt Nam, vai trò của ông Kissinger trong cuộc chiến đã gây nhiều
tranh cãi trước khi cuộc chiến kết thúc. Năm 1973, ông Lê Đức Thọ, nhà đàm phán
Bắc Việt Nam, người cùng được trao giải Nobel với ông Kissinger, đã từ chối giải
thưởng này, nói rằng miền Nam được Mỹ hậu thuẫn vẫn tiếp tục “các hành động chiến
tranh” ngay cả sau khi có thỏa thuận, và rằng ông sẽ chỉ có thể nhận giải thưởng
sau khi hòa bình được thiết lập ở miền Nam. (Ông Thọ mất năm 1990 và chưa bao
giờ nhận giải.)
Nhiều người Việt Nam cũng phẫn nộ về vai trò của ông Kissinger trong việc
thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, nước láng giềng hùng mạnh
phía bắc và là cựu đế quốc từng đô hộ Việt Nam.
Dương Quốc
Chính, 46 tuổi, một kiến trúc sư và nhà bình luận chính trị người Việt ở thủ
đô Hà Nội, cho biết việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung năm 1979 đã nâng cao
vị thế quốc tế của Trung Quốc và mở đường cho sự trỗi dậy của nước này. “Bây giờ
mọi người không thích Kissinger chủ yếu vì họ coi ông ấy là người chịu trách
nhiệm cho sự thịnh vượng của Trung Quốc.”
Tại Campuchia thời hậu chiến, Thủ tướng Hun Sen, người đã nắm quyền gần
4 thập kỷ trước khi chuyển giao chức vụ thủ tướng cho con trai vào năm nay, từ
lâu đã lập luận rằng ông Kissinger và các cựu quan chức Mỹ khác phải bị buộc tội
tội ác chiến tranh vì vai trò của họ trong chiến dịch ném bom Campuchia.
Sophal Ear, chuyên gia về kinh tế chính trị Campuchia và là giáo sư tại
Trường Quản lý Toàn cầu Thunderbird thuộc Đại học Bang Arizona, cho biết các
quan chức cấp cao ở Campuchia, một quốc gia vẫn còn rất nhiều bom mìn chưa nổ,
từ lâu đã coi ông Kissinger là một “bête noire” (quái vật đen). Ông nói, ngay cả
trong những năm gần đây, khi căng thẳng ngoại giao bùng lên với Mỹ, các quan chức
Campuchia đôi khi đề cập đến chiến dịch ném bom thời chiến này nhằm cố gắng dồn
ép những quan chức Mỹ đang đối thoại với họ.
Nhiều nhà phân tích đã nói rằng việc Mỹ ném bom Campuchia một phần đã dẫn
tới sự trỗi dậy của Khmer Đỏ, tổ chức gây ra những nỗi kinh hoàng khi giết chết
gần một phần tư dân số Campuchia vào cuối những năm 1970.
Nhưng ông Sophal Ear, người đã trốn thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ khi còn
nhỏ, nói thêm rằng hình bóng ông Kissinger đang dần mờ nhạt trong ký ức ở một đất
nước mà độ tuổi trung bình hiện nay chỉ khoảng 27. “Tôi phỏng đoán rằng họ
không thể đổ lỗi cho ai đó khi họ không biết ông ta,” ông nói.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận
về di sản của ông Kissinger. Pen Bona, người phát ngôn của chính phủ Campuchia,
đã từ chối bình luận.
Sok Eysan, phát ngôn viên của Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, nói về
ông Kissinger: “Ông ấy là ngoại trưởng Mỹ, vì vậy ông ấy làm mọi thứ vì lợi ích
và hệ tư tưởng tự do của Mỹ. Chúng tôi không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ông ấy vì
ông ấy tuân theo chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Trong thời gian khá dài làm Thủ tướng, việc ông Hun Sen đi ngược lại tư
tưởng dân chủ đã gây ra xích mích với Mỹ, quốc gia thường xuyên kêu gọi chính
phủ của Hun Sen tôn trọng nhân quyền và khôi phục các cuộc bầu cử công bằng. Đồng
thời, ông Hun Sen đã đẩy Campuchia đến gần Trung Quốc hơn, gọi quốc gia này là
“người bạn đáng tin cậy nhất” của đất nước Campuchia.
Ngược lại, Việt Nam đã tìm cách cân bằng mối quan hệ lịch sử chặt chẽ
nhưng phức tạp với Trung Quốc bằng cách theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với kẻ
thù cũ là Mỹ. Mặc dù là một quốc gia đơn đảng, Việt Nam đã tìm thấy điểm chung
với Washington trong mối lo ngại về tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc
ở Đông Nam Á.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Hà Nội vào năm 2016, ông cho biết
Mỹ sẽ hủy bỏ lệnh cấm kéo dài hàng thập kỷ cấm bán thiết bị quân sự sát thương
cho Việt Nam. Và trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Biden vào tháng 9
năm nay, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã nâng quan hệ với Mỹ lên mức cao
nhất trong hệ thống ngoại giao của Việt Nam, ngang hàng với quan hệ với Nga và
Trung Quốc.
Hình: https://www.facebook.com/photo?fbid=7174413149263970&set=a.124320747606614
Cảnh tượng hoang tàn sau khi Mỹ ném bom tại Snuol, Campuchia, tháng 5
năm 1970.
.
.
Bài
gốc :
https://www.nytimes.com/.../kissinger-cambodia-vietnam...
NYTIMES.COM
Kissinger’s Legacy Still Ripples Through
Vietnam and Cambodia
Kissinger’s
Legacy Still Ripples Through Vietnam and Cambodia
No comments:
Post a Comment