Chống
biến đổi khí hậu : Méthane ít được chú ý dù là khí gây hiệu ứng nhà kính
nghiêm trọng
Thùy
Dương - RFI
Đăng ngày:
15/12/2023 - 11:03
Thượng
đỉnh khí hậu COP28 Dubai đã khép lại hôm 13/12/2023, với thỏa thuận mang tính lịch
sử, lần đầu tiên nhắc đến giã từ dần dần nhiên liệu hóa thạch để chống biến đổi
khí hậu. Tuy nhiên, nỗ lực của COP28 chống méthane, loại khí làm hâm nóng Trái
đất nhanh hơn CO2 rất nhiều, dù đáng kể, những vẫn bị xem vẫn chưa đủ, cho dù
giới khoa học nhận định là về ngắn hạn, giảm thải méthane là phương cách rẻ nhất,
mạnh nhất để giảm mức tăng nhiệt độ Trái đất.
Khói
bụi từ một nhà máy điện than Trung Quốc. Trung Quốc là nước phát thải nhiều khí
méthane nhất thế giới, chủ yếu từ than đá (56 triệu tấn méthane trong năm
2022). REUTERS/Stringer
Méthane
làm biến đổi khí hậu thế nào ?
Cho dù lượng
méthane thải ra bầu khí quyển ít hơn nhiều so với CO2 và thời gian méthane tồn
tại trong bầu khí quyển cũng ngắn hơn (khoảng chục năm so với thời gian tồn tại
hàng thế kỷ của CO2), thế nhưng trên thực tế méthane lại là chất gây hiệu ứng
nhà kính nghiêm trọng hơn rất nhiều so với khí CO2. Les Echos ngày 02/12 trích
dẫn báo cáo của GIEC,nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về
khí hậu, khả năng làm tăng nhiệt độ Trái đất trong khoảng 20 năm của méthane
cao hơn 84 lần so với CO2 và cao hơn 28 lần nếu tính theo thế kỷ.
Chính vì
thế, việc phát thải hay rò rỉ méthane bị xem là một quả bom vô hình « thảm
sát khí hậu » : méthane chịu 30% trách nhiệm về tình trạng
Trái đất nóng lên. Vì lẽ đó, muốn chống biến đổi khí hậu thì phải cấp thiết giảm
thải méthane ra khí quyển.
Méthane
do đâu mà có ?
Theo Cơ
quan Năng lượng Quốc tế, trong năm 2022, 60% tổng lượng méthane thải ra bầu khí
quyển là do các hoạt động của con người (346 triệu tấn méthane). Méthane rò rỉ
ra khí quyển qua các hoạt động khai thác, sản xuất và sử dụng than đá, dầu lửa
và khí đốt chiếm 1/3 tổng lượng méthane phát thải từ các hoạt động của con người,
còn lại chủ yếu là từ lĩnh vực nông nghiệp, và một phần là từ rác thải phân hủy.
Trong lĩnh
vực năng lượng, khí méthane phát ra chủ yếu từ quá trình khai thác than đá,
thoát ra qua các đường ống dẫn khí đốt và dầu lửa, trong quá trình bảo trì cơ sở
hạ tầng năng lượng. Riêng trong lĩnh vực năng lượng tại châu Âu, theo đài
France Info ngày 08/12, rò rỉ méthane từ hệ thống dẫn khí đốt là một trong những
thủ phạm chính.
Liên quan
đến nông nghiệp, trên toàn thế giới, chăn nuôi bò và trồng lúa nước là hai hoạt
động gây nhiều méthane nhất.
Những
nước nào thải nhiều méthane nhất ?
Do méthane
không màu, không mùi, nên giống như vô hình, nhưng trên thực tế, sự phát triển
của vệ tinh đã cho phép giới khoa học và các công ty tư nhân truy vết « thủ
phạm » phát thải ồ ạt méthane, chẳng hạn vệ tinh viễn thám
Sentiel-5P của chương trình Copernicus của Cơ quan Không gian Châu Âu (được
phóng lên không gian năm 2017).
Những nước
thải nhiều khí méthane nhất cũng là các nước phát thải nhiều khí gây hiệu ứng
nhà kính nhất và các nước sản xuất chính năng lượng hóa thạch, đứng đầu là
Trung Quốc - thải 56 triệu tấn méthane trong năm 2022, Mỹ (32 triệu tấn), Ấn Độ
(30 triệu tấn). Là nhà khai thác khí đốt thứ hai thế giới, Nga thải nhiều
méthane thứ 4 toàn cầu (24 triệu tấn). Nếu tính theo đầu người, theo trang
tin của Liên Âu Euractive, Kazakhstan và Turkmenistan nằm trong số các nước
có tỉ lệ thải méthane cao nhất toàn cầu.
Trước sức
ép của Liên Hiệp Quốc, thông qua Đài quan sát quốc tế về phát thải méthane, với
các dữ liệu của star-up Pháp Kayrros và các nghiên cứu khoa học bắt đầu chú ý đến
méthane, tại COP26 Glasgow, 150 quốc gia đã ký thỏa thuận Global Methane
Pledge, cam kết đến năm 2030 giảm 30% lượng khí thải méthane so với năm 2020.
Giảm
phát thải méthane có khó không ?
Hiện nay,
CO2 vẫn bị xem là kẻ thù số 1 khiến Trái đất nóng lên, còn méthane dù gây hiệu ứng
nhà kính mạnh hơn so với CO2 nhưng cuộc chiến chống phát thải méthane lại được
xem là không khó thực hiện.
Trang mạng
thông tin của Liên Âu, Euractive, dẫn thủ tướng Đức Olaf Scholz, theo đó « việc
giảm thải khí méthane trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng có thể được thực hiện
một cách đơn giản và không tốn nhiều chi phí ». Đặc sứ Mỹ về khí hậu,
John Kerry, cũng khẳng định cuộc chiến giảm thải méthane là phương tiện
« dễ nhất, nhanh nhất, ít đắt đỏ nhất và đơn giản nhất » để chống
biến đổi khí hậu.
Vấn đề là,
như Libération trích dẫn chủ tịch - tổng giám đốc công ty Kayrros của
Pháp, Antoine Rostand, các vệ tinh đo lường, truy vết khí thải méthane cho thấy
thỏa thuận Global Methane Pledge dường như không mang lại mấy kết quả, chỉ rất
ít nước giảm thải méthane đủ mạnh, chủ yếu là Úc, do giảm sản xuất than đá. Tại
Mỹ hay Irak, lượng méthane thải ra không khí thậm chí còn tăng. Koweit và
Ouzekistan giữ được ở mức ổn định.
Trong một
báo cáo hồi đầu năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế chỉ trích các nhà khai thác chất
đốt thiếu hành động để đạt mục tiêu giảm thải méthane, cho dù việc phát méthane
trong các hoạt động khi thác khí ga và dầu lửa có thể giảm 75% nhờ các công nghệ
có sẵn và giá rẻ, chẳng hạn liên quan đến việc phát hiện rò rỉ, sửa chữa thiết
bị. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, chỉ cần 100 tỉ đô la, chưa đến 3% tổng thu
nhập năm 2022 của các công ty dầu khí trên thế giới là đủ để đầu tư nhằm đạt chỉ
tiêu giảm 75% lượng méthane lĩnh vực này thải ra môi trường.
Sultan Al
Jaber, chủ tịch COP28, rất tích cực vận động ngành công nghiệp dầu lửa từ nay đến
năm 2030 ngưng dần việc phát thải hay làm rò rỉ khí méthane. Tuy nhiên, hồi cuối
tháng 08/2023, nhật báo Anh The Guardan tiết lộ là trái với Nga, Trung Quốc,
Turkmenistan, Algerie, Mỹ … chính Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, nước tổ
chức COP28, nhà khai thác dầu lửa đứng thứ 7 thế giới, từ nhiều năm nay vẫn
không cung cấp cho Liên Hiệp Quốc số liệu liên quan đến phát thải méthane cho
dù từ năm 2014, Cơ quan khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu các nước thành
viên cứ sau 2 năm lại phải cung cấp số liệu về méthane, điều mà các nước khai
thác chính dầu khí ở Trung Đông, như Ả Rập Xê Út, Koweit, Oman đã tuân thủ.
Đó là chưa
kể đến việc, theo Les Echos, cách nay không lâu, một nghiên cứu trên tạp chí
Nature Communications tiết lộ là lượng méthane phát ra từ các hoạt động dầu khí
trên thế giới cao hơn 30% so với các ước tính mà các nước cung cấp cho Liên Hiệp
Quốc, sự chênh lệch số liệu cao nhất liên quan đến các nước Mỹ, Nga, Venezuela
và Turkmenistan.
Đâu
là những đóng góp giảm méthane tại COP28 ?
Tại COP28,
60 doanh nghiệp dầu lửa, chiếm gần 50% sản xuất dầu lửa trên toàn thế giới, đã
cam kết đến năm 2030 giảm phát thải méthane xuống gần mức 0. Ba ngày sau, 6
trong số các doanh nghiệp lớn nhất về sữa ngày 05/12 đã phát động một liên minh
giảm phát thải méthane. Theo Forbes, đó là các hãng Kraft Heinz, Nestle,
Danone, Lactalis USA, Bel Group và Generals Mills, với tổng doanh thu 185 tỉ
euro.
Đây là lần
đầu tiên các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cam kết chống thải
méthane. Giới quan sát hy vọng những cam kết như vậy sẽ góp phần hình thành các
liên minh chống méthane trong các lĩnh vực khác vốn phát thải hay gây rò rỉ nhiều
méthane, chẳng hạn ngành chăn nuôi bò. Cũng trong lĩnh vực nông nghiệp, FAO -
Cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc đề ra lộ trình đến năm 2045 giảm một nửa lượng
khí thải méthane ra môi trường.
Liên quan
đến các nước, Libération ngày 02/12 cho biết Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất
đã tổ chức một hội nghị về méthane và các khí gây hiệu ứng nhà kính (không kể
CO2). Hội nghị được tổ chức phối hợp với Trung Quốc và Mỹ, hai nước thải nhiều
méthane nhất. Nhân dịp này, Mỹ thông báo lộ trình chi tiết về giảm thải 58 triệu
tấn méthane giai đoạn 2024-2038, tương đương với 1,5 tỉ tấn CO2 (gần bằng tổng
lượng CO2 lĩnh vực năng lượng Mỹ phát thải năm 2021).
Hiện
nay, nước nào có quy định nghiêm ngặt nhất rất để giảm thải
méthane ?
Les Echos
hồi tháng 11/2023 trích dẫn bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng của Pháp, Agnès
Pannier-Runacher, theo đó châu Âu sẽ là nơi có quy định chặt chẽ nhất thế giới
về giảm thải méthane trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.
Ít ngày
trước COP28, Liên Âu đã đạt thỏa thuận chính trị tạm thời theo đó các nhà khai
thác than đá, đầu lửa và khí đốt buộc phải kiểm tra thường xuyên các đường ống
dẫn dầu khí, các mỏ than hay giếng khoan dầu để truy vết méthane. Mọi rò rỉ phải
được khắc phục.
Dự luật
cũng liên quan đến việc nhập khẩu dầu khí (80% lượng dầu khí tiêu dùng ở châu
Âu là do nhập khẩu), theo đó từ năm 2027 các nhà nhập khẩu phải cung cấp số liệu
và bảo đảm việc phát thải méthane ở nước khai thác cũng phải đáp ứng quy chuẩn
do Liên Âu đề ra. Các nhà sản xuất đặt tại Mỹ và Nga, hai nước phát thải nhiều
méthane nhất, đương nhiên cũng liên quan. Kể từ năm 2030, các nhà nhập khẩu bị
cấm nhập nhiên liệu hóa thạch mà quá trình khai thác phát thải nhiều méthane.
Điểm hạn
chế là dự luật không liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 53% lượng phát
thải méthane.
No comments:
Post a Comment