Monday, December 18, 2023

CÁC CUỘC TẤN CÔNG Ở HỒNG HẢI TỪ PHE HOUTHI YEMEN ĐE DỌA LƯU THÔNG HÀNG HẢI (Minh Anh / RFI)

 



Các cuộc tấn công ở Hồng Hải từ phe Houthi Yemen đe dọa lưu thông hàng hải

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 17/12/2023 - 11:23

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20231217-c%C3%A1c-cu%E1%BB%99c-t%E1%BA%....B0u-th%C3%B4ng-h%C3%A0ng-h%E1%BA%A3i

 

Cuộc tấn công bằng tên lửa của phe Houthi vũ trang ở Yemen được Iran hậu thuẫn hôm 15/12/2023 nhằm vào một tầu hàng của hãng Ý - Thụy Sĩ MSC ở Hồng Hải đã khiến các hãng vận tải đường biển lo ngại, đồng loạt ra ra thông báo ngừng lưu thông qua tuyến đường biển này.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d671cf0e-9cc5-11ee-9862-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP22224798575686.webp

Ảnh minh họa khu vực kênh đào Suez và bán đảo Sinai của Ai Cập. AP

 

Đây là một trong số các hệ quả của cuộc xung đột giữa Israel và phe Hamas trên dải Gaza. Các hãng tầu CMA - CGM (Pháp), MSC (Ý - Thụy Sĩ) và trước đó là Maersk (Đan Mạch) cũng như Hapag - Lloyd (Đức) trong hai ngày 15-16/12/2023 lần lượt thông báo ngừng lưu thông trên Hồng Hải, và tạm ngưng sử dụng kênh đào Suez « cho đến khi nào tuyến đường Hồng Hải an toàn hơn ». 

 

Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 20 ngàn tầu thuyền dùng tuyến hàng hải này, nối biển Địa Trung Hải ra Ấn Độ Dương. Những tuần gần đây, phe Houthi gia tăng các cuộc tấn công gần eo biển chiến lược Bab al Mandab chia cắt bán đảo Ả Rập với châu Phi, nơi trung chuyển đến 40% giao thương quốc tế. 

 

Trong bối cảnh căng thẳng ở Hồng Hải, nhiều tầu hàng buộc phải chuyển hướng, đi xuống phía nam qua Mũi Hảo Vọng (Bonne Esperance), trên một tuyến đường dài hơn với chi phí đắt hơn.

 

 

Ai Cập có nguy cơ bị mất nguồn thu từ kênh đào Suez

 

Paul Tourret, giám đốc Viện Kinh tế Hàng hải, trả lời ban Pháp ngữ đài RFI, đánh giá những bất ổn phe Houthi gây ra sẽ có những tác động to lớn đến chi phí bảo hiểm (vốn dĩ đã tăng lên 200%), làm trì trệ thương mại toàn cầu và nhất là sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn thu tài chính của Ai Cập, quốc gia quản lý kênh đào Suez, buộc nước này có thể sẽ phải có hành động. 

 

« Kênh đào này là nguồn thu nhập thứ hai sau du lịch, vốn dĩ đôi khi đã không mấy dễ dàng tại Ai Cập, vì vậy đây là một kiểu nguồn lợi nhờ vào vị trí địa lý và chúng chiếm từ 7-8 tỷ đô la mỗi năm. Ước tính có khoảng 25 ngàn tầu thuyền chở hàng hoặc không chở hàng đi qua kênh này. Do vậy, Ai Cập có thể nhanh chóng lo lắng cho nguồn thu đó của họ.  

 

Đối với toàn bộ mô hình kinh tế và khoảng 60 triệu người dân Ai Cập, điều quan trọng là phải duy trì nguồn thu lâu dài này. Những cuộc tấn công đó có thể khuyến khích Ai Cập, cùng với một số quốc gia, có thể là Ả Rập Xê Út, phải thừa nhận rằng việc bảo đảm an ninh eo biển Bab al Mandab và loại bỏ mối phiền toái trên là hoàn toàn cần thiết như phương Tây đã từng loại bỏ mối nguy cướp biển Somalia cách nay vài năm, gần như trong cùng một khu vực. 

 

Thoạt đầu, người ta chỉ chú tâm đến tác hại từ cuộc xung đột ở Dải Gaza. Giờ thì mọi người thật sự phải đối mặt với một nguy cơ khác rộng lớn hơn. Giao thương hàng hải không thể bị ngưng lại, cũng như nền kinh tế những nước đang phụ thuộc vào hoạt động này. »

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

MỸ - IRAN

Vùng Vịnh : Vụ “tàu dầu bị phá hoại” tăng rủi ro xung đột Mỹ-Iran

 

 

 



No comments: