Monday, December 18, 2023

BIỂN ĐÔNG : PHILIPPINES MUỐN KHỞI ĐỘNG CÁC DỰ ÁN THĂM DÒ DẦU KHÍ MỚI (Trọng Nghĩa / RFI)

 



Biển Đông : Philippines muốn khởi động các dự án thăm dò dầu khí mới

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 17/12/2023 - 11:45

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20231217-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-philippines-mu%E1.....BA%A7u-kh%C3%AD-m%E1%BB%9Bi

 

Tổng thống Philippines ngày 16/12/2023 cho biết Manila đang nỗ lực giải quyết “các vấn đề về thăm dò (dầu khí)” ở Biển Đông để có thể bắt đầu các dự án thăm dò mới nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia ông. Tổng thống Philippines đồng thời cảnh báo về nguy cơ “Trung Quốc quyết đoán hơn”.

 

https://s.rfi.fr/media/display/2273b086-9cc9-11ee-b12b-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23351297095257.webp

Thủ tướng Nhật Bản Minister Fumio Kishida (P) tiếp tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tham dự cuộc họp song phương tại phủ thủ tướng Nhật Bản ở Tokyo, ngày 17/12/2023, bên lề thượng đỉnh đánh dấu 50 năm hợp tác và hữu nghị ASEAN-Nhật Bản. AP - Franck Robichon

 

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho truyền thông Nhật Bản, tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông đã “tăng lên thay vì giảm bớt” trong những tháng gần đây. Ông cảnh báo rằng một “Trung Quốc quyết đoán hơn” sẽ đặt ra một “thách thức thực sự” đối với các láng giềng châu Á.

 

Vào đầu năm nay, Philippines và Trung Quốc đã nối lại các cuộc thảo luận về việc cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông, nơi hai quốc gia cùng với một số nước khác đang có tranh chấp về chủ quyền .

 

Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, một thông cáo báo chí do văn phòng tổng thống Philippines công bố vào lúc ông Marcos tham dự thượng đỉnh Nhật Bản - ASEAN tại Tokyo, cho biết là các cuộc đàm phán đã “tiến triển rất ít”.

 

Chính tổng thống Philippines xác nhận: “Chúng tôi vẫn đang bế tắc”, nhưng ông đồng thời nhấn mạnh đến quyền của nước ông được khai thác nguồn dầu khí ở Biển Tây Philippines, tên nước này đặt cho vùng Biển Đông.

 

Ngoài Philippines, các thành viên khác của ASEAN là Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia, cũng có tuyên bố chủ quyền trên trên một số vùng thuộc Biển Đông, một vùng biển mà Trung Quốc khẳng định quyền làm chủ trên gần như toàn bộ diện tích. Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vào năm 2016 xác định rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, một phán quyết mà Mỹ ủng hộ nhưng bị Bắc Kinh bác bỏ.

 

Trung Quốc từ lâu đã gia tăng các hành vi lấn lướt các nước khác để áp đặt yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, và trong thời gian gần đây đã liên tục gây sự cố với tàu thuyền Philippines, mà vụ mới nhất đã xẩy ra vào tuần trước.

 

Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ Philippines, nêu bật việc Washington và Manila có hiệp ước phong thủ chung, và mọi hành vi tấn công vào Philippines có thể kích hoạt phản ứng đáp trả từ phía Mỹ.

 

Bắc Kinh đã phản ứng , tố cáo Washington “gây rối” tại Biển Đông và mới đây, Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, hôm 15/12/2023 đã lại lên tiếng cảnh cáo, khuyên Mỹ nên chấm dứt việc “đùa với lửa” trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Trước đó, trong một bài phỏng vấn dành cho tạp chí Nhật Bản Nikkei Asia Review, ngày 14/12, ông Jose Manuel Romualdez, đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ, đã đánh động công luận Mỹ khi khẳng định rằng hiện nay “Biển Đông là điểm nóng, chứ không phải là Đài Loan”, và bất kỳ sự cố nào trong khu vực đều có thể leo thang thành một cuộc xung đột toàn cầu toàn diện.

 

-------------------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: Philippines sẽ khai thác dầu khí ngay cả khi không đạt thỏa thuận với Trung Quốc

 

PHILIPPINES - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Tổng thống Philippines tìm thỏa hiệp với Trung Quốc về thăm dò dầu khí Biển Đông

 

PHILIPPINES - TRUNG QUỐC

Lo ngại Trung Quốc vẫn muốn khai thác dầu khí chung với Philippines ở Biển Đông

 

 




No comments: