Mỹ Anh - Saigon Nhỏ
26 tháng
12, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/ai-la-dat-lai-lat-ma-thu-15/
Châu
Á 2024
Ai
kế vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chỉ là vấn đề thời gian, khi vị Đạt Lai Lạt Ma
hiện tại sẽ 89 tuổi vào năm 2024. Với Phật giáo Tây Tạng, việc chọn Đạt Lai Lạt
Ma là một tiến trình truyền thống mang đậm màu sắc tôn giáo huyền bí; trong khi
với Trung Quốc, Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 phải là nhân vật do Bắc Kinh sắp đặt.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/raimond-klavins-bwjWW8C9rJ4-unsplash-scaled.jpg
Minh họa:
raimond-klavins-unsplash
Một
Đạt Lai Lạt Ma được chọn như thế nào?
“Sự tái
sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tương lai của Đạt Lai Lạt Ma, nằm trong tay của
chính tôi. Trước khi qua đời, tôi sẽ để lại di chúc… Từ năm 1969, tôi đã nói rõ
[rằng] thể chế Đạt Lai Lạt Ma có nên tiếp tục hay không [là] tùy thuộc vào người
Tây Tạng. Luân hồi không quan trọng. Điều quan trọng là giáo lý Đức Phật được
duy trì,” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói vào năm 2019 tại tư dinh ở Dharamshala, Ấn Độ.
Đạt Lai Lạt Ma cũng nhấn mạnh ông có thể chỉ định người kế nhiệm trước khi qua
đời hoặc tổ chức trưng cầu dân ý. Trước đó, năm 2007, ông thậm chí nói vị Đạt
Lai Lạt Ma kế tiếp cũng có thể là phụ nữ.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/9.jpg
Đạt Lai Lạt
Ma thứ 14, Tenzin Gyatso, khoảng năm 1955 (ảnh: FPG/Archive Photos/Getty
Images)
Theo truyền
thống, một vị Đạt Lai Lạt Ma được “tìm thấy” hoặc “được phát hiện” khi các nhà
sư Phật giáo Tây Tạng tìm kiếm hóa thân của vị Đạt Lai Lạt Ma trước đó. Đức Đạt
Lai Lạt Ma hiện tại – tức Tenzin Gyatso, còn có tên Lhamo Thondup – được tìm thấy
khi mới hai tuổi, trong một gia đình nông dân ở làng Taktser thuộc tỉnh Amdo,
Tây Tạng. Sau cái chết của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, một nhóm nhà sư bắt đầu tìm
người kế vị, dựa vào một số dấu hiệu. Trang web Đạt Lai Lạt Ma liệt kê hai dấu
hiệu:
Thứ nhất,
đầu của thi thể ướp xác của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, qua đời năm 1933, bỗng
quay từ Nam sang Đông Bắc, cho thấy đó là hướng cần đến để tìm vị Đạt Lai Lạt
Ma tương lai.
Thứ hai, vị
nhiếp chính của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 linh kiến thấy có những dấu hiệu bất thường
ở hồ thiêng Lhamoi Lhatso, với các ký tự Tây Tạng “Ah”, “Ka” và “Ma” nổi trên mặt
nước; cùng hình ảnh một tu viện ba tầng với mái ngọc lam và vàng; và con đường
chạy từ đó đến một ngọn đồi.
Ông cũng
thấy một ngôi nhà nhỏ có cái máng xối hình thù kỳ lạ. Vị nhiếp chính tin rằng
ký tự “Ah” ám chỉ Amdo, tỉnh phía Đông Bắc. Thế là nhóm tìm kiếm, với sự dẫn đầu
của nhà sư Kewtsang Rinpoche, được cử đi. Sau nhiều ngày vất vả, họ tìm thấy tu
viện Kumbum, đúng là có ba tầng. Sau khi đi khắp những làng lân cận, họ cuối
cùng tìm được ngôi nhà giống với miêu tả trong linh kiến của vị nhiếp chính.
Cải trang
thành thường dân và xin ngủ nhờ qua đêm, họ chú tâm để ý đứa con út trong nhà.
Gần như ngay lập tức, họ tin rằng đây đích thị là Đạt Lai Lạt Ma tương lai, khi
cậu bé luôn miệng nói “Sera lama, Sera lama”. Sera là tu viện của Kewtsang
Rinpoche, vị sư dẫn đầu nhóm tìm kiếm. Vài ngày sau, họ trở lại. Lần này, họ
mang theo một số vật thuộc sở hữu Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 và một số vật phẩm
tương tự nhưng không phải của vị Đạt Lai Lạt Ma quá cố.
Thử bao
nhiêu lần, cậu bé vẫn nhận biết chính xác những món thuộc về Đạt Lai Lạt Ma thứ
13 và nói “Nó là của tôi. Nó là của tôi”. Đến lúc đó, nhóm Kewtsang Rinpoche
tin rằng họ đã tìm được hóa thân mới của Đạt Lai Lạt Ma. Họ đưa cậu bé về thủ
đô Lhasa. Năm 1940, Tenzin Gyatso chính thức đảm nhận vai trò Đạt Lai Lạt Ma thứ
14. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, quá trình tương tự cũng phải được thực
hiện trong việc tìm ra Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15…
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/2-4.jpg
Đạt Lai Lạt
Ma và lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi trong cuộc gặp vào
Tháng Sáu 2016 tại Washington DC (ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/6.jpg
Đạt Lai Lạt
Ma và Tổng thống Bill Clinton, Washington DC, Tháng Mười Một 1998 (ảnh: White
House)
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/5-2.jpg
Đạt Lai Lạt
Ma và Tổng thống George W. Bush, Washington DC, Tháng Mười 2007 (ảnh: Chip
Somodevilla/Getty Images)
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/3-4.jpg
Đạt Lai Lạt
Ma và Thái tử Anh Charles (ảnh: Tim Graham Photo Library via Getty Images)
Tây
Tạng trong địa chính trị thế kỷ 21
Cộng đồng
lưu vong Tây Tạng với khoảng 150,000 người sống rải rác thế giới ngày càng đối
mặt nguy cơ đánh mất bản sắc khi một thế hệ trẻ không còn hoặc giữ lại rất ít
ký ức về quê hương cội nguồn. Trong hơn sáu thập niên kể từ khi vượt Hi Mã Lạp
Sơn để thoát cuộc xâm lược Trung Quốc vào năm 1959, Đạt Lai Lạt Ma luôn nỗ lực
duy trì và thống nhất người dân của ông, đưa cuộc đấu tranh của dân tộc họ
thành vấn đề chính trị quốc tế gây chú ý toàn cầu.
Trong vai
trò lãnh tụ tinh thần, Đạt Lai Lạt Ma làm tốt việc lôi kéo và đánh động sự quan
tâm thế giới về số phận dân tộc mình cũng như về tình cảnh bi thảm của Phật
giáo Tây Tạng dưới sự áp bức Trung Quốc. Người Tây Tạng – cũng như thế giới –
không thể tưởng tượng một Tây Tạng không có Ngài.
Đức Đạt
Lai Lạt Ma hiện tại là hóa thân thứ 14 của vị Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên (sinh năm
1391); và cũng được coi là hóa thân của Quán Thế Âm (Avalokitesvara). Ông là
lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng qua 15 đời tổng thống Mỹ và suốt 74 năm của
chế độ cộng sản Trung Quốc. Ông kết nối người Tây Tạng với nền tảng lịch sử của
họ. Điều gì xảy ra một khi Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi thế giới?
Đạt Lai Lạt
Ma không thể cãi lại qui luật tự nhiên. Rồi ông sẽ mất, ở thời điểm mà Trung Quốc
dường như chưa bao giờ mạnh hơn và Tây Tạng chưa bao giờ dễ bị tổn thương hơn bằng
lúc này. 6-7 triệu người bên trong Tây Tạng đang sống dưới ách áp chế hà khắc của
Trung Quốc. Hàng tỷ đôla Trung Quốc đổ vào Tây Tạng không chỉ đầu tư mà còn để
đồng hóa và xóa sổ văn hóa Tây Tạng. Khoảng một triệu học sinh Tây Tạng bây giờ
buộc phải theo học các trường nội trú dạy tiếng Trung – dấu hiệu cho thấy ngôn
ngữ Tây Tạng sẽ sớm biến mất.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/7.jpg
Một
nhà sư Tây Tạng bị đánh tàn bạo trong một cuộc biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp
Quốc ở Kathmandu, Nepal, ngày 17 Tháng Ba 2008 (ảnh: Brian Sokol/Getty Images)
Với địa
chính trị thế kỷ 21, tái sinh – đặc biệt trường hợp Phật giáo Tây Tạng – không
chỉ là chuyện tôn giáo thần bí. Nó còn là vấn đề chính trị, thậm chí dính dáng
bang giao quốc tế. Cuối năm 1989, chỉ bốn tháng sau vụ thảm sát Thiên An
Môn và bảy tháng sau khi quân đội Trung Quốc đàn áp các cuộc biểu tình ở Lhasa,
Đạt Lai Lạt Ma được trao Nobel Hòa bình. Bắc Kinh càng cố bôi nhọ Đạt Lai Lạt
Ma, ông càng nổi tiếng và phương Tây càng bị mê hoặc bởi Tây Tạng huyền
bí.
Năm 1997,
Hollywood tung ra “Seven Years in Tibet”, với tài tử Brad Pitt trong vai chính.
Đạt Lai Lạt Ma trở thành tâm điểm của diễn đàn quốc tế. Ông xuất hiện chung với
những nhân vật văn hóa lớn của thế giới phương Tây, từ Richard Gere đến Bono.
Ông nhận lời mời từ hàng loạt tổng thống và đại học danh tiếng. Bất luận việc
báo chí Trung Quốc gọi ông “kẻ lừa đảo”, “kẻ phản bội”, “kẻ báng bổ”, “nguồn gốc
của mọi bất ổn trong xã hội Tây Tạng”; rằng ông là “chó rừng đội lốt tu sĩ”, kẻ
có “khuôn mặt người nhưng trái tim dã thú”, Đạt Lai Lạt Ma vẫn nhoẻn miệng pha
trò và nói về một thế giới cần thiết phải sống trong hoan lạc an nhiên.
Con
trăn khổng lồ siết nghẹt thở con mồi
Tuy nhiên,
khi thế giới bước sâu vào thế kỷ 21, nhiều biến động xảy ra. Sức mạnh kinh tế
Trung Quốc càng lớn thì ảnh hưởng chính trị của Đạt Lai Lạt Ma càng giảm. Các bữa
tiệc chiêu đãi cấp nhà nước dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma giảm dần. Rất ít chính
phủ muốn hủy hoại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc chỉ vì cuộc gặp một nhà sư
không quốc tịch.
Không thủ
tướng Anh nào gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma kể từ năm 2012 và không tổng thống Mỹ nào
kể từ năm 2016. Đạt Lai Lạt Ma cũng dần từ bỏ vai trò lãnh đạo chính phủ lưu
vong. Năm 2011, ông chính thức rời bỏ quyền lực chính trị. Đây không phải là sự
thoái lui. Khi kêu gọi tổ chức bầu cử dân chủ để chọn người kế vị chức lãnh đạo
chính quyền Tây Tạng lưu vong, ông đồng thời khước từ bất kỳ yêu sách chính trị
nào của một Đạt Lai Lạt Ma Trung Quốc trong tương lai.
Năm 2007,
Cơ quan Quản lý Nhà nước về Tôn giáo Trung Quốc (“Quốc gia Tôn giáo Sự vụ cục”)
ban hành quy định “Những biện pháp quản lý sự tái sinh của các vị Phật sống”
(“Tạng Truyện Phật giáo Hoạt Phật chuyển thế quản lý biện pháp”). Dựa trên một
phần sắc lệnh từ triều đại nhà Thanh năm 1793, quy định đưa ra 14 quy tắc kiểm
soát tất cả trường hợp hiện thân tái sinh, tất nhiên trong đó có việc tìm kiếm
và chọn vị tân Đạt Lai Lạt Ma.
Sắc lệnh số
Năm (國家宗教事務局令第5號 –
Quốc gia Tôn giáo sự vụ cục linh đệ 5 hiệu) khẳng định chỉ chính phủ Trung Quốc
mới có thể trao quyền tìm kiếm và công nhận các Lạt Ma tái sinh, được gọi là
“tulku”, tức “Phật sống”. Và chỉ khi tất cả điều kiện của Điều lệnh số Năm được
đáp ứng thì Bắc Kinh mới ban hành con dấu chấp thuận, xác nhận “cấp phép” cho
Phật sống.
Không đầy
một thập niên sau khi Sắc lệnh số Năm được ban hành, danh sách tulku được Bắc
Kinh phê duyệt đã tăng lên hơn 1,300! Những Lạt Ma giả hiệu len lỏi trà trộn
vào khắp các tu viện, nơi bây giờ được yêu cầu trưng bày ảnh Tập Cận Bình, treo
cờ Trung Quốc và các sư phải học Tư tưởng Tập Cận Bình.
Kịch bản
thay thế Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đang tăng tốc. Robert Barnett, một học giả về
Tây Tạng, cho biết, Tháng Giêng 2023, một nhóm quan chức Trung Quốc đã bí mật gặp
nhau để bàn việc chọn người thay Đạt Lai Lạt Ma. Vài năm gần đây, các phương tiện
truyền thông Trung Quốc bắt đầu dựng lại những câu chuyện huyền bí quanh chiếc
Bình Vàng (金瓶
– Kim Bình), được xem là di vật từ thế kỷ 18 của triều đại nhà Thanh mà
Trung Quốc nói rằng nó được sử dụng để chọn các Lạt Ma.
Kim
Bình bắt nguồn từ một sắc lệnh do Hoàng đế Càn Long ban hành vào năm 1792,
sau chiến thắng của nhà Thanh với Nepal, với nội dung cho phép các hoàng đế nhà
Thanh kiểm soát quá trình tuyển chọn Lạt Ma.
Có hai Kim
Bình thời Càn Long: Một chiếc được cất trong chùa Jokhang (Đại Chiêu Tự) ở
Lhasa và được sử dụng để chọn những nhân vật tái sinh Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền
Lạt Ma; cái còn lại được giữ tại chùa Yonghe (Ung Hòa Cung) ở Bắc Kinh để chọn
Lạt Ma Mông Cổ. Nghi thức chọn Lạt Ma thông qua Kim Bình được tin là do Đạt Lai
Lạt Ma thứ 8, Jamphel Gyatso viết: Tên và ngày sinh của mỗi ứng cử viên được viết
bằng tiếng Mãn Châu, tiếng Hán và tiếng Tây Tạng trên các mảnh kim loại hoặc
ngà voi rồi đặt trong bình vàng. Sau khi cầu nguyện trước tượng Jowo trong Đại
Chiêu Tự ở Lhasa, một tấm phiếu sẽ được rút ra và đó là người được chọn.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/8.jpg
Một
cuộc biểu tình ủng hộ người Tây Tạng trước Tòa đại sứ Trung Quốc ở London vào
Tháng Mười 2021 (ảnh: Belinda Jiao/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
Tây
Tạng trong thế giằng co Bắc Kinh-Washington
Không chỉ
Bắc Kinh soạn kịch bản cho người thay thế Đạt Lai Lạt Ma. Tháng Mười Hai 2020,
Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Hỗ trợ và Chính sách Tây Tạng (Tibet Policy
and Support Act), nhấn mạnh việc kế vị Đạt Lai Lạt Ma phải được giao cho các Phật
tử Tây Tạng mà không có sự can thiệp của Bắc Kinh.
Đây là luật
đầu tiên của Hoa Kỳ liên quan vấn đề văn hóa tái sinh của Phật giáo Tây Tạng.
Tính đến giữa năm 2023, Uzra Zeya, điều phối viên đặc biệt của Hoa Kỳ về các vấn
đề Tây Tạng, vẫn nỗ lực lôi kéo các quốc gia và tổ chức có cùng chí hướng để chống
lại kế hoạch thao túng của Trung Quốc. Cho đến nay, các quốc gia lên tiếng ủng
hộ chỉ mới có Canada, Anh, Cộng hòa Czech và Litva, bên cạnh loạt tổ chức phi
chính phủ. Tháng Mười Hai 2022, Washington thậm chí áp đặt luật trừng phạt nhằm
vào hai quan chức Trung Quốc liên quan vi phạm nhân quyền Tây Tạng.
Phần mình,
Đạt Lai Lạt Ma nói rằng khi ông khoảng 90 tuổi, ông sẽ viết ra những chi tiết về
sự tái sinh, tức tiến trình tìm người hóa thân thay thế ông. Tuy nhiên, không
có thông tin nào cho biết chính xác quy trình diễn ra như thế nào hoặc thời
gian chờ kéo dài bao lâu. Đạt Lai Lạt Ma nói ông có một giấc mơ tiên đoán ông sống
đến năm 113 tuổi. Trong huyền sử Phật giáo Tây Tạng, (những) Lạt Ma tái sinh được
tin là người được sinh ra vào năm mà vị Lạt Ma trước họ qua đời, và họ được nhận
biết khi họ còn là những đứa trẻ chập chững biết đi.
Đức Đạt
Lai Lạt Ma cũng đề cập khả năng chọn một người trưởng thành, được hóa thân
thành Phật sống, ngay ở thời điểm Ngài còn sống. Người kế vị sẽ được truyền dạy
một cách bí mật trước khi xuất hiện công khai, sau cái chết của Đạt Lai Lạt Ma.
Khi Đạt Lai Lạt Ma nói đến điều này, một số người nghi rằng vị Đạt Lai Lạt Ma
tiếp theo có thể đã được tìm thấy và được giấu kín đâu đó. Nếu Bắc Kinh biết, số
phận nhân vật đó chắc chắn hiểm nguy.
Trong thực
tế, cách đây 28 năm, một vị Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama) – nhân vật quan trọng
thứ hai trong hệ thống lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng – đã bị Trung Quốc bắt
cóc. Ban Thiền Lạt Ma (班禅喇嘛)
được xem là hóa thân của A Di Đà, Đức Phật Vô Lượng Quang; trong khi Đạt Lai Lạt
Ma là hóa thân của Quán Thế Âm (“Chenrezig” trong tiếng Tây Tạng). Theo truyền
thống, người này đóng vai trò là người cố vấn cho người kia và đóng vai trò
chính trong việc xác định sự tái sinh của người kia.
Vị Ban Thiền
Lạt Ma bị bắt cóc năm 1995 có tên là Gedhun Choekyi Nyima. Chỉ vài ngày
sau khi được công bố là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, Nyima bỗng mất tích. Đến nay,
chẳng ai biết Nyima sống chết ra sao. Năm 2022, nhân sinh nhật thứ 33 của
Nyima, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố với nội dung “Số phận vị Ban Thiền Lạt
Ma thứ 11 cho đến nay vẫn không được biết ra sao, kể từ khi chính quyền Cộng
Hòa Nhân Dân Trung Hoa bắt cóc vào ngày 17 Tháng Năm 1995 khi Nyima còn là cậu
bé 6 tuổi”. Bắc Kinh đã thay Nyima bằng người của họ; và nhân vật
này, Gyaincain Norbu, hiện 33 tuổi, chắc chắn đóng vai trò trung
tâm trong việc “tìm kiếm” vị Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp, dĩ nhiên cũng là người được
Bắc Kinh chọn.
***
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/tim-cheung-jciJa_9-VXQ-unsplash-1280x853.jpg
Một
ngôi chùa Tây Tạng (ảnh: tim-cheung-unsplash)
Mỗi năm,
ngày 10 Tháng Ba, người Tây Tạng lưu vong tổ chức biểu tình ở New York cũng như
nhiều nơi khác, kỷ niệm sự kiện nổi dậy chống Trung Quốc năm 1959.
Trong cuộc biểu tình năm 2023, khoảng 1,000 người tập trung ở trung tâm
Manhattan. Họ cầm cờ Tây Tạng, mang biểu ngữ chống cộng sản Trung Quốc và
giương ảnh Đạt Lai Lạt Ma. Thế hệ thứ hai những người lưu vong từng được CIA
đào tạo vào thập niên 1960, nay tóc hoa râm, được thấy đứng cùng với những
gương mặt trẻ.
Khi tiến về
phía Lãnh sự quán Trung Quốc, một số người lùi lại. Họ không muốn camera ghi
hình. Điều đó có thể ảnh hưởng việc xin thị thực vào Tây Tạng; và người thân của
họ ở Tây Tạng bị an ninh Trung Quốc quấy nhiễu. Bất kỳ hình thức giao tiếp nào
với Tây Tạng đều cực kỳ khó khăn. Những người lưu vong chỉ có thể gọi vài cuộc
hoặc nhắn vài tin mỗi năm và phải sử dụng ngôn ngữ mã hóa. “Gần đây trời có
bão” có thể có nghĩa “cảnh sát đã quấy rối chúng tôi”. “Aku Pema” (Chú Pema) là
mật mã ám chỉ Đức Đạt Lai Lạt Ma, có nguồn gốc từ một bài hát nổi tiếng về một
người thân yêu vắng nhà…
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/GettyImages-1653305579.jpg
Thành
viên tổ chức Nghị viện Thanh niên Tây Tạng biểu tình chống Trung Quốc tại hội
nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 8 Tháng Chín 2023 (ảnh: Amarjeet
Kumar Singh/Anadolu Agency via Getty Images)
“Người
thân yêu” đã vắng nhà suốt nhiều thập niên. Ngày nào đó, ông sẽ từ biệt vĩnh viễn
thế gian. Thật khó có thể hình dung diện mạo địa chính trị Tây Tạng và vấn đề
Tây Tạng trong bang giao quốc tế như thế nào một khi vắng bóng Đạt Lai Lạt Ma.
Những ngày hoặc thậm chí những năm đầu tiên sau khi Đạt Lai Lạt Ma viên tịch,
thế giới chắc chắn rơi vào tình trạng khủng hoảng trong mối bang giao với Bắc
Kinh – giữa việc ủng hộ hay chống đối vị tân Đạt Lai Lạt Ma, cho dù nhân vật
này được chọn bởi Bắc Kinh hay là người được dân Tây Tạng tìm kiếm.
Có một điều
có thể chắc chắn rằng, người thay thế Đạt Lai Lạt Ma hiện tại – bất luận được
chọn theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng hay được chỉ định bởi Bắc Kinh –
không bao giờ có thể có sức ảnh hưởng nhiều bằng ông, không bao giờ có thể tạo
được sức mạnh tinh thần dân tộc cho cộng đồng Tây Tạng nhiều bằng ông; và không
bao giờ có thể khiến Bắc Kinh sợ hãi nhiều bằng ông.
No comments:
Post a Comment