Friday, December 15, 2023

36 VĂN BẢN VIỆT NAM KÝ KẾT VỚI TRUNG QUỐC CÓ Ý NGHĨA GÌ? (Nguyễn Quốc Tấn Trung / Luật Khoa Tạp Chí)

 



36 văn bản Việt Nam ký kết với Trung Quốc có ý nghĩa gì?

Nguyễn Quốc Tấn Trung  -  Luật Khoa Tạp Chí

December 15 2023 1:11 PM

https://www.luatkhoa.com/2023/12/36-van-ban-viet-nam-ky-ket-voi-trung-quoc-co-y-nghia-gi/?ref=luat-khoa-newsletter

 

Không phải văn bản nào cũng có ràng buộc pháp lý.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/12/tap-can-binh-van-kien-1-17023926323491540383764.webp

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem các văn bản hợp tác được ký kết. Ảnh: TTXVN.

 

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam tháng Mười Hai năm nay kết thúc với 36 văn bản được ký kết cùng một tuyên bố chung với chính quyền Việt Nam. [1]

 

Tuy con số có vẻ lớn, dưới góc độ của một người nghiên cứu công pháp quốc tế, người viết cho rằng chúng ta cần hiểu đúng bản chất pháp lý của các văn bản, cộng với nội dung thực tế của các văn bản này để hiểu phạm vi, mức độ và tính chất hợp tác của hai bên. Liệu có thay đổi hay biến động thật sự hay không?

 

                                                       ***

 

Trong tổng cộng 36 văn bản đã ký kết, có 04 văn bản hợp tác có nội hàm giao lưu hoặc ở tầm địa phương mà xét theo nội dung sơ lược chỉ có tính giao lưu, đối thoại giữa các khu vực dân cư của hai quốc gia. Nói cách khác, có hay không chuyến thăm chính thức này thì việc hợp tác vẫn diễn ra bình thường.

 

Ngoài ra, xét theo tên gọi văn bản như “kế hoạch hành động”, “thỏa thuận triển khai”, chúng không tạo nên các nghĩa vụ pháp lý mới cho cả hai chính quyền Việt Nam và Trung Quốc. Dù nội dung các văn bản vẫn chưa được công bố, chúng ta có thể dự đoán rằng khả năng ảnh hưởng trên diện rộng của chúng đối với mối quan hệ hai nước là hạn chế.

 

 

Tính chất văn bản

Tên văn bản

Quản trị, hành chính, giao lưu văn hóa

Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 – 2026 triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại

Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 – 2026 triển khai Bản ghi nhớ trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa Bộ Công thương nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc

Thỏa thuận triển khai giao lưu hữu nghị đảng bộ địa phương giữa Thành ủy Hải Phòng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Tỉnh ủy Vân Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc

Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Đảng Cộng sản Việt Nam và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc về làm phong phú hơn nữa nội hàm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc

 

                                                        ***

 

Sau đó, chúng ta có thể kể đến 05 văn bản có tính chất pháp lý quốc tế gần như đương nhiên, chủ yếu dựa vào hình thức, tên gọi văn bản được lựa chọn để ký kết. Ví dụ: hiệp định (treaty/accord) hay nghị định thư (protocol) đều là các đầu tên gọi văn bản phổ biến trong thỏa thuận pháp lý của công pháp quốc tế. 

 

Hiển nhiên, nội dung văn bản cũng đặc biệt quan trọng để thực sự kiểm chứng tính pháp lý và phạm vi ảnh hưởng của từng văn bản, nhưng các quốc gia ít khi chọn những loại tên kể trên để ký kết thỏa thuận nếu họ không thật sự có ý định ràng buộc hai bên. 

 

Trong đó, chúng ta có thể kể đến các văn bản sau:

 

Tính chất văn bản

Tên văn bản

Có tính chất pháp lý quốc tế, tạo ra quyền và nghĩa vụ pháp lý mới cho hai bên. 

Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Hiệp định về phòng, chống tội phạm giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Hiệp định giữa Chính phủ nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam – Bá Sái, Vân Nam, Trung Quốc

Nghị định thư giữa Chính phủ nước Xã hội Chủ nghĩa Việt nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho nhân viên, phương tiện giao thông vận tải, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng qua cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu để cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát, Việt Nam - Bá Sái, Trung Quốc

Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc


Như đã nói, nội dung của các văn bản này vẫn chưa được công bố, nhưng có thể phần nào đoán được mục tiêu của chúng thông qua tên gọi. 

 

Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như Hiệp định về phòng chống tội phạm giữa hai chính phủ khiến người viết có đôi phần lo ngại. Tội phạm có tổ chức của người Trung Quốc ở Việt Nam (mà thật ra là toàn Đông Nam Á) ngày càng gia tăng, nếu hai hiệp định này không đủ tính răn đe và thiếu điều kiện, thiếu ràng buộc khi trao trả thì sự bùng nổ của tội phạm Trung Quốc ở Việt Nam có thể là một hệ quả khả dĩ. [2]

 

Hiệp định về việc xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng và nghị định thư liên quan đến đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho nhân viên, phương tiện, thiết bị thi công đi kèm gần như chắc chắn cho thấy dự án này sẽ do phía Trung Quốc thi công và họ sẽ có quyền chủ động trong việc lựa chọn nhân viên, nhà thầu, nguyên vật liệu cho dự án. 

 

Nghị định thư liên quan đến kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu từ Việt Nam cũng là một điều đáng quan tâm. Từ trước đến nay, dù có một thị trường tiêu thụ nông sản khổng lồ, Trung Quốc thường tận dụng vị thế giá và số lượng của mình để áp đảo nhà sản xuất nông sản nội địa ngay tại thị trường Việt Nam, trong khi kiểm soát rất gắt gao con đường xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.  

 

                                                            ***

 

Hầu hết các văn bản còn lại đều ở dạng “bản ghi nhớ”, “kế hoạch hợp tác”, “kế hoạch triển khai”, “thỏa thuận hợp tác”, v.v.

 

Về mặt hình thức, các tên gọi này ít khi được dùng cho các văn bản pháp lý quốc tế chính thức. Khi sử dụng chúng, các quốc gia thường có mục tiêu thể hiện nguyện vọng, mong muốn, chỉ đạo đường lối hợp tác giữa các bên và khả năng hình thành các văn bản, trách nhiệm pháp lý thật sự trong tương lai. 

 

Tuy nhiên, cũng không nên hoàn toàn chắc chắn về điều này. Trong một số trường hợp tranh chấp quốc tế, Tòa án Công lý Quốc tế cũng đã phải cân nhắc nội dung cụ thể của của các văn bản như tuyên bố chung hay bản ghi nhớ vì chúng đều có khả năng ghi nhận, thừa nhận, hay công nhận quyền - nghĩa vụ của các bên. 

 

Một số văn bản cần được chú ý bao gồm:

 

Tính chất văn bản

Tên văn bản

Có tính chất bán pháp lý, có khả năng tạo ra quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế cho các bên tùy nội dung ghi nhận. 

Thỏa thuận hợp tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2024-2028

Kế hoạch triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2023-2027

Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc về tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ

Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường" giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển



Về vấn đề biển Đông và các hệ quả pháp lý có thể, “Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc về tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ”, “Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa” và “Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển” đều là những văn bản có khả năng dẫn đến hệ quả pháp lý. 

 

Các nội dung như khi nào thì cần liên hệ đường dây nóng về hoạt động nghề cá trên biển, vị trí - tọa độ nào có khả năng phát sinh tranh chấp, vụ việc được xử lý ra sao và do ai xử lý, v.v. đều có thể được sử dụng làm bằng chứng chủ quyền tại biển Đông trong dài hạn. Vì không có toàn văn văn bản, ở thời điểm này chúng ta chỉ có thể tin tưởng vào sự cẩn trọng của phía Việt Nam trong việc soạn thảo, đàm phán những văn bản nói trên. 

 

Ngoài ra, “Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ ‘Hai hành lang, Một vành đai’ với sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’” được ký kết giữa hai chính phủ cũng là một tư liệu quan trọng để hiểu thêm xem Việt Nam cam kết bao nhiêu phần trăm vào tham vọng trật tự thế giới mới của Trung Quốc. Như các văn bản trên, người viết không cho rằng đây sẽ là một kế hoạch có tính chất pháp lý ràng buộc cho Việt Nam.

 

--------------

Chú thích

 

1. ONLINE TUOI TRE, ‘Việt Nam, Trung Quốc ký 36 văn bản hợp tác trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình’ (TUOI TRE ONLINE, 12 December 2023) https://tuoitre.vn/viet-nam-trung-quoc-ky-36-van-ban-hop-tac-trong-chuyen-tham-cua-ong-tap-can-binh-20231212215844086.htm  accessed 14 December 2023.

 

 2. Lo ngại này đã được một tác giả khác của Luật Khoa nhắc đến cách đây bốn năm khi Việt Nam trao trả hàng trăm tội phạm công nghệ cao người Trung Quốc về nước này.

Nguyễn Quỳnh Thiên Trang, ‘Trao Trả Người Trung Quốc Phạm Tội: Hoàn Toàn vô Nguyên Tắc - Luật Khoa Tạp Chí’ (3 October 2019) https://luatkhoa.org/2019/10/trao-tra-nguoi-trung-quoc-pham-toi-hoan-toan-vo-nguyen-tac/  accessed 14 December 2023.

 

 

 

 


No comments: