Vụ
nổ súng ở Đắk Lắk: Bạo lực là biện pháp ‘thiếu khôn ngoan’ nhất, ‘đối thoại’ phải
là giải pháp
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.06.12
Việc để xảy ra bạo lực là chuyện không hay, đây không phải là biện pháp
khôn ngoan, mà đối thoại mới là giải pháp cho tất cả các bên trong bất cứ cuộc
xung đột nào, một ý kiến từ giới quan sát thời sự, chính trị và phản biện chính
sách tại Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 12/6/2023, nhân biến cố các vụ nổ
súng xảy ra ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, thuộc Cao nguyên Trung phần Việt Nam
hôm 11/6 khiến nhiều người thiệt mạng, một số bị thương và hàng chục người
bị bắt giữ trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra do công an và chính quyền Việt
Nam tiến hành.
“Trước hết, tôi thấy rằng việc để xảy ra bạo lực là
một chuyện không hay, nhưng có thể hiểu được, là bởi vì người xưa đã nói ‘con
giun xéo lắm cũng bị quằn’,” Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện
trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể) nói
với RFA Tiếng Việt từ Hà Nội hôm thứ Hai trên quan điểm riêng.
Sự phản kháng của người dân có lẽ đến mức cùng cực,
không thể còn cách nào khác, họ đành phải dùng đến biện pháp bạo lực và ngày đầu
tiên, một số báo có đưa tin và về sau phải rút xuống, và cho đến bây giờ (12/6)
thì nhất nhất theo sự chỉ đạo của Bộ Công an.
Tôi thấy rằng những xung đột trong xã hội luôn luôn
xảy ra, luôn luôn có, nhưng cách giải quyết các cuộc xung đột đó như thế nào
cho êm thấm, cho nó bằng biện pháp hòa bình mà không phải bằng bạo lực. Đấy mới
là cách khôn ngoan nhất. Hiện bây giờ, người ta đã bắt hàng chục người, nghi
can, và tôi sợ rằng việc dùng bạo lực để chống lại bạo lực này lại càng leo
thang hơn nữa. Việc đó có thể nhất thời dìm sự xung đột ấy xuống một thời gian,
nhưng mà là cách giải quyết xung đột một cách ngu ngốc nhất.”
Giải thích rõ hơn cách hiểu của mình về thế nào là bạo lực và hậu quả của
nó, TSKH Nguyễn Quang A nói:
“Bạo lực ở đây không phải chỉ là dùng súng ống, mà kể
cả là sự đàn áp bằng tinh thần, gây dư luận, tôi nói thí dụ như dư luận của người
đa số chẳng hạn, để chống lại họ (người thiểu số), thì đó cũng là bạo lực, và
như tôi nói đó là cách thức ngu đần nhất, bởi vì bạo lực sẽ chỉ sinh ra bạo lực.
Sự nổ ra của vấn đề bạo lực chỉ là vấn đề thời gian, cách giải quyết ấy là cách
giải quyết không khôn ngoan.
Xung đột xã hội luôn luôn xảy ra ở khắp mọi nơi, là
một phần của cuộc sống, cách giải quyết bằng bạo lực là cách thức tồi tệ nhất.
Không có cách giải quyết tối ưu ngoài việc phải phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể,
thời điểm cụ thể và từ xưa đến nay, người ta không tìm thấy cách nào, nhưng có
một cách rất tồi, nhưng vẫn tốt hơn tất cả những cách khác, theo tôi, đấy là
cách của các chế độ dân chủ.”
Vì
sao người trẻ tuổi ‘tham gia’?
Có thông tin gợi ý rằng nhiều nghi can trong số những người bị bắt và bị
cáo buộc tham gia biến cố bạo lực ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6/2023 là những người
trẻ tuổi thuộc một số sắc tộc cư dân bản địa, bình luận về khía cạnh này, ông
Nguyễn Quang A nói:
“Tôi không lạ rằng trong chuyện này nhiều người trẻ
tham gia, bởi vì sao? Bởi vì những người trẻ ấy bây giờ họ có nhiều hiểu biết
hơn, các phương tiện để người ta liên lạc với nhau cũng dễ dàng hơn, qua điện
thoại thông minh, qua mạng xã hội v.v… và một lý do nữa là những người trẻ
chính vì những lý do ấy có thể dễ bị kích động hơn bởi mạng xã hội.
Cho nên vấn đề rất phức tạp, và khi đã phức tạp,
không có cách gì giải quyết tốt hơn bằng phơi bày các vấn đề đó ra rộng rãi với
công chúng, rồi thảo luận, tranh luận, rồi tranh cãi, cho ‘ra ngô, ra khoai'.
Tôi nghi ngờ rằng nó sẽ không ‘ra ngô, ra khoai’, nhưng ít nhất các vấn đề cũng
rõ ra được ở một số mức độ nhất định mà có thể chấp nhận được, đối với nhiều
người, hay đối với những bên liên quan.
Còn dùng bạo lực, tôi nhắc lại không chỉ bạo lực bằng
súng ống và dùi cui, mà kể cả bạo lực về ngôn từ, bạo lực của các biện pháp
tuyên truyền, là cách giải quyết kém khôn ngoan nhất.”
Tiếp
cận ‘chệch hướng’
Theo ông Nguyễn Quang A, sự kiện bạo
lực nổ súng gây chết nhiều người ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023 cho thấy có sự mất chủ
động nào đó đối với chính quyền và ngành công an Việt Nam, kể cả ở địa phương,
và dường như tiếp cận của nhà nước là chưa chuẩn xác, ông nói thêm vẫn trên
quan điểm riêng:
“Tôi nghĩ rằng dẫu trước đó có chủ động giám sát này
kia, nhưng đều là trật cả, điều quan trọng nhất là phải tạo công ăn việc làm
cho người dân, tạo điều kiện việc làm cho họ, tạo điều kiện để họ làm ăn, học
hành, cái đó mới là cái chính. Chứ còn họ thấy rằng đó là bước đường cùng, trẻ
tuổi, học xong không có việc làm, thì dễ bùng nổ lắm.
Cho nên biện pháp để chữa là phải chữa ở nơi khác,
chữa bằng chính sách kinh tế, chính sách xã hội, chính sách văn hóa, chứ không
phải là bằng giám sát, như là giám sát – phát hiện – rồi phát hiện từ trong trứng
nước, rồi thế này thế kia, bởi vì cách tiếp cận ấy là không trúng. Cách tiếp cận
trúng hơn là phải làm sao để cho những người ấy cảm thấy họ được thỏa mãn, được
an toàn, được tự do.
Tôi nghĩ rằng mình phải hiểu người ta hơn, đáng tiếc
rằng giới tinh hoa của Việt Nam có lẽ không hiểu những người thiểu số, những
người bản địa thực sự muốn gì, muốn thế nào, bởi vì mình phải tôn trọng cái đó…
Vậy phải đi vào những vấn đề cụ thể và thực sự tôn trọng những dân tộc bản địa ấy…
Xung đột có nhiều cách thức để giải quyết, mà cách tốt
nhất là bằng thảo luận, bằng sự công khai minh bạch, bằng sự thuyết phục, đấy mới
là cách thức khôn ngoan để giải quyết xung đột. Ở đây, có lẽ vẫn là xung đột của
người dân, mà chủ yếu là người dân bản địa, tức là những người vốn từ thời thượng
cổ đến nay sống ở đó. Bây giờ cũng có người nói đây là một chính sách ‘thuộc địa
hóa’ ở trong đất nước Việt Nam, và những người phân tích như thế cũng có lý của
người ta và có lẽ chính quyền phải nên lắng nghe những phân tíccó thể là nghịch
tai như vậy.”
Tiếp tục giải thích quan điểm này của
mình, ông Nguyễn Quang A nói:
“Bởi vì những lợi ích của những người bản địa ấy có
thể đã bị xâm phạm và trong sự xung đột ấy, chỉ có cách là minh bạch thảo luận,
tranh luận, làm rõ ra với nhau và tương nhượng lẫn nhau, tức là phải có sự thỏa
hiệp giữa chính quyền, giữa những lực lượng khác, tôi nói thí dụ những người
Kinh lên làm kinh tế mới ở trên đó (Tây Nguyên) chẳng hạn, thì những xung đột
như thế sẽ luôn luôn xảy ra. Cách giải quyết là phải ngồi lại với nhau, nói cho
rõ, hiểu nhau hơn và phải tôn trọng những người dân bản địa ấy, chứ không phải
là lấy sức đè người.
Và có một lập luận hết sức sai lầm của phần lớn những
người lãnh đạo hiện nay là cách làm này, chính sách như thế này là phục vụ cho
tuyệt đại đa số. Bởi vì nói về dân số, đúng là những người bản địa là thiểu số,
nhưng cái chính của vấn đề là phải tôn trọng các thiểu số kể cả về văn hóa, tập
quán, tập tục. Chỉ như thế mới phát triển được hài hòa, thế còn vin vào một điều
là chính sách nào đó để phục vụ tuyệt đại đa số, thì đấy là một sự ngụy biện,
chứ không phải là một cách giải thích, rất đáng tiếc là cách nói đó được rất, rất
nhiều người ở Việt Nam nghe theo.”
Tính
thời điểm thế nào?
Về thời điểm xảy ra sự kiện ngày 11/6/2023, ông Nguyễn Quang A bình
luận:
“Tôi không thể đưa ra một sự phỏng đoán nào về chuyện
thời điểm, bởi vì về tính thời điểm, những sự kiện lớn thường xảy ra một cách bất
ngờ, ngẫu nhiên, vì những sự châm ngòi có thể xảy ra rất là lạ. Tôi nói một sự
kiện rất lớn có thể xảy ra chỉ vì’ sự cán chết của một con chó nào đó’ chẳng hạn,
sự thất thường, sự ngẫu nhiên, sự tình cờ xảy ra thì không ai có thể tiên đoán
được, nên tôi không muốn bình luận về sự tình cờ ấy, thế nhưng mà sự tình cờ ấy
chỉ có thể xảy ra khi những điều kiện bên dưới, các điều kiện xã hội, kinh tế -
xã hội, chính trị - xã hội ở bên dưới tạo điều kiện cho một sự bất ổn như vậy
sinh ra, thì bất kể một sự tình cờ nào có thể đều kích một cuộc bạo động như vậy
xảy ra.”
Cũng hôm 12/6, một nhà nghiên cứu văn hóa của đồng
bào sắc tộc ở Cao nguyên Trung phần và duyên hải nam Trung Bộ Việt Nam, chia sẻ với
Đài Á Châu Tự Do với điều kiện được ẩn danh vì lý do an ninh, bình luận của
mình từ Việt Nam:
“Theo quan sát cá nhân của tôi, các đồng bào bản địa
này, trong đó có đồng bào Thượng rất chân thật, họ ít khi phản kháng, nhưng có
thể, như các ý kiến chia sẻ trên cộng đồng cũng gợi ý, có thể do áp bức, căng
thẳng về đất đai đến mức độ nào đó, nên họ mới sinh ra như vậy, tức là tới đường
cùng nên họ liều chết.
Hiện trên truyền thông có nguồn nói những người này
là tổ chức của nước ngoài, cũng có cáo buộc rằng họ là người thuộc tổ chức
FULRO, rồi tàn dư của tổ chức nhà nước Đề ga, nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi
không nghĩ như vậy.
Về hậu quả, thì rõ ràng là đã có hậu quả rồi, nhà nước
Việt Nam chắc chắn sẽ làm căng, những người này nếu bị bắt được hết, chắc chắn
không thoát tội nặng, tội chết. Về vấn đề của đồng bào người Thượng đó, qua
cách phản ứng đó, là dường như họ có bức xúc rất lớn mà không có cách nào giải
tỏa. Nếu nhìn những vụ án, vụ việc ở Tây Nguyên mà chính quyền, quân đội và
công an lên thu hồi đất của người dân rất ồn ào mấy tháng trước, tôi nghĩ chắc
chắn có sự liên quan đến vấn đề đất đai của người dân.
Người dân bản địa không còn đất canh tác, không còn
điều kiện này kia, nên họ mới sinh ra tư tưởng mà không được như cách nghĩ của
người bình thường… Vụ này theo tôi, chính quyền sẽ thổi phồng lên và họ sẽ xử
lý triệt để, làm gương cho những vụ khác, nên có khả năng không bao giờ chính
quyền sẽ nương tay gì cả, mà ngược lại họ sẽ làm rất mạnh tay.”
Và nhà nghiên cứu này chia sẻ
thêm quan điểm và cảm nghĩ riêng với Đài Á Châu Tự Do về sự kiện:
“Tôi nghĩ rằng đồng bào Thượng ở Tây Nguyên cần cố gắng
bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc của mình, không nên có ứng xử như hai vụ hôm qua
(11/6), điều đó sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân và cho chính người thân của
mình. Tôi nghĩ đồng bào cần bình tĩnh, tìm những phương cách khác mà ôn hòa
hơn, phù hợp với pháp luật của Việt Nam hơn, mà qua đó gây được cái nhìn thiện
cảm của mọi người và từ bên ngoài đất nước nhìn vào hơn.
Nếu làm như vừa qua, tôi nghĩ lúc nào sự thiệt thòi
cũng là ở với đồng bào trước, rồi sau đó đến gia đình, người thân, rồi đến dân
tộc, sắc tộc của đồng bào. Dân số của đồng bào không đủ để có những hành động
như vậy, và làm như thế sẽ rất thiệt thòi, thiệt hại, cho nên tôi nghĩ đồng bào
Tây Nguyên cần hết sức kiềm chế, và tìm những phương pháp khác tốt đẹp hơn để
giải quyết, cố tìm tiếng nói chung với chính quyền, nếu có bức xúc, nếu có vấn
đề gây cho đồng bào sự khó chịu ở trong lòng, trong suy nghĩ. Như thế tôi nghĩ
mới hợp lý, còn nếu xử lý bằng cách thức ‘tôi chết thì anh cũng chết’, sẽ rất
khó khăn, khó khăn cho những người đã ở trong những vụ việc ấy, và cả cho những
người thân, những người ở lại bên ngoài, như những người đồng tộc của đồng
bào.”
Tâm
tư của đồng bào?
Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh thêm rằng sau sự việc vừa rồi chắc chắn Bộ
Công an và chính quyền sẽ ‘quan tâm’ đến Tây Nguyên nhiều hơn nữa và sẽ bố trí
lực lượng ‘dày hơn nữa’ để ngăn chặn những sự việc tương tự có thể xảy ra trong
tương lai, và ý kiến này chia sẻ thêm với Đài Á Châu Tự Do về điều được tin là
nhu cầu và tâm tư nguyện vọng của đồng bào sắc tộc ít người ở khu vực qua
nghiên cứu, quan sát của nhà nghiên cứu:
“Còn đối với quyền của bà con bản địa, như những quyền
này đã được quy định bởi Liên Hợp Quốc, tôi nghĩ rằng bà con cũng chỉ mong muốn
được đối xử bình đẳng mà thôi, trong đó họ được học hành đàng hoàng, có nền
giáo dục chất lượng, khai phóng v.v…, tôi không nghĩ là đồng bào muốn đòi hỏi để
thành lập nhà nước riêng, hay đòi tự trị gì ghê gớm cả, mà họ chỉ muốn được tôn
trọng, họ muốn bình đẳng, họ muốn có đất đai để sản xuất để nuôi vợ con,
nuôi gia đình, nuôi thân được tốt mà thôi.
Tôi nghĩ những mong muốn đó không có gì ghê gớm cả,
mà đều là những mong muốn chính đáng, tuy nhiên nhà nước và chính quyền vô cùng
khắt khe đối với quyền của đồng bào. Lý do tại sao lại thế, thì theo nghiên cứu
của tôi nhiều năm qua, Tây Nguyên có vai trò địa lý chính trị, địa lý quân sự,
quốc phòng rất đặc biệt, nên nhà nước, chính quyền có những thao tác, lộ trình,
quy trình quản lý đặc biệt hơn, nhưng những sự quản lý như vậy đã sinh ra nhiều
chuyện nhiêu khê, phức tạp…”.
Hôm 12/6/2023, báo Đắk Lắk điện tử, cập nhật về vụ việc nổ súng trước đó
một ngày tại địa phương thuộc tỉnh này, cho hay chính quyền và công an Việt Nam
đã bắt giữ 26 nghi phạm có liên quan vụ tấn công trụ sở công an hai xã tại huyện
Cư Kuin.
“Trước đó, theo báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk, sáng sớm 11/6, tại địa
bàn huyện Cư Kuin đã xảy ra vụ việc một nhóm người dùng súng tấn công trụ sở
UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, làm chết, bị thương một số đồng chí công an xã,
cán bộ xã và người dân,” báo Đắk Lắk đưa tin.
-------------------
Tin,
bài liên quan
THỜI SỰ
Đắk
Lắk – thế giằng co giữa tín hữu Tin lành độc lập với cơ quan chức năng!
Dak
Lak trung tâm kinh tế-xã hội của Tây Nguyên
No comments:
Post a Comment