Sunday, June 18, 2023

VIỆT NAM : THIẾU ĐIỆN BỘC LỘ HẠN CHẾ VỀ CƠ CẤU và BỘ MÁY QUAN LIÊU? (BBC News Tiếng Việt)

 



Việt Nam: Thiếu điện bộc lộ hạn chế về cơ cấu và bộ máy quan liêu?

BBC News Tiếng Việt

18 tháng 6, 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cll095l9jn4o

 

Miền Bắc Việt Nam đang phải vật lộn với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng từ đầu tháng Sáu. Truyền thông trong nước đưa tin mỗi ngày người dân mắc kẹt trong thang máy chung cư, khách du lịch huỷ bỏ chuyến thăm Vịnh Hạ Long vì khách sạn mất điện, các doanh nghiệp chật vật vì phải tạm ngừng sản xuất…

 

Nguyên nhân khách quan được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lý giải là do nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt và mực nước tại các nhà máy thuỷ điện đã cạn kiệt.

Giải pháp tạm thời được chính phủ Việt Nam đưa ra là kêu gọi tiết kiệm điện, và nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thắc mắc rằng vì sao Việt Nam không sử dụng điện những dự án năng lượng tái tạo gây ra lãng phí.

 

Trong một bài phân tích mới đây, hãng tin Reuters cho rằng rào cản hành chính và sự miễn cưỡng từ lâu của chính phủ trong việc chấp nhận các khoản vay nước ngoài là yếu tố khiến các dự án điện gió, điện mặt trời không giải cứu được tình hình hiện tại.

 

Việt Nam: Dân chật vật, doanh nghiệp ngưng sản xuất vì mất điện trong nắng nóng

Thanh tra EVN: Câu chuyện về thế độc quyền ngành điện

Việt Nam vẫn 'nghiện' điện than dù đã cam kết Net Zero năm 2050

 

Vì sao không sử dụng điện gió, điện mặt trời?

 

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, trưởng phòng Năng lượng và Khoa học dữ liệu của công ty Meteodynv của Pháp, phó chủ tịch Hội Kỹ thuật Điện và Năng lượng AEEE giải thích việc quy hoạch, phân bố không đồng đều giữa các vùng miền là lý do dẫn đến tình trạng hiện nay.

 

“Các dự án điện gió, điện mặt trời của Việt Nam đa phần là ở miền Trung và miền Nam, việc đưa điện ra miền Bắc hiện đang gặp khó khăn do thiếu công suất truyền tải”, chuyên gia năng lượng giải thích.

 

Theo ông Thắng, nhập khẩu điện từ Lào hay Trung Quốc cũng không xấu vì về mặt kỹ thuật, việc nhập khẩu điện ở các khu vực gần biên giới sẽ hạn chế khoảng cách truyền tải, giảm tổn hao, tránh lãng phí, điều này tốt cho cả hai phía.

 

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nếu phụ thuộc quá nhiều vào điện nhập khẩu sẽ gây ra mất an ninh năng lượng, mặc dù sản lượng điện nhập hiện nay mới chỉ vài phần trăm, chưa gây ra nhiều ảnh hưởng.

 

Lý giải về việc các dự án điện mặt trời, điện gió được khai thác mà chưa được sử dụng, tiến sĩ Minh Thắng cho rằng có hai nguyên nhân.

 

Thứ nhất, ông nói rằng có một số dự án hoàn thành sau thời hạn được hưởng giá FIT nên EVN chưa xác định được là phải mua điện theo giá nào, do không có cơ chế rõ ràng từ Bộ Công thương và Chính phủ.

 

“Với những dự án này thì hiện nay đã có những chỉ đạo tháo gỡ và việc đàm phán giá mua điện đang được khẩn trương thực hiện”, ông nói.

 

Lý do thứ hai theo ông là một số dự án do gấp rút hoàn thành cho kịp tiến độ mà thiếu các giấy phép, các thủ tục pháp lý cần thiết.

 

“Có thể nói đây là những dự án vượt rào, sai luật. Với những dự án này, EVN khó có thể tiến hành mua điện”, chuyên gia ngành điện nhận định.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2fa2/live/53e5b900-0cfc-11ee-9a62-77ab3a43f8df.jpg

Các con sông và hồ chứa nước ở Việt Nam đang cạn kiệt

 

Rào cản hành chính

 

Trong khi đó, bài phân tích của Reuters chỉ ra rằng các dự án điện gió, bị chậm tiến độ do các rào cản hành chính và đại dịch COVID-19, đã chứng kiến khoảng 12,5 GW điện sản xuất ra không được sử dụng tính đến tháng 2/2023, sau khi sau khi bỏ lỡ thời hạn vào năm 2021 để chính phủ cho phép bán điện với giá ưu đãi hơn, theo một tài liệu nội bộ từ một thành viên của G7.

 

Các nhà tài trợ từ G7 và các tổ chức khác, những người đã cam kết 15,5 tỷ USD vào tháng 12/2022 để giúp Việt Nam cắt giảm sự phụ thuộc vào than đá, từ lâu đã coi năng lượng gió, đặc biệt là các trang trại ngoài khơi, là đầy hứa hẹn, do Việt Nam có đường bờ biển dài và vùng nước nông ở những khu vực nhiều gió gần các thành phố lớn.

 

Nhưng Việt Nam vẫn chưa phê duyệt các quy định cho các trang trại điện gió này hoạt động và kế hoạch cho công suất lắp đặt chỉ đạt mức 6 GW vào cuối thập kỷ này.

 

Theo Reuters, các nhà ngoại giao và quan chức tham gia các cuộc đàm phán với Hà Nội cho biết có rất ít tiến bộ trong việc giải ngân khi chính phủ đang gặp khó khăn trong việc quyết định bộ phận nào sẽ được giao thực hiện chương trình này.

 

Một cơ quan ra quyết định dự kiến được thành lập vào tháng 4/2023, nhưng không thành hiện thực. Các quan chức nước ngoài lo ngại rằng kế hoạch dự thảo đầu tiên về việc sử dụng quỹ 15,5 tỷ USD sẽ không sẵn sàng vào tháng 11/2023 như kế hoạch.

 

Giới chức ngành công nghiệp và môi trường của Việt Nam đã không trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/8254/live/cc3807a0-0cfc-11ee-9e94-25f17ea6acca.jpg

Các dự án điện gió, điện mặt trời của Việt Nam đa phần là ở miền Trung và miền Nam

 

 

“Tham vọng” loại bỏ than đá

 

Bất chấp sự phát triển năng lượng mặt trời trong khoảng thời gian gần đây, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào than đá và thủy điện.

 

Dữ liệu của EVN cho thấy, các nhà máy điện than chiếm khoảng 60% sản lượng điện sản xuất trong tuần trước.

 

Trong khi đó, lượng nhập khẩu than trong tháng 5/2023 ở mức 4,5 triệu tấn, cao nhất kể từ tháng 6/2020, theo dữ liệu của Refinitiv.

 

Nhưng hiện tại, ngay cả than cũng đang thiếu hụt, vì vậy khoảng 25% công suất tại các nhà máy này đã ngưng hoạt động để sửa chữa, Bộ Công nghiệp Việt Nam cho biết.

 

Bên cạnh đó, trong thời tiết nắng nóng, việc thiếu mưa đã ảnh hưởng đến sản lượng của thuỷ điện, nguồn điện chính thứ hai tại Việt Nam, khiến miền Bắc chỉ nhận được 1/5 lượng điện so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Mực nước tại hầu hết các nhà máy thủy điện phía Bắc quá thấp để có thể chạy hơn 1/4 công suất thiết kế.

 

Trong bối cảnh đó, tháng 12/2022, Việt Nam cam kết loại bỏ sản xuất điện từ than đá vào năm 2040, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 

Việt Nam và con đường đến đích 'Phát thải Zero'

Tăng điện than tới 2030 - 'Cú giáng' của VN vào mục tiêu năng lượng sạch?

 

Việt Nam có công suất điện than lớn nhất Tiểu Vùng Sông Mekong mở rộng

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/815c/live/d01f8cf0-0cfa-11ee-9e94-25f17ea6acca.png

 

 

Tiến sĩ Đỗ Minh Thắng nhận xét mốc thời gian mà chính phủ Việt Nam đưa ra là khá “tham vọng”. Ông nói với BBC, việc loại bỏ điện than đồng nghĩa với việc phải có nguồn nhiệt điện khác thay thế để đảm bảo ổn định hệ thống.

 

“Câu hỏi đặt ra bây giờ chỉ là liệu điện khí hay hạt nhân sẽ đảm nhận vai trò đó. Với hiện trạng của Việt Nam, để có thể triển khai các nhà máy điện hạt nhân với sản lượng đủ để thay thế điện than trước năm 2040 có lẽ là quá gấp gáp”.

 

Để ổn định hệ thống khi loại bỏ nguồn điện than, câu hỏi đặt ra là liệu điện khí hay hạt nhân sẽ đảm nhận vai trò đó?

 

Ông Thắng phân tích rằng điện khí cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn vì theo dự báo khí sẽ còn hết trước than, đồng thời nói về tương lai dài hạn (sau 2050) thì có lẽ chỉ có hạt nhân mới đủ khả năng thay thế điện than.

 

Tương lai nào cho năng lượng tái tạo?

 

Hiện nay toàn thế giới đang đứng trước giai đoạn chuyển dịch năng lượng, khi mà các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ dần được thay thế bởi các nguồn năng lượng mới bền vững hơn, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

 

Tiến sĩ Minh Thắng cho biết năng lượng tái tạo trong tương lai sẽ là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu nguồn điện.

 

Tuy nhiên do các đặc tính kỹ thuật của loại nguồn điện này mà nó không thể tồn tại và vận hành độc lập được, trừ khi có các phương án lưu trữ đi kèm, mà theo ông Thắng là tốn kém và không khả thi trên diện rộng với công nghệ hiện tại.

 

Những giải pháp khả thi mà chuyên gia này đề xuất là sử dụng điện gió ngoài khơi hoặc điện mặt trời.

 

“Không phải quốc gia nào cũng sở hữu một đường bờ biển dài và lãnh hải rộng lớn như Việt Nam. Đây là một lợi thế mà Việt Nam cần tận dụng”, ông nói.

 

Giải pháp thứ hai mà ông đề cập là điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà với mô hình tự sản tự tiêu, cũng là một giải pháp tốt để giảm phụ tải tại các thành phố lớn, lại tiết kiệm được chi phí truyền tải.

 

Chuyên gia ngành điện nhận định: “Một quốc gia không chuẩn bị tốt sẽ dẫn đến hậu quả mất an ninh năng lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và sản suất và đánh mất vị trí của mình trên bảng xếp hạng toàn cầu”.

 

Trước đó, trong một bài phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002 nhận xét: “Với tình hình thiếu điện như thế này thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng là một thách thức, và mục tiêu tăng trưởng 6,5% GDP năm nay có đạt được hay không cũng còn là một câu hỏi lớn.”

 

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thanh tra về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi tập đoàn này liên tục báo lỗ và đề xuất tăng giá điện.

 

--------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Thanh tra EVN: Câu chuyện về thế độc quyền ngành điện

10 tháng 6 năm 2023

·         

Việt Nam: Dân chật vật, doanh nghiệp ngưng sản xuất vì mất điện trong nắng nóng

7 tháng 6 năm 2023

·         

VN vẫn 'nghiện' điện than dù đã cam kết 'phát thải bằng 0' vào 2050 - Bài 1

10 tháng 11 năm 2022

·         

Việt Nam và con đường đến đích 'Phát thải Zero'

5 tháng 2 năm 2023

 

 

 




No comments: