Wednesday, June 14, 2023

VẤN ĐỀ Ở TÂY NGUYÊN : CẦN MỘT CHÍNH QUYỀN CÓ 'TÂM' và CÓ 'TẦM' (Trân Văn)

 



NỘI DUNG :

Vấn đề ở Tây Nguyên: Cần một chính quyền có ‘tâm’ và có ‘tầm’

Trân Văn

.

‘Sự kiện Cư Kuin,’ hồi chuông cảnh báo?

Trân Văn

.

‘Khủng bố’ ở Tây Nguyên?

Trân Văn

 

====================================================.

.

.

Vấn đề ở Tây Nguyên: Cần một chính quyền có ‘tâm’ và có ‘tầm’

Trân Văn

14/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/van-de-o-tay-nguyen-can-mot-chinh-quyen-co-tam-va-co-tam-/7136766.html

 

Chưa thể xác định đâu là nguyên nhân dẫn đến “sự kiện Cư Kuin” nhưng người thiểu số ở Tây Nguyên càng ngày càng nghèo túng, bế tắc là một thực tế không thể phủ nhận.

 

(tiếp theo)

 

Do đặc điểm địa lý và lịch sử, tại Việt Nam có ba khu vực mà phần lớn các sắc tộc thiểu số quần cư tại đó đã nhiều thế kỷ: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ (đồng bằng sông Cửu Long). Vì nhiều lý do, cả ba khu vực đều chậm phát triển, dân chúng các sắc tộc thiểu số nghèo túng và do chính sách vừa thiển cận, vừa lệch lạc lại dễ dàng bị thao túng bởi lợi ích của các cá nhân, phe nhóm nên cả ba khu vực đều bị đe dọa bởi nguy cơ các sắc tộc thiểu số nổi loạn, đòi tự trị như người Việt đã từng và đang chứng kiến.

 

Không phải tự nhiên mà đầu thập niên 2000, Bộ Chính trị của đảng CSVN quyết định thành lập ba “Ban Chỉ đạo” (BCĐ) cho ba khu vực này (BCĐ Tây Bắc, BCĐ Tây Nguyên, BCĐ Tây Nam bộ). BCĐ Tây Nguyên được thành lập đầu tiên (2002) sau khi xảy ra vụ nổi loạn hồi 2001 - người thiểu số chiếm trụ sở chính quyền tỉnh Đắk Lắk. Hai năm sau (2004), do hai khu vực còn lại cũng bất ổn, Bộ Chính trị của đảng CSVN quyết định thành lập thêm BCĐ Tây Bắc và Tây Nam bộ.

 

Tuy mục tiêu của cả ba BCĐ vừa kể là giám sát, tư vấn về chủ trương, phối hợp với chính quyền các địa phưng trong khu vực trách nhiệm để duy trì trật tự, trị an nhưng trên thực tế, các BCĐ loại này chỉ thêm tốn kém cho công quỹ, tạo thêm điều tiếng vì đủ loại tiêu cực. Năm 2004, người thiểu số ở Tây Nguyên lại nổi loạn thêm một lần nữa. Đến năm 2011 là cuộc nổi loạn ở Tây Bắc (Mường Nhé). Đó cũng là lý do cuối năm 2017, Bộ Chính trị của đảng CSVN quyết định giải thể cả ba BCĐ (1).

 

Sở dĩ phải dông dài về các BCĐ Tây Bắc, BCĐ Tây Nguyên, BCĐ Tây Nam bộ vì đó chính là một trong những chuyện có thể dùng làm ví dụ để chứng minh, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhận thức rất rõ về ẩn họa đe dọa cả sự toàn vẹn lãnh thổ lẫn an ninh chính trị - kinh tế - xã hội quốc gia nhưng “dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng CSVN” các chủ trương, chính sách cũng như việc thực thi những chủ trương, chính sách này chẳng khác gì gài mìn ở tương lai, đặc biệt là gài mìn tại khu vực Tây Nguyên.

 

                                                              ***

Rừng là không gian sinh tồn của các sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Rừng là phần chính yếu trong cả văn hóa lẫn đời sống của 12 sắc tộc bản địa. Bất kể sự khốc liệt của chiến tranh, đầu thập niên 1980, rừng vẫn còn bao phủ khoảng 70% tổng diện tích ở Tây Nguyên (khoảng 3,8 triệu héc ta) nhưng đến nay, tại Tây Nguyên chỉ còn khoảng 2,1 triệu héc ta rừng và chỉ 10% trong số này được xem là “rừng giàu”, 90% còn lại là rừng nghèo kiệt (2).

 

Giữa thập niên 1970, dân số ở khu vực Tây Nguyên là 1.225.000 người thuộc 18 sắc tộc, trong đó người thuộc các sắc tộc thiểu số là 850.000 người, chiếm khoảng 70% dân số. Hiện nay, dân số ở khu vực Tây Nguyên khoảng sáu triệu người (số liệu năm 2021) thuộc 53 sắc tộc, trong đó 52 thuộc các sắc tộc thiểu số nhưng dù có thêm nhân khẩu của 35 sắc tộc thiểu số khác, tỷ lệ người thiểu số ở Tây Nguyên chỉ chừng 37,5% (khoảng 2,2 triệu người [3].

 

Theo nhiều chuyên gia KHXH, bởi mỗi sắc tộc cần không gian sinh tồn riêng, khi Tây Nguyên trở thành nơi tập trung gần như tất cả các sắc tộc ở Việt Nam, những sắc tộc bản địa phải cư trú xen kẽ với các sắc tộc khác, trong đó đa số là người Kinh, việc soạn - thực thi chính sách phải chú trọng đến hóa giải khác biệt, loại bỏ những ẩn ức có thể dẫn tới xung đột. Tuy nhiên trên thực tế, chính sách đã biến phần lớn thành viên của các sắc tộc bản địa trở thành đói nghèo, gánh chịu đủ loại thiệt thòi cả về y tế lẫn giáo dục.

 

Cho dù 1,7 triệu héc ta rừng đã bị đốn trụi nhưng theo một số thống kê do các cơ quan hữu trách của chính quyền Việt Nam thực hiện và công bố: Giai đoạn 2013 – 2015, trong 326.909 gia đình thuộc các sắc tộc thiểu số thì có 32.975 (10%) gia đình thiếu đất ở (10%), 293.934 (khoảng 90%) gia đình thiếu đất canh tác (4). Các số liệu vừa đề cập tuy đáng ngẫm nghĩ nhưng chắc chắn đã lạc hậu, tỉ lệ người thiểu số không có đất ở, thiếu đất canh tác đã vượt xa mức vừa dẫn khi nghèo túng và bế tắc tiếp tục khiến họ phải bán xới nhà cửa, ruộng nương để tiếp tục sinh tồn trên bản quán, năm ngoái, giới hữu trách và hệ thống truyền thống chính thức cảnh báo hiện tượng người thiểu số ở Tây Nguyên bị... “dụ dỗ” nên thi nhau bán sạch nhà cửa, ruộng nương (5).

 

Trong một bài viết được công bố trên tạp chí Lý luận Chính trị hồi tháng 1/2021, dẫn trên dữ liệu thống kê từ các nguồn chính thống bà Nguyễn Thị Thanh Dung (Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: Do tình trạng “mạnh ai nấy được” diễn ra khá phổ biến, dẫn đến các tộc người thiểu số Tây Nguyên vốn chưa thích nghi với điều kiện sản xuất thị trường hiện đại đã bị “nghèo đi” theo cả nghĩa tương đối và tuyệt đối, làm tăng mâu thuẫn xã hội, tăng nguy cơ xung đột xã hội. Trong lúc tỷ lệ số hộ nghèo tuyệt đối ở Tây Nguyên đã giảm từ gần 50 % (2006) xuống dưới 15% (hiện nay) thì tỷ lệ hộ nghèo tương đối của các tộc người thiểu số, chiếm từ 52% đến 70% trong tổng số hộ nghèo ở Tây Nguyên (6).

 

Cũng trong bài viết vùa đề cập, bà Dung cho biết: Ở Tây Nguyên, các nông, lâm trường làm ăn thua lỗ, không mang lại lợi ích kinh tế cho nhà nước, nhà nước không có nguồn thu từ các nông, lâm trường này để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội mới nảy sinh do sự thu hẹp đất đai của các cộng đồng... Đất rừng bị khai thác bừa bãi, lượng nước ngầm trong đất cạn kiệt, lượng nước tưới giảm, suy giảm thảm thực vật, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người sản xuất mà trước hết là các tộc người thiểu số. Người dân Tây Nguyên bị “nghèo” đi trong nền “kinh tế rừng” truyền thống, trong lúc chưa có sinh kế thay thế hiệu quả, chưa thể và chưa có điều kiện để thích nghi hoặc chuyển sang nền sản xuất hiện đại...

 

                                                              ***

 

Chưa thể xác định đâu là nguyên nhân dẫn đến “sự kiện Cư Kuin” nhưng người thiểu số ở Tây Nguyên càng ngày càng nghèo túng, bế tắc là một thực tế không thể phủ nhận. Ngoài việc thỉnh thoảng thừa nhận thực tế đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục khiến thảm trạng về dân sinh trong các cộng đồng thiểu số trở nên tồi tệ hơn. Làm sao có thể xem chính quyền Việt Nam vừa có “tâm”, vừa có “tầm” khi càng ngày càng nhiều thành viên của các sắc tộc bản địa không có nơi cư trú, không có đất canh tác mà vẫn thản nhiên giao đất vào tay những doanh nghiệp chỉ nhận đất để sang nhượng rồi tiếp tục phá rừng như Công ty Long Sơn hay để nhận tiền bồi thường từ các dự án như đã trình bày trong hai phần trước của bài viết này?

 

Trước giờ, những cảnh báo, đề nghị của bất kỳ ai nằm bên ngoài hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam về việc điều chỉnh chính sách, cách đối xử đối với các cộng đồng thiểu số tại Việt Nam nói chung, tại Tây Nguyên nói riêng đều bị quy chụp là “thù địch”, là “phản động”, là “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân” nhưng chẳng lẽ di dân thiếu viễn kiến, phá rừng để... trồng cao su, để phát triển kinh tế, để phát triển thủy điện, để thực hiện dự án sân golf này, dự án đô thị kia,... và tạo ra thực trạng như đã biết với Tây Nguyên, với các cộng đồng thiểu số cả ở Tây Nguyên lẫn các khu vực khác lại là... “thiện chí”, là... “đúng đắn, tiến bộ” và là... “củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân”?

 

Không phải tự nhiên mà nhiều quốc gia đa dạng về sắc tộc dành đủ loại ưu đãi cho các sắc tộc bản địa cũng như sắc tộc thiểu số... Nếu không thể tìm hiểu qua thân nhân, bạn bè thì có thể sử dụng Google để tìm kiếm thông tin về chính sách đối với các sắc tộc bản địa của Mỹ, Canada, Úc,... Những diễn biến ngay sau khi xảy ra “sự kiện Cư Kuin”, đặc biệt là những hình ảnh, video clip và những nhận định, bình luận vừa hằn học, vừa miệt thị nhắm vào nhiều thành viên của các cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên từ các tài khoản vốn vẫn dùng để bảo vệ đảng CSVN, bảo vệ nhà nước XHCN trên mạng xã hội có thể “bảo vệ” cái gọi là... “khối đại đoàn kết toàn dân”.

 

Cứ nhìn vào lịch sử nhân loại cả cận đại lẫn hiện đại ắt sẽ nhận ra, việc chủ động phát tán, giới thiệu những hình ảnh, video clip nhằm xiển dương “quân – dân đoàn kết cùng chung tay trấn áp tội phạm” (7), bày tỏ sự hào hứng, hả hê khi săn lùng thành viên của các cộng đồng thiểu số sau “sự kiện Cư Kuin”, khăng khăng quy chụp đó là “âm mưu, thủ đoạn” của những “Nhà nước Degar”, “Tin lành Degar”, “FULRO”,... như đang thấy chính là cách chứng minh cho thành viên của các cộng đồng thiểu số nhận ra họ chẳng là gì ngay tại bản quán, trao cho kẻ thù thật sự của xứ sở này, dân tộc này cơ hội để khi cần có thể “hà hơi, tiếp sức” nhằm hình thành các lực lượng đòi ly khai, đòi tự trị để lũng đoạn tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc.

 

Đối tượng nào thật sự đang “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân”?

 

--------------

Chú thích

(1) https://plo.vn/ly-do-dung-hoat-dong-3-ban-chi-dao-vung-post458227.html

(2) https://vnexpress.net/rung-tay-nguyen-ngay-cang-suy-giam-4589491.html

(3) http://ubdt.gov.vn/ctmtqg/tao-sinh-ke-ben-vung-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen.htm

(4) https://vov.vn/xa-hoi/tay-nguyen-nong-cac-van-de-thuy-dien-pha-rung-va-di-dan-335479.vov

(5) https://www.vietnamplus.vn/canh-bao-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen-bi-du-do-ban-dat/790182.vnp

(6) http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/3396-thuc-trang-xung-dot-dat-dai-vung-dan-toc-thieu-so-o-nuoc-ta.html

(7) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0YnJkGteFaJv3SC6kUg1WPMBtfjNbM5ppUiAEkUgyiRcAgiWqrxCLUvQHYmw2vwWml&id=100090309433825

 

 

                                                                *****

‘Sự kiện Cư Kuin,’ hồi chuông cảnh báo?

Trân Văn

14/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/su-kien-cu-kuin-hoi-chuong-canh-bao-/7135072.html

 

Song tương quan giữa “sự kiện Cư Kuin” với các “chủ đất” - nếu có vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất. “Sự kiện Cư Kuin” là hồi chuông cảnh báo về một ẩn họa mà tính chất, mức độ nguy hiểm đáng ngại hơn nhiều...

 

(tiếp theo)

 

 

Nếu tìm kiếm, đối chiếu thông tin nhằm xác định nguyên nhân dẫn tới chuyện vài chục người có vũ trang tấn công trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk lúc rạng sáng 11/6/2023, chắc chắn sẽ nhận ra: Việc phê duyệt, thực hiện các dự án tiếp tục là nguyên nhân dẫn tới bất đồng giữa dân chúng và chính quyền địa phương.

 

Cho dù chưa thể khẳng định “thu hồi đất” và “bồi thường” là nguyên nhân dẫn tới “sự kiện Cư Kuin” nhưng ít nhất cũng có thể thấy, mâu thuẫn về lợi ích giữa “chủ đất” (doanh nghiệp được giao quyền sử dụng đất) với “người lao động” (cả cá nhân lẫn gia đình đang sử dụng đất) vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

 

Mâu thuẫn đã trở thành gay gắt khi các “chủ đất” được chính quyền xuất công quỹ bồi thường (tổng chi phí bồi thường đã được bổ sung thêm 332 tỉ) nhưng “phương án phân chia khoản bồi thường về tài sản trên đất” của “chủ đất” với “người lao động” bị “người lao động” cho là “không hợp lý, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi” của họ, thành ra thu hồi đất và bồi thường vẫn là... “vấn đề” (1). “Vấn đề” đó vốn không mới và cách nay bảy năm, một “người lao động” đã từng phải dùng súng để giải quyết mâu thuẫn...

 

                                                             ***

 

Cuối tháng 10/2016, dư luận Việt Nam rúng động khi một người đàn ông 41 tuổi ngụ tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông bắn vào “đoàn cưỡng chế thu hồi đất lấn chiếm” khiến ba người chết. 13 người bị thương. Hung thủ - ông Đặng Văn Hiến (sinh năm 1975) và ba đồng phạm bị bắt.

 

Ở cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, ông Hiến cùng bị các Hội đồng xét xử (HĐXX) phạt tử hình. Tuy nhiên đã có khoảng 5.000 người ký vào kiến nghị Chủ tịch Nhà nước ân xá cho ông Hiến. Thân nhân của hai trong số ba nạn nhân bị ông Hiến bắn chết gửi thư cho HĐXX phúc thẩm đề nghị đừng phạt tử hình ông Hiến (2). Các thẩm phán tham gia xét xử ông Hiến cũng áy náy với hình phạt tử hình do chính họ tuyên nên liên tục nhắc nhở để ông Hiến đừng bỏ lỡ cơ hội xin ân xá (3)! Vì sao lại thế?

 

...Giống như nhiều vùng khác ở Tây Nguyên, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cũng là túi chứa di dân tự do – những cá nhân lìa bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn, dắt díu nhau đi khai hoang, lập nghiệp ở những vùng đất mới với hi vọng có thể thoát khỏi khốn cùng. Ở Tây Nguyên, đất mới là những khu rừng nguyên sinh đã bị khai thác đến cạn kiệt rồi bỏ hoang… Tuy hoang hóa nhưng đất rừng luôn là công thổ và vì vậy chỉ chính quyền mới có quyền định đoạt công thổ.

 

Năm 2008, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Tiếng là rừng nhưng một phần không nhỏ trong 1.079 héc ta đó đã là nơi cư trú, là vườn, là rẫy... vừa là sinh kế, vừa là tương lai của hàng trăm gia đình di dân. Sau khi được thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, chủ Công ty Long Sơn đã bán cả công ty lẫn quyền khai thác hàng ngàn héc ta đất cho gia đình ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu.

 

Kể từ đó, gia đình ông Sửu – chủ mới của Công ty Long Sơn bắt đầu tiến trình xua đuổi di dân tự do ra khỏi khu vực mà công ty đã được công nhận là... “chủ”, toàn quyền… khai thác. Vườn, rẫy – cơ hội đổi đời của hàng trăm gia đình bị chặt phá, bị đốn hạ, nhà cửa bị giật sập. Sau vài thập niên đổ mồ hôi, sôi nước mắt, dốc hết sức lực, vốn liếng vào việc khai hoang, định cư, hàng trăm gia đình đối diện với viễn cảnh vừa trắng tay, vừa vô gia cư… Họ bắt đầu tất tả ngược xuôi xin cứu xét.

 

Khai phá – sử dụng công thổ để mưu tìm cơm no, áo ấm có thể là sai nhưng lẽ nào lại gạt bỏ thực tế khai thác - sử dụng công thổ cũng như tất cả những tình tiết có liên quan khác để cho phép Công ty Long Sơn phủi tay, không bồi thường, không hỗ trợ? Nếu cho thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tại sao không cho những gia đình di dân tự do thuê lại phần đất họ đã khai hoang mà lại dành quyền thuê cả thổ cư, vườn, rẫy của họ cho riêng Công ty Long Sơn?..

 

Không thể trả lời những thắc mắc ấy, năm 2010, chính quyền Đắk Nông yêu cầu Công ty Long Sơn thảo luận với dân chúng địa phương về chuyện bồi thường. Năm năm sau, chính quyền Đắk Nông quyết định thu hồi 265/1.097 héc ta đã giao cho Công ty Long Sơn vì phần đất này vốn là nơi cư trú, vườn, rẫy của hàng trăm gia đình. Năm sau nữa (tháng 7 năm 2016), sau khi thị sát tại chỗ, một Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Nông ngăn chặn Công ty Long Sơn “cưỡng chế - thu hồi đất” để kiểm tra lại.

 

Song tất cả những động tác vừa kể chỉ có giá trị trên… giấy, trong thực tế, Công ty Long Sơn vẫn liên tục điều động các loại xe chuyên dụng và “công nhân” dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt những vườn tiêu, vườn điều, vườn cà phê,… trên phần đất mà chính quyền tỉnh Đăk Nông đã cho công ty này… thuê. Trong quá trình “cưỡng chế - thu hồi đất”, “công nhân” của Công ty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người dân ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chỉ vì họ “dám” bảo vệ nhà cửa, vườn tược vốn là của họ.

 

Suốt tám năm, toàn bộ hệ thống công quyền từ xã đến tỉnh ở Đắc Nông án binh bất động trước tất cả các đợt “cưỡng chế - thu hồi đất” mà Công ty Long Sơn thực hiện, bất kể dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, có người bị “công nhân” của Công ty Long Sơn dùng rựa vạt mất gần nửa hộp sọ, tuy may mắn không mất mạng nhưng sẽ sống với cái đầu bị móp ấy cho đến hết đời. Có phụ nữ bị trụy thai do “công nhân” của Công ty Long Sơn đạp vào bụng,…

 

Đó cũng là lý do dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức quyết định tự cứu mình bằng cách tự vũ trang với súng tự chế. Sau khi bị 30 “công nhân” Công ty Long Sơn hành hung vì ngăn cản Công ty Long Sơn dỡ nhà, phá vườn của mình trong đợt “cưỡng chế - thu hồi đất” mà công ty này tiến hành vào ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Hiến đã chạy về nhà lấy súng tự chế, bắn chỉ thiên để cảnh cáo. Bởi “công nhân” Công ty Long Sơn vừa lao đến, vừa ném đá… ông Hiến có thêm sự hỗ trợ của hàng xóm chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò…

 

Chỉ đến khi có ba người chết, 13 người bị thương, hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông mới chuyển động. Tuy nhiên những chuyển động ban đầu chỉ nhắm tới chuyện trừng phạt Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường vì “giết người”, Đoàn Văn Diện vì “che giấu tội phạm”… Một tuần sau thảm án, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, chủ Công ty Long Sơn vừa dọa sẽ kiện nhiều cơ quan truyền thông chính thức ra tòa vì thông tin sai sự thật, vừa chỉ dẫn báo chí “lên huyện, lên tỉnh” để tìm… “sự thật (4).

 

Mũi dùi công lý chỉ chĩa vào Công ty Long Sơn khi công chúng sôi lên vì giận: Chuyện doanh nghiệp này tự tổ chức cưỡng chế - thu hồi đất bằng cách trang bị dao, rựa, gậy gộc, khiên, đá,… để “công nhân” tấn công dân lành được xác định là “trái pháp luật”. Cũng phải tới lúc đó, đại diện chính quyền tỉnh Đắk Nông mới phân trần, rằng… quyết định giao đất cho Công ty Long Sơn chỉ dựa vào bản đồ, chưa đo đạc thực địa nên không rõ hoạt động cưỡng chế - thu hồi đất của doanh nghiệp này có chính xác hay không!

 

Cũng phải tới lúc đó, chính quyền Việt Nam mới thừa nhận một sự thật khác, trong 1.079 héc ta rừng mà chính quyền tỉnh Đắk Nông cho Công ty Long Sơn thuê có 539 héc ta là rừng tự nhiên, 540 héc ta là đất lâm nghiệp không còn rừng. Từ năm 2008 đến ngày xảy ra thảm án Quảng Trực, công ty Long Sơn đã phá trụi 501/539 héc ta rừng mà lẽ ra công ty này phải giữ, 38 héc ta còn lại không bị tác động chỉ vì đó là rừng… “nghèo kiệt”... Tháng 12/2016, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu và một phụ tá bị bắt (5).

 

Kết quả chung thẩm, ông Đặng Văn Hiến vẫn bị phạt “tử hình” (tháng 9 năm ngoái ông mới được ân xá - miễn tử [6]). Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu và một đồng phạm cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được giảm mỗi người hai năm tù nên một người ở tù bốn năm, một người ở tù hai năm. Không có bất kỳ viên chức nào trong hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

                                                     ***

 

Trong vài năm gần đây, một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đã từng đề cập đến tình trạng hỗn loạn ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk sau khi chính quyền công bố chủ trương sẽ thực hiện một số dự án ở nơi này. Chẳng hạn tháng 6 năm ngoái, khi đề cập đến việc cưỡng chế 64 công trình xây dựng trái phép và dự trù sẽ giải quyết thêm 500 công trình nữa tại huyện Cư Kuin, tờ Tiền Phong cho rằng, sở dĩ tình trạng xây dựng trái phép ở xã Ea Tiêu trở thành trầm trọng bởi nhiều người cho rằng, chính quyền sẽ thu hồi đất trong tay một công ty vốn là “chủ đất” và vì vậy sẽ giao đất cho những cá nhân, gia đình thực sự đang sử dụng đất (7).

 

Cứ như những gì mà một số cơ quan truyền thông chính thức đã tường thuật về các dự án – hoạt động thu hồi đất để thực hiện dự án – thanh toán tiền bồi thường tại huyện Cư Kuin thì ít nhất tại huyện này cũng có vài doanh nghiệp được chính quyền giao đất kiểu như Công ty Long Sơn được nhận đất ở Đắk Nông, tuy nhiên không có cơ quan truyền thông chính thức nào bận tâm đến chuyện đã có bao nhiêu héc ta đất được giao cho các doanh nghiệp không sử dụng đất?

 

Chưa thể xác định các “chủ đất” có liên quan đến “sự kiện Cư Kuin” chăng nhưng chẳng lẽ giao đất cho một số doanh nghiệp làm “chủ đất”, bất kể có sử dụng đất hay không rồi vui vẻ trả tiền bồi thường cho các “chủ đất” là chuyện không đáng bận tâm? Song tương quan giữa “sự kiện Cư Kuin” với các “chủ đất” - nếu có vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất. “Sự kiện Cư Kuin” là hồi chuông cảnh báo về một ẩn họa mà tính chất, mức độ nguy hiểm đáng ngại hơn nhiều...

 

(còn tiếp)

 

------------------

Chú thích

(1) https://laodong.vn/xa-hoi/dan-o-xa-ea-tieu-eaktur-cu-kuin-da-giao-dat-lam-duong-tranh-buon-ma-thuot-1204088.ldo

(2) https://tuoitre.vn/tu-hinh-ong-dang-van-hien-khoang-cach-nao-giua-phap-ly-va-dao-ly-20180128091153419.htm

(3) https://tuoitre.vn/ong-dang-van-hien-bi-tuyen-y-an-tu-hinh-20180712145538175.htm

(4) http://plo.vn/thoi-su/chung-toi-chi-san-ui-phan-dat-bi-lan-chiem-661945.html

(5) https://news.zing.vn/vu-xa-sung-o-dak-nong-bat-pho-giam-doc-cong-ty-long-son-post708464.html

(6) https://tuoitre.vn/tu-tu-dang-van-hien-thoat-an-tu-2022091515275989.htm

(7) https://tienphong.vn/cuong-che-xong-64-cong-trinh-trai-phep-tren-dat-ca-phe-hon-500-diem-khac-vao-tam-ngam-post1442797.tpo

 

 

                                                          *****

‘Khủng bố’ ở Tây Nguyên?

Trân Văn

13/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/khung-bo-o-tay-nguyen-/7134937.html

 

Không chỉ hệ thống truyền thông chính thức mà một số trang facebook dùng vào việc tuyên truyền trên mạng xã hội đã sửa cách gọi sự kiện này từ “khủng bố” thành “dùng súng tấn công”.

 

Dư luận rúng động trước sự kiện hai nhóm có vũ trang tấn công trụ sở xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk lúc rạng sáng 11/6/2023 khiến bốn sĩ quan công an, hai cán bộ xã, ba người dân thiệt mạng, hai sĩ quan công an bị thương (1),... Tính đến tối ngày 13/6/2023 (giờ Việt Nam), chính quyền Việt Nam đã bắt giữ 45 người bị cho là có liên quan đến vụ tấn công vừa kể (2).

 

Có vài điểm đáng lưu ý khi theo dõi, đối chiếu những thông tin chính thức từ phía các viên chức hữu trách và “báo chí cách mạng” về “sự kiện Cư Kuin”: Thứ nhất, phần lớn các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống “báo chí cách mạng” im lặng trước sự kiện này, một số cơ quan truyền thông như VnExpress, Công Thương trót đưa tin đã vội vàng đục bỏ ngay sau đó.

 

Thứ hai, khi các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống “báo chí cách mạng” đồng loạt loan báo về “sự kiện Cư Kuin”, các tin liên quan đến sự kiện này rất ngắn và nội dung giống hệt nhau, điều đó cho thấy các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống “báo chí cách mạng” đã bị hệ thống chính trị, hệ thống công quyền khống chế. Sự khống chế này buộc người ta phải cân nhắc về tính chính xác của thông tin cho dù đó là thông tin chính thức.

 

Thứ ba, khi các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống “báo chí cách mạng” tham gia đáp ứng “quyền được biết” của dân chúng về “sự kiện Cư Kuin”, thiệt hại nhân mạng rất chung chung, đúng với những gì mà viên tướng là Phát ngôn viên Bộ Công an muốn báo giới truyền tải tới công chúng rằng đã có “một số đồng chí công an xã, cán bộ xã, người dân chết và bị thương” (3) - khác xa với tin ban đầu mà VnExpress tự nguyện đục bỏ.

 

Thiệt hại nhân mạng đột nhiên trở thành chung chung sau khi một số thắc mắc xuất hiện trên mạng xã hội: Tại sao Bí thư xã Ea Ktur, Chủ tịch xã Ea Tiêu cùng có mặt tại hiện trường vào lúc nửa đêm để bị “sát hại”? Hai cuộc tấn công gần như cùng lúc vào trụ sở hai xã có liên quan đến việc nửa đêm, Bí thư xã Ea Ktur và Chủ tịch xã Ea Tiêu còn làm việc? “Người dân” bị sát hại thật sự là thường dân hay tài xế của cán bộ xã?

 

Phải đến hôm nay (13/6/2023), mới có thông tin chính thức xác nhận hai cán bộ xã thiệt mạng là ông Nguyễn Văn Kiên – Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Ea Ktur và ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Bi thư kiêm Chủ tịch xã Ea Tiêu (4).

 

Thứ tư, không chỉ hệ thống truyền thông chính thức mà một số trang facebook dùng vào việc tuyên truyền trên mạng xã hội đã sửa cách gọi sự kiện này từ “khủng bố” thành “dùng súng tấn công”. Việc chỉnh sửa nội dung xảy ra sau khi ông Tô Ân Xô - Phát ngôn viên Bộ Công an khuyến cáo: Các cơ quan truyền thông cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải để đảm bảo thông tin đúng sự thật.

 

Trên thực tế, “khủng bố” có thể khiến các tổ chức quan sát – bảo vệ nhân quyền, chính quyền các quốc gia phải thận trọng hơn khi lên tiếng nếu xảy ra đàn áp ở diện rộng nhưng thừa nhận đã xảy ra “khủng bố” ở Việt Nam đồng nghĩa với việc xác nhận Việt Nam đang trong tình trạng bất ổn về an ninh, chính trị, đặc biệt là vì Bộ Công an chỉ có thể kiểm soát “báo chí cách mạng”, tuyên bố về “khủng bố” có thể dẫn đến những hậu quả tai hại hơn nếu có nguyên nhân khác và nguyên nhân này được phơi bày...

 

                                                             ***

 

Khi thông tin do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam cung cấp về “sự kiện Cư Kuin” vừa không đầy đủ, vừa có những dấu hiệu không khách quan (tự ý đục bỏ, liên tục sửa chữa - điều chỉnh nội dung nhưng không đính chính, xin lỗi), một số người và một số cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam đã sử dụng Google để tìm kiếm những thông tin liên quan đến hai xã Ea Tiêu và Ea Ktu nói riêng cũng như huyện Cư Kuin nói chung để tìm câu trả lời về nguyên nhân...

 

Trong số những người và những cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam thử truy tìm nguyên nhân như vừa kể có tạp chí Luật Khoa (TCLK). Từ những thông tin đã được hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam loan báo trước đó, TCLK giới thiệu: Cả hai xã Ea Tiêu và Ea Ktu đã cũng như đang là những điểm nóng về thu hồi đất và thanh toán tiền bồi thường cho hai dự án: Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Đường tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột và Dự án Khu Đô thị mới Trung Hòa.

 

Cả hai dự án vừa kể đều cần thu hồi đất. Trên danh nghĩa, đất cần thu hồi thuộc quyền quản lý của một số công ty cà phê nhưng trên thực tế lại do dân chúng sử dụng. Đó cũng là lý do chính quyền địa phương phải tổ chức cưỡng chế. Hồi đầu tháng 3 năm nay, có vài chục gia đình “tự nguyện bàn giao đất” để thi công Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Đường tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột. Cuối tháng 5 vừa qua, có vài chục gia đình bị cưỡng chế để thu hồi đất xây dựng Dự án Khu Đô thị mới Trung Hòa (5)...

 

Cũng đã có một số người, một số cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam giới thiệu sự kiện xảy ra hồi cuối tháng 4 năm nay: Người Ê đê ở huyện Cư Kuin phản đối việc xả nước thải của khu vực là trung tâm hành chính huyện Cư Kuin vào hồ Ea M’tá, xã Ea Bhốk. Cuộc biểu tình này đã bị cảnh sát cơ động trấn áp bằng dùi cui, roi điện. Hàng chục người bị thương trong đó có phụ nữ đang mang thai và hàng chục người bị bắt nhưng dân chúng vẫn thề “thà chết để bảo vệ hồ Ea M’tá” (6).

 

Chưa thể xác định nguyên nhân thật sự dẫn tới vụ “khủng bố” trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktu, nay đã được định danh lại là “dùng súng tấn công” nhưng không thể loại trừ bất đồng giữa chính quyền – bên có nhu cầu thu hồi đất với dân chúng ở Cư Kuin – bên bị thu hồi đất là thực tế hiển nhiên. “Sự kiện Cư Kuin” xảy ra rạng sáng 11/6/2023 và sau những nỗ lực tổng hợp thông tin để phán đoán nguyên nhân như vừa đề cập, trưa 13/6/2023, tờ Lao Động có một phóng sự...

 

Theo đó (7), dân chúng hai xã Ea Tiêu và Ea Ktu đã giao đất để thi công Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Đường tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột (đầu tư bằng tiền từ công khố, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ, trong đó dự trù dành 400 tỉ cho bồi thường song chi phí bồi thường đã tăng thêm khoảng 331 tỉ, xấp xỉ 726 tỉ) nhưng chưa nhận được tiền bồi thường. Cứ như mô tả của Lao Động thì dự án có rất nhiều vướng mắc cả từ phía chính quyền lẫn nhà thầu song đáng chú ý nhất vẫn là vướng mắc giữa doanh nghiệp mà trên danh nghĩa là “chủ đất” với những gia đình đang sử dụng đất được gọi bằng mỹ từ “người lao động”. Dường như “chủ đất” mới là đối tượng trực tiếp nhận tiền bồi thường từ chính quyền nhưng sau đó, “chủ đất” và “người lao động” không đạt được sự đồng thuận về “phương án phân chia tỉ lệ ở khoản tiền bồi thường về tài sản trên đất” mà “người lao động” khẳng định là “không hợp lý, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi”.

 

Chưa rõ việc thực hiện các dự án ở khu vực huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, thu hồi đất, thay vì đối thoại thì tổ chức cưỡng chế, kể cả sử dụng vũ lực đối với những người phản kháng, rồi tình trạng “chủ đất” và “người lao động”, mâu thuẫn giữa các “chủ đất” (dường như không phải chỉ có một “chủ đất” trong khu vực) và “người lao động” trong việc phân chia tiền bồi thường,... có phải là nguyên dân nhân dẫn tới “sự kiện Cư Kuin”? “Sự kiện Cư Kuin” không phải là tập đầu...

 

(Còn tiếp)

 

---------------------

Chú thích

(1) https://nhandan.vn/lanh-dao-bo-cong-an-va-tinh-dak-lak-tham-vieng-cac-nan-nhan-post757335.html

(2) https://congan.com.vn/tin-chinh/vu-tan-cong-vao-tru-so-ubnd-xa-tai-dak-lak-da-bat-giu-39-doi-tuong_148358.html

(3) https://dttc.sggp.org.vn/bo-cong-an-dang-to-chuc-vay-bat-nhom-doi-tuong-tan-cong-tru-so-cong-an-xa-tai-dak-lak-post105453.html

(4) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thong-tin-ve-vu-tan-cong-tru-so-cong-an-tai-dak-lak-119230611122926149.htm

(5) https://www.luatkhoa.com/2023/06/luat-khoa-360-vu-tan-cong-tru-so-cong-an-xa-tai-dak-lak/

(6) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/protest-against-waste-releasing-system-in-daklak-04242023091309.html

(7) https://laodong.vn/xa-hoi/dan-o-xa-ea-tieu-eaktur-cu-kuin-da-giao-dat-lam-duong-tranh-buon-ma-thuot-1204088.ldo

 

 




No comments: