Wednesday, June 21, 2023

TỪ VỤ NHẬN TỘI CỦA HUNTER BIDEN (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Từ vụ nhận tội của Hunter Biden

Hiếu Chân/Người Việt

June 20, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tu-vu-nhan-toi-cua-hunter-biden/

 

Tin tức về vụ ông Hunter Biden “nhận tội” truyền ra sáng Thứ Ba, 20 Tháng Sáu, làm dậy sóng dư luận không chỉ vì ông là con trai của ông Joe Biden, đương kim tổng thống Mỹ, mà còn vì cuộc tranh luận nảy lửa chung quanh vị thế độc lập của ngành tư pháp – nền tảng của chế độ dân chủ pháp trị.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/BL-Hunter-Biden-Nhan-Toi-1536x1024.jpg

Ông Hunter Biden (thứ hai từ phải) dự lễ tốt nghiệp một người trong gia đình hôm 15 Tháng Năm tại Philadelphia, Pennsylvania. (Hình minh họa: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)

 

Theo tin truyền thông, ông Hunter Biden (dưới đây gọi tắt là Hunter để khỏi nhầm lẫn với ông tổng thống) đã dàn xếp với Bộ Tư Pháp một thỏa thuận nhận hai tội tiểu hình (misdemeanor), theo đó ông sẽ bị quản chế (probation) vì tội nộp thuế trễ nhưng không bị xử tội nói dối về tình trạng nghiện ngập của mình khi mua một khẩu súng lục.

 

Hồ sơ nộp lên tòa án liên bang ở Delaware cho biết ông Hunter nhận tội trễ nộp thuế thu nhập $200,000 cho khoản lợi tức $1.5 triệu ông nhận được trong hai năm 2017 và 2018. Với việc nhận tội, ông sẽ bị quản chế nhưng không phải ngồi tù. Theo luật, hành vi trốn thuế liên bang có thể bị kết án một năm tù và theo tin từ nhật báo The New York Times thì ông đã đóng thuế và nộp tiền phạt cho Sở Thuế sau đó.

 

Bộ Tư Pháp vẫn tiếp tục truy tố ông tội hình sự nhưng không kết tội (not to prosecute) về hành vi mua một khẩu súng lục ổ xoay (rouleau)  hiệu Colt Cobra 38SPL hồi Tháng Mười, 2018 – thời kỳ ông nghiện ma túy và bị cấm mua súng. Ông Hunter sở hữu khẩu súng này trong 11 ngày. Hiệu lực của thỏa thuận không kết tội tùy thuộc vào việc ông có tái nghiện trong vòng 24 tháng tới hay không và có mua súng đạn nữa không. Hãng tin AP giải thích trong trường hợp này, quan tòa sẽ buộc bị can Hunter phải trình diện theo định kỳ để bảo đảm ông tuân thủ đúng quy định. Nếu không, thỏa thuận sẽ tự động bị hủy bỏ và bản án hình sự được thi hành, nghĩa là ông sẽ ở tù tối đa 10 năm. Ngược lại, nếu bị can tuân thủ quy định thì vụ án sẽ bị xóa khỏi hồ sơ.

 

Những nội dung nêu trên được thỏa thuận giữa bị can Hunter với văn phòng công tố liên bang tại Delaware, do Chánh Biện lý David Weiss phụ trách. Ông David Weiss được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm công tố viên liên bang năm 2017. Một trong những nhiệm vụ của ông là điều tra các giao dịch tài chính khả nghi của ông Hunter. Tổng Thống Joe Biden sau đó đã giữ ông Weiss ở lại chức vụ để cuộc điều tra không bị gián đoạn.

 

Thỏa thuận còn phải được một chánh án liên bang xem xét và chấp thuận. Trong vài ngày tới, ông Hunter phải ra trước tòa liên bang ở Delaware để nghe đọc cáo trạng và phải đọc tuyên bố nhận tội. Bản án cụ thể như thế nào thì phải chờ phán quyết của quan tòa.

 

                                                               ***

Ông Hunter Biden bị văn phòng ông Weiss điều tra từ năm 2018 và vụ điều tra được công khai vào Tháng Mười Hai, 2020, chỉ một tháng sau khi cha ông đắc cử tổng thống. Tại thời điểm đó, ông Hunter tiết lộ rằng ông bị Bộ Tư Pháp gửi trát đòi ra khai báo về hồ sơ thuế.

Bộ Tư pháp muốn có thông tin về những giao dịch kinh doanh của ông với một số công ty nước ngoài, đặc biệt là với tập đoàn khí đốt Burisma của Ukraine mà ông có chân trong hội đồng quản trị từ năm 2014. Vụ điều tra làm dấy lên nghi ngờ có thể xảy ra xung đột lợi ích (conflict of interest) do trong thời kỳ này ông Biden (cha) là phó tổng thống Hoa Kỳ, tham gia hoạch định chính sách đối với Ukraine. Một cuộc điều tra sau đó của Thượng Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát không xác thực được chính sách nào của Hoa Kỳ bị tác động trực tiếp từ các công việc của ông Hunter ở Ukraine.

 

Hiện nay, ngoài cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp và ông Weissm, ông Hunter còn là mục tiêu của một cuộc điều tra khác của Ủy Ban Tư Pháp và Ủy Ban Giám Sát tại Hạ Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát. Các ủy ban này nghi ngờ Tổng Thống Biden và gia đình thu lợi bất chính từ các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, kể cả ở Trung Quốc.

 

Còn ông Hunter bị tình nghi lợi dụng chức vụ của cha, phó tổng thống trước đây và tổng thống hiện nay, để có các phi vụ béo bở mà một doanh nhân bình thường không có được.

Ông Donald Trump có lẽ là người tận dụng nhiều nhất hoạt động của ông Hunter để phá hoại uy tín của ông Joe Biden trong những vụ đấu đá chính trị. Tại cuộc luận tội Tổng Thống Trump thứ nhất năm 2019, ông Trump bị cáo buộc đã gọi điện thoại cho Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, yêu cầu ông này mở cuộc điều tra ông Hunter đổi lấy việc chính phủ Mỹ cung cấp cho Kiev $400 triệu viện trợ quân sự mà Quốc Hội đã phê chuẩn.

 

Cũng trong năm 2019, ông Trump công khai yêu cầu Trung Quốc xem xét các giao dịch tài chính của ông Hunter tại nước này và tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng rằng con trai ông Biden “đã kiếm được hàng trăm triệu đô la từ Trung Quốc” và sử dụng ảnh hưởng chính trị để thuyết phục Trung Quốc đầu tư $1.5 tỷ vào một quỹ liên quan tới ông. Ông Trump cũng nhiều lần tố cáo ông Hunter tham nhũng, viện dẫn một bài báo trên tờ New York Post về một chiếc máy tính xách tay được cho là của ông Hunter đã bị FBI thu giữ.

 

Chỉ hai tuần trước ngày bầu cử tổng thống 2020, ông Trump chỉ đạo ông William Barr, bộ trưởng Tư Pháp, có hành động pháp lý đối với ứng cử viên tổng thống Joe Biden của đảng Dân Chủ vì những công việc của con trai ông.

 

                                                               ***

Vụ nhận tội của ông Hunter hôm Thứ Ba nhanh chóng trở thành điểm nóng của cuộc tranh luận đảng phái về tính chất công bằng, độc lập của nền tư pháp Mỹ. Gần đây, đảng Cộng Hòa liên tục tố cáo Bộ Tư Pháp, các tòa án, và các cơ quan công lực liên bang như FBI bị “vũ khí hóa,” bị chính quyền Biden dùng làm công cụ đàn áp đảng đối lập, đặc biệt là ông Donald Trump, cựu tổng thống và ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm 2024.

 

Sự việc ông Hunter “nhận tội” xảy ra chỉ vài ngày sau khi cựu Tổng Thống Trump bị truy tố 37 tội danh về việc lưu giữ các hồ sơ mật của chính phủ và cản trở công lý. Các chính trị gia Cộng Hòa đã liên kết hai hoạt động pháp lý này với nhau để nhận định rằng, thỏa thuận dàn xếp của ông Hunter với công tố viện chứng tỏ nền tư pháp của Mỹ “có hai tầng” – ngụ ý phân biệt đối xử một cách bất bình đẳng.

 

Ông Trump ngay lập tức lên mạng xã hội ví von hình phạt mà ông Hunter phải chịu chỉ như “một vé phạt giao thông” và tố cáo hệ thống tư pháp “đã sụp đổ” (broken). Các dân biểu Cộng Hòa trong Hạ Viện nhanh chóng tố cáo Tổng Thống Joe Biden dàn dựng một án phạt nhẹ nhàng cho con trai ông và đe dọa sẽ gia tăng cuộc điều tra gia đình Biden.

 

Những ứng cử viên đang chạy đua giành chiếc vé đại diện đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là những người lên tiếng sớm nhất, mạnh mẽ nhất, tố cáo vụ “nhận tội” là một trò đùa và phê phán gay gắt cái gọi là sự “chính trị hóa” Bộ Tư Pháp. Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) nêu lên sự khác biệt giữa các cáo buộc đối với ông Hunter và cáo trạng với ông Trump và cho rằng: “Nếu bạn là đối thủ chính trị hàng đầu của tổng thống, Bộ Tư Pháp chắc chắn sẽ cho bạn vào tù ngồi đếm lịch, còn nếu bạn là con của tổng thống, bạn sẽ có một thỏa thuận ngọt ngào” (sweetheart deal).

 

Dân Biểu James R. Comer (Cộng Hòa-Kentucky), chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện, cho rằng vụ xử phạt ông Hunter chỉ là một cú vỗ vai thân thiện và hứa hẹn: “Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi chừng nào chưa vạch trần toàn bộ quy mô sự can dự của Tổng Thống Biden vào các hoạt động của gia đình ông.” Ông Comer đã mở cuộc điều tra của Hạ Viện, lùng tìm các chứng cứ phạm pháp của tổng thống, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy gì.

 

                                                 ***

Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland nhiều lần điều trần trước Quốc Hội rằng ông đã trao cho công tố viên Weiss sự độc lập hoàn toàn để theo đuổi việc điều tra và truy tố ông Hunter Biden dựa trên chứng cứ. Cũng như đối với các vụ điều tra hành vi phạm pháp của cựu Tổng Thống Donald Trump, ông Garland cố tình tránh xa vụ điều tra Hunter và khẳng định ông chưa bao giờ thảo luận vấn đề với Tổng Thống Biden.

 

Vụ truy tố ông Hunter còn đặt ra một phép thử đối với ông Garland, người được kỳ vọng sẽ khôi phục niềm tin của người Mỹ vào tính chất độc lập của Bộ Tư Pháp sau nhiều năm bất ổn dưới thời chính quyền Trump.

 

Nhân vụ Hunter, các chính trị gia Dân Chủ cho rằng, truy tố con trai của tổng thống đương nhiệm, cho dù bản án là thế nào, cũng cho thấy tính chất độc lập của ngành tư pháp. Việc ông David Weiss, một công tố viên liên bang do cựu Tổng Thống Trump bổ nhiệm, dẫn dắt cuộc điều tra Hunter Biden suốt năm năm qua và có toàn quyền hành động, là một minh chứng cho sự độc lập đó.

 

“Sự kiện này phản ánh tính độc lập về thể chế của Bộ Tư Pháp trong việc theo đuổi chứng cứ tội phạm và thực thi pháp trị cho dù phải đương đầu với sự phê phán liên tục từ các đồng viện Cộng Hòa của chúng tôi – những người nghĩ rằng hệ thống tư pháp chỉ phải tuân theo các ước muốn mang tính đảng phái của họ,” Dân Biểu Jamie Raskin (Dân Chủ-Maryland), thành viên Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện, tuyên bố.

 

Cuộc tranh cãi còn kéo dài và ngày càng sôi nổi. Có điều so với những hành vi phạm pháp của ông Hunter thì những người cố tình phá hoại niềm tin của công chúng đối với hệ thống tư pháp của đất nước xem  chừng còn đáng trá hơn. [đ.d.]





No comments: