Trung Quốc đặt trạm nghe lén ở Cuba, Biden sẽ làm gì?
Hiếu Chân/Người Việt
June 9, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trung-quoc-dat-tram-nghe-len-o-cuba-biden-se-lam-gi/
Thông tin về
việc Trung Quốc đặt ở Cuba một căn cứ do thám nước Mỹ đang khiến dư luận hết sức
lo ngại vì nó gợi lại những ký ức đáng sợ của cuộc khủng hoảng nguyên tử năm
1962. Thời thế đã khác so với thời Tổng Thống John F. Kennedy nhưng mối đe dọa
từ Cuba dường như vẫn còn nguyên, chỉ thay Liên Xô bằng Trung Quốc – một đối thủ
mạnh hơn, quyết đoán hơn rất nhiều.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/BL-Trung-Quoc-Nghe-Len-1536x951.jpg
Một góc phố thủ đô Havana, Cuba. (Hình minh họa:
Yamil Lage/AFP via Getty Images)
Trung Quốc từ lâu đã xây dựng ở Châu Á nhiều
trạm thu thập thông tin điện tử, kể cả tín hiệu từ vệ tinh, các cú điện thoại
và Internet, ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chẳng hạn, nhưng một trạm như
vậy ở Cuba là cơ sở tình báo đầu tiên của họ ở Tây Bán Cầu, sát nách nước Mỹ.
Chuyện này xảy ra chỉ vài tháng sau khi một
khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua các căn cứ quân sự nhạy cảm trên
lãnh thổ nước Mỹ trước khi bị bắn hạ ngoài bờ biển tiểu bang South Carolina,
gây gián đoạn quan hệ giữa hai nước. Trước đó, lo ngại về hoạt động tình báo điện
tử của Bắc Kinh, Mỹ đã có những biện pháp cứng rắn như cấm sử dụng thiết bị viễn
thông của các tập đoàn ZTE, Huawei của Trung Quốc và gia tăng bảo vệ an ninh mạng.
The Wall Street Journal là tờ báo đầu tiên tiết
lộ Bắc Kinh sẽ trả cho Havana nhiều tỷ đô la để được thiết lập một cơ sở nghe
lén chỉ cách bờ biển Florida 100 dặm. Nhật báo The New York Times dẫn ra mối lo
ngại sâu sắc của Ủy Ban Tình Báo Thượng viện trong tuyên bố chung do các thượng
nghị sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia), Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đưa ra
hôm Thứ Năm, 8 Tháng Sáu.
“Chúng tôi lo ngại sâu sắc với báo cáo Havana
và Bắc Kinh đang hợp tác để nhắm mục tiêu vào nước Mỹ và người dân Mỹ. Chúng ta
phải nói rõ, không thể chấp nhận để Trung Quốc thiết lập căn cứ tình báo trong
vòng 100 dặm từ Florida, trong một khu vực có nhiều cơ sở quân sự quan trọng và
giao thông hàng hải tấp nập,” tuyên bố viết.
Chính phủ Mỹ nói thông tin kể trên là không
chính xác. Chính quyền Biden đang theo dõi sát tình hình và sẽ có các bước đối
phó. “Chúng tôi theo dõi những diễn biến này một cách chặt chẽ, thực hiện các
bước cần thiết để đối phó, và tự tin khi nói rằng chúng tôi có thể đáp ứng tất
cả cam kết an ninh của mình ở trong nước, khu vực và trên toàn thế giới,” ông
John Kirby, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, khẳng định.
Phía Trung Quốc tất nhiên chối biến và cáo buộc
ngược lại phía Hoa Kỳ. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 9 Tháng Sáu, ông Uông
Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói Mỹ là “đế chế tin tặc”
đang “tung tin đồn” về trạm do thám ở Cuba. “Như chúng ta đều biết, lan truyền
tin đồn và vu khống là một chiến thuật thường dùng của Hoa Kỳ,” ông Uông nói.
Ông Carlos Fernandez de Cossio, thứ trưởng Bộ
Ngoại Giao Cuba, bác bỏ thông tin về cơ sở tình báo Trung Quốc, nói rằng nó
“hoàn toàn dối trá và vô căn cứ,” là sự bịa đặt của Hoa Kỳ nhằm biện hộ cho lệnh
cấm vận kinh tế kéo dài nhiều thập niên của Washington đối với Cuba.
***
Thực ra, chuyện Trung Quốc đặt cơ sở do thám Mỹ
tại Cuba là hoàn toàn có thể xảy ra và cũng không phải là chuyện lạ. Là những đối
thủ nặng ký nhất của nhau, Mỹ và Trung Quốc đều có chính sách do thám đối
phương, thu thập thông tin tình báo bằng mọi cách thức công khai và bí mật.
Bắc Kinh vẫn thường xuyên tức giận và phản đối
Mỹ thực hiện các hoạt động trinh sát gần bờ biển Trung Quốc. Tuần trước, một
chiến đấu cơ của quân đội Trung Quốc cắt đường bay một phi cơ thám thính của Mỹ
trên không phận Biển Đông, rồi ngay sau đó một chiến hạm Trung Quốc chạy ngang
trước mũi khu trục hạm Chung-Hoon của Hải Quân Mỹ trên eo biển Đài Loan giữa
lúc quan chức quốc phòng hai nước đấu khẩu với nhau dữ dội tại Diễn Đàn Đối Thoại
An Ninh Shangri-La ở Singapore.
Những cuộc lượn lờ của phi cơ trinh sát và tàu
chiến Mỹ trong khu vực làm cho Trung Quốc ăn không ngon ngủ không yên, luôn bị
Bắc Kinh tố cáo là hành vi gây hấn và đe dọa có biện pháp trả đũa. Việc lập căn
cứ nghe lén tại Cuba có thể được Bắc Kinh coi là đòn ăn miếng trả miếng với Mỹ,
bổ sung vào hoạt động của khoảng 260 vệ tinh do thám của Trung Quốc ngang dọc
trên bầu trời nước Mỹ suốt ngày đêm.
Chỗ khác biệt là một cơ sở nghe lén tín hiệu
điện tử sát nách nước Mỹ thể hiện một bước tiến lớn về năng lực tình báo của
Trung Quốc, cho phép quân đội nước này nhìn thấy rõ hơn các địa điểm mà họ sẽ tấn
công khi xảy ra xung đột giữa hai nước, theo The Wall Street Journal, hoặc cơ sở
đó sẽ khuếch đại năng lực công nghệ của Trung Quốc trong việc theo dõi các hoạt
động quân sự của Mỹ như nhận định của The New York Times. Dù thế nào thì kế hoạch
của Trung Quốc lập căn cứ nghe lén ở Cuba cũng là một bước leo thang rất đáng
ngại trong cuộc chiến tình báo giữa hai nước.
***
Ở đây lại nổi lên vai trò của Cuba – một cái
gai nhức nhối bên sườn nước Mỹ mà Washington chưa tìm được cách giải quyết. Chỉ
ba năm sau ngày cộng sản chiếm quyền cai trị hòn đảo này năm 1959, Cuba đã cho
phép Liên Xô đặt hỏa tiễn nguyên tử trên đảo, kích hoạt một cuộc đối đầu vũ khí
nguyên tử giữa hai cường quốc. Nhiều năm sau đó, Liên Xô tiếp tục vận hành một
cơ sở tình báo ở Lourdes bên ngoài thủ đô Havana cho đến khi Liên Xô tan rã năm
1991. Bây giờ thì người Trung Quốc nhảy vào thế chỗ với những công nghệ tinh vi
hơn nhiều.
Chính sách cấm vận thương mại Cuba của Mỹ kéo
dài sáu thập niên qua làm cho đảo quốc vùng Caribbean ngày càng lún sâu vào cảnh
khốn cùng. Các mặt hàng thiết yếu từ thực phẩm đến thuốc men đều khan hiếm. Cuộc
sống của người Cuba hầu như dựa vào những đồng đô la do đồng bào của họ sinh sống
ở Mỹ gửi về.
Trong hoàn cảnh đói kém như vậy, việc Cuba ngửa
tay nhận tiền của Trung Quốc để cho phép Bắc Kinh đặt căn cứ do thám trên hòn đảo
xét cho cùng là chuyện dễ hiểu.
Tổng Thống Barack Obama đã thử lội ngược dòng,
nối lại quan hệ giữa Mỹ và Cuba trong một số lĩnh vực, khuyến khích người Mỹ đầu
tư và du lịch đến Cuba với hy vọng sẽ giúp Cuba phát triển, cởi mở hơn với thế
giới. Nhưng chuyện đó đã không làm thay đổi bản chất độc tài toàn trị của chế độ
Cộng Sản ở Havana. Tổng Thống Donald Trump đảo ngược những chính sách thiện chí
đó và đóng sập cánh cửa ông Obama đã mở ra. Hậu quả là Cuba càng bị khốn cùng
và trong cơn tuyệt vọng họ đã tìm tới Trung Quốc. Ông Miguel Diaz-Canel, chủ tịch
Cuba, đã đến thăm Bắc Kinh Tháng Mười Một năm ngoái, hội đàm với Chủ Tịch Tập Cận
Bình, và đó có lẽ là điểm khởi đầu của kế hoạch thiết lập căn cứ do thám của Bắc
Kinh bên cạnh nước Mỹ.
Tổng Thống Vladimir Putin của Nga, trong lúc bị
cô lập nặng nề trên trường quốc tế, cũng nhắm lôi kéo Cuba trở lại với ảnh hưởng
của mình. Moscow đã hào phóng xóa nợ cho Havana, viện trợ xăng dầu và lúa mì
giúp Cuba vượt qua nạn đói. Tháng trước, một đoàn quan chức cao cấp và doanh
nhân hàng đầu của Nga đến thăm Cuba và đồng ý gia tăng đầu tư của Nga vào đảo
quốc với những điều kiện ưu đãi đặc biệt. Trong tuần này, Thủ Tướng Manuel
Marrero Cruz của Cuba bay tới khu nghỉ mát Sochi của Nga để gặp Thủ Tướng
Mikhail Mishutin của Nga, bàn việc hợp tác khôi phục ngành dầu khí và sắt thép
quốc doanh của Cuba.
Giáo Sư Michael Bustamante, chuyên gia về Cuba
tại đại học University of Miami, nhận định rằng chính phủ Cuba cảm thấy họ
không còn gì để mất trong quan hệ với Mỹ nên quyết đứng hẳn vào trục độc tài
Nga-Trung. Ông Bustamante cho rằng đó là một cái nhìn thiển cận của giới lãnh đạo
Cuba, gây thêm trở ngại cho việc nối lại quan hệ với Hoa Kỳ trong tương lai.
Chính quyền Joe Biden đã nới lỏng các biện
pháp cấm vận Cuba dưới thời Tổng Thống Trump, nhắm lôi kéo Havana vào việc giải
quyết vấn nạn di dân bất hợp pháp đổ vào biên giới nước Mỹ. Nhưng bây giờ, với
thỏa thuận cho phép Bắc Kinh đặt căn cứ do thám, Cuba khó mà mong sớm được Mỹ dỡ
bỏ hoặc nới lỏng cấm vận để khôi phục nền kinh tế và cải thiện đời sống người
dân.
Với nước Mỹ, Cuba vẫn là một mối nguy tiềm ẩn,
một bài toán khó giải, cây gậy và củ cà rốt xem ra đều không có nhiều tác dụng
khi hòn đảo vẫn nằm dưới ách cai trị của những người cộng sản giáo điều và cổ lỗ,
vẫn đi trong quỹ đạo của Nga và Trung Quốc dù kề cận nước Mỹ.
Chưa rõ chính quyền Biden sẽ làm gì để xóa mối
đe dọa này. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment