Tuesday, June 6, 2023

THẾ GIỚI HÔM NAY : 05/06/2023 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 05/06/2023

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

05/06/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/06/05/the-gioi-hom-nay-05-06-2023/

 

Một nhóm dân quân Nga thân Ukraine tuyên bố sẽ trao lính Nga bị bắt giữ cho Ukraine. Nhóm này, mang tên Đoàn quân Tình nguyện Nga, trước đó đã yêu cầu gặp thống đốc khu vực biên giới Belgorod của Nga, nơi nhóm tù nhân Nga bị bắt. Nga nói lực lượng này chỉ là vỏ bọc của quân đội Ukraine, trong khi Ukraine phủ nhận trách nhiệm về các vụ tấn công và cho rằng bản thân nhóm đã tiến hành các hoạt động này.

 

Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ cho biết lỗi trong hệ thống tín hiệu điện tử là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất thế kỷ 21 ở nước này. Ít nhất 275 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương sau khi ba đoàn tàu đâm nhau ở bang Odisha miền đông Ấn Độ. Hôm thứ Bảy, thủ tướng Narendra Modi nói những người chịu trách nhiệm sẽ bị “trừng phạt nghiêm khắc.”

 

OPEC+, nhóm các nước xuất khẩu dầu cùng đồng minh, trong đó có Nga, đã quyết định tại cuộc họp ở Vienna là không cắt giảm sản lượng tập thể hơn mức đồng thuận trước đây. Tuy nhiên, Saudi Arabia sẽ tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng mỗi ngày. Nguồn cung giảm là nhằm mục đích tăng giá dầu, dù lần giảm bất ngờ của OPEC hồi tháng 4 không có nhiều tác động.

 

Hàng trăm nghìn người ủng hộ dân chủ Ba Lan đã xuống đường tại thủ đô Warsaw để hưởng ứng một cuộc biểu tình do đảng đối lập lớn nhất đất nước, Nền tảng Công dân, kêu gọi. Họ cho rằng đảng Luật pháp và Công lý đã làm suy yếu truyền thông và tính độc lập của toà án kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2015. Tuần này, tổng thống Ba Lan đã thông qua một đạo luật gây tranh cãi có thể được dùng để đàn áp phe đối lập.

 

Giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh tiếp diễn ở thủ đô Khartoum sau khi lệnh ngừng bắn từ 22 tháng 5 hết hạn vào thứ Bảy. Đàm phán ở Ả Rập Saudi để gia hạn lệnh ngừng bắn đã đổ vỡ hôm thứ Sáu. Một phát ngôn viên của Mỹ cho biết đàm phán chỉ có thể nối lại khi cả hai bên đều “nghiêm túc” tuân thủ các điều kiện.

 

Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ ít nhất tám người gần Công viên Victoria. Mỗi năm tại đây đều có một buổi cầu nguyện vào ngày 4 tháng 6 để tưởng niệm vụ thảm sát người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, vào năm 1989. Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn nghiêm cấm nhắc đến chủ đề này. Chính phủ Hồng Kông gần đây đã tung 6.000 cảnh sát để ngăn chặn biểu tình.

 

Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu gọi vụ sát hại ba binh sĩ Israel gần biên giới nước ông với Ai Cập là một “cuộc tấn công khủng bố.” Chính phủ Ai Cập đã đồng ý hợp tác trong một cuộc điều tra chung, mà ông Netanyahu mong đợi là “toàn diện và kỹ lưỡng.” Israel cho rằng thủ phạm là một cảnh sát Ai Cập; quân đội Ai Cập không xác nhận điều này.

 

Con số trong ngày: 2,3, là tỷ lệ sinh của thế giới hiện nay, giảm từ 2,7 của năm 2000.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Đếm ngược đến lễ khai mạc COP28

 

Các nhà ngoại giao khí hậu từ khắp nơi trên thế giới sẽ tập trung về Bonn, Đức, vào thứ Hai cho chuỗi đàm phán kéo dài mười ngày. Đứng đầu chương trình nghị sự là “Thẩm tra Toàn cầu,” một cuộc thẩm tra tiến độ của các cam kết khí hậu theo thỏa thuận Paris 2015.

 

Công việc thu thập và phân tích thông tin kéo dài hai năm qua về những gì các nước đang làm để đáp ứng các mục tiêu khí hậu phải được kết luận ở Bonn. Đánh giá về tiến độ và các bước tiếp theo cho các nước sẽ được bàn tại COP28, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc dự kiến được tổ chức tại UAE vào tháng 11. Tất cả các dấu hiệu cho đến nay cho thấy thế giới đang chậm trễ một cách đáng lo ngại.

 

Cuộc gặp tại Bonn cũng sẽ là phép thử cho Sultan Al Jaber, người được UAE bổ nhiệm làm chủ tịch COP28. Hồi tháng 5, hơn 130 nhà lập pháp từ Mỹ và EU đã yêu cầu LHQ thay Al Jaber vì ông này đứng đầu công ty dầu mỏ nhà nước của UAE. Họ cho rằng ông sẽ để ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch gây ảnh hưởng lên tiến trình đàm phán.

 

Anh hùng chiến tranh Úc trước cáo buộc tội ác chiến tranh

 

Vào thứ Hai, một tòa án dân sự Úc sẽ công bố phán quyết đầy đủ cho vụ kiện phỉ báng thất bại của Ben Roberts-Smith, một quân nhân được tặng thưởng nhiều huân chương, bị ba tờ báo cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.

 

Roberts-Smith phục vụ trong Lực lượng Đặc nhiệm Không quân (SAS) của Úc từ năm 2003 đến 2013, bao gồm ở Afghanistan. Năm 2011, anh được trao tặng Thập tự Victoria, huân chương cao nhất của quân đội Úc. Nhưng những lời buộc tội về hành vi sai trái đã đeo bám anh ta. Năm 2019, Roberts-Smith kiện ba tờ báo vì cáo buộc anh giết một số người đàn ông không vũ trang ở Afghanistan. Hôm 1 tháng 6, một thẩm phán ra phán quyết các tờ báo đã xác lập “bằng chứng quan trọng” cho hầu hết các tuyên bố của họ, bao gồm hành vi bắn chết một tù nhân tàn tật và giữ chiếc chân giả làm đồ đựng beer. Phán quyết chi tiết sẽ được công bố hôm nay. Roberts-Smith luôn phủ nhận các cáo buộc.

 

Chính phủ Úc thành lập một đơn vị chống tội phạm chiến tranh vào năm 2021 sau khi một cuộc điều tra tìm thấy bằng chứng cho thấy binh lính SAS sát hại hàng chục dân thường Afghanistan. Một cựu binh SAS, Oliver Schulz, đã bị bắt vào tháng 3 và trở thành người lính Úc đầu tiên bị xét xử trong nước vì cáo buộc tội ác chiến tranh. Roberts-Smith có thể sẽ là người tiếp theo. Từ nguyên đơn trong một vụ án dân sự, anh ta có thể sớm trở thành bị đơn trong một vụ án hình sự.

 

Chuỗi ngày kinh tế buồn của Đức

 

Nước Đức đón một loạt tin xấu trong những tuần gần đây. Nền kinh tế rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật – hai quý suy giảm liên tiếp – trong tháng 5. Các số liệu về ngoại thương của tháng 4, sẽ được công bố vào thứ Hai, có lẽ cũng không mang lại nhiều niềm vui.

 

Xuất khẩu của Đức đến các nước bên ngoài EU, vốn đã được công bố, giảm 5,7% trong tháng 4 so với tháng trước đó. Và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 10,5% trong quý đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc tiếp tục tăng, với xuất khẩu ô tô từ Đức sang Trung Quốc giảm 23,9% trong quý đầu còn nhập khẩu ô tô điện từ Trung Quốc vào Đức tăng 28%.

 

Nền chính trị của đất nước cũng có vẻ kém ổn định. Sau khi tham gia vào một cuộc chiến gay gắt về đề xuất cấm bán máy sưởi chạy bằng dầu và khí đốt, ba đảng tạo nên liên minh cầm quyền hiện đang tranh cãi về việc cắt giảm ngân sách.

 

Các thách thức kinh tế chờ đón Erdogan

 

Hôm thứ Bảy, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công bố nội các mới sau khi tuyên thệ nhậm chức thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Nhóm kinh tế mới của ông dưới sự chỉ đạo của Mehmet Simsek, bộ trưởng ngân khố và tài chính, đứng trước thách thức to lớn.

 

Dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương đã cạn kiệt sau khi ngân hàng bán hàng tỷ đô la để chống đỡ cho đồng lira trong giai đoạn ông Erdogan tranh cử. Kể từ lúc ông chiến thắng vào ngày 28 tháng 5, đồng tiền này đã mất 5% giá trị so với đồng đô la Mỹ. Lạm phát theo năm đạt đỉnh 86% vào năm ngoái trước khi giảm xuống 44% hồi tháng 4, phần lớn vì nền so sánh cao và sự can thiệp của ngân hàng trung ương vào thị trường tiền tệ. Dữ liệu giá tiêu dùng được công bố vào thứ Hai sẽ cho thấy liệu nó có tăng trở lại hay không.

 

Cách dễ nhất để chế ngự lạm phát, khôi phục niềm tin vào đồng lira và lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài là tăng lãi suất. Nhưng ông Erdogan đã loại trừ khả năng làm vậy trước cuộc bầu cử. Nhiệm vụ của ông Simsek là phải thuyết phục vị tổng thống đổi ý.

 





No comments: