Tại sao
Trung Quốc đổi giọng điệu về quan hệ với Nhật Bản?
Katsuji Nakazawa
- Nikkei Asia
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/06/12/tai-sao-trung-quoc-doi-giong-dieu-ve-quan-he-voi-nhat-ban/
Bộ trưởng Quốc
phòng Trung Quốc nói quan hệ với Nhật Bản không chỉ xoay quanh các hòn đảo.
Khi các nhà lãnh đạo quân
sự Trung Quốc phát biểu tại các sự kiện ngoại giao, họ thường thể hiện sự cứng
rắn. Thường thì họ cũng không báo trước các xu hướng mới trong chính sách đối
ngoại của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh
quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản hiện tại, ngoại giao quốc phòng bất ngờ thu hút sự
chú ý.
Khi tướng Lý Thượng Phúc
(Li Shangfu), Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, gặp Bộ
trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada tại Singapore, bên lề Đối thoại
Shangri-La, ông đã có những bình luận đáng chú ý.
“Vấn đề Điếu Ngư không phải
là toàn bộ quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản,” ông nói trong bài phát biểu khai mạc,
nhắc đến Quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ
quyền. “Hai bên nên xem xét vấn đề từ một góc nhìn lâu dài và toàn diện,” ông
nói thêm.
Đối với các nhà quan sát
quan hệ Trung-Nhật trong những năm qua, bình luận của Lý rõ ràng là một sự khác
biệt so với chính sách gần đây. Việc những bình luận này được đưa ra trước sự
chứng kiến của truyền thông quốc tế càng khiến người ta phải ngạc nhiên.
Vị tướng đã tiết chế những
bình luận của mình khi ông chọn nhắc đến Đài Loan đầu tiên. “Vấn đề Đài Loan là
vấn đề nội bộ của Trung Quốc,” ông tuyên bố, bày tỏ hy vọng rằng Nhật Bản sẽ
tuân thủ 4 thông cáo chung trước đây giữa hai nước, và rằng Tokyo sẽ không gửi
“sai tín hiệu” tới lực lượng đang kêu gọi độc lập ở Đài Loan.
Nhưng việc ông coi vấn đề
Senkaku không đại diện cho toàn bộ quan hệ Trung-Nhật, cũng như đề xuất xem xét
vấn đề này từ quan điểm dài hạn, đã vượt xa những phát biểu của các nhà ngoại
giao Trung Quốc trong giai đoạn gần đây.
Một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc đi vào vùng
biển liền kề quanh Quần đảo Senkaku. Việc tàu Trung Quốc xâm nhập vào các vùng
biển này hiện đã trở nên thường xuyên. © Bộ Quốc phòng Nhật Bản
Quan điểm của chính phủ
Nhật Bản là không có “vấn đề lãnh thổ” nào giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Theo
quan điểm đó, bình luận của Lý có thể là một kỹ thuật ngoại giao khéo léo nhằm
buộc Tokyo phải thừa nhận rằng đang có tranh chấp lãnh thổ.
Bất kể chiến lược của Bắc
Kinh là gì, việc một quan chức quân sự cấp cao đưa ra một bình luận có tầm quan
trọng như vậy là điều hết sức bất thường, bởi ngoại giao với Nhật Bản là vấn đề
thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều quan trọng
là Lý Thượng Phúc là một trong bảy thành viên của Quân ủy Trung ương, cơ quan
ra quyết định hàng đầu về các vấn đề quân sự của Trung Quốc. Ủy ban này do Chủ
tịch Tập Cận Bình đứng đầu.
Có thể nói rằng Lý đang
phát biểu thay mặt cho Quân ủy Trung ương.
Nếu giả định đó là đúng,
có nghĩa là các phát biểu của Lý quan trọng hơn nhiều so với các thông điệp chống
Nhật Bản điển hình của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, và chúng mới phản ánh chính
sách thực tế. Việc Tập coi trọng quân đội và an ninh quốc gia càng nhấn mạnh điểm
này.
Khi nhìn lại, những tiếng
nói nhấn mạnh rằng vấn đề biển đảo không nên chi phối ngoại giao với Nhật Bản
thực sự đã là quan điểm dòng chính cho đến tháng 9/2012.
Nhóm người ủng hộ quan điểm
đó – những người bảo vệ chủ trương đối ngoại của cựu lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu
Bình – thường là thành viên của các viện nghiên cứu liên quan tới Bộ Ngoại giao
Trung Quốc. Họ tin rằng mình có trách nhiệm duy trì một môi trường quốc tế ổn định,
để từ đó giúp phát triển chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc hơn nữa.
Những tiếng nói đó đã bị
dập tắt sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa Quần đảo Senkaku vào tháng 9/2012 và các
cuộc biểu tình chống Nhật dữ dội đã nổ ra khắp Trung Quốc.
Biểu tình chống Nhật đã lan rộng khắp Trung Quốc vào
tháng 9/2012, sau khi Nhật quốc hữu hóa Quần đảo Senkaku.
Những người ủng hộ đường
lối cứng rắn đối với Nhật Bản bắt đầu nổi lên từ khoảng năm 2008. Được khuyến
khích bởi sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế Trung Quốc, họ khẳng định
Trung Quốc nên từ bỏ “ngoại giao nhu nhược” và bắt đầu phô trương sức mạnh quân
sự trong các cuộc đàm phán với nước ngoài.
Năm đó, Chủ tịch Hồ Cẩm
Đào đã đến thăm Tokyo và thỏa thuận với Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda về việc
cùng phát triển các mỏ khí đốt ở Biển Hoa Đông.
Nhưng phe chống Nhật đã
phản đối thỏa thuận này; về cơ bản, họ đã gạt bỏ nó hoàn toàn. Một nguồn tin
thông thạo các vấn đề nội bộ của Trung Quốc từng nói, “Nếu thỏa thuận đó được
thực hiện, quan hệ Trung-Nhật đã không căng thẳng nghiêm trọng như bây giờ.”
Sau khi phá vỡ thỏa thuận
khí đốt, những người theo đường lố cứng rắn bắt đầu coi Quần đảo Senkaku là vấn
đề chính trong quan hệ với Nhật Bản.
Kể từ đó, quan hệ tiếp tục
xấu đi. Năm 2010, một tàu đánh cá Trung Quốc đã va chạm với hai tàu Cảnh sát biển
Nhật Bản gần Quần đảo Senkaku. Hai năm sau, làn sóng biểu tình chống Nhật lan
khắp Trung Quốc sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo.
Kể từ khi Tập Cận Bình trở
thành nhà lãnh đạo tối cao, Trung Quốc thậm chí còn có thái độ hung hăng hơn đối
với Quần đảo Senkaku.
Năm 2018, Lực lượng Hải cảnh
Trung Quốc, cơ quan hành pháp trên biển chịu trách nhiệm kiểm soát các tàu của
chính phủ Trung Quốc, đã được sáp nhập vào Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân
Trung Quốc, nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương.
Năm 2021, luật Hải cảnh
Trung Quốc chính thức có hiệu lực, cho phép các tàu của chính phủ Trung Quốc sử
dụng vũ khí nếu cần thiết.
Lực lượng Hải cảnh Trung
Quốc hiện do một cựu sĩ quan hải quân đứng đầu. Các vụ xâm nhập của tàu chính
phủ Trung Quốc vào vùng biển Nhật Bản xung quanh Quần đảo Senkaku đang diễn ra
một cách thường xuyên. Những con tàu này chắc chắn được kiểm soát bởi Quân ủy
Trung ương Trung Quốc.
Lý Thượng Phúc (trái) bắt tay với người đồng cấp Nhật
Bản, Yasukazu Hamada, tại Singapore vào ngày 3/6. © Kyodo
Vậy tại sao bây giờ Bộ
trưởng Quốc phòng Trung Quốc lại quay lại với luận điệu của những người chủ
trương ôn hòa trước thời Tập Cận Bình?
Bình luận khác thường của
Lý nhiều khả năng liên quan đến tình hình quốc tế ngày càng bất lợi đối với
Trung Quốc. Việc Bắc Kinh bị cô lập đã thể hiện rõ ở Singapore, đặc biệt là khi
Nga vắng mặt.
Lý đã từ chối hội đàm với
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, vì người Mỹ vẫn duy trì lệnh trừng phạt
đối với vị tướng Trung Quốc. Hành động duy nhất được chứng kiến giữa Lý và
Austin là một cái bắt tay trước bữa tối.
Tuy nhiên, Lý đã có cuộc
gặp riêng với các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trung Quốc đang lo lắng
vì Nhật Bản và Hàn Quốc quyết định hỗ trợ thêm cho Ukraine. Việc Nhật Bản và
Hàn Quốc cải thiện mối quan hệ song phương bị rạn nứt của họ cũng là một vấn đề
mà Trung Quốc quan tâm.
Nếu Lý từ chối gặp những
người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc, thì sự cô lập sẽ càng rõ ràng hơn, nên ông
đã tránh không làm vậy.
Trong quan hệ với Nhật Bản,
tình hình có vẻ khả quan. Hai tuần trước đó, Lý và Hamada đã mở một đường dây
nóng giữa hai nước và thực sự sử dụng nó.
Lý Thượng Phúc và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd
Austin. Vẫn đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, Lý đã từ chối lời mời
tham dự một cuộc họp với Austin ở Singapore. (Nguồn ảnh: AP)
Ngay cả việc “làm ngơ” Mỹ
có lẽ cũng không nghiêm trọng như báo chí đưa tin. Đúng là Lý và Austin đã
không gặp mặt trực tiếp, nhưng hai nước được cho là đã có những liên hệ cấp thấp
hơn ở Singapore, nhằm tránh xảy ra đụng độ.
Hơn nữa, vào ngày 5/6, một
cuộc gặp cấp cao giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra tại Bắc Kinh.
Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình
Dương, đã gặp một số quan chức Trung Quốc, bao gồm Thứ trưởng Ngoại giao Mã
Triêu Húc. Các cuộc gặp đều được mô tả là tích cực.
Dù Trung Quốc không thể
nhượng bộ đối với vấn đề Đài Loan, nhưng quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ, Nhật
Bản, và Hàn Quốc có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của nước này.
Rốt cuộc, kinh tế là một trong những trụ cột quan trọng nhất của an ninh Trung
Quốc.
Trong lúc Trung Quốc tìm
cách ngăn chặn tổn hại kinh tế, ngoại giao quốc phòng dường như đã đóng một vai
trò quan trọng. Mỹ đương nhiên là vấn đề số 1 đối với Trung Quốc, nhưng Nhật Bản
cũng là một phần trong chính sách của Mỹ đối với Bắc Kinh.
Người Nhật đang cẩn trọng
dõi theo hoạt động ngoại giao quốc phòng này. Những thay đổi rất nhỏ trong ngôn
ngữ ngoại giao có thể gợi ý về một sự điều chỉnh chính sách, nhưng Tokyo không
thể chắc chắn về điều đó. Chẳng hạn, khó có khả năng các tàu Trung Quốc giảm
đáng kể các hành động khiêu khích xung quanh Quần đảo Senkaku.
Tạm thời, hãy cứ chờ xem.
-----------------------
Katsuji
Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp
cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên
thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã
nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Chinese general signals new strategy with
Senkaku remarks,” Nikkei
Asia, 08/06/2023
No comments:
Post a Comment