Tại sao Tập Cận Bình bỗng lo lắng
về an ninh lương thực của Trung Quốc?
Katsuji Nakazawa - Nikkei Asia
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
Bắc Kinh hiện đang đảo ngược chính sách để có nhiều
trang trại hơn rừng cây.
“Thối lâm hoàn canh” (Trả lại đất rừng để canh
tác) là một khẩu hiệu thịnh hành trên mạng internet Trung Quốc dạo gần đây. Các
video clip về công viên và rừng bị biến thành đất nông nghiệp đang lan truyền một
cách chóng mặt.
Đối với những người biết đến quá khứ gần đây của
Trung Quốc, đó là một thực tế bị đảo ngược. Chính sách cơ bản của chính
phủ trong hai thập niên qua là hoàn toàn ngược lại: “Thối canh hoàn lâm” (Biến
đất canh tác thành rừng).
Vào thập niên 1990, học giả người Mỹ Lester
Brown đã đăng một bài trên tạp chí World Watch với tiêu đề Who Will
Feed China? (Ai sẽ nuôi Trung Quốc?) bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu
lương thực ở nước này.
Bắc Kinh đã nhanh chóng phản ứng, cố gắng nâng
cao tỷ lệ tự túc lương thực của đất nước. Một chiến dịch nhằm tăng mạnh sản lượng
lương thực đã được triển khai dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng lúc bấy giờ là Lý Bằng.
Tuy nhiên, đến năm 1998, khi nhà cải cách Chu
Dung Cơ lên làm thủ tướng, tình hình đã thay đổi.
Do những phản ứng thái quá trước lời cảnh báo
của Brown, Trung Quốc đã tăng sản lượng nông nghiệp hơn mức cần thiết và dẫn đến
tình trạng cung vượt cầu. Vì thế, chính phủ Trung Quốc quyết định chuyển sang
chính sách mới là “Thối canh hoàn lâm.”
Vấn đề môi trường cũng liên quan, bởi khi đó
Trung Quốc cần ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa.
Chính sách này cũng là một phần trong loạt
chính sách công nghiệp và xã hội nhằm di chuyển người dân từ các làng nông nghiệp
quá tải dân cư trong nội địa đến các khu công nghiệp rộng lớn nằm gần các thành
phố ven biển.
Một chiến dịch biến đất canh tác kém hiệu quả thành rừng đã bắt đầu vào
khoảng năm 2000 ở các vùng đất phía tây Trung Quốc: Những người lính đào hố trồng
cây trên sườn núi, ngoại ô Lan Châu, tỉnh Cam Túc, vào năm 2000.
“Thối canh hoàn lâm” sau đó được đẩy mạnh dưới
thời Tập Cận Bình, người chủ trương biến chiến dịch phát triển xanh này thành một
dấu hiệu tiêu biểu cho thời đại của ông. Việc nhấn mạnh vào môi trường cũng phù
hợp với xu hướng toàn cầu.
Nhưng tất cả đã thay đổi trong những tháng gần
đây. Như chính lời Tập, thế giới đang chứng kiến “những thay đổi lớn chưa từng
có trong một thế kỷ.”
Các học giả và trí thức Trung Quốc đã viết
trên mạng xã hội rằng việc chuyển hướng sang tự sản xuất lương thực đã được
kích hoạt bởi các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine và liên
minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo nhằm chống lại Trung Quốc. Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương, một nỗ lực của 14 quốc gia thành viên nhằm xây dựng chuỗi
cung ứng ít phụ thuộc vào Trung Quốc, cũng đang khiến các nhà hoạch định chính
sách Trung Quốc phải bận tâm.
Vấn đề lớn nhất là chiến tranh Ukraine. Trung Quốc
hiện đang phụ thuộc vào lượng bắp ngô nhập khẩu từ cường quốc nông nghiệp
Ukraine. Cùng với gạo và lúa mì, ngô là một trong ba loại ngũ cốc chính, và nó
không chỉ là lương thực cho người, mà còn là thức ăn cho chăn nuôi. Ở Trung Quốc,
ngô nhập khẩu được sử dụng rộng rãi để chăn nuôi lợn.
Ukraine từng chiếm hơn 80% tổng lượng ngô nhập
khẩu của Trung Quốc. Nhưng lượng nhập khẩu từ Mỹ cũng đã tăng mạnh, theo một thỏa
thuận đạt được với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 70% lượng ngô từ
Mỹ và 30% từ Ukraine. Năm đó, nhập khẩu đã đáp ứng hơn 10% nhu cầu ngô của
Trung Quốc, nhưng con số này đang tăng lên.
Một người bán thịt đang xẻ thịt lợn tại một khu chợ ở Bắc Kinh. Ngô nhập
khẩu được sử dụng rộng rãi để làm thức ăn chăn nuôi lợn ở Trung Quốc. © Reuters
Ngoài ra, người Trung Quốc cũng thích ăn hạt
hướng dương. Một lượng đáng kể hạt hướng dương đã được nhập khẩu vào Trung Quốc
từ Ukraine, được dùng cả để chiết xuất dầu. Cánh đồng hướng dương của Ukraine
đã trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc nhờ bộ phim Sunflower (Hoa hướng
dương), công chiếu năm 1970, do Sophia Loren đóng vai chính, và là bộ phim
phương Tây đầu tiên được quay ở Liên Xô.
Theo truyền thông địa phương, tổng lượng nhập
khẩu ngô của Trung Quốc trong năm 2022 đã giảm 27%.
Đó là một đòn đánh gấp ba vào các nhà nhập khẩu.
Một số hợp đồng của Mỹ hết hạn vào năm 2022. Nhập khẩu từ Ukraine giảm mạnh do
cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Tệ hơn, giá ngũ cốc quốc tế đã tăng hơn gấp
đôi.
Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới
vào năm 2001, Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhờ
đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp.
Đồng thời, họ cũng từ bỏ việc trồng đậu nành,
loại nông sản mà họ không còn có thể sản xuất với mức giá cạnh tranh. Trung Quốc
hiện dựa vào nhập khẩu để đáp ứng 85% tổng nhu cầu đậu nành của mình, và Mỹ cũng
là nhà cung cấp hàng đầu.
Trung Quốc khẳng định tỷ lệ tự túc lương thực
của họ đủ cao. Nhưng lại có một vấn đề khác nảy sinh: Khi người dân Trung Quốc
kiếm được nhiều tiền hơn, chế độ ăn uống của họ dần bị Tây hóa và lượng thịt nhập
khẩu đã tăng vọt.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Thủ tướng Nhật Bản Fumio
Kishida đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử ở
Hiroshima vào ngày 21/5.
Quay trở lại với ngô. Theo báo cáo của truyền
thông Trung Quốc, ba nguồn nhập khẩu ngô lớn nhất của nước này trong quý đầu
tiên của năm nay lần lượt là Mỹ, Brazil, và Ukraine.
Gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr
Zelenskyy và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã đến Hiroshima, Nhật
Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7, nhưng họ không gặp nhau.
Ngoài quan điểm khác biệt về cuộc chiến
Ukraine, hai nước còn là đối thủ trên cương vị những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn
của thế giới.
Quyết định tăng sản lượng lương thực của Trung
Quốc bắt đầu hiện rõ vào tháng 3, khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường
trình bày báo cáo công tác của chính phủ tại phiên họp thường niên của Đại hội
Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc. Lý tuyên bố rằng nếu có
thể đảm bảo diện tích đất canh tác, Trung Quốc sẽ tăng năng lực sản xuất ngũ cốc
lên 50 triệu tấn.
Để làm được điều đó, nhiều khu rừng mới sẽ phải
được khai hoang làm đất canh tác.
Tìm kiếm nông dân lại là một vấn đề khác, và
nó đã dẫn đến chính sách đưa những người trẻ thất nghiệp ở khu vực thành thị đến
các làng nông nghiệp, một sự đảo ngược của cuộc di cư diễn ra vào đầu thế kỷ
21.
Những nỗ lực này đang được tiến hành và diện
tích đất nông nghiệp đang tăng nhanh trên khắp Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Thái Kỳ
(trái) tham quan cánh đồng lúa mì ở tỉnh Hà Bắc vào ngày 11/05. (Ảnh chụp màn
hình từ CCTV)
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Tập
Cận Bình từng trải qua bảy năm thời thiếu niên ở tỉnh Thiểm Tây, miền tây Trung
Quốc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, ông trở thành quan chức
hàng đầu của huyện Chính Định, một vùng nông thôn ở tỉnh Hà Bắc.
Tập hiểu rõ tầm quan trọng của nông nghiệp, đặc
biệt là sản xuất lúa mì và ngô. Khi là quan chức hàng đầu của Chính Định vào
năm 1985, ông đã chọn tiểu bang Iowa, vựa lúa mì của Mỹ, làm điểm đến cho chuyến
thị sát nước ngoài đầu tiên của mình.
Ngày 11/05 vừa qua, Tập đã thị sát một cánh đồng
lúa mì ở Hà Bắc, gần Bắc Kinh. Ông được tháp tùng bởi Thái Kỳ, một trong bảy
thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng.
Thái hiện giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung
ương Đảng, đồng thời cũng chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia. Chuyến thị sát
cánh đồng lúa mì Hà Bắc của Tập và Thái đã phản ánh ưu tiên mà Tập dành cho an
ninh lương thực.
Xét cho cùng, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều
vào Mỹ về lương thực – và tình trạng này không thể thay đổi trong một sớm một
chiều, ngay cả khi Trung Quốc đẩy nhanh hơn nữa việc khai hoang rừng làm đất
nông nghiệp và tăng sản lượng ngũ cốc.
Tập thường nói về sự sẵn sàng chiến đấu. Nhưng
nếu căng thẳng bùng phát ở Eo biển Đài Loan, liệu Trung Quốc có sẵn sàng chiến
đấu? Liệu họ có thể đảm bảo đủ lương thực để duy trì lực lượng suốt cuộc chiến
trường kỳ hay không? Nguyên nhân lớn nhất khiến Tập Cận Bình lo ngại có thể sẽ
còn kéo dài.
----------------------
Katsuji Nakazawa là nhà báo
và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy
năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng
Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
.
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “For Xi, China’s diet is too dependent on U.S., Ukraine,” Nikkei Asia, 01/06/2023
No comments:
Post a Comment