Wednesday, June 21, 2023

RỦI RO CAO Ở KHU VỰC TÂY NGUYÊN VIỆT NAM (Zachura Abuza, RFA)

 



Rủi ro cao ở khu vực Tây Nguyên Việt Nam

Bình luận của Zachary Abuza
2023.06.21

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/high-stakes-in-vietnams-central-highlands-06212023142405.html

 

Mặc dù đất đai và tự do tôn giáo vẫn là trung tâm của những bất bình của người Thượng nhưng cũng có những nguyên nhân khác.

 

Ngày 11/6, một nhóm người Thượng ở vùng Tây Nguyên Việt Nam tấn công vào trụ sở của hai UBND xã bằng vũ khí nhỏ và bom xăng (cocktail molotov), giết chết bốn công an, hai cán bộ xã và ba thường dân. Những kẻ tấn công đã làm bị thương hai công an khác và đốt trụ sở  hai xã. Điều này đã dẫn đến những phản ứng tức thời và rầm rộ của chính phủ Việt Nam.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/high-stakes-in-vietnams-central-highlands-06212023142405.html/@@images/1b48619f-9046-4361-8806-7b796f397be6.jpeg

Các nhà chức trách tìm kiếm ở khu vực gần với các đồn công an ở tỉnh Đắk Lắk - nơi bị một nhóm vũ trang tấn công vào ngày 11/6/2023 trong một bức ảnh lấy từ một một trang mạng xã hội ủng hộ Chính phủ   (Facebook Thông tin Chính phủ)

 

Vào thời điểm bài báo này được viết, đã có 74 người bị bắt trong đó có một người được xem là một trong những kẻ chủ mưu của nhóm tấn công. Hai người đã ra đầu thú và chính phủ Việt Nam hứa khoan hồng đối với những những người khác nếu ra đầu thú. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/high-stakes-in-vietnams-central-highlands-06212023142405.html/2-printscreen.jpeg/@@images/90bbe1d9-f225-4762-82e6-a420d6f0f645.jpeg

Người Thượng ném đá trong một cuộc biểu tình ở tỉnh Đắk Lắk - ảnh chụp màn hình video quay 10/4/2004. Ảnh: UBND tỉnh Đắk Lắk/Reuters

 

Cho đến nay, hầu hết thông tin về các vụ việc này đều do phía chính phủ cung cấp, vì vậy rõ ràng có sự không khách quan trong việc đưa tin. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra rất nhiều thông tin một cách có lựa chọn và cũng đảm bảo rằng những thông tin này được báo chí nhà nước đăng tải.

 

 Đảng Cộng sản Việt Nam ngay lập tức cử Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang tới nơi xảy ra vụ việc để thể hiện sự kiểm soát của chính phủ - một dấu hiệu cho thấy sự bất an của nhà cầm quyền.

 

Những bất bình chính đáng

 

Bất ổn không phải là điều mới mẻ đối với Đắc Lắk và vùng Tây Nguyên nhưng bạo lực có sử dụng súng rất hiếm khi xảy ra ở Việt Nam. Nhưng bạo lực đã không xuất hiện ở khu vực này trong một thời gian dài, vì vậy người ta đặt câu hỏi: Vì sao là bây giờ? Điều gì làm nảy sinh sự bất ổn mới nhất này?

 

Có một số nguyên nhân cơ bản cho bất kỳ cuộc bạo loạn nào liên quan đến người Thượng -  vốn là một tập hợp khoảng 30 bộ lạc khác nhau  ở Tây Nguyên.

 

Bắt đầu từ những năm 1990, chính phủ Việt Nam bắt đầu khuyến khích người Kinh di cư đến khu vực này để xây dựng các nông trường cà phê và các doanh nghiệp nông nghiệp khác.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/high-stakes-in-vietnams-central-highlands-06212023142405.html/3-sung-truong-sau-agribussiness.jpeg/@@images/94e6eeb1-6d60-4b60-b9bf-fd069769e640.jpeg

Nhân viên Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ hướng dẫn các chiến binh người Thượng cách sử dụng súng trường an toàn trong một buổi huấn luyện vào tháng 7/1962. Ảnh: Horst Faas/Associated Press

 

Giờ đây Việt nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, xuất khẩu hơn một triệu tấn cà phê trong năm 2022 và phần lớn trong số đó được trồng ở Tây Nguyên.

 

Nhưng điều này đã đặt người Kinh ở đây vào vị thế mâu thuẫn với người Thượng – những người vốn canh tác nông nghiệp theo kiểu du canh du cư: đốt rừng, làm rẫy trong một vài năm và rồi rời đi một vùng đất mới. Một cách đột ngột, đất đai trở thành sở hữu của những người Việt mới đến định cư và người Thượng đã không thể làm nông nghiệp theo cách truyền thống của họ vốn kém hiệu quả và gây xuống cấp môi trường trường.

 

Ngoài những lợi ích kinh tế, chính phủ còn lợi ích chính trị khi khuyến khích người Kinh đến định cư ở khu vực này.

 

Người Thượng đã có mối quan hệ thân thiết với cả chính quyền thực dân Pháp cũng như những người Mỹ. Các nhóm thiểu số bị đàn áp thường tìm kiếm sự bảo vệ từ đa số dân chúng. Trong Chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã dựa vào người Thượng và người Hmong ở Lào để ngăn chặn việc di chuyển của quân đội và vật tư của Bắc Việt dọc theo Đường mòn Hồ Chí Minh.

 

Và Hà Nội không bao giờ tha thứ cho họ về điều này.

 

Mặc dù người Thượng thường mô tả cuộc đấu tranh của họ là cuộc đấu tranh chống cộng sản nhưng cần lưu ý rằng chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 cũng đã đối xử tệ với họ và tin rằng họ đã tiếp tay cho người Bắc Việt sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh. Các quan chức Chính phủ miền Nam Việt Nam có cùng sự ngờ vực và thái độ trịch thượng đối với người Thượng giống như đối thủ của họ ở Hà Nội.

 

Ngoài chính trị, đơn giản là người Kinh đã có nhiều hành xử trịch thượng đối với các bộ lạc nghèo được gọi chung là người Thượng. Đối với người Thượng, đây chỉ đơn giản là một hình thức của chủ nghĩa thực dân nội bộ. Thật vậy, một số người Thượng thậm chí không công nhận chủ quyền của người Việt.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/high-stakes-in-vietnams-central-highlands-06212023142405.html/3-nguoi-thuong-trong-rung-sau-cong-nhan-chu-quyen.jpeg/@@images/98c16792-183d-446d-87b2-85ecb05b1348.jpeg

Người Thượng xuất hiện trong rừng rậm phía Đông Bắc Ban Lung, tỉnh Ratanakiri ở Đông Bắc Campuchia ngày 22/7/ 2004. Ảnh: Adrees Latif/Reuters

 

Với Hà Nội, sự thù địch và ngờ vực đó càng trở nên phức tạp hơn trước thực tế nhiều người Thượng là những tín đồ Tin Lành. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cánh tay quan trọng của Đảng Cộng sản chịu trách nhiệm về các tổ chức quần chúng và tôn giáo, chỉ công nhận sáu tôn giáo đồng thời kiểm soát hoạt động và nhân sự của những tôn giáo này.

 

Nhiều hội thánh Tin lành [độc lập] tiếp tục không được công nhận và vì vậy họ trở thành bất hợp pháp. Thực tế nhiều hội thánh của người Thượng nhận được sự hỗ trợ của các nhóm tôn giáo ở Mỹ và những nơi khác làm gia tăng sự lo lắng, hoang tưởng của Hà Nội.

 

Đất đai và tự do tôn giáo là trung tâm của những sự bất bình của người Thượng nhưng vẫn còn những lý do khác nữa.

 

Tây Nguyên vẫn là một vùng nghèo của đất nước, tụt hậu so với các vùng miền khác về các chỉ số phát triển con người, cơ hội giáo dục và sức khỏe cộng đồng. Mặc dù Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 8% trong năm 2022 và là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, đón nhận hơn 22,4 tỷ đô la tiền vốn đầu tư nhưng người ta không nhìn thấy sự thịnh vượng đó ở Tây Nguyên.

 

Và mặc dù không nên theo thuyết âm mưng nhưng chúng ta cần cân nhắc rằng tình trạng bất ổn xảy ra vào thời điểm khi quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam chuẩn bị được nâng cấp lên thành "quan hệ đối tác chiến lược". Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đồng ý về nguyên tắc rằng sẽ thăm Washington vào mùa hè này và Tổng thống Biden dự kiến sẽ đến Việt Nam vào mùa thu năm nay.

 

Không phải tất cả mọi người trong các cấp đảng và các cơ quan an ninh quốc gia vốn bảo thủ và bài ngoại của Việt Nam đều vui mừng trước mối quan hệ ngày càng sâu sắc này. Một cuộc đàn áp mạnh tay nhiều khả năng sẽ khiến Quốc hội Mỹ soi xét kỹ lưỡng hồ sơ nhân quyền, các hoạt động tấn công các nhà báo, nhà hoạt động môi trường độc lập cũng như việc kiểm soát truyền thông xã hội vốn đã rất tồi tệ của Việt Nam.

 

Những phản ứng nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ cho đến nay vẫn chưa gây tai tiếng cho Bộ Công An và Bộ trưởng Tô Lâm - người ngay lập tức đã thăng chức  cho bốn sĩ quan công an bị chết đồng thời nhanh chóng bồi thường cho thân nhân của họ cũng những sĩ quan bị thường.

 

Chúng ta biết gì về những cuộc tấn công này?

 

Cho đến nay chúng ta biết rất ít về động cơ của những cuộc tấn công này cũng như tổ chức của nhóm tấn công cũng như mối quan hệ của họ với nước ngoài nếu có. Các nhóm người Thượng ở Mỹ đã khẳng định không liên quan tới biến cố này.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/high-stakes-in-vietnams-central-highlands-06212023142405.html/4-cho-o-cpc-phu-nhan-lien-quan-toi-tan-cong.jpeg/@@images/8988073f-6a58-447e-873c-35c6889cc853.jpeg

Những người Thượng chạy trốn khỏi Tây Nguyên của Việt Nam chờ đợi tại Senmonorom, tỉnh Mondulkiri của Campuchia, giáp biên giới Việt Nam. Ảnh do Reuters chụp ngày 15/5/2001

 

Người phát ngôn Bộ Công an nói rằng nhóm tấn công đã hành động “một cách có tổ chức, manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính”. Những người bị tình nghi được cho là “đã nhận được chỉ đạo nếu gặp cán bộ, công an địa phương xã thì giết chết, lấy tài sản, súng đạn của họ”.

 

Theo báo chí Nhà nước, ba trong số những người đàn đông bị bắt khai rằng họ đã được hứa trả những số tiền lớn để giết cán bộ.

 

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra rất ít bằng chứng ngoài lời khai của các cá nhân bị bắt nhưng với truyền thống ép cung của Việt Nam, đây không phải là bằng chứng đáng tin cậy.

 

Chính phủ sẽ có những phản ứng mạnh tay. Một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản lưu ý:

 

Các cấp chính quyền địa phương đã nhanh chóng thực hiện những biện pháp quyết liệt để trấn áp cuộc tấn công, ổn định tình hình, hỗ trợ các gia đình có người hy sinh và bị thương và kêu gọi người dân địa phương bình tĩnh và thực hiện theo những chỉ dẫn của chính quyền để đảm bảo an toàn.

 

Truyền hình Nhà nước phát sóng hình ảnh Bộ Công an triển khai các lực lượng với vũ khí là súng trường bắn tỉa. Họ rõ ràng không xem nhẹ vụ việc này.

 

Cùng với những phản ứng trên diện rộng, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được huy động đến huyện Cư Kuin để đảm bảo an ninh - một chức năng mà quân đội bấy lâu tránh thực hiện mặc dù điều này ít xảy ra ở Tây Nguyên hơn là ở những vùng mà người Kinh chiếm đa số.

 

Chính phủ Việt Nam cũng ngay lập tức nhận được sự hợp tác của Chính phủ Campuchia thông qua việc thắt chặt kiểm soát biên giới.

 

Chính phủ Việt Nam cũng nhanh chóng thực hiện việc kiểm soát thông tin, cho đến nay đã phạt nặng đối với năm người chia sẻ thông tin sai sự thật trên Facebook về các cuộc tấn công này. Chính phủ đã tăng cường sử dụng tiền phạt dân sự thay vì thi hành án hình sự để kiểm soát mạng xã hội với hy vọng rằng khoản tiền phạt 35,5 triệu đồng (1.510 đô la Mỹ) đủ để ngăn chặn các thảo luận trực tuyến.

 

Sẽ có thêm nhiều thông tin về các cuộc tấn công này và động cơ của những người tham gia nhưng có một điều chắc chắn rằng bất cứ thứ gì được truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải đều có lý do của nó. Trong khi Chính phủ Việt Nam có toàn quyền thúc đẩy trật tự và luật pháp, họ từ lâu đã phớt lờ những bất bình chính đáng của người dân tộc thiểu số và sẽ chuyển từ việc kiểm điểm bản thân sang đổ lỗi cho các lực lượng nước ngoài.

 

__________

* Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.

 

 

---------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Chính sách “Đại đoàn kết dân tộc” của Việt Nam: Nói một đằng làm một nẻo…

·        Vụ Đắk Lắk: đưa tin kiểu truyền thông Nhà nước sẽ khoét sâu hận thù trong dân

·        Một nhóm Tín đồ Tin lành Tây Nguyên liên tục bị ngăn cản thực hành tôn giáo

·        Chính quyền VN hình sự hóa hoạt động của các tổ chức Tin Lành ở Tây Nguyên để xoá sổ

·        Phận người sắc tộc Tây Nguyên (Phần 1): Bóng ma FULRO và niềm tin tôn giáo

 

 




No comments: