“PHÂN
RÃ QUYỀN LỰC” ĐỂ GIẢI BÀI TOÁN NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA
Thanh tra EVN có thể giúp
tìm ra một phần sự thật về hoạt động của EVN, biết được sự lỗ, lãi của EVN,
cũng như câu trả lời về có tăng giá điện để bù lỗ cho EVN hay không? Nhưng
thanh tra EVN sẽ không đưa ra được lời giải cho các bài toán quan trọng như: Bao
giờ thì không còn bị cắt điện? Bao giờ người mua được lựa chọn nhà cung ứng điện
với giá thành hợp lý? Bao giờ thì hệ thống điện đáp ứng các tiêu chí môi trường?
Bài toán đảm bảo năng lượng
cho quốc gia là bài toán phức tạp mà nước nào cũng phải đối mặt. Vì là bài toán
chung cho mọi quốc gia nên có thể tìm thấy nhiều điểm chung trong các phương thức
tiếp cận. Sự khác biệt phần nhiều phụ thuộc vào mức độ các dạng tài nguyên và
trình độ công nghệ của mỗi nước. Bởi vậy, đối với các quốc gia chậm phát triển,
thì hệ thống điện của các nước tiên tiến luôn là những mẫu hình tham khảo quý
báu.
Muốn giúp cho EVN và các
công ty điện lực nhà nước thôi lỗ, muốn cho điện không bị cắt vào giờ cao điểm,
muốn có giá điện hợp lý, muốn cho năng lượng tái tạo được sử dụng tối đa, thì
phải có cách tiếp cận khác.
Đặt bài toán sai thì dẫn
đến lời giải sai. Nên điều đầu tiên là phải đặt bài toán đúng.
1. PHÂN VÙNG NĂNG LƯỢNG VÀ CHIA NHỎ BÀI TOÁN NĂNG
LƯỢNG QUỐC GIA THÀNH CÁC BÀI TOÁN NĂNG LƯỢNG ĐỊA PHƯƠNG
Nước ta, trên thực tế,
đang đang đeo đuổi sự quản trị quốc gia tập trung, dù không ngừng đề nghị các
nước công nhận nền kinh tế thị trường.
Sự kiên định này, đưa đến
hậu quả cụ thể trong ngành điện, là xây dựng hệ thống điện quốc gia tập trung,
cung cấp điện quốc gia theo chương trình tập trung từ trung ương. Sự độc quyền
của EVN trong ngành điện là sản phẩm tất yếu của sự tập trung quyền lực trung
ương.
Nhưng dẫu có muốn tập
trung quyền lực, thì cũng phải ngó đến các nguyên lý khoa học. Để tìm ra lời giải
tối ưu cho những bài toán lớn phức tạp, cách tiếp cận phổ quát là phân rã bài
toán lớn ra nhiều bài toán nhỏ để tìm lời giải tối ưu địa phương cho các bài
toán cục bộ. Phát triển hệ thống điện nước ta cũng phải đi theo cách tiếp cận
này.
Nghĩa là thay vì đặt bài
toán phải cung cấp điện trên toàn quốc bằng một loạt các bài toán phải cung cấp
điện cho từng vùng. Hãy chia ra nhiều vùng năng lượng. Mỗi vùng năng lượng với
những ưu thế về tiềm năng các thể loại năng lượng của vùng đó sẽ có một hệ thống
điện phù hợp.
Vùng năng lượng, không
đơn thuần là các yếu tố địa lý, mà còn là dân số, vai trò, và tầm quân trọng.
Như vậy, các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội tự mình là một vùng năng
lượng. Các tỉnh thành lớn khác, hoặc một mình, hoặc liền kề nối tiếp nhau cũng
có thể tạo nên một vùng năng lượng.
Nếu phân rã ra như vậy,
thì hệ thống điện, bao gồm cơ cấu các loại năng lượng và công suất, của khu vực
Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ hay Bắc Bộ, TP Hồ
Chí Minh hay Hà Nội sẽ rất khác nhau.
Lợi ích của sự phân rã rất
rõ ràng:
- Phân rã ra như vậy thì
mới có lời giải tối ưu cục bộ, thoả mãn cho địa phương. Mỗi địa phương có lời giải
thoả đáng thì toàn quốc có lời giải thoả đáng. Để bài toán lớn toàn quốc, chẳng
những đau đầu, mà không bao giờ tìm ra lời giải thoả đáng.
- Phù hợp với đặc thù. Tận
dụng được các ưu thế địa phương, nhất là tiềm năng các thể loại năng lượng.
- Huy động được trí tuệ
và vật lực trong vùng. Không cồng kềnh. Phát triển nhanh.
2. TRAO QUYỀN CHỦ ĐỘNG CHO ĐỊA PHƯƠNG GIẢI QUYẾT
BÀI TOÁN NĂNG LƯỢNG ĐỊA PHƯƠNG
Một bộ óc suy nghĩ không
bằng nhiều bộ óc cùng suy nghĩ. Bài toán cung cấp điện toàn quốc không nên để tập
trung cho Bộ Công Thương quyết định mà hãy san sẻ trách nhiệm cho các địa
phương tham gia quyết định. Nếu tự chịu trách nhiệm cho hệ thống điện của riêng
mình, chắc chắn TP HCM sẽ có kế hoạch đầu tư nhà máy điện và xây dựng hệ thống
điện khác hiện nay. Thủ đô Hà Nội cũng phải trở thành một vùng năng lượng với
trách nhiệm lớn hơn. Sao không thể là Trung ương và địa phương cùng làm? Sao Hà
Nội không thể tự đầu tư nhà máy điện để không còn phải chịu cảnh cắt điện như
hiện thời?
Nếu phân quyền cho địa
phương, thì đã không có hiện tượng đầu tư dồn dập điện mặt trời vào cùng một
khu vực như vừa qua. Vì trước khi đầu tư, nhà đầu tư phải biết là chỉ phục vụ
được cho ai? Và muốn bán ra ngoài khu vực thì phải giải quyết bài toán truyền tải
điện.
3. CƠ CẤU NĂNG LƯỢNG THEO VÙNG
“Nợ trả dần, cháo nóng
húp vòng quanh”. Khi có ít thì phải san sẻ. Việc xây đường 500 kv Bắc Nam năm
1992-1994 để đưa điện từ Bắc vào Nam là dễ hiểu. Nhưng phát triển thì phải theo
‘lý thuyết phục vụ đám đông’, vùng nào phục vụ vùng đó, mới là tối ưu. Giống
như siêu thị phục vụ cư dân tại chỗ, điện sản xuất ở đâu thì phục vụ vùng đó, mạng
lưới điện cục bộ phát triển, và các vùng nối với nhau thành một hệ thống trên
toàn quốc. Địa hình Việt Nam dài Bắc Nam mà hẹp Đông Tây, đã hết thời xây đường
dây 500 kv để chuyển điện từ nhà mấy điện NLG Bạc Liêu, Long An, Nhơn Trạch ra
đồng bằng Bắc bộ.
Hiện nay, sản lượng điện
cả nước năm 2022 là 268,4 tỷ kwh, với dân số 99 triệu thì bình quân khoảng 2
711 kwh/người/năm. Trong khi đó, bình quân của Hoa Kỳ là 11 731 kwh/người/năm
(3930 tỷ kwh/335 triệu người). Nhu cầu điện tiêu dùng của Việt nam rồi sẽ còn
tăng gấp nhiều lần hiện nay. Nếu lấy toàn bộ công suất điện của cả nước hiện có
để phục vụ riêng cho miền Bắc hay miền Nam trong tương lai, đều không thể đủ.
Cho nên, chiến lược phát triển điện, là vùng nào phục vụ vùng đó. Quy hoạch xây
dựng nhà máy điện cũng theo chiến lược đó. Chứ không phải là chuyển điện mặt trời
từ miền Nam ra miền Bắc, hay chuyển thuỷ điện từ miền Bắc vào miền Nam.
Bởi thế, tối ưu cục bộ là
chiến lược “tế bào” trong quy hoạch điện. Nam Bộ và Nam Trung Bộ, sẽ dựa chủ lực
vào điện mặt trời, điện gió, và nhiệt điện khí. Bắc Bộ dựa vào thuỷ điện, điện
gió, nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời (ở mức độ thấp hơn). Khu vực miền
Trung, Tây Nguyên sẽ phụ thuộc tương đối đồng đều vào năng lượng tái tạo, thuỷ
điện và nhiệ điện khí. Về lâu dài là điện thuỷ triều trải dài theo bờ biển.
4. KHÔNG XÂY DỰNG MỚI NHIỆT ĐIỆN THAN
Điều lạ lùng là trong quy
hoạch điện năm 2021-2030 của Điện VIII vẫn kiên trì đưa vào xây dựng 11 nhà máy
nhiệt điện than.
Nhiệt điện khí, ít ô nhiễm
hơn nhiệt điện than. Về giá thành xây dựng, nhiệt điện khí rẻ hơn nhiệt điện
than. Tại châu Á thì trung bình suất đầu tư nhiệt điện khí là 0,757 triệu
USD/MW, còn nhiệt điện than siêu tới hạn là 1,295 triệu USD/MW. Tại Việt Nam,
suất đầu tư nhiệt điện khí là 0,810 triệu USD/MW, nhiệt điện than cận tới hạn
là 1,560 triệu USD/MW, và nhiệt điện than siêu tới hạn là 1,576 triệu USD/MW.
Tính trung bình, suất đầu tư điện than đắt gấp 1,8 lần suất đầu tư điện khí.
Một ưu điểm đặc biệt quan
trọng khác của nhiệt điện khí mà nhiệt điện than không có được là cho phép sử dụng
tối đa điện mặt trời vào các thời điểm khai thác được và nhanh chóng thay thế
điện mặt trời khi không thể khai thác vào tối và đêm. Nhiệt điện than không có
khả năng này.
Thế giới từ bỏ nhiệt điện
than, không biết tại sao Việt Nam lại tiếp tục ngược đường với thế giới. Hay là
là thói quen ‘một mình một đường’?
5. "PHÂN RÃ QUYỀN LỰC"
Đeo đuổi một hệ thống điện
lực kế hoạch hoá trung ương là đi ngược với quy luật kinh tế thị trường. Hãy
theo khoa học mà phân rã quyền lực cho địa phương, đến từng cá thể, để tối ưu
hoá mọi hoạt động.
Sự sợ hãi mất quyền lực,
không riêng trong ngành điện, là gông cùm sự phát triển của đất nước. Sự kiên
trì quyền lực trung tâm trong quản trị đất nước, không mang đến lợi lộc gì,
ngoài tai hoạ.
Để giải quyết những vấn đề
lớn cần những người không tầm thường. Để “phân rã quyền lực”, “phân rã vùng
năng lượng”, chấm dứt cảnh cắt điện, cần những nhà lãnh đạo tầm cỡ như cố thủ
tướng Võ Văn Kiêt.
HÌNH :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=2999183006881776&set=a.225605000906271
.
No comments:
Post a Comment