“Đội
tàu trên giấy” của Mông Cổ đang giúp Nga né các lệnh trừng phạt
Elisabeth
Braw - Foreign
Policy
Nguyễn Thị Kim Phụng,
biên dịch
Một quốc gia không giáp biển đang giúp mang lại
cho các quốc gia khác một lựa chọn thuận tiện trên biển.
Mông Cổ là quốc gia không giáp biển lớn thứ hai thế
giới. Tuy nhiên, trên giấy tờ, nước này có đến hơn 3.000 con tàu. Đất nước Bắc
Á này đã thành lập một cơ quan đăng ký tàu biển, mà giống như cơ quan của các
quốc gia khác, chuyên lợi dụng các quy tắc sơ sài của ngành vận tải biển, nay
trở thành lựa chọn ưa thích của một nhóm chủ tàu đáng ngờ.
Những thập niên sau năm 1920 – thời điểm mà một số
công ty Mỹ bắt đầu treo cờ Panama trên tàu của mình để có thể phục vụ rượu cho
hành khách – là giai đoạn mà các cường quốc hàng hải tầm trung như Panama,
Liberia, và Quần đảo Marshall thiết lập khái niệm “cờ thuận tiện” (flag of
convenience), cho phép các công ty vận tải từ bất kỳ quốc gia nào đăng ký tàu của
họ tại các nước này. Các quốc gia cho phép cờ thuận tiện sẽ thu được lợi nhuận,
trong khi các công ty vận tải có thể né tránh các quy tắc và quy định phiền phức
của đất nước họ. Ngày nay, Panama, Liberia, và Quần đảo Marshall là ba quốc gia
vận tải biển hàng đầu thế giới tính theo trọng tải toàn phần.
Giờ đây, Mông Cổ đang thu hút nhiều khách hàng, đặc
biệt là các công ty vận tải hàng hóa Nga bị trừng phạt. Trong ngành vận tải biển,
Mông Cổ là một trong những quốc gia cho phép cờ thuận tiện khét tiếng nhất, và
dường như nước này đang sử dụng “thành tích” của mình để phá hoại các biện pháp
trừng phạt quốc tế. Nhưng ngay cả hành vi tồi tệ của Mông Cổ cũng sẽ không đặt
dấu chấm hết cho những chiêu trò của giới vận tải biển. Trái lại, nó còn có khả
năng gây ra tai nạn hàng hải chết người.
Trong bài báo xuất bản vào tháng 7/2004, tờ Maritime
Executive viết, “Căn phòng có một tấm biển ghi ‘Cục Quản lý Hàng hải’ dán
trên cánh cửa, bên trong là vài máy tính, máy fax, mô hình tàu trang trí, và
hai công chức làm việc cho ‘Cơ quan Đăng ký Tàu Mông Cổ.’”
Phóng viên Maritime Executive đã vô cùng bối
rối trước việc Mông Cổ xuất hiện trong cộng đồng cờ thuận tiện. Bởi nước này là
quốc gia không giáp biển lớn thứ hai thế giới, một quốc gia với dân cư thưa thớt
chỉ 3,2 triệu người, nổi tiếng vì có số ngựa còn lớn hơn số người, và tất nhiên
còn nhờ nhà cai trị nổi tiếng thời trung cổ – Thành Cát Tư Hãn. “Một người Mông
Cổ không có ngựa giống như một con chim không có cánh,” như lời câu ngạn ngữ địa
phương.
Cơ quan đăng ký tàu mới của Mông Cổ, mà Maritime
Executive đã phát hiện trong chuyến thăm năm 2004, thuộc sở hữu của một
công ty Singapore vốn đã điều hành cơ quan đăng ký vận tải biển của Campuchia
suốt nhiều năm, và cơ quan của Campuchia này cũng đã cho nhiều tàu Triều
Tiên mượn cờ của mình. Một năm trước, tàu chở hàng Sosun của Triều Tiên đã bị
chặn trong lúc mang theo 15 tên lửa Scud, đầu đạn thông thường, và thuốc phóng
tên lửa khi đang di chuyển với cờ Campuchia. Khi Campuchia cải tổ cơ quan đăng
ký tàu của mình, và cùng lúc đó, Nhật Bản áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiêm
ngặt hơn đối với các tàu treo cờ Triều Tiên, số lượng tàu treo cờ Mông Cổ đã
tăng gấp năm lần.
Đó là một khởi đầu bất thường đối với một quốc gia
mong muốn tận dụng quá trình toàn cầu hóa đang tăng tốc nhanh chóng và thành phần
không thể thiếu của nó, vận tải biển toàn cầu. “Mông Cổ đang cho đăng ký bất cứ
thứ gì có thể nổi trên mặt nước và có thể trả phí,” Maritime Executive kết
luận.
Và mọi chuyện cứ thế tiếp diễn. Dù quốc gia có truyền
thống du mục này đã bắt đầu chuyển đổi kinh tế để trở thành nhà xuất khẩu
khoáng sản lớn, họ vẫn tiếp tục thu hút các công ty vận tải biển muốn né tránh
quy định hàng hải bằng cơ quan đăng ký tàu lỏng lẻo của mình. Neil Roberts, người
đứng đầu bộ phận hàng hải và hàng không tại Lloyd’s Market Association, nói
với Foreign Policy: “Cơ quan Đăng ký Tàu Mông Cổ dường như là lựa chọn
cuối cùng. Các nhà bảo hiểm tàu biển rất thận trọng, thậm chí không thích cơ
quan này, cũng như các quốc gia cho phép treo cờ thuận tiện.”
Cơ quan Đăng ký Tàu Mông Cổ – được quản lý bởi một
công ty vì lợi nhuận – thậm chí còn không nằm ở Mông Cổ, mà có địa chỉ ở
Singapore. Các tiêu chuẩn của cơ quan này kém đến mức nó đã nhận bảy cảnh báo
trong Bảng Đánh giá hoạt động của Các quốc gia cho phép gắn cờ vận tải biển năm
2022-2023 của Tổ chức Vận tải biển Quốc tế. Panama, Liberia, và Quần đảo
Marshall không nhận cảnh báo nào. Trong báo cáo thường niên gần đây nhất của
mình, Tokyo MOU – một tổ chức đa phương giám sát an toàn hàng hải – đã đưa Mông
Cổ, cùng với Togo, Sierra Leone, và Dominica vào danh sách đen.
Nhưng tiền bảo hiểm của các nhà bảo lãnh phương Tây
dường như không mấy quan trọng đối với những công ty vận tải bị thu hút bởi Cơ
quan Đăng ký Tàu Mông Cổ. “Tính đến hôm nay, Cơ quan Đăng ký Tàu Mông Cổ đã cho
đăng ký khoảng 3.000 tàu, với khoảng 500 tàu đăng ký thường xuyên. Dù Mông Cổ
là một quốc gia không giáp biển, nhưng tổng trọng tải và số lượng tàu đăng ký
treo cờ Mông Cổ còn nhiều hơn so với một số quốc gia giáp biển,” cơ quan này tự
hào giải thích trên trang web của mình.
Trong những tháng gần đây, Cơ quan Đăng ký Tàu Mông
Cổ đã có thêm một loạt tàu mới. Công ty điều hành tàu biển có trụ sở tại
Mumbai, Gatik Ship Management, đã bị Liên bang Saint Kitts và Nevis – một quốc
gia cho phép treo cờ thuận tiện – hủy đăng ký treo cờ của 36 tàu, sau khi có
thông tin cho rằng Gatik đang sử dụng chúng để vận chuyển dầu bị trừng phạt của
Nga. Nhưng không hề gì, Gatik đã nhanh chóng đăng ký ít nhất bốn trong số 36
tàu, gồm hai chiếc tên là Horai và Mercury, ở Mông Cổ, theo báo cáo của Lloyd’s
List Intelligence. (Các tàu vi phạm lệnh trừng phạt khác của Gatik hiện đã
được đăng ký tại cơ quan của Cộng hòa Gabon, có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả
Rập Thống nhất.)
Michelle Bockmann, nhà phân tích của Lloyd’s
List Intelligence, người đầu tiên báo cáo về các vụ chuyển nơi đăng ký tàu,
nói với tôi, “Khi đăng ký các tàu của mình với Mông Cổ, Gatik thực sự đã xuống
đến đáy. Nhưng họ cũng đang gửi một tín hiệu vô cùng khiêu khích tới giới vận tải
biển. Về cơ bản, họ đang nói, ‘Các vị không cung cấp bảo hiểm cho chúng tôi,
không gắn cờ cho chúng tôi, nhưng các vị làm được gì? Dù sao chúng tôi cũng sẽ
làm theo cách mình muốn.’”
Các tàu của Mông Cổ – cả tàu đã đăng ký lâu năm lẫn
tàu mới đăng ký – đều cực kỳ bận rộn. Khi tôi kiểm tra vị trí của chúng vào những
ngày cuối tháng 5, tàu Horai đang ở Biển Bắc, trên hành trình từ cảng Primorsk
của Nga đến Maceio, Brazil. Trước đây có tên là Lisca Bianca M và treo cờ Ý,
Horai đã được Gatik mua vào đầu năm nay. Trong khi đó, tàu Mercury đã khởi hành
từ Primorsk và đang tiến đến Kênh đào Suez. Một tàu chở dầu khác, Irbis, đã lên
đường từ Santos, Brazil, hiện đang ở ngoài khơi bờ biển Anh và đi theo hướng bắc.
Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga càng kéo
dài, cơ quan đăng ký tàu của Mông Cổ sẽ càng bận rộn hơn. Dù các quốc gia cho
phép treo cờ thuận tiện có uy tín như Panama và Liberia có thể không ủng hộ các
biện pháp trừng phạt Nga, nhưng cơ quan đăng ký tàu của họ sẽ không dám tham
gia vào các hoạt động quá rủi ro đối với các công ty bảo hiểm phương Tây và có
thể khiến họ bị phạt bởi Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài
chính Mỹ, cơ quan quản lý các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Ngược lại, một quốc gia có uy tín bị xếp vào hàng
thấp nhất như Mông Cổ sẽ không bận tâm đến việc xây dựng danh tiếng hoặc các mối
quan hệ trong giới vận tải biển – cụ thể là vì nước này không có ngành vận tải
biển. Thay vào đó, cơ quan đăng ký của họ chỉ đơn thuần là một công cụ tạo ra
tiền mặt, và các tàu hiện được đăng ký thông qua cơ quan này vẫn có thể được bảo
hiểm hàng hóa bởi một công ty nhà nước của Nga. Bockmann nói, “Nếu người ta
phát hiện một lỗ hổng trong quy định, nhiều công ty vận tải sẽ sẵn sàng nhảy
vào. Có rất nhiều cách để trốn tránh các quy tắc hàng hải quốc tế.”
Sự tồn tại của các quốc gia cho phép treo cờ thuận
tiện mang ý nghĩa vượt xa việc thực thi các biện pháp trừng phạt. Theo Công ước
Liên Hợp Quốc về Luật Biển, phải có “mối liên hệ thực sự” giữa chủ tàu và cờ
tàu. Ví dụ, một chủ tàu Mỹ nên treo cờ Mỹ trên tàu của mình. Nhưng vì thế giới
đang thiếu một ‘cảnh sát hàng hải’ – Tổ chức Hàng hải Quốc tế hiện không có quyền
hành pháp – nên việc coi thường Công ước Liên Hợp Quốc đã trở nên phổ biến.
Ngày nay, ước tính gần ba phần tư đội tàu buôn của thế giới đang ra khơi dưới
những lá cờ thuận tiện. Các quốc gia cho phép treo cờ thuận tiện hầu hết là các
nền kinh tế mới nổi (và gồm cả hai quốc gia thành viên EU: Cyprus và Malta), và
nhiều nước trong số này được cho là sẽ thoái thác trách nhiệm trong các tai nạn
và các cuộc khủng hoảng khác.
Lượng ammonium gây ra vụ nổ kinh hoàng ở Beirut ba
năm trước đã được vận chuyển trên một con tàu Nga nhưng treo cờ Moldova, một quốc
gia cho phép treo cờ thuận tiện. Chủ tàu gặp rắc rối nên đã bỏ mặc con tàu ở
Beirut, còn Moldova chọn không hành động. Cuối cùng, các nhà chức trách Lebanon
phải loại bỏ hơn 3.000 tấn ammonium nitrate trên tàu vì sợ chúng sẽ chìm cùng
con tàu và gây ra thảm họa chết người. Sau đó, các nhà chức trách Lebanon dường
như đã quên mất lượng chất nổ chết người mà họ đang nắm giữ – và nó đã phát nổ.
Các con tàu ọp ẹp đang chở dầu và các hóa chất nguy
hiểm khác của Nga dưới cờ Mông Cổ cũng là những mối nguy nổi trên mặt nước.
“Chúng là những tai nạn đang chực chờ xảy ra,” Bockmann nói. “Cơ hội duy nhất để
đảm bảo tuân thủ các quy định hàng hải là các quốc gia phải tiến hành kiểm tra
ngay khi các tàu này cập cảng.”
Nhưng người Nga không có động cơ để kiểm tra các
con tàu này, bà nhận xét. Thay vào đó, các con tàu này sẽ đi vào các đại dương
trên thế giới. Nếu chúng bị hỏng hóc hoặc gặp tai nạn, như trường hợp tàu chở dầu
Pablo treo cờ Gabon vi phạm lệnh trừng phạt hồi tháng 4, Cơ quan Đăng ký Tàu
Mông Cổ (với số lượng nhân viên từ 11 đến 50 người) sẽ khó có thể hoàn thành
nghĩa vụ của quốc gia cho treo cờ. Khi đó, các nước thuộc bên thứ ba sẽ phải
giúp đỡ. Thành Cát Tư Hãn sẽ nghĩ gì trước “danh tiếng quốc tế” hiện tại của đất
nước ông?
---------------------------------------
Elisabeth Braw là chuyên gia bình luận của Foreign
Policy và là thành viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nơi bà tập trung vào việc đối
phó với những thách thức an ninh quốc gia mới nổi, chẳng hạn như các mối đe dọa
hỗn hợp và vùng xám. Bà cũng là thành viên của Ủy ban Phòng bị Quốc gia của
Anh.
Nguồn: Elisabeth Braw, “Mongolia’s
Paper Fleet Is Helping Russia Dodge Sanctions,” Foreign Policy,
01/06/2023
No comments:
Post a Comment