Friday, June 16, 2023

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VIỆC NGA ĐẶT VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ Ở BELARUS (Người Việt)

 



Những điều cần biết về việc Nga đặt vũ khí nguyên tử ở Belarus

Người Việt

June 15, 2023

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/nhung-dieu-can-biet-ve-nga-dat-vu-khi-nguyen-tu-o-belarus/

 

MOSCOW, Nga (NV) – Ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, công bố kế hoạch khai triển vũ khí nguyên tử chiến thuật ở Belarus hồi Tháng Ba, lần đầu tiên Moscow có dự án đặt đầu đạn nguyên tử bên ngoài nước Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, theo Reuters.

 

Và đây là những điều cần biết về kế hoạch này.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/TS-hoa-tien-nga-1536x1034.jpeg

Hỏa tiễn liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử của Nga trong cuộc duyệt binh hôm 9 Tháng Năm. (Hình: Gavriil Grigorov/Sputnik/AFP via Getty Images)

 

Putin nói gì?

Kế hoạch khai triển vũ khí nguyên tử là thông điệp mà ông Putin muốn gửi đến Tây phương, khẳng định rằng ông sẽ không lùi bước trước cuộc chiến Ukraine.

 

Nhà lãnh đạo Nga đưa ra thông báo này trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải lần đầu tiên trên Telegram ngày 25 Tháng Ba. Ông Putin nói rằng nguyên nhân là vì Anh hứa cung cấp vũ khí uranium nghèo cho Ukraine. 

 

Còn Belarus cho biết kế hoạch khai triển này là để đáp lại “chính sách hung hăng” của Tây phương khiến các nhà lãnh đạo khối này phải e ngại khi muốn leo thang căng thẳng.

 

Loại vũ khí và thời điểm khai triển 

Ông Putin chỉ nói sẽ khai triển vũ khí nguyên tử “chiến thuật” tại Belarus, nhưng không nói rõ loại đầu đạn nào hoặc địa điểm thực hiện.

 

Ông Aleksandr Lukashenko, tổng thống Belarus, nói rằng các đầu đạn mạnh gấp ba lần quả bom nguyên tử Mỹ từng thả xuống Hiroshima và Nagasaki hồi Tháng Tám, 1945. Nếu đúng như vậy, thì các đầu đạn của Nga phải có lượng nổ khoảng 48 đến 63 kiloton mỗi đầu.

 

Ngoài ra, ông Putin cho biết Nga đã chuyển giao hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn di động Iskander cho Belarus. Đây là loại vũ khí có khả năng mang đầu đạn nguyên tử. Đồng thời 10 chiến đấu cơ của Belarus cũng được điều chỉnh để mang đầu đạn. 

 

Liên Đoàn Các Nhà Khoa Học Mỹ dự đoán vũ khí có thể được đặt ở căn cứ Không Quân Lida, cách biên giới Lithuania 40km (25 dặm).

 

Nếu đúng như vậy, thì các phương tiện mang đầu đạn nguyên tử có khả năng vươn đến hầu như mọi nơi ở Ukraine, cũng như gần toàn bộ Đông Âu, gồm các nước Baltic, Ba Lan, Slovakia, Hungary, Czech, Romania, một số vùng của Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan. 

 

Thời điểm

Ông Putin tuyên bố Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng các cơ sở lưu trữ đặc biệt ở Belarus vào khoảng ngày 7 hoặc ngày 8 Tháng Bảy. Vũ khí sẽ được khai triển ngay sau đó.

 

Còn ông Lukashenko có nhiều bình luận khác nhau. Hồi tháng trước, dường như ông tiết lộ rằng vũ khí đang trên đường đến nơi. Nhưng đến ngày 13 Tháng Sáu, ông cho biết vũ khí sẽ được khai triển trong vài ngày tới.

 

Ai là người kiểm soát

Ông Putin cho biết Nga vẫn sẽ là bên kiểm soát vũ khí, giống cách Mỹ kiểm soát vũ khí nguyên tử chiến thuật mà họ khai triển ở Châu Âu.

 

Rủi ro nguyên tử

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Mỹ cố gắng rất nhiều nhằm bảo đảm vũ khí nguyên tử của Liên Xô tại Belarus, Ukraine và Kazakhstan, đều được trả về cho Nga. Thế nhưng bây giờ, với việc đưa ngược lại vũ khí nguyên tử cho Belarus, ông Putin đang phá vỡ cấu trúc vũ khí nguyên tử thời hậu Chiến Tranh Lạnh.

 

Phản ứng của Mỹ và NATO 

Mỹ chỉ trích quyết định khai triển vũ khí nguyên tử của ông Putin, nhưng đồng thời tuyên bố họ không thấy bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí nguyên tử.

 

Trong khi đó, vào ngày 18 Tháng Tư, ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, gọi hành động của ông Putin là việc làm vô trách nhiệm. (MPL) [qd]

 

 




No comments: