Monday, June 12, 2023

KHI CHÍNH MÌNH LÀ THỰC DÂN (Nguyễn Trường Sơn)

 



KHI CHÍNH MÌNH LÀ THỰC DÂN   

Nguyễn Trường Sơn

12-6-2023  04:26   

https://www.facebook.com/truongson.nk/posts/pfbid0QWKyQvwfYpnauDioCPCTBRTciawLWtS48R6bVRJ6AbueUFMcHV2PF7wkGUXGLPyzl

 

Người Thượng ở Tây Nguyên vốn đã sinh sống ở dải đất cao nguyên này không biết bao nhiêu thế hệ. Đã đủ để hình thành nên văn hoá, tính cách, lịch sử riêng.

 

Cũng giống như người Việt đã thiết lập được nền văn minh của riêng mình trước khi người Trung Hoa tới cai trị.

 

Vùng Tây Nguyên hiện đã thuộc về lãnh thổ của nước Việt Nam, con cái họ giờ đây gọi mình là người Việt (Vietnamese) khi ra nước ngoài. Tuy vẫn còn một vài nhóm nhỏ vẫn còn chưa chấp nhận được thực tế đó, nhưng đại đa số những người mà tôi được tiếp xúc, đều tỏ ra chấp nhận hiện thực này.

 

Vậy điều gì khiến cho người Thượng, người Hmong, và các sắc dân khác thi thoảng lại nổi lên rồi tạo ra các cơn địa chấn về chính trị?

 

Cho đến bây giờ vẫn không ai biết chính xác con số người Thượng ở Tây Nguyên bị chết trong các cuộc đàn áp đẫm máu hồi đầu thập niên 2000.

 

Cũng không ai biết đã có bao nhiêu người Hmong bị mất mạng, bị bỏ tù, bị đuổi khỏi xứ sở trong các chiến dịch xóa bỏ tôn giáo bản địa và “dẹp loạn”.

 

Người Thượng ở Tây Nguyên và người Hmong ở phía Bắc, tuy sống cách xa nhau hàng ngàn cây số, nhưng thực ra lại chịu chung số phận. Bị cai trị, bị tước đoạt đất đai, bị đồng hóa trên chính mảnh đất tổ tiên của họ.

 

Nghe đến đây chắc nhiều người sẽ thấy sốc rồi tự hỏi có chuyện đó hay sao?!

 

Sự thực là trong 5 năm sinh sống ở Thái Lan tôi đã gặp mặt hàng trăm người, thuộc đủ các sắc dân, Hmong Đen, Hmong Xanh, Êđê, Jarai, Xtiêng, Hà Lăng, Chăm. Tất cả đều phải chạy trốn tới Thái Lan vì không thể ở lại quê hương.

 

Dù xuất thân ở đâu thì hoàn cảnh đưa đẩy họ đến nước phải chạy thoát thân đều có điểm tương đồng. Bị phân biệt đối xử vì niềm tin tôn giáo, bị gán ghép cho các âm mưu đen tối mà bản thân họ chưa từng nghe tới, và bị cướp đất.

 

Khi nghe các câu chuyện mà người dân của các sắc tộc bản địa kể về cảnh bị áp bức, tôi lập tức liên tưởng tới những thứ mà sách giáo khoa lịch sử nói về chính sách cai trị của thực dân Pháp ở nước ta trước đây. Nào là chính sách cai trị hà khắc, bóc lột, tước đoạt tài nguyên, đồng hoá, bỏ tù.

 

Rồi tôi tự hỏi liệu phải chăng đang xuất hiện một chế độ thực dân mới ở ngay trên đất nước mình, một đất nước đã phải đánh đổi rất nhiều, trong đó có xương máu của bao nhiêu thế hệ, để lật đổ ách cai trị thực dân?

 

Nếu chịu khó dùng Google để tìm tin tức về khu vực Tây Nguyên, thì hai mảng tin chính mà một người có thể tìm được, là tranh chấp đất đai và tin liên quan đến các hội nhóm tôn giáo bị xoá bỏ vì nghi ngại an ninh.

 

Đất đai ở Tây Nguyên đúng là bạt ngàn, nhưng không phải là không có chủ. Các sắc dân ở đây đã tạo ra hệ thống của riêng họ để xác lập chủ quyền trên các mảnh đất. Thay vì mét vuông, sào, mẫu, thửa, thì họ dùng các hàng cây, quả đổi, dòng sông/suối để xác lập ranh giới. Nhưng khi chính quyền tiếp quản Tây Nguyên, thì đã cố tình ngó lơ thực tế đó. Cứ thế, một làn sóng lấy đất của người Thượng để thiết lập nên nông trường do nhà nước quản lý xảy ra ồ ạt. Cộng với chính sách kinh tế mới, khuyến khích người Kinh lên cao nguyên để “khai phá” đất đai. Đã tạo ra một cuộc đổi chủ quy mô lớn trên dải đất này.

 

Giờ đây người Thượng phải đi làm thuê cho các nông trường. Ai còn giữ được đất thì có thể tự canh tác. Nhưng cùng với làn sóng đô thị hoá, với hàng loạt dự án khu đô thị, khu du lịch được quy hoạch, người Thượng lại một lần nữa đối diện với việc mất đi những mảnh đất cha ông, tất nhiên là với giá đền bù rẻ mạt. Cái này thì không riêng gì người Thượng, mà mọi nông dân ở Việt Nam đều đã trải qua.

 

Ngoài ra, vì nghi ngại tâm lý ly khai-tự trị, nên nhà nước đã áp dụng chính sách cai trị hà khắc đối với các sắc dân ở đây. Người Thượng đa phần theo đạo Thiên Chúa, một tôn giáo vốn đã bị nhà nước nghi kị, cộng với sự nhạy cảm về chính trị ở địa phương, nên đã dẫn đến chính sách ngăn cấm triệt để. Hàng loạt hội thánh bị xoá sổ, tu sĩ bị bỏ tù, tín đồ bị sách nhiễu, còn cơ sở thờ tự thì bị huỷ hoại. Cho dù, ở mặt bên ngoài, du khách vẫn có thể thấy các ngôi thánh đường ở các thành phố, thị xã trên Tây Nguyên. Nhưng đăng sau nó thực ra lại là một chiến dịch phong tỏa, kiềm chế, và triệt tiêu rất ác liệt.

 

Cứ thế, vì đất đai bị lấy đi, không gian sống bị thu hẹp, va chạm văn hoá với di dân, và đến cả niềm tin tôn giao-vốn là cứu cánh cuối cùng, cũng bị cấm cản. Đã tạo ra một nồi áp suất dồn nén tâm can của các cộng đồng cư dân bản địa. Những nồi áp suất này luôn trong trạng thái chực chờ phát nổ. Cuộc biểu tình trên quy mô lớn hồi năm 2004 là một ví dụ. Ngoài ra, trong những năm gần đây còn xảy ra rất nhiều cuộc đụng độ ở quy mô nhỏ hơn.

 

Là một người Việt Nam, được giáo dục lòng căm hờn chủ nghĩa thực dân, tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ trước chính sách cai trị mà nhà nước đang áp dụng ở Tây Nguyên.

 

Nhà nước có thể viện lý do ngăn chặn ly khai để bao biện cho chính sách của mình. Và dù tôi đồng ý rằng không nên có bất cứ cuộc ly khai nào xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng tôi không thể chấp nhận cách tiếp cận hiện tại.

 

Nếu mục tiêu là giữ gìn sự toàn vẹn nước Việt Nam, thì chính sách tốt nhất phải là làm cho mọi sắc dân (dân tộc theo cách hiểu phổ thông) cảm thấy họ thực sự là người Việt Nam, và muốn cùng nhau dựng xây một đất nước chung cho thế hệ tương lai.

 

Để làm được như vậy thì trước hết là phải tôn trọng văn hoá của mọi sắc dân, phải tạo điều kiện để họ duy trì được văn hoá của mình bằng việc sử dụng hệ thống giáo dục. Sau nữa là phải bảo vệ quyền lợi của họ, dù là đất đai, vườn tược, hay cao hơn là quyền lợi chính trị.

 

Nói về quyền lợi chính trị thì phải nói đến sự mất cân bằng một cách khủng khiếp về số người Kinh và người bản địa trong các đơn vị hành chính địa phương. Ở đâu cũng vậy, người bản địa luôn là thiểu số trong các uỷ ban, mặc dù dân số của họ có thể chiếm đa số ở vùng đó. Sự mất cân bằng này thậm chí còn tồi tệ hơn trong bộ máy công an. Thử đến Tây Nguyên rồi đếm xem được bao nhiêu người Êđê, Jarai, Bana, Mnông..có mặt trong các trụ sở công an các cấp. Cái này còn có thể được giải thích thế nào nữa, ngoài việc nhà nước đang áp dụng chính sách cai trị theo hình thức thực dân?

 

Đảm bảo văn hoá và quyền lợi của người địa phương sẽ không bao giờ dẫn đến ly khai. Nó đã được kiểm chứng ở khắp nơi trên thế giới. Vì người ta chỉ muốn ly khai khi cảm thấy mình không được công nhận, không được sống tự do trong khuôn khổ chính trị hiện tại. Chứ làm gì có ai muốn rời khỏi chỗ mà họ được sống một cách tốt nhất bao giờ.

 

Một khi đã tạo ra một điều kiện thuận lợi và công bằng như vậy, và thu hút được sự ủng hộ của đại đa số dân chúng địa phương, thì việc một số nhóm nhỏ vẫn theo đường lối ly khai sẽ không thể phát triển, và đặc biệt, bất cứ nhóm nào sử dụng bạo lực đều sẽ bị tẩy chay, và bấy giờ việc nhà nước sử dụng biện pháp mạnh để đối phó cũng sẽ được ủng hộ.

 

Còn nếu cứ duy trì chính sách cai trị như hiện nay, thì việc sử dụng bạo lực để trấn áp sẽ không thể giải quyết được vấn đề tận gốc rễ. Nó chỉ sinh ra thêm oán hận, và bơm thêm sức ép vào nồi áp suất. Tạo ra thêm lý cớ cho các nhóm cực đoan tuyên truyền và tuyển mộ. Coi chừng để lâu khi nó nổ thì sẽ còn nghiêm trọng hơn.

 

9 BÌNH LUẬN





No comments: