Thursday, June 8, 2023

HAI XUNG ĐỘT, MỘT NGUY CƠ (Trần Đông A)

 



Hai xung đột, một nguy cơ

Trần Đông A

08/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/hai-xung-dot-mot-nguy-co/7128592.html

 

Trung Quốc kéo đại quân ra, vào EEZ của Việt Nam vào thời điểm căng thẳng Trung – Mỹ lên cao trên mọi phương diện. Việc Bắc Kinh “càn quét” trên Biển Đông vừa qua chỉ là một “nhát cắt”, một “mảnh ghép” của toàn khối mâu thuẫn Trung – Mỹ.

 

https://gdb.voanews.com/8232FBA4-D3BC-4245-8650-A8F1A3034B5C_w1023_r1_s.jpg

Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. (Ảnh Cảnh sát biển Việt Nam chụp từ màn hình Dân Việt)

 

Tại sao xung đột bị đẩy lên?

 

Chính vì “con voi ở ngoài phòng” là thêm một nguyên nhân trực tiếp nữa, khiến cho Trung Quốc “slammed” (đóng sập cửa) trước lời kêu gọi đối thoại của Mỹ. Theo giới quan sát, chính cuộc chiến tranh xâm lược tàn độc của nước Nga – Putin ở Ukraine đã đẩy khối mâu thuẫn Trung – Mỹ lên cao trào trong thời gian trước, trong và sau Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 (SLD20) diễn ra ở Singapore từ 3 đến mồng 4/6. Nước Nga của “Sa hoàng Putin” đã không tham gia SLD20, vì sợ bị cô lập. Nhưng Hoa Kỳ thừa biết, Trung Quốc đã lợi dụng thế sa lầy của Mátxcơva ở Ukraine để “làm mưa làm gió” quanh Eo biển Đài Loan, trên Biển Đông, chia rẽ các đồng minh châu Âu với Mỹ và ngay tại SLD20 vừa qua. Thậm chí, còn chia rẽ luôn cả nước Mỹ. Tập đã có trong tay mọi thứ, từ cái ghế Đảng trưởng đến ngôi vị Chủ tich nước suốt đời, trong khi Biden thì chật vật với “nợ trần” và đang lo chuẩn bị tranh cử. Tập không cương lên trong mọi chuyện mới là lạ!

 

Bản chất mọi xung đột do Trung Quốc gây ra với thế giới, trong đó có chuyện “cà khịa” với cả Mỹ lẫn Việt Nam – hết thảy đều nằm ở tham vọng bá quyền và bành trướng của họ Tập. Bắc Kinh muốn thực thi một “Trật tự Thiên triều – Chư hầu” riêng biệt (Pax Sinica), thay thế cho “Trật tự dựa trên luật lệ” ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Ngày 3/6/2023, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đề cập trực tiếp, nêu đích danh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) trong phát biểu chính thức của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng, đối với những vị lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm, thì thời điểm phù hợp để nói chuyện là bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào và giờ đây là lúc thích hợp (For responsible defense leaders, the right time to talk is any time, the right time to talk is every time, and the right time to talk is now!) Theo Bộ trưởng Austin, đối thoại không phải là một món quà để tưởng thưởng mà đấy là một tất yếu, bởi lẽ càng trao đổi, thì càng tránh được hiểu lầm và tính toán sai lệch dẫn đến khủng hoảng hay xung đột.

 

Trước đấy một hôm, vào ngày 2/6, hai Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Quốc tuy có bắt tay nhau trước bữa tiệc tối tại SLD20, nhưng cả hai đã không nói gì với nhau cả. Cho nên, trong phát biểu chính thức hôm 3/6, Bộ trưởng Lloyd Austin nhắc lại đầy ngụ ý rằng, cái bắt tay xã giao tại bữa tiệc tối không thể thay thế cho một cuộc tiếp xúc nghiêm túc thực sự. Ông Lloyd Austin chỉ trích Trung Quốc tiếp tục tiến hành một số vụ khiêu khích ở mức đáng cảnh báo, như việc chặn đầu máy bay Hoa Kỳ và đồng minh hoạt động hợp pháp trong không phận quốc tế. Nhưng đặc biệt là vụ Trung Quốc suýt “choảng” tàu chiến Mỹ ngay trong Eo biển Đài Loan. Hôm 5/6, Nhà Trắng cho hay cuộc đụng độ giữa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc tại Eo biển Đài Loan và Biển Đông phản ánh sự hung hăng ngày càng gia tăng của quân đội Trung Quốc. Nhưng mặc cho “tiếng gươm khua” trên khắp các mặt trận, từ Đài Loan, qua Hoa Đông đến Biển Đông, Mỹ vẫn khẳng định sẽ “không tìm đối đầu”, còn Bộ trưởng Lý Thượng Phúc hôm 4/6 cũng nói, Trung Quốc “sẵn sàng đối thoại”.

 

Làm gì với vị thế dễ tổn thương?

 

Hướng Dương Hồng 10 cuối cùng cũng đã rời vùng EEZ của Việt Nam, sau 28 ngày liên tục “cày nát” trong vùng biển Trường Sa. Giới phân tích lý giải sự hung bạo của Bắc Kinh: Sau một thời gian Trung Quốc đã phát triển về kinh tế và quân sự, tích lũy được nhiều nguồn lực. Nay Trung Quốc có tham vọng mở rộng phạm vi ảnh hưởng, không chỉ trên các biển châu Á, mà còn vươn tới Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thời cơ với Trung Quốc là cuộc chiến Ukraine. Cuộc chiến này tạo ra các khoảng trống quyền lực để Trung Quốc “đục nước thả câu”. Đây là thời điểm Bắc Kinh quyết định leo thang trong “vùng xám”, đẩy mạnh “tam chủng chiến pháp”. Trung Quốc lợi dụng cơ hội này để “đá” Nga khỏi các dự án dầu khí trên Biển Đông, vì Mátxcơva hiện đang ở “kèo dưới” của Bắc Kinh. Trung Quốc gây sức ép với Việt Nam từ cả phía Đông lẫn phía Tây mà Hà Nội vẫn “đơn thương độc mã” xin Bắc Kinh dừng xâm lấn. Trước tình cảnh Hà Nội đang “như gà mắc tóc” trong đấu đá nội bộ và chần chừ nâng cấp quan hệ với Mỹ lên “Đối tác chiến lược”, hẳn nhiên Bắc Kinh đã không đếm xỉa gì đến lời van nài đó.

 

Phân tích một cách tổng thể và rốt ráo hơn toàn bộ chiến dịch “vây lấn” vừa qua của Trung Quốc, càng thấy rõ tính phức hợp, liên hoàn và tiến trình triển khai hàng loạt trên nhiều vị trí chiến lược đồng thời trong cùng một thời điểm. Trung Quốc đã huy động đến năm lực lượng tham gia thế trận liên hoàn lần này với những nhiệm vụ "vây", "lấn" và "tấn" cụ thể bao gồm: dân binh, hải cảnh, hải tuần, hải quân và cuối cùng là các tàu khảo sát hàng hải. Lần này, hãy để tư duy vượt qua Biển Đông, với chủ quyền bị xâm phạm trên thực tế, mà hãy hướng xa hơn một chút, khi cuộc chiến tranh tổng lực có thể lơ lửng treo trên đầu toàn bộ đất nước. Nhìn xa hơn Biển Đông, không cần phải là nhà quân sự cũng thấy rõ mức độ nguy hiểm của Căn cứ hải quân Ream từ Campuchia. Hun Sen có giải thích kiểu gì, thì người Việt Nam nào cũng thấy sức răn đe của tiền đồn quân sự khổng lồ chỉ cách đảo Phú Quốc 30 cây số. Nghĩa là nếu chiến sự bùng phát, pháo binh của đối phương có thể nã vào các tỉnh miền Tây, kết hợp với hỏa tiễn tầm xa từ phía Bắc, bạn hãy hình dung chuyện gì có thể xảy đến?

 

Giải pháp tiên quyết nào có thể giúp Việt Nam thoát khỏi “kịch bản chiến tranh” đầy nguy hiểm này? Ai cũng có thể biết nếu chịu khó động não, chỉ có “chế độ” trong nước (regime) là không muốn biết hay không cần biết! Trong thời gian diễn ra SDL20 vừa qua, một “Bộ Tứ” thứ hai đang manh nha trong khu vực. Đó chính là cuộc họp chưa từng có với ý nghĩa vừa là hoạt động lớn, vừa mang tính biểu tượng, nhằm ngăn chặn sự hống hách và càn quấy của Trung Quốc trong khu vực. Chương trình nghị sự của “tân Bộ Tứ” – gồm lãnh đạo Quốc phòng của bốn nước: Nhật, Úc, Philippines và Hoa Kỳ – là đề xuất các cuộc tuần tra chung bốn bên ở Biển Đông vào cuối năm nay. Nếu được tổ chức, nó sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với chiến lược “răn đe tích hợp” đang phát triển. Tại SLD20, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez đã có lập trường kiên quyết đối với các tranh chấp ở Biển Đông, báo hiệu đường lối cứng rắn của Manila. “Chúng tôi coi phán quyết trọng tài năm 2016 không chỉ đặt ra chân lý và lẽ phải ở Biển Đông, mà còn là nguồn cảm hứng cho cách thức các quốc gia đối mặt với hoàn cảnh thách thức tương tự nên xem xét các vấn đề,” ông Galvez phát biểu trước những người đồng cấp ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

 

Liên kết với các nước trong khu vực là giải pháp trước mắt có thể giúp Việt Nam thoát khỏi thế “tứ bề thọ địch” hiện nay. Tuy nhiên, giải pháp này giờ đây đang bị ngăn trở một cách triệt để, không phải vì Bộ Chính trị ĐCSVN vẫn còn nặng lòng với ý thức hệ, mà bởi vì khi hội nhập cùng các nước dân chủ, cũng có nghĩa là cắt mất mọi quan hệ bóng tối với Bắc Kinh, thứ bóng tối tạo nên những Việt Á, chuyến bay giải cứu và hàng ngàn vụ tham nhũng lớn nhỏ khác. Trong toàn bộ “dây chuyền tham nhũng” ấy, Trung Quốc luôn đóng vai trò chủ đạo. “Tứ bề thọ địch” không phải là mối lo đầu tiên của lãnh đạo Việt Nam. Mối lo lớn nhất vẫn là làm sao Đảng phải tồn tại, dù tồn tại dưới danh nghĩa nào cũng được, kể cả danh nghĩa tay sai. Tình huống này càng nguy hiểm hơn, khi Trung Quốc đã thành công trong việc gia tăng sự thống trị của mình đối với các vùng biển quốc tế thông qua các chiến thuật vùng xám bất đối xứng. Hệ quả là làm xói mòn đáng kể uy tín của Mỹ, mạng lưới đối tác và đồng minh cũng như “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP). Xem thế để thấy, cả hai tình huống xung đột Trung Quốc gây ra cho cả Mỹ, các nước trong khu vực lẫn Việt Nam đều có chung một nguy cơ: “Trật tự quốc tế” vốn đã tạo nền tảng cho một thời kỳ ổn định và thịnh vượng lâu dài có thể bị phá vỡ, đồng thời thay thế nó sẽ là một “Hệ thống triều cống khu vực” do ĐCSTQ thống trị, với cái định danh “Trật tự Trung Hoa” (Pax Sinica).






No comments: