Cuộc
chiến mà Ukraine có thể thắng (P1)
Gideon
Rose | Foreign Affairs
Nguyễn Thị Kim Phụng,
biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/06/20/cuoc-chien-ma-ukraine-co-the-thang-p1/
Tại sao phương Tây nên giúp Kyiv giành lại toàn bộ
lãnh thổ?
Tháng 2/2022, Nga xâm lược Ukraine với ý định chiếm lãnh thổ và xóa bỏ nền
độc lập mà người Ukraine đã giành được sau khi Liên Xô sụp đổ ba thập niên trước.
Xét đến sự chênh lệch lớn về quy mô quân đội và sức mạnh giữa hai bên tham chiến,
gần như chẳng ai nghĩ Ukraine sẽ có nhiều cơ hội. Những người bi quan cho rằng
Kyiv sẽ thất thủ trong vài ngày hoặc vài tuần. Những người lạc quan hơn thì tin
rằng quá trình đó mất vài tháng. Rất ít người nghĩ rằng Ukraine có thể đáp trả
kẻ tấn công mình.
Một tháng sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, hai chuyên gia về Nga, Thomas
Graham và Rajan Menon, đã viết trên tạp chí Foreign Affairs, “Một chiến
thắng mỹ mãn có lẽ nằm ngoài tầm với. Ukraine và những người ủng hộ phương Tây
của họ không có khả năng đánh bại Nga với bất kỳ thời hạn nào.” Cùng lúc đó,
nhà khoa học chính trị Samuel Charap đồng ý, “Tinh thần phản kháng dũng cảm của
Ukraine – ngay cả khi được kết hợp với áp lực ngày càng lớn của phương Tây lên
Moscow – vẫn khó có thể vượt qua các lợi thế quân sự của Nga, chứ chưa nói đến
việc lật đổ Putin. Nếu không đạt được thỏa thuận với Điện Kremlin, kết quả tốt
nhất có lẽ là một cuộc chiến lâu dài, gian khổ, mà đằng nào Nga cũng sẽ giành
chiến thắng.” Ba tháng sau khi chiến tranh nổ ra, hai nhà sử học Liana Fix và
Michael Kimmage lập luận rằng “một thất bại quân sự toàn diện của Nga trước
quân đội Ukraine, bao gồm cả việc tái chiếm Crimea, gần như là điều viển vông.”
Bốn tháng sau, nhà khoa học chính trị Emma Ashford đã nâng cấp chiến thắng của
Ukraine thành một “tưởng tượng nguy hiểm”.
Tuy nhiên, giống như cách Nga khiến mọi người ngạc nhiên bởi thành tích
quân sự kém cỏi, Ukraine cũng khiến mọi người ngạc nhiên khi phản kháng vượt xa
sức mạnh của mình trong suốt cuộc xung đột. Nỗ lực chiếm thủ đô Kyiv của Nga đã
bị cản trở, tiếp đến, những nỗ lực nhằm bảo vệ các lợi ích ở phía đông và phía
nam Ukraine cũng bị gián đoạn. Quân đội Nga buộc phải rút khỏi Kharkiv và
Kherson. Chiến dịch không kích tàn bạo của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự đã
củng cố ý chí của người Ukraine thay vì bẻ gãy nó. Các cuộc tấn công gần đây của
Nga ở Bakhmut và nhiều nơi khác chỉ mang về lợi ích ít ỏi, trong khi cái giá phải
trả là quá đắt. Giờ đây, với việc lực lượng Nga đã yếu đi, Ukraine đang tiến
hành một cuộc phản công để giành lại nhiều lãnh thổ hơn.
Quan điểm phổ biến về chiến tranh Ukraine xem nó là một bế tắc quân sự,
chắc chắn sẽ kết thúc bằng một thoả thuận khác xa so với mục tiêu ban đầu của mỗi
bên. Hồi tháng 4, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Richard Haass, và nhà
khoa học chính trị Charles Kupchan, lập luận rằng “Cuối năm nay, một bế tắc có
thể sẽ xuất hiện dọc theo một chiến tuyến mới.” Và ở thời điểm đó, Ukraine nên
nhận ra rằng “theo đuổi một chiến thắng quân sự hoàn toàn” sẽ là không khôn
ngoan. “Một kết thúc mà trong đó Ukraine có toàn quyền kiểm soát toàn bộ lãnh
thổ được quốc tế công nhận… vẫn là một kết thúc rất khó xảy ra,” các nhà khoa học
chính trị Samuel Charap và Miranda Priebe khẳng định vào tháng 1, và vì vậy,
Washington “có thể đưa ra điều kiện viện trợ quân sự trong tương lai dựa trên
cam kết tham gia đàm phán của Ukraine” đối với vấn đề thỏa hiệp lãnh thổ.
Đúng là có khả năng xuất hiện một khoảng thời gian tạm lắng sau đợt phản
công sắp tới của Ukraine, khi Kyiv củng cố các vị trí đã chiếm được. Nhưng nó sẽ
chỉ là một phút tạm dừng trong một cuộc xung đột vẫn còn tiếp diễn, chứ không
phải một bế tắc. Đã, đang, và sẽ không cần có một thế bế tắc, nhờ vào các hỗ trợ
quân sự của phương Tây và khả năng vượt trội của Ukraine trong việc biến hỗ trợ
đó thành thắng lợi trên chiến trường. Thế giới chưa từng chứng kiến hợp tác chiến
lược nào hiệu quả như vậy kể từ năm 1967 và 1973, khi Israel sử dụng sự trợ
giúp của phương Tây để đạt được chiến thắng vang dội trước lực lượng Ả Rập vốn
lớn hơn và còn được Liên Xô hỗ trợ. Nhờ hiệu quả của quan hệ đối tác phương
Tây-Ukraine, không cần phải gây áp lực buộc Ukraine thỏa hiệp hòa bình. Thay
vào đó, Mỹ và châu Âu nên cho phép Ukraine tiếp tục đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi
các biên giới đã được quốc tế công nhận. Một kết thúc nguyên trạng thực sự cho
cuộc chiến – đảo ngược hoàn toàn những lợi ích mà Nga đã đạt được kể từ cuộc
xâm lược đầu tiên năm 2014 – không chỉ có thể xảy ra, mà còn là lựa chọn tốt nhất
nên nhắm tới. Nó sẽ giúp giải phóng Ukraine. Nó sẽ thiết lập một nền tảng vững
chắc cho an ninh khu vực. Nó sẽ chứng tỏ trật tự quốc tế tự do có cả tương lai
lẫn quá khứ. Và nó sẽ cung cấp một mô hình chiến thắng cho lãnh đạo toàn cầu
trong thời kỳ hậu bá quyền Mỹ.
UKRAINE
CÓ THỂ THẮNG
Mục tiêu chính của các chính phủ phương Tây trong hơn một năm rưỡi qua là
giúp Ukraine ngăn chặn thất bại. Mỹ, châu Âu, và các quốc gia thân thiện khác
đã cung cấp một lượng lớn viện trợ kinh tế và vũ khí ngày càng mạnh cho Kyiv,
những người đã sử dụng chúng để duy trì cuộc chiến. Tuy nhiên, để tránh khiêu
khích Moscow, phương Tây đã giữ bí mật số lượng và tính chất của các hỗ trợ
này. Họ tránh khả năng đụng độ trực tiếp giữa NATO và Nga, đồng thời tránh các
cuộc tấn công trực tiếp vào nước Nga và chế độ Nga. Họ cũng lựa chọn cẩn thận
các loại vũ khí được gửi đi, dần dần cung cấp một số nhưng không phải tất cả
các vũ khí mà Ukraine yêu cầu.
Nguyên nhân của hành động này đơn giản là sự thận trọng, qua đó phản ánh
các khía cạnh tiêu chuẩn của chiến tranh trong thời đại hạt nhân. Phương Tây đã
hành động hợp lý khi chỉ can thiệp gián tiếp và hạn chế đối đầu trên chiến trường,
và những hạn chế đó nên được duy trì, thậm chí nên thực thi nghiêm ngặt hơn, để
ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào nữa vào Moscow. Nhưng khả năng đã được chứng
minh của Ukraine trong việc sử dụng hiệu quả viện trợ quân sự đã khiến việc nới
lỏng các hạn chế trên trở nên hợp lý, xét đến phần thưởng có thể thu được khi
chấp nhận rủi ro tối thiểu. Như Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã chỉ ra cho cố vấn
an ninh quốc gia Henry Kissinger, khi ông quyết định cung cấp viện trợ quân sự
cho Israel trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, “Nghe này, Henry, chúng ta sẽ
bị đổ lỗi vì đã gửi 3 máy bay nhiều như khi chúng ta gửi 30, hoặc 100, hoặc bất
cứ thứ gì chúng ta có. Vậy nên anh cứ gửi cho họ mọi thứ có thể bay được. Quan
trọng là phải hiệu quả.”
Theo đó, thay vì hạn chế viện trợ quân sự thông thường cho Ukraine, Mỹ và
châu Âu nên tăng cường viện trợ: gửi thêm xe thiết giáp, pháo binh, và đạn dược;
cải thiện khả năng phòng không; cung cấp các phi đội máy bay tiêm kích thế hệ
thứ tư – nghĩa là làm các việc thông thường, miễn là điều đó cần thiết. Một quyết
định như vậy không chỉ là điều đúng đắn, mà còn là cách tốt nhất để kết thúc
chiến tranh, hoặc bằng cách khơi dậy khả năng về một thoả thuận lâu dài, hoặc bằng
cách cho phép các lực lượng của Kyiv giành được những vị trí mà họ có thể bảo vệ
vô thời hạn nếu tiếp tục được hỗ trợ.
Nhiều người coi lựa chọn chính sách này là vô ích, nguy hiểm, hoặc gây
phân tâm. Họ nói rằng Nga không thể bị đánh bại, bởi vì nước này luôn có nhiều
nguồn lực hơn để tham chiến và còn có ý chí kiên quyết tránh thất bại. Nỗ lực
buộc Nga lùi bước và tái chiếm Crimea có thể dẫn đến leo thang hạt nhân. Và việc
tập trung vào Ukraine và Nga sẽ khiến chúng ta phải trả giá bằng những vấn đề
khác, quan trọng hơn, chẳng hạn như Đài Loan và Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả
những lo ngại này đều đang bị thổi phồng quá mức.
MỘT
PHÉP THỬ Ý CHÍ
“Các vị đang ở đâu trong cuộc chiến?” tôi hỏi một quan chức quân sự cấp
cao của Ukraine trong chuyến đi gần đây tới Ukraine, do tổ chức Sáng kiến Tái tạo
Dân chủ tài trợ. “Cuối hiệp một,” ông đáp. Và sang hiệp thứ hai, họ thậm chí
còn mạnh hơn.
Lúc đầu, viện trợ của phương Tây bị cắt giảm mạnh. “Chúng tôi đã hỏi, ‘Liệu
chúng tôi có thể có Stinger không?’” Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii
Reznikov kể lại. “Họ bảo, ‘Không, hãy đào chiến hào và giết càng nhiều người
Nga càng tốt trước khi cuộc chiến kết thúc.’ Mọi người nghĩ chiến thắng của
chúng tôi là không thể.” Nhưng khi lực lượng Ukraine cầm cự và tiếp tục chiến đấu,
Mỹ, châu Âu và những người bạn khác của Ukraine cuối cùng đã cung cấp một lượng
lớn vũ khí tinh vi. Những chiếc Stinger đã đến, HIMARS, và cả những tên lửa
Patriot mà tôi đã chứng kiến chúng bắn hạ tên lửa Kinzhal siêu thanh được cho
là bất khả chiến bại của Nga. Hiện giờ, Reznikov cho biết, Ukraine có
“Bradleys, Strykers, Abrams, Leopards, và nhiều hơn nữa.” Cuối cùng, kho vũ khí
sẽ có cả F-16.
Trong đợt phản công lần này, các lữ đoàn mới, được trang bị tốt, có tinh
thần chiến đấu cao của Ukraine đang đối đầu với lực lượng Nga mệt mỏi, tinh thần
sa sút, không tận tâm, và chỉ có các lãnh đạo tầm thường. Giống như khi Ả Rập
chiến đấu với Israel nửa thế kỷ trước, Nga có nhiều nhân lực và trang thiết bị
hơn đối thủ, nhưng lại không sử dụng chúng cho tốt. “Nga có một bộ công cụ khổng
lồ nhưng không biết sử dụng chúng một cách hiệu quả”, vị quan chức quân sự cấp
cao của Ukraine nhận xét. “Không có gì đáng ngạc nhiên trong cuộc chiến của họ.
Họ đang sử dụng cách tiếp cận cổ điển của Liên Xô; chẳng có gì thay đổi cả.”
Người Nga cũng không có kế hoạch chiến lược. Sau thất bại ban đầu trong cuộc
xâm lược, mọi thứ đều là ứng biến và các chỉ huy của Nga ngày càng mâu thuẫn với
nhau. Các nguồn lực của Moscow đang bị hạn chế do chiến tranh tiêu hao và các
biện pháp trừng phạt, và tại thời điểm này, lực lượng của họ không còn khả năng
đạt được tiến bộ tấn công đáng kể. Người Ukraine sẽ phải đánh vào các công sự
phức tạp, và người Nga có khả năng phòng thủ tốt hơn tấn công. Tuy nhiên, đợt
phản công vẫn sẽ đạt được những thành tựu lớn và tiếp tục chuỗi thành tích của
Ukraine trong việc thay đổi quan điểm của người ngoài về kết quả sau cùng của
cuộc chiến. (Trước cuộc xung đột, tôi nằm trong số những người cho rằng sẽ hợp
lý hơn nếu Ukraine cố gắng đạt được nguyên trạng trước năm 2022 thay vì năm
2014.)
Các quan chức ở Kyiv không tin rằng chỉ riêng chiến dịch lần này có thể
giúp chấm dứt chiến tranh. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói, “Mục tiêu của chúng
tôi là đẩy người Nga hoàn toàn ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Nếu chiến dịch này làm
được điều đó, nó sẽ là đợt tấn công cuối cùng. Nếu không, sẽ có nhiều đợt khác
nữa. Nếu nguồn cung cấp vũ khí của chúng tôi bị cắt đứt, Ukraine đơn giản sẽ
chuyển sang chiến tranh cường độ thấp hơn. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc, chúng
tôi sẽ không chấp nhận tổn thất lãnh thổ.” Vitali Klitschko, thị trưởng Kyiv và
là cựu võ sĩ quyền anh hạng nặng thế giới, đã lặp lại quan điểm này. “Mục tiêu
là các đường biên giới năm 1991, bao gồm cả Crimea. Có thể trong năm nay, có thể
không. Chúng tôi có thể hy vọng, nhưng cần tiếp tục tiến lên. Chỉ là vấn đề thời
gian trước khi Nga bị tiêu diệt.” Giống như người Nga, người Ukraine coi cuộc
chiến không chỉ là một phép thử vũ khí, mà còn là một phép thử ý chí, và người
Ukraine tin rằng họ có lợi thế trong cả hai.
TRÒ
BỊP HẠT NHÂN
Nhiều nhà quan sát lo lắng về những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin có
thể làm trước khi gặp thất bại, chẳng hạn như sử dụng vũ khí hạt nhân. “Một số
nhà phân tích phương Tây gợi ý rằng Mỹ và NATO nên xem Điện Kremlin là kẻ bịp bợm
– họ nên công khai ủng hộ người Ukraine và đẩy lính Nga ra khỏi Ukraine,” nhà
khoa học chính trị Nina Tannenwald viết vào tháng 2, gọi đây là “cách tiếp cận
đầy kiêu ngạo trước nguy cơ leo thang hạt nhân.” Bà tuyên bố, cách tiếp cận
đúng đắn hơn là nhận ra rằng “bóng đen của vũ khí hạt nhân” hạn chế các lựa chọn
của Ukraine, và có nghĩa là “một kết quả tốt cho Kyiv sẽ khó đạt được hơn và sẽ
ít làm hài lòng mọi người hơn.” Charap và Priebe đồng tình, “Việc Nga sử dụng
vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến này là có thể xảy ra” và cố gắng ngăn chặn nó
phải là “ưu tiên hàng đầu của Mỹ.” Các học giả Rose McDermott, Reid Pauly, và
Paul Slovi khẳng định rằng Putin quyết tâm chiến đấu đến cùng bằng bất cứ giá
nào, và “ông là người mà nhân loại sẽ ước rằng đã tránh xa những vũ khí nguy hiểm
nhất.”
Điều đó chắc chắn là đúng. Tuy nhiên, nhân loại đã sống sót cả khi thứ vũ
khí đó nằm trong tay những kẻ tồi tệ và bất ổn hơn nhiều, từ nhà độc tài Liên
Xô Joseph Stalin đến bạo chúa Trung Quốc Mao Trạch Đông, đến triều đại Kim tàn
bạo ở Bắc Triều Tiên, và chẳng có lý do gì để tin rằng mô hình phi hạt nhân thời
hậu 1945 sẽ thay đổi. Bản thân người Ukraine, những người sẽ hứng chịu hậu quả
của bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào, hiểu rõ tất cả những gì được cho là lằn
ranh đỏ của Nga, nhưng họ ít lo ngại hơn đáng kể so với các đối tác Mỹ và châu
Âu về việc vượt qua những lằn ranh ấy.
Quan chức quân sự cấp cao của Ukraine cho biết, “Về mặt chuyên môn, tôi
buộc phải lo lắng về vũ khí hạt nhân. Nhưng tôi không nghĩ xác suất nó xảy ra
là cao.” Về phần mình, Kuleba tin rằng “răn đe hạt nhân đã có hiệu quả trong
quá khứ và nó sẽ tiếp tục như vậy.” Reznikov thậm chí còn thẳng thừng hơn, “Tôi
biết rõ rằng đe dọa hạt nhân chỉ là trò bịp. Vũ khí của họ đã lỗi thời và
Moscow không thể chắc chắn rằng chúng sẽ hoạt động. Trung Quốc và Ấn Độ đã bảo
họ đừng sử dụng vũ khí hạt nhân. Cũng không có nơi nào để sử dụng chúng. Việc sử
dụng vũ khi hạn nhân trên chiến trường sẽ gây tổn hại cho cả họ lẫn chúng tôi,
và việc sử dụng chúng sẽ kích hoạt đòn trả đũa và chấm dứt mọi cơ hội đàm
phán.”
Washington coi việc Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân cho đến nay là một
chiến thắng nhờ khả năng quản lý rủi ro của họ. Kyiv coi đó là sự xác nhận rằng
nguy cơ là rất nhỏ. Người Ukraine đã gây ra hàng trăm nghìn thương vong cho
lính Nga trong cuộc chiến và chính họ cũng chịu thiệt hại nặng gần như vậy. Họ
không cho rằng Moscow đang giữ lại các lựa chọn quân sự hiệu quả, hoặc hạn chế
sự tàn bạo của mình. Thứ họ nhìn thấy là một kẻ thù đang tuyệt vọng ném vào cuộc
chiến bất cứ thứ gì mà nó nghĩ là sẽ hiệu quả. Theo quan điểm của Kyiv, xung đột
vẫn diễn ra theo quy ước thông thường vì vũ khí hạt nhân không phải là công cụ
chiến tranh đặc biệt hữu ích, nhất là trong giao tranh cận chiến nhằm tranh
giành lãnh thổ với nước láng giềng và giải cứu các cộng đồng thân thiện như lời
Moscow. Điều đó sẽ không thay đổi chỉ vì những thành công quân sự thông thường
của Kyiv. Và ngay cả khi Moscow hiện thực hoá mối đe dọa hạt nhân, xu hướng của
cuộc chiến cũng không nhất thiết đảo ngược và dẫn đến thắng lợi cho người Nga.
Tóm lại, người Ukraine nhận thấy có một khoảng cách giữa thực tế khách
quan của quân đội Nga và sự thừa nhận của Điện Kremlin. Những tháng chiến đấu
tiếp theo sẽ thu hẹp khoảng cách đó, và sau đó tình hình sẽ trở nên thú vị.
(Còn tiếp một phần)
***
Cuộc
chiến mà Ukraine có thể thắng (P2)
Gideon Rose | Foreign Affairs
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/06/21/cuoc-chien-ma-ukraine-co-the-thang-p2/
CUỘC
CHƠI CUỐI CÙNG
“Đây không phải là trận đánh cuối cùng trong cuộc chiến này,” quan chức
quân sự cấp cao của Ukraine nói. “Nga sẽ phải tổn thất hơn nhiều nữa trước khi
họ chịu thừa nhận thất bại. Và chiến tranh sẽ không kết thúc ngay cả khi chúng
tôi giành được toàn bộ lãnh thổ năm 1991. Bởi vì chúng tôi vẫn sẽ có một kẻ thù
ở ngay bên mình. Mục đích của cuộc chiến này không chỉ là đẩy lùi quân Nga và
giành lại lãnh thổ của chúng tôi, mà còn là để thuyết phục người Nga đừng nghĩ
đến việc thử lại một lần nữa trong vài năm tới. Chúng tôi không có ý định để lại
cuộc chiến này cho con cháu mình.”
Điều mà một năm rưỡi trước chỉ giống như mong ước viển vông giờ đã trở
thành một kế hoạch chiến lược hợp lý. Khi đợt phản công này kết thúc, Ukraine
có thể sẽ phá vỡ các phòng tuyến của Nga, giành lại những phần lãnh thổ quan trọng,
và về lâu dài sẽ có vị trí thuận lợi để đe dọa các khu vực còn lại đang do Nga
nắm giữ, bao gồm cả Crimea. Do đó, những người bạn của Kyiv nên chuẩn bị giúp
nước này khởi động các cuộc tấn công trong tương lai nhằm giành lại toàn bộ
lãnh thổ được quốc tế công nhận. Tuỳ vào thời điểm Nga quyết định cắt giảm tổn
thất, ba kịch bản có thể xảy ra bao gồm “Ai Cập 1973”, “Triều Tiên 1951” và
“Triều Tiên 1953”.
Trong Chiến tranh Yom Kippur, Mỹ đã giúp Israel chiếm thế thượng phong
trước Ai Cập và Syria, sau đó sử dụng mối đe dọa đó để làm đòn bẩy ngoại giao.
Như Kissinger đã nói với Nixon, “Chiến lược ngoại giao bây giờ là đạt được một
lệnh ngừng bắn và tìm cách liên kết nó, một cách lỏng lẻo, với một giải pháp
lâu dài. Để gây áp lực, chúng ta sẽ bắt đầu hỗ trợ trên quy mô lớn và chỉ dừng
lại khi đạt được lệnh ngừng bắn.” Khi quân Israel tiến đến Kênh đào Suez và bao
vây các lực lượng Ai Cập ở đó, Washington đã làm trung gian cho một thỏa thuận
giúp hai bên ngừng giao tranh, cho phép lực lượng Ai Cập rút lui, và chuyển
sang các cuộc đàm phán hòa bình có nội dung rộng lớn hơn, cuối cùng tạo ra một
thoả thuận mà đến nay vẫn là nền tảng của an ninh khu vực.
Giống như ở Ai Cập năm 1973, một chính phủ lý trí ở Moscow ngày nay có thể
phản ứng trước viễn cảnh thảm họa quân sự bằng cách chấp nhận thực tế và đồng ý
đàm phán nghiêm túc, đặt ra hồi kết cho cuộc chiến, công nhận những lợi ích của
Ukraine và những lo ngại về an ninh trong tương lai, để đổi lấy, chẳng hạn như,
một Hiệp ước Hữu nghị Nga-Ukraine mới, cho phép Moscow tiếp tục đặt căn cứ Hạm
đội Biển Đen ở Crimea. Có lẽ chế độ Nga hiện tại sẽ không chấp nhận một thỏa
thuận như vậy, nhưng không có nghĩa là không thể.
Tuy nhiên, ngay cả mối đe dọa khả tín rằng Ukraine sẽ chiếm lại toàn bộ
lãnh thổ cũng có thể là chưa đủ để gây ra thay đổi thực sự ở Moscow. Trong trường
hợp đó, cần phải hiện thực hoá lời đe dọa, với Washington và các đối tác tiếp tục
hỗ trợ Ukraine cho đến khi họ giành lại được biên giới năm 1991. Điều này sẽ
kích hoạt hai kịch bản liên quan đến Chiến tranh Triều Tiên năm 1951 và 1953, cả
hai đều bắt đầu bằng việc khôi phục nguyên trạng lãnh thổ trước đây.
Khi Triều Tiên tiến quân qua vĩ tuyến 38 vào tháng 6/1950, Mỹ đã ủng hộ
Hàn Quốc và lãnh đạo một chiến dịch của Liên Hiệp Quốc “nhằm đẩy lùi cuộc tấn
công vũ trang, khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế trong khu vực.” Trong những
tháng sau đó, hai bên đã thay phiên nhau chiếm thế thượng phong, nhưng đến đầu
mùa hè năm 1951, tiền tuyến đã bắt đầu ổn định xung quanh vị trí ban đầu của
các bên, và chính quyền Truman quyết định rằng đó sẽ là vị trí hợp lý để kết
thúc xung đột. Theo lời Ngoại trưởng Dean Acheson vào tháng 6, quan điểm của Mỹ
là “Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn cuộc tấn công, chấm dứt hành động gây hấn…,
khôi phục hòa bình, chống lại sự hồi sinh ý định xâm lược. Theo tôi hiểu, đó là
những mục đích quân sự mà vì chúng quân đội Liên Hiệp Quốc đang chiến đấu.”
Ngày 23/6, đại sứ Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc, Jacob Malik, đề xuất trong một
bài phát biểu trên đài phát thanh rằng cả hai bên đồng ý đình chiến ở vĩ tuyến
38, và đàm phán ngừng bắn trực tiếp giữa các bên tham chiến đã bắt đầu hai tuần
sau đó. Thêm hai năm chiến đấu và cuối cùng một hiệp định đình chiến đã được ký
kết, để đóng băng cuộc chiến theo đúng đường chiến tuyến ban đầu.
Ở Ukraine, kịch bản Triều Tiên 1951 sẽ liên quan đến việc Kyiv chiếm lại
toàn bộ lãnh thổ của mình, và giữ vững nó trước các cuộc tấn công mới của kẻ
thù, chiến đấu trong một cuộc chiến mở để đảm bảo lợi ích của mình, nhưng vẫn sẵn
sàng dừng lại bất cứ khi nào người Nga chịu dừng lại. Dần dần, kịch bản đó có
thể phát triển thành Triều Tiên 1953, khi tất cả các bên đồng ý rằng “thế là đủ
rồi” và tiến tới hợp pháp hóa kết quả trong một thoả thuận thương lượng nhằm đảm
bảo nguyên trạng lãnh thổ trước đó. Vào lúc ấy, những người bạn của Ukraine có
thể giúp nước này tồn tại và phát triển lâu dài, mở ra con đường trở thành
thành viên của cả EU và NATO, đồng thời khóa chặt Ukraine với châu Âu, một lần
và mãi mãi.
Nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến là do Nga từ chối chấp nhận sự tan rã của
Liên Xô và luôn sẵn lòng giành lại đế chế cũ của mình bằng vũ lực. Vấn đề sẽ chỉ
được giải quyết hoàn toàn khi Moscow chấp nhận rằng đế chế của họ đã biến mất
vĩnh viễn, và chịu sống như một quốc gia bình thường chứ không phải là một “kẻ
săn mồi” quốc tế. Cho đến ngày đó, một hiệp định đình chiến kiểu Triều Tiên
không phải là một hình mẫu quá tệ đối với Ukraine, như nhà khoa học chính trị
Samuel Charap gần đây đã chỉ ra, “Trong gần 70 năm kể từ khi ký kết hiệp định,
không có một cuộc chiến nào khác bùng phát trên bán đảo. Trong khi đó, Hàn Quốc
đã nổi lên từ đống trò tàn của những năm 1950 để trở thành một cường quốc kinh
tế và cuối cùng là một nền dân chủ thịnh vượng. Một Ukraine thời hậu chiến thịnh
vượng và dân chủ, với phương Tây cam kết mạnh mẽ nhằm đảm bảo an ninh cho nước
này, sẽ đại diện cho một chiến thắng chiến lược thực sự”.
Tuy nhiên, điều mà Charap bỏ sót là đề xuất trên không có nghĩa rằng cần
tưởng thưởng cho hành động xâm lược, cho phép Moscow giành được những lợi ích
đáng kể về lãnh thổ ở Ukraine, bởi vì Triều Tiên đã không được phép giữ lại những
phần lãnh thổ của Hàn Quốc. Phép so sánh với Triều Tiên không củng cố lập trường
kêu gọi đàm phán ngay lập tức, ngược lại, nó củng cố lập trường đẩy lùi lực lượng
Nga ra khỏi biên giới thời kỳ trước khi bắt đầu chiến tranh, chiến đấu với họ
cho đến khi họ chấp nhận một kết quả hòa, và sau đó bảo vệ biên giới để họ
không vượt qua nó một lần nữa.
Nói đơn giản, cuộc chiến phải tiếp tục cho đến khi Moscow chấp nhận rằng
họ không thể giành được lãnh thổ bằng vũ lực. Cho đến khi đạt được bước ngoặt
tâm lý đó, Ukraine và những người ủng hộ nước này gần như không có lựa chọn nào
ngoài việc tiếp tục đối đầu quân sự với Nga. Khi Nga sẵn sàng chấp nhận thoả hiệp,
các biện pháp trừng phạt và các hạn chế khác có thể được dỡ bỏ. Nhưng trước đó,
họ sẽ tự làm mình kiệt sức trong vô vọng và sẽ đứng bên lề quốc tế, bị bao vây
bởi một tuyến phòng thủ vững chắc chạy từ Biển Baltic đến Biển Đen – một bức
màn sắt mới sẽ được dựng lên, không phải để bao vây các nước bị chiếm đóng, mà
để giúp bảo vệ các nước khỏi bị chiếm đóng.
Phải đến khi thất bại trong cả hai cuộc thế chiến, người Đức mới hiểu được
rằng xâm lược sẽ không mang lại kết quả. Vì thế, có thể phải cần đến thất bại
không chỉ ở Ukraine, mà còn trong Chiến tranh Lạnh lần thứ hai, thì người Nga mới
rút ra được bài học tương tự. Cho đến lúc đó, bức màn sắt phải được bảo vệ. Giống
như trong quá khứ. Sẽ cần nhiều năm để đạt được kết quả xứng đáng, và chi phí đối
với Ukraine và các đối tác phương Tây sẽ rất cao. Nhưng cái giá phải trả nếu
không làm vậy sẽ còn cao hơn, và không chỉ ở Ukraine, mà còn trên khắp châu Âu
và trên toàn thế giới.
CUỘC
CHIẾN THỜI HẬU CHIẾN
Để cuộc xung đột tổng thể có thể kết thúc, Nga sẽ phải tiếp tục phát triển.
Ukraine cũng vậy. Dân chủ hóa trong nước là mặt trận thứ hai của cuộc chiến, và
cuộc đấu tranh trên mặt trận đó sẽ còn tiếp tục rất lâu sau khi không còn tiếng
súng nào ở miền đông và nam Ukraine. Các nhà cung cấp viện trợ nước ngoài đã
đúng khi quan tâm đến tham nhũng và trách nhiệm giải trình. Người Ukraine cũng
vậy. Tháng 11/2013, nhà báo người Ukraine Mustafa Nayyem đã viết một bài đăng
trên Facebook kêu gọi mọi người cùng ông xuống đường phản đối việc Tổng thống
Ukraine Viktor Yanukovych từ bỏ quan hệ đối tác mới nổi với châu Âu. Sự kiện
này châm ngòi cho Cách mạng Maidan, cuộc nổi dậy của quần chúng mà sau đó đã lật
đổ chế độ Yanukovych. Một thập niên sau, Nayyem, hiện là thành viên quốc hội,
người đứng đầu Cơ quan Phục hồi và Phát triển Cơ sở hạ tầng Ukraine, và là một
trong những nhân vật chủ chốt quản lý công cuộc tái thiết đất nước. Ông nói,
“Cuộc chiến này là phản ứng cuối cùng của Nga đối với Euromaidan. Đó là sự tiếp
nối và là đỉnh cao của cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của Ukraine. Chúng
tôi đang thoát khỏi quá khứ của mình, và tham nhũng là một phần của quá khứ đó.
Cải cách cũng rất quan trọng, chứ không chỉ tái thiết. Nếu những lời hứa trong
nước không được thực hiện, thì sau khi giành chiến thắng trong chiến tranh, sẽ
lại có một Maidan khác.”
Klitschko đồng ý. “Xây dựng lại các tòa nhà là không đủ. Điều quan trọng
là phải xây dựng nhà nước pháp quyền và các thể chế dân chủ. Chúng tôi cần cải
cách tư pháp, cải cách quân đội, cải cách mua sắm công. Mọi người mong đợi một
đất nước mới và tốt đẹp hơn sau chiến tranh.”
Trên mặt trận này, chính quyền Biden và các chính phủ phương Tây khác nên
chấp nhận những người hoài nghi chiến tranh và mối quan tâm của họ, kết hợp viện
trợ hào phóng với các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ để đảm bảo chúng được sử dụng
đúng cách. Rất hiếm khi chúng ta nghe những người nhận viện trợ nước ngoài cầu
xin điều kiện đi kèm, nhưng đó chính là những gì Ukraine đang làm. Hãy là những
người bạn tốt thực sự, họ nói; hãy hỗ trợ chúng tôi nhưng cũng buộc chúng tôi
tuân theo các tiêu chuẩn cao.
HOÀN
THÀNH CÔNG VIỆC
Quan điểm cho rằng cuộc chiến này khiến người ta phân tâm khỏi các quan
ngại an ninh quốc gia khác, cấp bách hơn và quan trọng hơn, của phương Tây, là
một quan điểm sai lầm. Nhờ cuộc xung đột Ukraine, NATO đang làm hao mòn sức mạnh
của kẻ thù, và học được những bài học vô giá về bản chất của chiến tranh thời
hiện đại – từ số lượng trang thiết bị cần thiết, đến tầm quan trọng của việc kết
hợp công nghệ thương mại và quân sự với nhu cầu đổi mới liên tục và phát triển
vũ khí linh hoạt.
Thành công trên chiến trường là cách quảng cáo hiệu quả nhất cho bất kỳ hệ
thống vũ khí nào, và những chiến tích của Ukraine cho thấy rằng nhu cầu về
pháo, xe thiết giáp, và thiết bị phòng không tiên tiến của phương Tây sẽ chỉ
tăng thêm. Chiến tranh đã bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng trong cơ sở công
nghiệp quốc phòng của phương Tây, nhưng chiến tranh cũng giúp khắc phục thiếu
sót đó một cách kịp thời, trước khi tình hình trở nên thực sự nguy cấp đối với
an ninh của phương Tây. Những người phàn nàn rằng không có đủ đạn dược để đồng
thời bảo vệ Ukraine, Đài Loan, và Mỹ đã đúng. Nhưng giải pháp cho vấn đề không
phải là ngừng viện trợ đạn cho Ukraine, mà là sản xuất nhiều đạn hơn. Điều đó
đòi hỏi phải cải cách các thể chế hành chính cứng nhắc và các thói quen mua sắm
vũ khí không hiệu quả, lần này là ở Washington chứ không phải ở Kyiv. Bộ Quốc
phòng sẽ phải đánh giá lại cuộc xung đột ở Ukraine và rút ra bài học cần thiết.
Đó không phải là một phiền toái mà là một cảnh báo. Trong khi đó, những người ủng
hộ chiến tranh ở cả chính phủ và Quốc hội sẽ phải đảm bảo đủ nguồn tài trợ dài
hạn để khôi phục các dây chuyền sản xuất trong nước đối với các vũ khí quan trọng,
từ súng đến xe tăng, đạn pháo đến máy bay không người lái, tên lửa đến máy bay.
Cuộc chiến này là vấn đề cấp bách và quan trọng nhất trong chương trình nghị sự
an ninh quốc gia, và các chính phủ phương Tây cần đối xử với nó đúng như vậy.
Người Đài Loan, giống như người Ukraine, hiểu rằng an ninh của họ sẽ được
đảm bảo tốt nhất bằng cách buộc Nga quay trở lại nguyên trạng, bất kể giá nào.
Tiêu Mỹ Cầm, đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Mỹ, gần đây đã chia sẻ với
báo chí, “Tôi nghĩ chống lại hành động xâm lược là thông điệp chính sẽ giúp
ngăn chặn bất kỳ ý định hoặc tính toán sai lầm nào cho rằng một cuộc xâm lược
có thể được tiến hành nhanh chóng mà không bị trừng phạt, không phải trả giá.
Chúng ta phải đảm bảo rằng bất kỳ ai có toan tính xâm lược đều hiểu rõ điều đó,
và đó là lý do tại sao thành công của Ukraine trong việc chống xâm lược cũng rất
quan trọng đối với Đài Loan.” Phe diều hâu chống Trung Quốc ở Washington nên đồng
ý với lập luận đó, thay vì miêu tả xung đột Ukraine là một cuộc chiến sai lầm,
sai địa điểm, sai thời điểm, và sai kẻ thù.
Dù có thế nào thì điều bắt đầu như một thách thức đối với hệ thống toàn cầu
do Mỹ bảo trợ đang giúp cho hệ thống này hồi sinh, và chiến thắng sẽ giúp
Ukraine báo thù. Tại Ukraine, Mỹ không đơn phương áp đặt ý muốn của mình lên
các quốc gia khác, mà đang lãnh đạo một liên minh rộng lớn nhằm khôi phục trật
tự quốc tế. Họ không phạm tội ác chiến tranh mà đang ngăn chặn chúng. Họ không
đóng vai trò là cảnh sát thế giới hay kẻ bắt nạt toàn cầu, mà là kho vũ khí của
nền dân chủ. Họ đã và đang làm tất cả những điều này một cách hiệu quả mà không
cần phải nổ một phát súng hay mất một người lính nào. Nỗ lực đó cho đến nay là
một hình mẫu cho cách kết hợp sức mạnh cứng và mềm trong một chiến lược duy nhất.
Bây giờ là lúc để hoàn thành công việc này.
---------------
Gideon Rose là nghiên cứu
viên về Chính sách Đối ngoại Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn
“How Wars End: Why We Always Fight the Last Battle.”
Nguồn: Gideon
Rose, “Ukraine’s
Winnable War”, Foreign Affairs, 13/06/2023
No comments:
Post a Comment