21/06/23
https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/29124-con-ac-m-ng-d-k-l-k
Chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn giữ kín lý do tại sao 2 trụ sở UBND
xã Ea Tiêu và Ea Ktur huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã bị một nhóm người Thượng tấn
công vào khoảng 0g35 ngày 11/6 làm 9 người chết và 2 người bị thương.
https://live.staticflickr.com/65535/52992284764_dc56cc835e.jpg
Lực lượng Công an Đắk Lắk
chốt chặn các ngả đường, rà soát truy bắt các đối tượng.
Theo lời Thiếu tướng Đặng
Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết số thương vong gồm 4 công an xã,
2 cán bộ xã và 3 người dân ; 2 cán bộ công an xã bị thương.
Công an tỉnh Đắk Lắk (Ban Mê Thuột) cho biết : "Súng, dao, bom xăng, lựu đạn
là những hung khí mà các đối tượng đã sử dụng để thực hiện hành vi giết người đối
với cán bộ và người dân. Các cửa sổ, cửa chính ở 2 trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea
Ktur đều bị đập phá, nhiều tài liệu giấy tờ bị đốt, nghiêm trọng hơn đó là gặp
bất cứ ai ở trụ sở Ủy ban nhân dân hay người dân, các đối tượng đều rất hung
hãn" (tường thuật của báo chí Việt Nam).
Thiếu tướng Đặng Hồng Đức
cũng cho biết : "Qua khai thác ban đầu, số đối tượng bị bắt giữ phần nhiều
là đối tượng trẻ, thực hiện hành vi do bị xúi giục, kích động qua không gian mạng
và bị kích động chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số…".
Ông nói : "Theo đánh
giá bước đầu, nguyên nhân do âm mưu của các thế lực thù địch, một số đối
tượng Fulro lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh
với dân tộc thiểu số gây mất trật tự và gây tiếng vang ở nước ngoài".
"Đến ngày 16/6, lực lượng
Công an đã bắt giữ, xử lý hơn 50 đối tượng có trực tiếp tham gia vào vụ việc, đặc
biệt toàn bộ số cầm đầu đều bị bắt giữ ; tịch thu nhiều vũ khí gồm vũ khí quân
dụng, vũ khí tự chế và vũ khí thể thao, các loại dao, lựu đạn và một số đạn".
Sau đó Công an xác nhận
đã bắt giữ 74 người, tính đến 21/6/2013.
Đây là vụ "nổi loạn"
lớn nhất của người Thượng trong 9 năm, kể từ vụ biểu tình năm 2004, trái với
tuyên truyền của chính quyền cộng sản cho rằng "cuộc sống tại Tây nguyên
giữa các dân tộc vẫn bình yên".
Fulro là ai ?
Nhưng lực lượng Fulro là
ai ? Bách khoa Toàn thư mở viết : "Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc
tộc bị Áp bức, hoặc FULRO (đọc là Phun-rô, tiếng
Pháp : Front Uni de Lutte des Races Opprimées) là liên minh chính
trị -quân sự của các sắc
tộc Cao nguyên Trung phần, Chăm, Khmer tồn tại từ năm 1964 đến 1992.
Tổ chức này chủ trương đấu
tranh cho quyền tự quyết của các sắc tộc thiểu số, thực hiện chiến
tranh du kích để ly khai vùng Tây
Nguyên khỏi lãnh
thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, các chính quyền
Việt Nam, từ thời Đệ nhất Cộng hòa (1954) đến thời cộng sản (từ 1975) đã tìm mọi
cách ngăn chặn.
Nguồn gốc xung đột
Dù vậy, xung đột âm thầm
vẫn xẩy ra có nguồn gốc từ việc sử dụng đất và tôn giáo, tín ngưỡng. Liên lạc
giữa người Kinh, chiếm trên 80% dân số, và 49 dân tộc người thiểu số ở Tây
Nguyên, lối gần 8%, chưa bao giờ hoàn hảo.
Tài liệu trên báo Việtnam.net
viết : "Tây Nguyên hiện nay bao gồm 5 tỉnh : Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk,
Đăk Nông và Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên 54.477 km2 (chiếm 16,8% diện tích cả
nước), dân số gần 5 triệu người. Toàn vùng hiện có 60 đơn vị hành chính cấp huyện,
trong đó có 3 thành phố, 6 thị xã và 51 huyện ; có 75 phường, 48 thị trấn và
592 xã, 7.186 thôn buôn (có 2.525 buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số)".
Báo này viết tiếp :
"Tại khu vực Tây Nguyên hiện nay có 49 dân tộc cùng chung sống, gồm 12 dân
tộc bản địa và 37 dân tộc từ nơi khác đến. Trong đó, dân tộc thiểu số có
375.825 người, chiếm tỷ lệ 7,48% ; có 8 dân tộc ít người chiếm tỷ lệ 0,01% dân
số. Đặc điểm của cộng đồng tộc người ở Tây Nguyên là rất đa dạng về ngôn ngữ,
tâm lý, phong tục tập quán và sự phát triển không đều nhau về kinh tế - xã hội.
Tổ chức xã hội duy nhất ở đây là làng. Đó là cơ sở tập hợp những người đồng tộc
cùng cư trú, với một lãnh thổ nhất định.
Tây Nguyên là địa bàn hoạt
động của nhiều loại hình tôn giáo đã được công nhận về mặt tổ chức tôn giáo,
trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài, với tổng số
1.753.761 tín đồ (chiếm 34,7% dân số), gần 3.500 nhà tu hành, khoảng 840 cơ sở
thờ tự".
Như vậy thấy rõ vùng Tây
Nguyên rất phức tạp và nhậy cảm. Các dân tộc sống riêng với nhau, nhưng không
hiềm khích, không bạo động để bành trướng tham vọng. Trong khi đó, người Kinh,
được hậu thuẫn bởi chính quyền, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa tứ 1954-1975, đã có
những hành động lấn áp trong tranh giành đất đai, nhưng không gay gắt và chèn
ép phi dân chủ như thời Cộng sản từ 1975.
Vì vậy, dưới thời Cộng sản,
đã có 2 cuộc biểu tình của đồng bào Thượng tại Đắk Lắk (Ban Mê Thuột) chống chiếm
đất và đòi được đối xử công bằng như người Kinh.
Biểu tình năm 2001
Vụ thứ nhất xẩy ra năm
2001. BBC tiếng Việt thời đó tường thuật :
"Tin từ trong nước
cho biết người dân tộc thiểu số đã tổ chức một cuộc biểu tình với
số người tham gia khá lớn tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, chủ yếu là
Daklak.
Một nhân chứng nói
với đài BBC cuộc biểu tình bắt đầu từ sáng sớm, khoảng sau 6 giờ
và cho tới quá trưa thì tạm lắng xuống.
"Người Thượng đã
tiến vào trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột trên hàng trăm máy cày, máy
kéo. Mỗi chiếc máy cày chở hàng chục người.
Con số tổng cộng không
đếm được nhưng phải đến hàng trăm ngàn người".
Biểu tình năm 2004
Sau 3 năm lắng dịu, đồng
bào dân tộc lại tổ chức biểu tình lớn hơn vào năm 2004 tại thị xã Ban Mê Thuột
(Dăk Lăk). Bách khoa Toàn thư mở viết :
"Biểu tình Tây
Nguyên 2004 (còn được biết đến với tên gọi Bạo loạn Tây Nguyên
2004 hoặc Thảm sát Phục Sinh là một cuộc biểu tình của người Thượng xảy ra vào Lễ Phục Sinh ngày 10–11/4/2004 tại Tây
Nguyên thuộc Việt Nam ;
tổng cộng khoảng 10.000–30.000 người Thượng tham gia tại Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk
Nông.
Người Thượng tuyên bố biểu
tình nhằm mục tiêu đòi quyền lợi đất đai và tự do tôn giáo cùng quyền tự trị. Chính phủ Việt
Nam thông cáo biểu tình nhằm thành lập Nhà nước Đêga tự trị, đòi đất, đòi tự do tôn
giáo do Tổ chức Quỹ người Thượng của Ksor Kok phát
động. Sau sự kiện, nhiều người Thượng bị bắt giữ, số lượng thương vong không được
thống kê rõ ràng, khủng hoảng tị nạn xảy ra khi người Thượng vượt biên trái phép sang Thái Lan và Campuchia.
Chính phủ Việt Nam chịu sức ép từ quốc tế trong xử lý khủng hoảng tị nạn người
Thượng ; nhiều tổ chức quốc tế cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo ; Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào danh
sách Các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt về
tôn giáo. Phía chính quyền và truyền thông Việt Nam thời điểm đó cáo buộc biểu
tình là bạo loạn diễn biến hòa bình, đồng thời lực lượng công an nhân dân Việt Nam tiến hành
trấn áp các cá nhân tham gia FULRO sau sự kiện".
Cấm đối lập trong
nước
Từ những hiềm khích lâu
năm, quan hệ giữa Chính quyền cộng sản và người Thượng chưa bao giờ tốt đẹp. Đảng
cộng sản coi Tây Nguyên là vùng đất chiến lược quốc phòng quan trọng trong khi
người Thượng tố cáo người Kinh đã chiếm đất và chiếm rừng của Tổ tiên họ để lại.
Do đó phía chính quyền
luôn luôn duy trì môt lực lượng an ninh gồm Quân đội và Công an đề phòng có loạn.
Tuy vậy, các cấp chính quyền đã hoàn toàn bị bất ngờ "đánh úp" trong
biến cố ngày 11/6/2023.
Vì vậy không ai ngạc
nhiên khi thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh giác "không để hình
thành tổ chức chính trị đối lập trong nước".
Trong phát biểu tại Hội
nghị Đảng ủy Công an Trung ương ngày 15/06/2023, ông Trọng đã yêu cầu Công an
phải : "Chủ động xây dựng các phương án, giải pháp cụ thể để phòng ngừa, đấu
tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống
phá của các thế lực thù địch, phản động, số chống đối ; nhất là
hoạt động tình báo, gián điệp, thâm nhập, tác động chuyển
hoá nội bộ, cài cắm nội gián, phá hoại".
Vì vậy, ông ra lệnh Công
an phải :
- "Triển khai thực
hiện có hiệu quả các đề án, phương án phòng, chống biểu tình gây rối, gây
bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, "cách mạng đường phố",
"cách mạng màu" và xử lý tình hình phức tạp liên quan đến vấn đề Biển
Đông".
- "Bảo đảm vững chắc
an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh
kinh tế, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh mạng, an ninh
xã hội, tôn giáo, dân tộc và an ninh, trật tự các địa bàn chiến lược,
thành phố lớn, trọng tâm là chủ động phát hiện, tham mưu ngăn ngừa, xử
lý từ sớm, ngay tại cơ sở không để phát sinh "điểm
nóng" về an ninh, trật tự".
Ông Trọng nhấn mạnh :
"Đừng để xảy ra tình hình xấu như ở một số nơi ở Tây Nguyên vừa mới
đây".
Người đứng đầu đảng lưu ý
: "Với tinh thần "Còn Đảng thì còn mình" ; "Danh dự là
điều thiêng liêng, cao quý nhất". Đồng thời, xuất phát từ vị
trí, vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo vệ Đảng, bảo
vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, các đồng chí cần tập
trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh chính trị nội
bộ ; đấu tranh chống "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" ; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống ngay trong lực lượng Công an nhân dân ; phải thật sự là lực lượng
nòng cốt đi đầu trong bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước".
Nhưng tại sao lại phải
tăng cường "bảo vệ an ninh chính trị nội bộ" ? Bởi vì trong nội bộ đảng
hiện nay, nghiêm trọng nhất là trong Quân đội và Công an, tình trạng "tự
diễn biến", "tự chuyển hóa", "suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống" đã đến mức báo động cao.
Bên cạnh vấn đề không còn
ai tha thiết với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nữa, tình hình
tham nhũng cũng tăng cao phức tạp và tinh vi trong hàng ngủ Quân đội và Công an
khiến ông Trọng lo âu.
Ông Nguyễn Phú Trọng năm
nay 79 tuổi, đã giữ chức Tổng bí thư đảng 3 khóa. Đến Đại hội đàng XIV năm
2026, ông sẽ 82 tuổi và phải nhường ngôi cho người khác.
Như vậy, những gì ông làm được để ổn định tình hình an ninh trật tự sau vụ Đắk
Lắk sẽ đi theo ông khi nghỉ hưu. Nhưng liệu ông có hiểu được lòng người dân tộc
ở Tây Nguyên không, hay vụ Đăk Lắk sẽ là cơn ác mộng cho đảng cộng sản Việt Nam
suốt đời ?
Phạm Trần
(21/06/2023)
No comments:
Post a Comment