Tuesday, June 27, 2023

BINH BIẾN PRIGOZHIN LÀM DẤY LÊN CÂU HỎI NHỨC NHỐI : LIỆU PUTIN CÓ THỂ MẤT QUYỀN LỰC? (The New York Times)

 



Binh biến Prigozhin làm dấy lên câu hỏi nhức nhối: Liệu Putin có thể mất quyền lực?   

New York Times

Cù Tuấn biên dịch

25-6-2023  22:32   

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid02ragArV8MHtpVrCwUvAgwAdxss9Km6o88n17A5m8vjXGevGVDuN7L1TKpdDUihbzml

 

Tóm tắt: Những người Nga có quan hệ với Điện Kremlin bày tỏ sự nhẹ nhõm khi cuộc binh biến của thủ lĩnh quân đánh thuê đã không châm ngòi cho một cuộc nội chiến. Nhưng họ đều đồng ý rằng Vladimir Putin đã tỏ ra yếu đuối, và sự yếu đuối này có thể tồn tại lâu dài.

 

Tổng thống Vladimir V. Putin từ lâu đã tự phong mình là người bảo đảm cho sự ổn định của Nga và là người bảo vệ không khoan nhượng cho địa vị nhà nước của quốc gia này.

 

Cuối tuần này, sự ổn định của Nga đã lung lay, và ông Putin cũng vậy. Sau khi đưa ra một tuyên bố ngắn gọn vào sáng thứ Bảy, ông đã biến mất khỏi tầm mắt trong cuộc thách thức kịch tính nhất đối với chính quyền của ông trong 23 năm cầm quyền.

 

Khi vắng mặt, Putin đã khiến người Nga sửng sốt tự hỏi làm thế nào mà trong một ngày thứ Bảy, thủ lĩnh của một nhóm bán quân sự, Yevgeny V. Prigozhin, lại có thể tổ chức một cuộc binh biến vũ trang có nguy cơ lan tới tận Matxcơva. Và nó đặt ra những câu hỏi khó chịu về tương lai của tổng thống Nga: Thất bại của ông trong việc ngăn chặn cuộc nổi dậy này có ý nghĩa gì đối với an ninh của công chúng Nga — và quyền lực lâu dài của ông?

 

Những người Nga có quan hệ với Điện Kremlin đã bày tỏ sự nhẹ nhõm vào ngày Chủ nhật rằng cuộc nổi dậy của ông Prigozhin đã không châm ngòi cho một cuộc nội chiến. Nhưng đồng thời, họ cũng đồng ý rằng ông Putin đã tỏ ra yếu đuối và sự yếu đuối này có thể tồn tại lâu dài.

 

Konstantin Remchukov, một biên tập viên báo chí ở Matxcơva có quan hệ với Điện Kremlin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng điều từng dường như không thể tưởng tượng được giờ đã có thể xảy ra: rằng những người thân cận với ông Putin có thể tìm cách thuyết phục ông không tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga mùa xuân sắp tới. Ông nói, với các sự kiện hôm thứ Bảy, ông Putin chắc chắn đã đánh mất vị thế là người bảo đảm cho sự giàu có và an ninh của giới thượng lưu Nga.

 

Remchukov nói: Ý tưởng rằng “Putin nắm quyền và mang lại sự ổn định cũng như đảm bảo an ninh – đã thất bại thảm hại vào ngày 24. Nếu một tháng trước tôi chắc chắn rằng Putin sẽ ra tranh cử vô điều kiện vì đó là quyền của ông ấy, thì giờ đây tôi thấy rằng giới tinh hoa Nga không còn cảm thấy an toàn vô điều kiện nữa”.

 

“Ổn định” là điệp khúc của Điện Kremlin trong bối cảnh cuộc trưng cầu dân ý năm 2020 đã dọn đường cho ông Putin giữ chức Tổng thống thêm hai nhiệm kỳ nữa, cho đến năm 2036. Và chính sự an toàn của nhà nước Nga mà ông Putin mô tả là động cơ chỉ đạo của ông trong việc xâm lược Ukraine.

 

Ngay cả trong cuộc chiến kéo dài 16 tháng ở Ukraine, Điện Kremlin vẫn tập trung vào sự ổn định ở trong nước. Ông Putin đã phản đối những lời kêu gọi cứng rắn tuyên bố thiết quân luật hoặc đóng cửa biên giới Nga. Đối với giới thượng lưu, sự nhức nhối của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã được bù đắp bằng các cơ hội kinh doanh mới của nền kinh tế thời chiến của Nga và thị trường nội địa đột nhiên không còn sự cạnh tranh từ nhiều doanh nghiệp phương Tây.

 

Nhưng thách thức của ông Prigozhin đối với chính quyền của Điện Kremlin vào cuối tuần này đã đảo ngược tính toán đó. Thủ lĩnh của nhóm bán quân sự Wagner Prigozhin đã cho lực lượng của mình chiếm giữ một trụ sở quân sự của Nga ở phía nam, sau đó đưa một đội quân về phía bắc tới Matxcơva, thề sẽ tiến vào thủ đô. Cuộc khủng hoảng đã được xoa dịu vào cuối ngày thứ Bảy, khi ông Prigozhin đồng ý rút lực lượng của mình trong một thỏa thuận cho phép ông và quân đội của mình tránh bị truy tố.

 

Mối đe dọa ngay lập tức đã được ngăn chặn. Nhưng trong quá trình này, ông Putin đã đánh mất nhiều, nhất là danh tiếng của ông trong việc mang lại sự ổn định: Việc ông Prigozhin và các binh sĩ Wagner không bị trừng phạt đã phá hoại danh tiếng của ông Putin với tư cách là một nhà lãnh đạo kiên quyết, không bao giờ dung thứ cho sự bất trung.

 

Ấn tượng đó càng được củng cố bởi các báo cáo từ các blogger quân sự Nga rằng quân lính của Prigozhin đã bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga. Ông Putin cũng gọi ông Prigozhin là kẻ phản bội sau khi thủ lĩnh Wagner phát động cuộc nổi dậy của mình - và sau khi thủ lĩnh lính đánh thuê đặt câu hỏi về lý do chính đáng của ông Putin cho cuộc chiến ở Ukraine. Những vi phạm đó dường như tan biến với thỏa thuận chấm dứt cuộc khủng hoảng.

 

Các chuyên gia cho rằng điều này khiến ông Putin có vẻ đã kiểm soát nhà nước Nga kém hơn so với trước đây. Và các đối thủ nước ngoài đã nhanh chóng nắm bắt chủ đề đó.

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken hôm Chủ nhật cho biết cuộc nổi loạn của ông Prigozhin đã làm lộ ra những rạn nứt trong việc nắm giữ quyền lực của ông Putin. “Đó là một thách thức trực tiếp đối với quyền lực của Putin,” ông Blinken nói trên chương trình “Face the Nation” của CBS.

 

Một trong những khía cạnh khó hiểu hơn của cuộc khủng hoảng là tại sao ông Putin lại để cho cuộc xung đột công khai của ông Prigozhin với Bộ Quốc phòng Nga leo thang trong nhiều tháng mà không giải quyết nó. Ông Prigozhin đã thẳng thắn công kích và coi thường giới lãnh đạo quân đội Nga.

 

Hai người thân cận với Điện Kremlin, phát biểu với điều kiện giấu tên để thảo luận về các vấn đề chính trị nhạy cảm, đã mô tả cuộc khủng hoảng này trước hết là sản phẩm của một hệ thống quản trị rối loạn, và sắp dẫn đến hỗn loạn - được diễn tả một cách sinh động trong từ bardak của Nga.

 

Họ cho biết, các quyết định về cách xử lý cuộc nổi dậy của ông Prigozhin đã được đưa ra vào ngày thứ Bảy, sau nhiều tháng mà Tổng thống Nga và những người thân cận của ông tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn hơn là tìm cách đối phó với vị thủ lĩnh lính đánh thuê tối ngày chửi bới.

 

“Đây là một vấn đề bị bỏ quên đã lâu,” Konstantin Zatulin, một thành viên cấp cao của Quốc hội trong đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Theo Zatulin, rủi ro do ông Prigozhin gây ra “đã không được chẩn đoán kịp thời - có thể với hy vọng rằng nó sẽ tự tan biến.”

 

Ông Zatulin lập luận rằng ông Putin cuối cùng đã mang lại sự ổn định, bởi vì ông đã đồng ý với một thỏa thuận chấm dứt cuộc nổi dậy và ngăn chặn một trận chiến gay cấn bên ngoài Matxcơva. Nhưng ông Zatulin thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng khiến ai cũng bị mất mặt — nó “không tăng thêm quyền lực cho bất kỳ ai”.

 

“Đây là bằng chứng cho thấy có vấn đề,” ông Zatulin nói. “Và trong một thời điểm đang có chiến tranh mà lại cho công chúng thấy các vấn đề một cách công khai - điều đó tất nhiên là có hại.”

 

Đối với bản thân ông Putin, cuộc binh biến có thể châm ngòi cho một “cuộc khủng hoảng hiện sinh”, Sergei Markov, nhà phân tích chính trị và cựu cố vấn Điện Kremlin, nhận định.

Ông Markov nói: “Điều mà ông Putin luôn tự hào là sự vững chắc của nhà nước Nga và sự ổn định chính trị. Công chúng Nga thích ông ấy vì những điều đó. Và hóa ra là nó không tồn tại.”

 

Ông Remchukov, một biên tập viên báo chí, cho biết những lo lắng do cuộc nổi dậy của ông Prigozhin gây ra có thể được cảm nhận theo nhiều cách lớn và nhỏ ở thủ đô nước Nga. Ông nói rằng ông biết những người Nga nổi tiếng đã trốn khỏi Matxcơva vào ngày diễn ra cuộc nổi dậy. Về phần mình, ông Remchukov cho biết ông đã ở lại Matxcơva, nhưng ông đã quyết định không lái chiếc Mercedes hoặc Bentley của mình ra ngoài vào thứ Bảy vì sợ rằng quân của ông Prigozhin có thể tịch thu nó nếu họ thực sự tiến đến thành phố này.

 

Chắc chắn, có những cách mà hệ thống chính trị/kinh tế của ông Putin đã chứng tỏ khả năng tự phục hồi đáng kể. Các biện pháp trừng phạt đã không làm suy giảm nền kinh tế hoặc khiến các ông trùm kinh doanh hàng đầu của Nga quay lưng lại với Điện Kremlin. Một bộ máy tuyên truyền tinh vi và sự đàn áp khốc liệt hầu như đã làm câm bặt những bất mãn của công chúng về cuộc chiến, bất chấp thiệt hại to lớn về người.

 

Theo lý luận đó, một số chuyên gia cho rằng sẽ còn quá sớm để dự đoán sự sụp đổ của hệ thống.

 

Hanna Notte, một cộng tác viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, cho biết: “Những gì chúng ta thấy ngày hôm qua, với tư cách là những nhà quan sát phương Tây, là khá rối loạn và kịch tính. Nhưng trong một hệ thống như vậy thì những rối loạn cỡ đó có thể tồn tại rất lâu.”

 

Ảnh: https://www.facebook.com/photo/?fbid=6601269369911687&set=a.124320747606614

Tổng thống Nga Putin phát biểu trên truyền hình Nga vào sáng thứ bảy 24/6 (nguồn: Sputnik).

 

52 BÌNH LUẬN   

 

.

Nguyễn Trung Thành

Nguồn: 

https://www.nytimes.com/.../russia-war-putin-wagner...

NYTIMES.COM

Revolt Raises Searing Question: Could Putin Lose Power?

Revolt Raises Searing Question: Could Putin Lose Power?

 






No comments: