Saturday, June 17, 2023

BÁO CÁO BUÔN NGƯỜI 2023 : VIỆT NAM LÊN HẠNG NHƯNG VÂN THUỘC DANH SÁCH THEO DÕI (RFA)

 



Báo Cáo Buôn Người 2023: Việt Nam lên hạng nhưng vẫn thuộc danh sách theo dõi

RFA

2023.06.16

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-goes-up-a-tier-in-2023-trafficking-in-persons-report-06162023094506.html

 

Báo cáo Buôn người 2023 (2023 Trafficking in Persons Report), vừa được công bố ngày 15/6 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ các yêu cầu tối thiểu trong công cuộc bài trừ nạn buôn người, dù Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể. Những nỗ lực này bao gồm: bắt đầu nhiều cuộc điều tra hơn, truy tố và kết án nhiều tội phạm buôn người hơn, tăng cường hợp tác thực thi pháp luật quốc tế, khởi xướng thủ tục tố tụng hình sự đối với các quan chức bị cáo buộc đồng lõa, xác định và hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn, và thực hiện các biện pháp bảo vệ cho người lao động ở nước ngoài.

Do vậy, so với báo cáo năm 2022, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, Campuchia và Myanmar từ hạng ba (tức hạng cuối) lên hạng hai. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi.

 

Tăng cường điều tra nhưng dữ liệu không đạt tiêu chuẩn quốc tế, xử phạt chưa triệt để

Theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam đã điều tra 247 nghi phạm buôn người trong 90 vụ án vào năm 2022, tăng gần 100 người so với 149 nghi phạm buôn người trong 77 vụ án vào năm 2021. Trong số 90 vụ được điều tra, có 49 vụ liên quan đến mua bán người xuyên quốc gia sang Trung Quốc và Campuchia.

 

Không như năm trước đó, Chính phủ Việt Nam năm 2022 không cung cấp dữ liệu phân tách buôn bán mại dâm hay buôn bán lao động, một số dữ liệu không xác định hình thức buôn người, và một số còn tồn đọng từ năm trước. Chính quyền không cung cấp đủ thông tin để xác định xem các hình thức buôn người không xác định có đáp ứng định nghĩa của luật pháp quốc tế về buôn người hay không.

 

Vào tháng 6/2022, Chính phủ đã triệu hồi một tùy viên lao động và một nhân viên khác từ Ả Rập Xê Út bị cáo buộc đã trực tiếp tạo điều kiện khiến một số công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động ở Ả Rập Xê Út. Vào tháng 1/2023, Chính phủ thông báo đã khởi xướng các thủ tục hình sự đối với hai quan chức này.

 

Mặc dù các cơ quan chức năng đã áp dụng hình phạt hành chính đối với một số đơn vị liên quan đến việc tuyển dụng hoặc vận chuyển các nạn nhân đến Ả Rập Xê Út, họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số đồng phạm bị cáo buộc này đã trở về Việt Nam hoặc đi du lịch ở nơi khác, và ít nhất một người được cho là vẫn tiếp tục các hoạt động tuyển dụng mà không bị trừng phạt.

 

Tăng cường bảo vệ nạn nhân nhưng quá trình xác định còn rườm rà, thiếu hệ thống

 

Theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam năm 2022 đã xác định được 255 nạn nhân – 102 nữ, 153 nam, và trong số đó 74 nạn nhân là trẻ em – so với 126 nạn nhân năm 2021 – 114 nữ, 12 nam, trong số đó 45 là trẻ em. Trong số 255 nạn nhân, 195 nạn nhân bị cưỡng bức lao động và 14 nạn nhân bị bóc lột tình dục. Những người còn lại là nạn nhân buôn người không được phân loại, trong những năm trước đó có tính “kết hôn bất hợp pháp” và “nhận nuôi bất hợp pháp” không với mục đích bóc lột, cả hai hình thức này đều không phù hợp với định nghĩa của luật pháp quốc tế về buôn người.

 

Quá trình xác định nạn nhân vẫn còn quá rườm rà và phức tạp, cần có sự chấp thuận của nhiều bộ, ngành trước khi nạn nhân có thể chính thức được xác định và hỗ trợ.

 

Mặc dù đã tiến hành hơn 32.000 cuộc kiểm tra các cơ sở bị tình nghi buôn bán mại dâm, chính quyền lại chỉ xác định được hai nạn nhân bị bóc lột tình dục. Do không có một quy trình có hệ thống để xác định nạn nhân trong các cuộc kiểm tra này, các cơ quan chức năng có thể đã xử phạt một số nạn nhân buôn người tiềm ẩn vì những hành vi trái pháp luật họ bị ép làm trong lúc đang bị buôn bán.

 

Các nhà quan sát trong báo cáo cho biết nhiều nạn nhân buôn người không hiểu đầy đủ về quyền lợi của họ và cách tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, cản trở việc xác định kịp thời và hỗ trợ pháp lý, cũng như các dịch vụ bảo vệ nạn nhân khác.

 

Tăng cường công tác phòng chống buôn người, bảo vệ lao động nước ngoài

 

Năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã phân bổ 14,5 tỷ đồng cho các nỗ lực phòng chống buôn người, so với mức phân bổ 17 tỷ đồng trong ngân sách năm 2021. Chính phủ không công khai bất kỳ thông tin nào về các nỗ lực nói trên. Các chính quyền cấp địa phương đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức của trẻ em đang đi học về nạn buôn người.

 

Từ tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69, bãi bỏ phí môi giới cho người lao động ở nước ngoài, từ lâu được cho là nguyên nhân khiến các lao động Việt Nam có nguy cơ cao bị cưỡng bức do áp lực phải làm việc để trả khoản nợ đã vay để đóng phí.

 

Vào tháng 12/2022, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an thu thập dữ liệu về nạn buôn người từ 20 cơ quan Chính phủ, bộ, ngành hàng quý và báo cáo hai lần một năm. Các nhà quan sát trong báo cáo nhận thấy rằng Chính phủ thiếu hướng dẫn cụ thể, thời hạn và thông số cho quá trình thu thập.

 

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam còn đào tạo bắt buộc các nhân viên ngoại giao về quy định, chính sách và luật chống buôn người.

 

Khuyến nghị từ phía Hoa Kỳ

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra các khuyến nghị sau cho Chính phủ Việt Nam:

 

·        Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự để sửa đổi luật chống buôn người, bao gồm việc hình sự hóa hoàn toàn hành vi buôn bán mại dâm các nạn nhân 16 và 17 tuổi để phù hợp với luật pháp quốc tế.

·        Nghiêm khắc truy tố tất cả các hình thức buôn người, trừng phạt những kẻ buôn người, kể cả trong các trường hợp liên quan đến các quan chức bị cáo buộc đồng lõa.

·        Phối hợp với các xã hội dân sự để đào tạo cán bộ xác định nạn nhân, tăng cường phối hợp liên ngành để xác định và hỗ trợ nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm lao động nước ngoài; các nạn nhân buôn bán mại dâm; lao động trẻ em; và các nạn nhân của các hoạt động lừa đảo trên mạng.

·        Loại bỏ tất cả các khoản phí tuyển dụng người lao động phải trả và các hoạt động tuyển dụng mang tính trục lợi đối với người lao động di cư ra nước ngoài hoặc lao động nước ngoài đến Việt Nam; tăng cường nỗ lực giám sát các công ty tuyển dụng lao động, công ty môi giới, và các biện pháp bảo vệ được nêu trong hợp đồng lao động nước ngoài.

·        Mở rộng đào tạo cho nhân viên công tác xã hội, nhân viên cứu hộ, các nhà ngoại giao, và cơ quan tư pháp về việc chăm sóc tâm lý nạn nhân, và các phương pháp làm việc khác đặt nạn nhân lên đầu.

 

Báo cáo Buôn người 2023 xác định các nước hạng hai nằm trong danh sách theo dõi là các nước chưa đáp ứng đủ các yêu cầu tối thiểu để chống lại nạn buôn người, đang nỗ lực để đạt các yêu cầu này nhưng không thể cung cấp bằng chứng về nỗ lực đã tăng cường so với năm trước đó.

 

----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Bộ Ngoại giao Mỹ: vận động cho nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam là chống lại Đảng, nhà nước!

·        Báo cáo Buôn người 2022: Việt Nam tụt hạng, quan chức tiếp tay cưỡng bức lao động ở nước ngoài

·        Cảnh sát Đức: Người Việt Nam nhận làm cha giả, hôn thú giả phổ biến tại Berlin

·        Cảnh sát Đức và cuộc truy lùng tội phạm buôn người Việt Nam (Thùng Nhân Phần 4/7)

·        Phát triển bền vững, đảm bảo bình đẳng giới mới giải quyết được nạn buôn người tại Việt Nam

 

-------------------------------

Bài được đọc nhiều nhất

RFA

1.           Việt Nam có thể mua năm khẩu đội tên lửa BrahMos trị giá 625 triệu USD

2.           Với “Bốn không”, Việt Nam bất lực trước sự hung hăng của Trung Quốc?

3.           Thủ tướng Campuchia ra lệnh tăng cường an ninh biên giới, ngăn người Việt có vũ trang đào tẩu

4.           Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Mâu thuẫn âm ỉ từ lâu, khó có thể là sự bột phát!

5.           Chính phủ Anh quan ngại việc Việt Nam bắt giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng

 

--------------------------------

Bài được đọc nhiều nhất

THỜI SỰ

1.           Ba luật sư vụ Thiền Am lên tiếng về ‘Thông báo truy tìm’ của Công an Long An

2.           Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Bạo lực là biện pháp ‘thiếu khôn ngoan’ nhất, ‘đối thoại’ phải là giải pháp

3.           Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam qua trường hợp VinFast

4.           Vụ Đắk Lắk: đưa tin kiểu truyền thông Nhà nước sẽ khoét sâu hận thù trong dân

5.           Việt Nam: Bắt giữ các nhà hoạt động môi trường - ‘giọt nước đã tràn ly’

 

 




No comments: