Hiếu Chân/Người Việt
June 6, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ai-tha-bom-nuoc-o-ukraine/
Một đập nước
lớn ở miền Nam Ukraine bị vỡ hôm Thứ Ba, 6 Tháng Sáu, làm ngập lụt nhiều ngôi
làng, gây nguy hiểm cho mùa màng và đe dọa cuộc sống của hàng chục ngàn người
sinh sống ở hạ lưu sông Dnieper của Ukraine. Cả hai bên trong cuộc chiến tranh
đều chạy đua với dòng nước lũ để di tản cư dân và đổ lỗi cho nhau về hành vi
phá hoại. Nhưng suy cho cùng, ai gây ra tai họa này?
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/A1-Bom-nuoc-Ukraine-1068x732.jpg
Một cậu bé Ukraine đi trên đường phố ngập nước ở
Kherson, Ukraine, sau khi đập thủy điện Kakhovka bị vỡ vào sáng sớm Thứ Ba, 6 Tháng
Sáu. (Hình: Stringer/AFP via Getty Images)
Đập
Kakhovka trên sông Dnieper được xây dựng hoàn chỉnh
năm 1956, tạo ra một hồ chứa có dung tích khoảng 18 triệu mét khối nước, tương
đương với hồ Great Salt Lake ở bang Utah của Mỹ. Trong cuộc chiến Nga-Ukraine
hiện nay, đập nước đã nhiều lần bị pháo kích và nguy cơ bị vỡ đập đã được cảnh
báo từ lâu.
Lúc 2 giờ 50 phút sáng 6
Tháng Sáu, con đập đã bị vỡ sau nhiều tiếng nổ lớn. Ảnh chụp từ vệ tinh của
công ty Planet Labs PBC cho thấy thân đập bị hỏng một đoạn dài khoảng 600 mét,
qua đó dòng nước từ hồ chứa đổ ra cuồn cuộn và tràn về phía hạ lưu như thác.
Hãng tin AP cho biết vào tối Thứ Ba rằng chính
quyền Nga và Ukraine đã điều xe lửa và xe buýt để di chuyển người dân đến nơi
an toàn. Khoảng 25,000 người ở các khu vực do Nga kiểm soát và 17,000 người ở
vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát cần phải được di tản, phó trưởng công tố
Ukraine Viktoriya Lytvynova cho biết trên truyền hình Ukraine.
Cảnh sát quốc gia Ukraine cho biết đến tối Thứ
Ba đã có ít nhất 23 thị trấn và làng mạc bị ngập lụt, mực nước sông Dnieper qua
thành phố Kherson đã dâng lên gần 11 foot (3.3 mét). Đến 9 giờ tối, mới chỉ có
1,366 người dân thành phố được di tản bằng thuyền ra khỏi vùng ngập lụt.
Các nhà quan sát cho biết mực nước lũ ở khu vực
hạ lưu đang tiếp tục dâng lên và sẽ đạt tới đỉnh vào sáng Thứ Tư.
***
Truyền thông quốc tế dẫn nhiều nguồn tin nói
hiện chưa rõ ai chịu trách nhiệm về việc phá hủy đập Kakhovka. Nhưng khu vực
này bị quân Nga chiếm đóng trong hơn một năm qua.
Ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, đổ
lỗi cho “những kẻ khủng bố Nga,” trong khi ông Dmitri S. Peskov, phát ngôn viên
Điện Kremlin, cho biết các lực lượng Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công
“phá hoại.”
Phía Ukraine cho rằng, quân đội Nga cố ý phá
con đập, gây lũ lụt để ngăn chặn cuộc tổng phản công được chờ đợi từ lâu của
quân đội Ukraine vào các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở miền Nam Ukraine. Các
quan chức Nga thì nói Ukraine phá hủy con đập để làm cạn nguồn cung cấp nước
cho bán đảo Crimea, vốn là tâm điểm căng thẳng địa chính trị giữa Kiev và
Moscow trong nhiều năm.
Tại Tòa Bạch Ốc, ông John
Kirby, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ, nói rằng Hoa Kỳ chưa có kết
luận cuối cùng rằng bên nào có hành vi phá hủy con đập. “Chúng tôi vẫn đang cố
gắng tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra ở đó, nhưng người Nga đã chiếm đóng bất hợp pháp khu vực có con đập,
hồ chứa nước từ nhiều tháng trước và hiện họ kiểm soát chúng,” ông Kirby
nói.
Đa số các quan chức Tây phương và các nhà lãnh
đạo quốc tế cho đến nay đều tỏ ra thận trọng, chưa xác quyết bên nào gây ra thảm
họa nhưng quan điểm chung có vẻ như đồng ý với lời tố cáo của Kiev.
Theo nhiều chuyên gia về
đạn dược và kỹ thuật xây dựng, đập nước Kakhovka bị vỡ nhiều khả năng là do chất
nổ được đặt bên trong thân đập với khối lượng lớn. Những hư hại về cấu trúc của đập hoặc tấn công từ bên ngoài cũng có thể
làm vỡ đập nhưng không trầm trọng như vậy. Phải có một vụ nổ từ bên trong, với
hàng trăm ký thuốc nổ thì mới phá sập một đoạn dài bê tông cốt thép của thân đập;
bom hoặc phi pháo nổ bên ngoài chỉ có thể gây hư hại con đập ở mức độ thấp hơn
nhiều. Cư dân địa phương nói với báo chí rằng họ nghe tiếng nổ rất lớn trước
khi con đập bị vỡ lúc 2 giờ 50 phút sáng.
Do con đập nằm trong vùng
quân đội Nga chiếm đóng và kiểm soát nên quân Ukraine không thể đưa khối lượng
lớn thuốc nổ vào bên trong thân đập để thực hiện một hành vi phá hoại lớn như vậy.
Từ những nguồn tin tình báo, ông Olaf Scholz,
thủ tướng Đức, nói trong một cuộc phỏng vấn truyền hình rằng từ lâu ông đã lo
ngại rằng con đập sẽ bị tấn công. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, quân đội Liên Xô đã từng
phá đập năm 1941 để ngăn chặn đà tiến của quân phát xít Đức; quân Đức sau đó sửa
chữa con đập rồi lại cho nó nổ tung khi chúng rút đi năm 1943. “Xem xét tất cả các thông tin mọi người hẳn
nhiên đều thấy đây là một vụ gây hấn do phía Nga thực hiện để chặn cuộc phản
công của Ukraine nhằm giải phóng đất đai của họ.”
Việc phá hủy con đập gây ngập lụt một vùng
châu thổ rộng lớn có thể giúp cho quân Nga có thêm thời gian phối trí lại lực
lượng, đồng thời loại bỏ những lợi thế của Ukraine trong cuộc phản công. Việc
vượt qua sông Dnieper – đã rộng ra hơn rất nhiều, dòng nước chảy xiết hơn rất
nhiều – để tấn công các cứ điểm của Nga trong vùng tạm chiếm bây giờ đã trở
thành nhiệm vụ bất khả thi cho quân đội Ukraine. Trong thời gian quân Ukraine bị
nước lũ cầm chân bên hữu ngạn sông Dnieper, quân Nga có thể điều động lực lượng
từ các nơi khác về củng cố tuyến phòng thủ ở tả ngạn con sông – nơi được coi là
điểm khởi đầu cho chiến dịch tổng phản công của Ukraine.
Cho đến nay, Kiev vẫn giữ im lặng về cuộc phản
công của họ nhưng các chuyên gia quân sự từ lâu đã nói rằng mục tiêu chính của
Ukraine là chiếm lại vùng đất bên tả ngạn sông Dnieper – khu vực được coi là
tuyến hành lang đường bộ duy nhất nối nước Nga với bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm
đóng năm 2014 và biến thành một trung tâm hậu cần cho cuộc xâm lược năm 2022.
Vùng châu thổ sông Dnieper nằm trên đường tiến quân của Ukraine mà Nga bằng mọi
cách phải ngăn chặn. Vụ phá đập gây ngập lụt đã giúp cho quân Nga có được một
vùng đệm an toàn bằng nước, ngăn cách với lực lượng tấn công của Ukraine.
***
Nếu xác định đúng Nga là
thủ phạm ném bom nước thì hành vi phá đập Kakhovka là một tội ác chiến tranh
không thể dung thứ được và cộng đồng quốc tế cần có hành động cụ thể để buộc
Nga phải chịu trách nhiệm.
“Người Nga có động lực để thực hiện vụ phá hoại
này. Chính người Nga sẽ có lợi nếu con đập không còn tồn tại ở đó,” một giới chức
cao cấp của NATO nhận định. Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, cũng đồng ý
như vậy. Vụ phá đập “là
hành vi tàn bạo, một lần nữa chứng tỏ sự dã man của cuộc chiến của Nga ở Ukraine,” ông Stoltenberg nói.
Đập nước Kakhovka và nhà máy thủy điện của nó
cung cấp điện cho hơn 3 triệu người dân Ukraine và là một phần thiết yếu trong
hệ thống điện năng quốc gia. Trong nhiều tháng gần đây, quân Nga đã tổ chức tấn
công liên tục vào hạ tầng năng lượng của Ukraine, gây mất điện kéo dài ở nhiều
thành phố, kể cả thủ đô Kiev. Vụ phá đập thủy điện Kakovka phải chăng là một phần
trong chiến thuật hủy hoại hệ thống điện để tiêu diệt ý chí chiến đấu của người
dân Ukraine?
Cơn lũ lụt nhân tạo này cũng phá hoại nền nông
nghiệp của Ukraine, vốn là một trong những nguồn thu ngân sách chính của đất nước,
là nguồn cung cấp ngũ cốc lớn cho các nước đang phát triển. Lũ lụt nhấn chìm
nhiều cánh đồng và cả các nhà kho chứa ngũ cốc ở cảng Kherson. Thị trường đã có
phản ứng ngay lập tức. Trên sàn giao dịch nông phẩm thế giới Chicago hôm nay,
giá lúa mì tăng 1.9% sau khi có tin về vụ vỡ đập, còn giá bắp trên sàn giao dịch
Châu Âu cũng tăng thêm 0.8%. Giới thương nhân dự báo giá ngũ cốc sẽ còn tăng nữa
sau khi có sự đánh giá đầy đủ về thiệt hại mà “quả bom nước” gây ra cho khu vực
nông nghiệp ở châu thổ sông Dnieper; điều đó có nghĩa là miếng ăn của hàng triệu
người ở các nước nghèo sẽ khó khăn hơn.
Ông Antonio Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc,
hôm Thứ Ba nói vụ vỡ đập là “một ví dụ nữa về cái giá khủng khiếp mà chiến
tranh gây ra cho cuộc sống người dân.” Nhưng nói vậy mà không truy cứu đến cùng
trách nhiệm của những kẻ thủ ác thì cũng chẳng giải quyết được gì và người dân
vẫn phải chịu tất cả các khổ nạn chỉ vì tham vọng của một số kẻ độc tài máu lạnh.
[qd]
No comments:
Post a Comment