VN vẫn 'nghiện' điện
than dù đã cam kết 'phát thải bằng 0' vào 2050
Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt
10 tháng 11 2022
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-63580100
Chính phủ Việt Nam cam kết đưa chỉ số phát thải CO2
về 0 (net zero) vào năm 2050, nhưng đến nay chưa thấy công bố một lộ trình nào
rõ ràng cho kế hoạch đầy tham vọng này trừ việc kêu gọi quốc tế rót tiền tài trợ
để thực hiện nó.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, bà Flora
Champenois từ tổ chức Global Energy Monitor cho hay ngành điện than của Việt
Nam phát triển nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác. Điện than là loại năng lượng
'bẩn' đóng góp hàng đầu vào việc tăng phát thải khí CO2.
Tại Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu (COP27) đang
diễn ra tại Ai Cập năm 2022, các nước đang tập trung bàn cách chuyển đổi sang
các loại hình năng lượng sạch bền vững khác để tiến tới chấm dứt sử dụng điện
than.
Còn tại COP26 diễn ra tại Glasgow năm 2021, Thủ
tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bất ngờ thông báo kế hoạch đầy tham vọng 'net
zero' vào năm 2050. Việt Nam cũng ký kết tuyên bố toàn cầu chuyển đổi từ than
sang năng lượng sạch, theo đó cam kết nhanh chóng tăng cường năng lượng tái tạo
và không xây mới thêm nhà máy điện than nào.
Bùng nổ điện than
tại Việt Nam
Dù cam kết và tuyên bố như vậy, Việt Nam hiện
chỉ đứng sau Trung Quốc về điện than trong số các quốc gia thuộc tiểu vùng sông
Mekong. Nhiều nhà máy điện than đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là do
Trung Quốc đầu tư.
Việt Nam đã bổ sung 2/3 công suất điện than
đang hoạt động hiện tại là 23 GW kể từ năm 2015, theo bà Flora Champenois.
Đến năm 2020, điện than của Việt Nam đã tạo ra
năng lượng nhiều bằng tất cả các nguồn khác cộng lại. Điện than cũng thải ra
126 triệu tấn CO2, tương đương một nửa lượng khí thải của Việt Nam, theo
Politico.
Lượng khí thải của Việt Nam cũng tăng lên
trong các năm gần đây, trong khi khí thải của các nước láng giềng hầu như không
thay đổi, hoặc giảm,
Không giống hầu hết các nước láng giềng,
phát thải từ than của Việt Nam tiếp tục tăng trong những năm gần đây.
Bộ Công Thương (MOIT) Việt Nam đã ban hành Kế
hoạch phát triển năng lượng từ 2020-2030 (PDP) trong vài năm gần đây, trong đó
có nhiều phiên bản đề xuất cắt giảm đáng kể lượng than đề xuất. Dự thảo PDP8 mới
đây nhất dường như đã hủy bỏ một số dự án than, nhưng khoảng 8 GW than mới được
đề xuất có thể vẫn còn cho đến năm 2030 - đây là những dự án chưa được xây dựng
và sẽ tạo thêm thách thức cho Việt Nam trong việc đạt được mục tiêu ròng.
Trong PDP được công bố chỉ hai tháng trước
COP26. Việt Nam lẽ ra là đã tăng gấp đôi công suất điện than vào 2030 và tăng
hơn nữa trong 5 năm tiếp sau đó.
Năm 2010, Việt Nam ngừng xây các đập lớn, thay
vào đó, bắt đầu tập trung phát triển điện than. Điều này được thể hiện trong
PDP giai đoạn 2011-2020.
Số liệu từ Global Energy Monitor chỉ ra rằng từ
2010, ngành than Việt Nam đã nhận ít nhất 29 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
"Than là cách rẻ nhất và nhanh nhất để
đáp ứng nhu cầu điện của Việt Nam," James Browning, Giám đốc Truyền thông
của Global Energy Monitor, nói với Politico.
Nghiên cứu năm 2017 của Friedrich Ebert
Foundation, một tổ chức phi chính phủ của Đức, cho thấy các xung đột lợi ích là
rào cản cho việc chuyển đổi từ than sang các nguồn năng lượng phát thải thấp.
"Khó để thuyết phục các công ty xây nhà máy điện than đừng có xây nữa. Họ
có quyền lực rất lớn và có nhiều nhóm lợi ích đặc biệt," Brian Eyler nói với
Politico.
Việt
Nam có công suất điện than lớn nhất Tiểu vùng sông Mekong mở rộng
Đầu tư của Trung
Quốc
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc từng là các
nhà đầu tư chính cho than Việt Nam nhưng hiện giờ đã rút lui.
Vào tháng 9/2021, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố
sẽ chấm dứt xây dựng mới các dự án than ở nước ngoài, theo Energy Economics and
Financial Anlysis.
Nói với BBC, bà Flora Champenois từ tổ chức
Global Energy Monitor nhận định rằng, "dù vậy, tài trợ cho điện than có thể
vẫn đến thông qua nhiều kênh khác nhau".
"Để kỷ nguyên điện than kết thúc, tất cả
các kênh này phải đóng lại.
"Từ nay cho đến lúc đó, vẫn tiềm ẩn rủi
ro của việc Việt Nam lập kế hoạch năng lượng để thúc đẩy các nhà máy điện than
mới, làm trì hoãn quá trình chuyển đổi cần thiết sang các nguồn năng lượng sạch
hơn."
Danh sách các dự án than tiềm năng khác nhau ở
Việt Nam do Trung Quốc đầu tư mà hiện chưa bị hủy bỏ rõ ràng do bà Flora
Champenois cung cấp cho BBC, bao gồm:
·
Nhà máy điện than Anh
Khanh tại Bắc Giang
·
Nhà Máy Công Thanh
·
Nhà máy Nam Định
·
Nhà máy Sông Hậu
·
Nhà máy Vĩnh Tân
Theo Global Energy Monitor, Trung Quốc dẫn đầu
trong danh cách các nước đầu tư vào điện than. Tiếp theo là Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ,
Nhật Bản...
Việt Nam là nước nhận nhiều tiền đầu tư nước
ngoài nhất cho phát triển điện than, theo sau là Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ...
Quốc tế rót tiền
giúp VN 'cai nghiện' điện than
Dù chưa công bố kế hoạch, lộ trình cụ thể nào
để cắt giảm điện, chính phủ Việt Nam vẫn quyết liệt kêu gọi các nước giàu rót
tiền để thực hiện cam kết net zero.
Cụ thể mới đây, Việt Nam đã kêu gọi Vương quốc
Anh, Liên minh châu Âu và nhóm G7 hỗ trợ chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến về
năng lượng gió và mặt trời.
Bộ Trưởng bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng
Hà nhấn mạnh điều này tại phiên họp với Chủ tịch COP26, Alok Sharma - người đại
diện Anh, EU và G7 - bên lề COP27 tại Egypt.
Tại cuộc này, ông Hà nói rằng 'chuyển đổi năng
lượng' là 'nhân tố chính' cho Việt Nam để thực hiện net zero vào 2050 mà Hà Nội
đã cam kết tại COP26.
Ông Hà cũng thừa nhận Việt Nam đang vấp phải
nhiều khó khăn khi có nhiều nhà máy điện than đã xây dựng từ lâu.
Không thấy ông Hà đề cập đến các dự án điện
than Trung Quốc tài trợ hiện chưa rõ có tiếp tục xây dựng trong bối cảnh nhu cầu
về điện cho sản xuất ngày càng tăng tại Việt Nam.
Tin vui cho Việt Nam là G7 và các nước đối tác
của nhóm này đã đề nghị số tiền tài trợ lên đến hàng tỷ USD cho Việt Nam và
Indonesia và Ấn Độ, để 'cai nghiện' điện than.
Ba gói tài trợ này đã được thương thảo trong
suốt năm 2022 và đã được 'làm mẫu' trước bằng gói 8,5 tỷ USD để đóng cửa ngành
công nghiệp than tại Nam Phi.
Các đối thoại với Việt Nam và Indonesia đã đạt
được bước tiến, với gói tài trợ tiền mặt ban đầu được đề nghị là khoảng 5 tỷ
USD cho Việt Nam, theo báo cáo của văn phòng ngoại giao EU vào 24/10 gửi cho
Politico.
Gói tài trợ bao gồm hỗ trợ tài chính công và
tư, cùng hỗ trợ kỹ thuật.
--------------------------------------------
TIN LIÊN QUAN
Bộ Ngoại giao VN nói
phiên tòa xử bà Ngụy Thị Khanh 'công khai'
24 tháng 6 năm 2022
.
Việt Nam bắt giữ người từng
được xem là 'anh hùng môi trường'
9 tháng 2 năm 2022
.
Đại diện ETU nói về vụ
xử Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương
12 tháng 8 năm 2022
.
Điện mặt trời: Cắt giảm
mạnh công suất, 'VN giáng đòn vào nỗ lực năng lượng sạch'
15 tháng 9 năm 2022
No comments:
Post a Comment