Friday, November 4, 2022

TRƯỚC BẦU CỬ GIỮA KỲ, SỨC KHỎE KINH TẾ MỸ THẾ NÀO? (VOA Tiếng Việt)

 



Trước bầu cử giữa kỳ, sức khỏe kinh tế Mỹ thế nào?

VOA Tiếng Việt

04/11/2022

https://www.voatiengviet.com/a/truoc-bau-cu-giua-ky-suc-khoe-kinh-te-my-the-nao-/6819587.html

 

Nền kinh tế Mỹ ‘về cơ bản vẫn rất mạnh’ nhưng bị các liều thuốc đắng chống lạm phát ‘làm cho uể oải’, một kinh tế gia từ Texas nói với VOA trong bối cảnh kinh tế là yếu tố quan tâm hàng đầu của các cử tri tại kỳ bầu cử giữa kỳ.

Vào ngày 8/11 tới, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để quyết định đảng nào sẽ nắm giữ Quốc hội trong hai năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden trong lúc lạm phát Mỹ vẫn còn ở mức cao và nhiều nhà kinh tế dự đoán suy thoái là ‘không thể tránh khỏi’.

Với tình hình đó, Đảng Cộng hòa được cho là ‘đang có lợi thế rất lớn trước Đảng Dân chủ’. Họ hy vọng sẽ lấy lại cả Thượng viện và Hạ viện sau ngày 8/11 để từ đó có thể làm đảo lộn nghị trình của Tổng thống Biden.

Theo một cuộc thăm dò mới của Viện Gallup được công bố trong tháng này, 51% người Mỹ được khảo sát cho biết về kinh tế họ tin tưởng Đảng Cộng hòa hơn, so với 41% nói họ tin tưởng Đảng Dân chủ. Đó là khoảng cách lớn nhất giữa hai Đảng mà các cuộc khảo sát của Gallup cho thấy trong hơn 30 năm qua.

 

Tăng trưởng trở lại

Với lạm phát tăng và thị trường chứng khoán có xu hướng giảm trong phần lớn thời gian của năm nay, Đảng Cộng hòa đã nói về ‘cuộc suy thoái của Joe Biden’.

Tuy nhiên, ông Biden đã phản bác rằng việc làm tăng trưởng tốt và tỷ lệ thất nghiệp thấp, đồng thời nói rằng nền kinh tế Mỹ ‘đang mạnh vô cùng’.

Số liệu cho thấy trong quý đầu tiên của năm nay, kinh tế Mỹ giảm 1,6%, và sau đó giảm 0,6% trong quý 2. Tuy nhiên, trong quý 3, GDP của Mỹ lại tăng trưởng 2,6%.

Nhìn rộng hơn, tăng trưởng kinh tế trong năm đầu tiên ông Biden cầm quyền là cao hơn cả Tổng thống Trump và Obama.

Tác động của đại dịch Covid đối với tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump là đột biến, khi nền kinh tế Mỹ giảm mạnh vào năm 2020 do các biện pháp phong tỏa, nhưng sau đó nó hồi phục mạnh mẽ khi các hạn chế chống dịch được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, dự báo của OECD đến năm 2023 cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm hơn một số nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Nhật và Pháp.

Trao đổi với VOA từ Fort Worth, Texas, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, vốn giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management, nhận định rằng việc kinh tế Mỹ suy thoái về mặt kỹ thuật, do suy giảm hai quý liên tiếp, ‘chỉ làm tạm thời’ và là do FED (tức Cục Dự trữ Liên bang) gây ra.

“FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, nhưng mức tăng sẽ giảm qua tháng 11, có thể chỉ tăng 0,5% (so với 0.75% như mức tăng hiện nay). Suy thoái sẽ bớt đi động lực,” ông giải thích. “Lại sắp sửa vào mùa lễ hội nữa người dân Mỹ sẽ chi tiêu mua sắm nhiều, kích thích nền kinh tế.”

Ông ví von rằng tác động của việc tăng lãi suất đối với nền kinh tế Mỹ giống như là tác dụng phụ của việc uống thuốc trị bệnh: “Mình đang bệnh mà uống thuốc mạnh thì sẽ có phản ứng. Cơ thể mình uể oải, nhưng là để trị bệnh. Đây là bệnh lạm phát.”

Vị giáo sư này cho rằng tình hình tài hình tài chính của các công ty Mỹ vẫn mạnh trong thời điểm hiện tại. Chỉ có thị trường địa ốc bị ảnh hưởng nhiều do tiền lãi gia tăng.

Lạm phát dai dẳng

Ông Biden cũng đối mặt chỉ trích vì giá xăng tăng. Giá xăng trung bình ở Mỹ đã tăng từ khoảng 2,39 đô la/gallon khi ông nhậm chức, lên khoảng 3,76 đô la tính đến ngày 31/10. Tuy nhiên, phần lớn việc tăng giá là do cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Ông Biden biện hộ rằng lạm phát là xảy ra trên khắp thế giới và rằng ở những nước khác lạm phát còn cao hơn.

Nhiều nước trên thế giới đang phải vật lộn với hậu quả của đại dịch và tác động của cuộc chiến ở Ukraine, do đó họ đang hứng chịu lạm phát cao và tăng trưởng chậm, nhưng lạm phát ở Mỹ cao hơn một số nền kinh tế khác.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong quý 3 là 8,2% - thấp hơn Anh hay nhiều nước châu Âu, nhưng lại cao hơn Nhật, Pháp và Canada.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Đại học Monmouth, 82% người dân Mỹ cho biết lạm phát là ‘vấn đề hết sức hoặc rất cần thiết’ mà chính phủ liên bang phải giải quyết. Cuộc thăm dò tương tự cho thấy chỉ có 3 trong số 10 người Mỹ tán thành thành tích kiểm soát lạm phát của Tổng thống Joe Biden.

 

Giáo sư Lộc chỉ ra rằng thực ra lạm phát cao ở Mỹ đã có mầm mống từ dưới thời ông Donald Trump còn nắm quyền khi ông Trump quyết liệt phản đối kế hoạch tăng lãi suất của ông Jerome Powell, chủ tịch FED, khiến ông phải rút lại kế hoạch ‘do sợ bị ông Trump sa thải’.

 

Lãi suất được giữ ở mức quá thấp trong nhiều năm, nền kinh tế bùng nổ sau khi mở cửa trở lại, các gói cứu trợ đại dịch khổng lồ của cả hai chính quyền Trump và Biden là những nhân tố cộng dồn cùng một lúc thúc đẩy lạm phát gia tăng, theo lời ông Lộc.

 

Bên cạnh đó, cuộc thương chiến Mỹ-Trung được phát động từ thời ông Trump khiến giá cả hàng hóa tăng cao, đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí sản xuất, cộng với giá xăng dầu tăng do chiến sự ở Ukraine đều khiến lạm phát ở Mỹ thêm trầm trọng.

“Lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt (từ mức đỉnh là 9,2%) mặc dù giảm không nhiều,” ông nói. “Nó giống như cái xe đang chạy băng băng nhưng đã bị rà thắng lại rồi.”

Với nhiều yếu tố cộng dồn như vậy, ông Lộc dự đoán trong 2-3 năm tới, nước Mỹ phải chịu mức lạm phát là 4-5%, thay vì 3,5% như mục tiêu chính quyền Biden đề ra.

Ông cho rằng việc khối OPEC+ mới đây quyết định giảm sản lượng cũng gây áp lực lớn lên lạm phát của Mỹ nhưng việc ông Biden tung ra thêm dầu trong kho dự trữ chiến lược ‘đã làm hạ nhiệt giá xăng dầu’.

Việc làm tăng

Tổng thống Biden đã nhiều lần chỉ ra tăng trưởng việc làm mạnh mẽ là thành tích lớn. Hồi tháng 9, ông cho biết đã có thêm gần 10 triệu việc làm mới kể từ khi ông nhậm chức.

“Đó là mức tăng trưởng việc làm nhanh nhất tại bất kỳ thời điểm nào của bất kỳ tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ,” ông Biden nói.

Dữ liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ (chiếm khoảng 80% lực lượng lao động) cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ - tăng thêm khoảng 10 triệu việc làm vào tháng 9 năm 2021 so với tháng vào tháng 1 khi ông Biden tiếp quản, tức là nhiều việc làm được tạo ra hơn bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào khác kể từ khi số liệu được ghi nhận vào năm 1939.

Tuy nhiên, một phần là do ông Biden hưởng lợi từ hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ khi đất nước bước ra khỏi phong tỏa.

Ông Biden cũng ca ngợi tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tăng. Vào tháng 9 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 3,5% - tương đương mức vào tháng 1/2020 dưới thời Tổng thống Trump ngay trước đại dịch.

Còn về tiền lương, nếu xét đến giá cả thì tiền lương thực tế sau khi được điều chỉnh theo lạm phát lại giảm. Thu nhập trung bình theo giờ thực tế đã giảm 3% tính đến đến tháng 9 năm 2022.

Thâm hụt ngân sách giảm

Theo số liệu được công bố hôm 21/10, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa 2022 đã giảm một nửa, mức giảm lớn nhất từ trước đến giờ sau hai năm có những gói chi tiêu khổng lồ để cứu trợ trong đại dịch.

 

Thêm hụt ngân sách đã giảm xuống còn 1.375 ngàn tỷ đô la, so với mức năm 2021 là 2.776 ngàn tỷ đô la. Nếu không có gói miễn nợ cho sinh viên của chính quyền Biden thì mức giảm còn nhiều hơn.

 

Thâm hụt ngân sách trong hai năm trước đó dưới thời ông Trump đã tăng vọt khi Quốc hội bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để chống dịch.

 

Mức thâm hụt đạt mức kỷ lục ở mức 3.13 ngàn tỷ đô la vào năm 2020 do Luật CARES chi tiêu hơn 5 nghìn tỷ và các khoản chi tiêu khác.

 

Trong năm tài khóa 2021, Quốc hội Mỹ dưới thời ông Bdien đã thông qua Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la mà Nhà Trắng cho là giúp đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế và y tế nghiêm trọng, nhưng bị Đảng Cộng hòa cho là không cần thiết và góp phần đẩy lạm phát lên cao nhất trong hơn 40 năm.

 

“Thâm hụt liên bang đã tăng lên hàng năm dưới chính quyền Trump,” ông Biden nói. “Nó tăng lên trước đại dịch. Nó tăng lên trong đại dịch. Nó tăng lên mỗi năm dưới chính quyền của ông ta, chính quyền của Đảng Cộng hòa.”

Về chỉ tiêu này, ông Lộc cho rằng ‘không có tác dụng bao nhiêu’ vì so với lịch sử, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ vẫn rất cao. Mức giảm ở đây, theo ông, là giảm so với lúc tiêu xài tối đa để chống dịch. Tuy nhiên, nó làm giảm bớt hiểm họa Mỹ bị vỡ nợ.

Lỗi của Biden?

“Kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết người Mỹ trong năm nay,” Charles Bullock, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Georgia, nói với VOA. “Mỗi lần lái xe ra đường, họ đều thấy giá xăng đã tăng cao như thế nào. Mỗi khi họ bước vào các kệ hàng ở chợ, họ thấy giá sữa đã tăng cao như thế nào. Chúng ta đang ở trong chu kỳ lạm phát, và điều đó gây khó khăn cho mọi người vì thu nhập của họ theo không kịp.”

 

Ông Lộc cho rằng lạm phát cao một phần do trách nhiệm của FED vì đã giữ tiền lãi quá thấp một thời gian dài. Tuy nhiên, ông cho rằng việc chính quyền Biden đưa ra gói cứu trợ sau cùng trị giá 1,4 ngàn tỉ đô la là ‘không cần thiết’.

 

“Nó không kích thích nền kinh tế bao nhiêu nhưng lại tăng gánh nợ cho Mỹ vào lúc người dân Mỹ vẫn còn dư tiền xài,” ông giải thích.

So sánh kinh tế Mỹ với các nền kinh tế lớn khác, ông Lộc chỉ ra Đức đã suy thoái, Anh thì sắp đi vào suy thoái còn Pháp không giảm bao nhiêu do họ chủ yếu dựa vào năng lượng hạt nhân, không lệ thuộc nhiều vào dầu khí Nga.

“Nền kinh tế châu Âu dựa vào xuất cảng sang Trung Quốc nhiều, còn Mỹ thì không. Cho nên khi kinh tế Trung Quốc chậm lại thì châu Âu bị ảnh hưởng,” ông chỉ ra.

Về lý do lạm phát ở châu Âu cao hơn Mỹ, hiện ở mức trên 10%, ông Lộc cho rằng đó là do Ngân hàng châu Âu tăng lãi suất chậm hơn Mỹ và EU bị lệ thuộc nặng nề vào dầu khí Nga. “Khi giá xăng dầu tăng thì giá cả mọi thứ đều tăng, nhất là khi đi vào mùa đông,” ông nói.

 

 




No comments: