“Tôi
hy vọng World Cup này cho chúng ta biết bóng đá bị lạm dụng tồi tệ như thế nào”
Stephan Reich - Süddeutsche Zeitung
Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ
19/11/2022
Cựu tuyển thủ quốc gia Tabea Kemme sẽ có mặt
tại World Cup ở Qatar với tư cách là một chuyên gia truyền hình và tư vấn về
sáng kiến cho sự đa dạng hơn trong bóng đá. Trong cuộc phỏng vấn này, cô ấy giải
thích lý do tại sao cô lại đến Qatar mặc dù là một phụ nữ đồng tính, cách cô ấy
nhận ra những sai lầm của DFB (Hiệp hội Bóng đá Đức) ngay tại thang máy ở
Frankfurt như thế nào và tại sao tẩy chay World Cup là đối đáp sai lầm.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/11/1-29-696x392.jpg
Qatar công khai bày
tỏ ác cảm với người đồng tính. Dù vậy, Tabea Kemme vẫn tới đó. Nguồn: Getty
Images / Maja Hitij
Tabea Kemme, 30 tuổi, đã chơi 47 lần cho đội tuyển
quốc gia bóng đá nữ của Đức từ năm 2013 đến 2018 và giành huy chương vàng
Olympic năm 2016, cùng nhiều danh hiệu khác. Hậu vệ của Arsenal LFC đã kết thúc
sự nghiệp của mình với một chấn thương đầu gối dài hạn. Kemme là một cảnh sát
viên và sẽ xuất hiện với tư cách là chuyên gia truyền hình trong các chương
trình phát sóng bóng đá. Cô ấy cũng tư vấn cho sáng kiến ”Bóng đá có thể làm được
nhiều hơn” nhằm thúc đẩy sự đa dạng, bình đẳng giới tính và sự “bền vững” hơn
trong bóng đá.
SZ-Magazine:
Tabea Kemme, khi World Cup bóng đá bắt đầu ở Qatar vào Chủ nhật, chị đang xem
trận khai mạc ở đâu?
Tabea Kemme: Tôi là một chuyên gia tại Magenta TV trong studio của họ ở Munich. Nếu
tôi chỉ là một cổ động viên, có lẽ tôi sẽ không xem World Cup. Tôi thích xem
bóng đá cùng với nhiều người, gặp nhau trong quán rượu, uống chút bia, ăn gì
đó, có được một buổi họp mặt thú vị. Nhưng lần này thì khó làm được như vậy.
SZ-Magazine: Hàng
ngàn người, trong đó có nhiều công nhân nước ngoài đến từ Nepal, đã chết trên
các công trường xây dựng cho sự kiện thể thao này. Tình hình nhân quyền ở Qatar
thật thê thảm – bỏ qua World Cup này có tốt hơn không?
Mỗi người phải tự quyết định cho chính mình.
Nhưng chúng ta nên tự hỏi: Bóng đá là gì đối với chúng ta? Có phải đó là 90
phút mà chúng ta có thể quên đi mọi thứ khác và kết thúc bằng việc ôm nhau
trong vui mừng. Sự thoải mái này sẽ mất đi khi bạn nhận ra rằng, bóng đá đang bị
lạm dụng bởi hệ thống đằng sau nó. Nhiều hội đoàn có cấu trúc quái dị, mờ đục.
Anh đã xem bộ phim tài liệu ZDF “Geheimsache Qatar” (Bí mật Qatar) vừa được
phát sóng chưa? Thật đáng sợ với những người ở những vị trí quyết định đang làm
việc ở đó, hệ thống giá trị nào được lưu truyền. Đại sứ World Cup của Qatar ngồi
ở đó và nói đồng tính luyến ái là một tổn thương tinh thần.
“Cách tôi yêu đương là một hành vi phạm tội bị trừng
phạt ở Qatar. Nhưng nếu tẩy chay sẽ có nghĩa là tôi không đối mặt với những
tình trạng đó”.
SZ-Magazine: Bản
thân chị là người đồng tính luyến ái và cùng nhau chiến đấu với sáng kiến ”Bóng đá có thể làm được nhiều hơn nữa” cho bình
đẳng giới tính và sự đa dạng trong bóng đá. Một tuyên bố như thế có ảnh hưởng
gì đến chị?
Tôi có một cuộc xung đột nội tâm trong nhiều
tháng vì tôi không chắc mình sẽ phản ứng gì nếu có yêu cầu tôi làm chuyên gia
truyền hình. Tôi phải thỏa thuận như thế nào với chính mình? Tôi có muốn làm việc
đó không. Rốt cuộc, cách tôi yêu đương bị trừng phạt ở Qatar. Nhưng tôi sẽ
không tẩy chay.
Kể từ khi kết thúc sự nghiệp của mình, tôi đã
đi rất nhiều nơi và thăm viếng các dự án xã hội trên khắp thế giới. Kết quả là,
tôi đã thấy rất nhiều sự việc sai trái. Tẩy chay có nghĩa là tôi sẽ không phải
đối mặt với tình trạng ở Qatar. Tuy nhiên, tôi muốn nắm lấy cơ hội này để trao
đổi ý kiến ở đó về các giá trị đạo đức của
mình và khiến người này hay người khác nhận ra rằng, một phụ nữ đồng tính như
tôi không có những tổn thương về tinh thần. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu
Magenta TV đến Qatar ít nhất một lần trong thời gian diễn ra World Cup. Để tôi
có thể đánh giá tình trạng ở đó.
SZ-Magazine: Vì
vậy, chị sẽ bay tới đó?
Chắc chắn, tôi cảm thấy khó khăn khi ngồi đây
trong tầng hầm và chỉ đưa ra ý kiến chuyên môn của mình từ xa. Tôi chưa bao giờ đến Qatar, tôi không biết cảm giác ở
đó như thế nào. Tôi sẽ bay tới xem trận Đức đấu với Costa Rica và ở lại đó ba
ngày. Khi đi du lịch, tôi thường ra khỏi khách sạn, dạo quanh, chụp ảnh. Điều
này chắc chắn sẽ là một vấn đề ở đó. Nhưng tôi cũng muốn đứng lên cho chính
mình. Tôi có một khẩu trang với hình cầu vồng mà tôi được tặng. Nếu bắt buộc phải
đeo khẩu trang ở bất kỳ đâu tại Qatar, tôi sẽ đeo khẩu trang cầu vồng. Tôi
không chịu làm khác đi. Tôi là một người tương đối không sợ hãi, tôi sẽ không
chạy trốn nếu cần thiết. Trừ khi họ sẽ trục xuất tôi khỏi nước này. Nhưng tôi
cũng biết tôn trọng.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/11/1-30-631x420.jpg
Ảnh: Tabea Kemme
trong trận đấu vòng đầu với Australia tại Thế vận hội 2016 ở Brazil. Nguồn: dpa
SZ-Magazine:
Chị đã từng nói: “Cuộc thi đấu, đáng lẽ ra chỉ nên vì nó, lại bị làm hỏng”.
Chẳng phải World Cup cũng là một cơ hội để thay đổi sao?
Khó lắm! Tôi hy vọng World Cup này dạy cho chúng
ta biết bóng đá bị lạm dụng tồi tệ như thế nào. Có lẽ có đủ người nói rằng họ
không cảm thấy thích loại bóng đá này nữa. Và sau đó, trong bước thứ hai, nó có
thể trở thành một cơ hội. Nhưng tôi hoài nghi. Sau giải đấu là Giáng sinh, rồi
Giao thừa, rồi chẳng ai nghĩ đến nữa. Và nó luôn luôn diễn ra như thế này.
Qatar đã có World Cup, giờ đối thủ đến từ Ả-rập Xê-út cũng phải nối gót đăng
cai Á vận hội mùa Đông 2029. Điều đó tiêu tốn 500 tỷ euro, bởi vì một khu nghỉ
mát trượt tuyết phải được xây dựng trên sa mạc. Họ thật sự muốn đùa giỡn với
tôi?
SZ-Magazine:
Chị đánh giá thế nào về vai trò của DFB và đội tuyển quốc gia?
Áp lực kỳ vọng lên DFB (Hiệp hội Bóng đá Đức)
là rất lớn. Nhưng mọi thứ đến đều rất mơ hồ. Bất ngờ trước tuyên bố của Gianni
Infantino rằng, sẽ không lập quỹ bồi thường cho những vi phạm nhân quyền, cho
tôi thấy mọi người đang bị con quái vật FIFA ru ngủ. Điều đó không xứng đáng với
bóng đá. Các cầu thủ học được những giá trị như tôn trọng, fair-play (chơi đẹp)
và tinh thần đồng đội, nhưng từ các hiệp hội thì rất ít.
SZ-Magazine:
Leon Goretzka đã công bố một cái gì đó “có thể nhìn thấy”. Chị có nghĩ rằng nhiều
cầu thủ sẽ lấp đầy khoảng trống này không?
Có thể một điều gì đó sẽ xảy ra khiến tất cả
chúng ta phải nghĩ: Chà, chờ đợi lâu nay bây giờ mới tới! Nhưng bạn không thể
mong đợi quá nhiều từ các cầu thủ, họ phải được phép tập trung vào môn thể thao
này. Chắc chắn có những cơ hội để phản đối, nhưng trong giới hạn của những gì
có thể tại chỗ. Và áp lực có thể rất lớn. Leon Goretzka được biết đến là một cầu
thủ rất mạnh dạn bày tỏ ý kiến và sẽ không dễ dàng cho anh ấy trong hệ thống
này. Bởi vì với tư cách là một cầu thủ nam hay nữ, trên hết bạn là một con rối
của hệ thống.
SZ-Magazine:
Ý chị là gì?
Bạn theo đuổi nghề nghiệp của mình, đam mê của
mình, nhưng bạn không có ảnh hưởng gì trong các cơ quan ra quyết định. Các hiệp
hội thích không khí yên tĩnh. Tham gia World Cup mang lại tiền bạc và uy tín.
Ngay khi ai đó không chịu phục tùng, hồi chuông báo động bắt đầu vang lên ở đó.
Bản thân tôi đã trải nghiệm điều đó khi áp lực ngày càng lớn. Là một cầu thủ,
khi tôi nêu ra sự khác biệt giữa tiền thưởng cho các cầu thủ quốc tế, tôi đã được
hiệp hội, những người có trách nhiệm khuyên không nên làm như vậy. Khi biết rằng
Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2015 tại Canada sẽ được tổ chức trên sân cỏ
nhân tạo, các cầu thủ đã kiến nghị phản đối vì nguy cơ chấn thương và nắng nóng. Khi chúng tôi muốn
ký nó, chúng tôi cũng đã được nói rõ rằng chúng tôi không nên bất phục tùng.
Môn thể thao này bị lạm dụng, những người ra quyết định chuyển tiền qua lại tùy
thích, và khi ai đó chỉ trích, thì sẽ bị làm áp lực.
“Tất nhiên, Uli Hoeneß chỉ nói những điều tích cực về
World Cup ở Qatar, vì FC Bayern đang hưởng lợi từ Qatar”
SZ-Magazine:
Hummel, nhà cung cấp đồ dùng thể thao của Đan Mạch không muốn xuất hiện trên áo
thi đấu tại World Cup. Ngoài ra còn có video các cầu thủ Úc chỉ trích World
Cup. Điều đó có ảnh hưởng gì không?
Nó được chú ý. Qatar đã tổ chức một cách có hệ
thống các sự kiện thể thao lớn cho nước mình kể từ năm 1993, ở tất cả các môn
thể thao. World Cup là lớp kem trên cái bánh, được sự chú ý đặc biệt lớn. Vì vậy,
thật tốt nếu bạn sử dụng sự chú ý này để chỉ ra các vấn đề. Nhưng tất nhiên,
câu hỏi đặt ra là, liệu những lời chỉ trích có còn hiệu lực ngay tại chỗ hay
không.
SZ-Magazine:
Uli Hoeneß gần đây đã nói rằng, World Cup sẽ cải thiện tình trạng nhân quyền ở
Qatar. Chị sẽ nói gì với ông ấy?
Rằng nó cũng không hoạt động ở Nga và Trung Quốc.
Và tất nhiên Uli Hoeneß chỉ nói những điều tích cực về World Cup ở Qatar vì FC
Bayern thu lợi nhuận từ Qatar, Qatar Airways là nhà tài trợ huy hiệu trên cánh
tay áo cho Bayern. Tôi tin rất ít những cá nhân có tầm ảnh hưởng trong bóng đá
vì họ là một phần của hệ thống đầy phụ thuộc. Tôi luôn tự hỏi, tiền chảy vào
đâu và như thế nào. Theo bộ phim tài liệu “Geheimsache Qatar”, Karl-Heinz
Rummenigge được cho là đã nhận được hai chiếc đồng hồ Rolex vào khoảng thời
gian World Cup được trao cho Qatar. Nếu đó là sự thật, tôi không thông cảm cho
những việc như thế. Cho dù ông ấy có thể là một cầu thủ bóng đá vĩ đại đến đâu.
SZ-Magazine:
World Cup ở Qatar chỉ là đỉnh cao của sự phát triển của bóng đá hiện đại. Chị
có nghĩ rằng bóng đá vẫn còn xứng đáng với những liên quan xã hội của nó?
Không. Chỉ là con số không. Bóng đá có thể kết
nối mọi người ở mọi tầng lớp, mọi biên giới. Có những hợp tác tuyệt vời của câu
lạc bộ với các trường học để truyền đạt các giá trị trong lớp học và trên sân cỏ.
Thực là vậy. Nhưng bóng đá hiện đại xa cách đến mức không còn làm được điều này
nữa. Và có tình trạng hoàn toàn tràn ngập và bão hòa, lượng khán giả ngày càng
giảm, giá vé quá đắt. Một thất bại lớn.
SZ-Magazine:
Chị là người hoạt động xã hội, người sáng lập “Sports4Education”, thành
viên của “Mục tiêu chung” và “Các vận động viên đứng dậy”, tích cực trong vai
trò cố vấn tại “Bóng đá có thể làm được nhiều hơn”. Điều tốt nhất mà thể thao
có thể làm là gì?
Đảm nhận trách nhiệm xã hội. Bóng đá dạy tôi
phải hòa đồng, công bằng và hành động có trách nhiệm. Tuy nhiên, những giá trị này
cũng phải được các hiệp hội noi theo. Bóng đá được chú ý để khởi động các dự án
xã hội thành công trong các lĩnh vực bền vững, cơ hội bình đẳng, chẳng hạn như
trong nền giáo dục. Rất nhiều điều có thể xảy ra bởi vì mọi người đang xem xét.
SZ-Magazine:
Chẳng phải bóng đá nữ cũng được hưởng lợi từ những diễn biến không mong muốn của
bóng đá nam hay sao? Tanja Pawollek từ Eintracht Frankfurt gần đây đã nói:
“Chúng tôi có thứ bóng đá thành thật”.
Trong bất kỳ trường hợp nào, bóng đá nữ cần cơ
cấu chuyên môn giống như bóng đá nam nên chúng ta phải đầu tư nhiều hơn vào đó.
Nhưng chúng ta cũng phải tiếp tục giữ khoảng cách với nhiều thứ: quá mức, những
hành vi không được chấp nhận. Chúng tôi đã thấy điều đó có thể hoạt động như thế
nào ở Anh tại Giải vô địch châu Âu vào mùa hè. Có sự phấn khích và năng động
hoàn toàn, cũng bởi vì họ có một hiệp hội, mà thích bóng đá nữ. Với một người nữ
chủ tịch, Debbie Hewitt.
SZ-Magazine:
Nếu chị được bầu làm Chủ tịch DFB vào ngày mai, chị sẽ làm gì đầu tiên?
Khi anh bước vào DFB ở Frankfurt, anh có thể
thấy các cấp độ trách nhiệm ngay bên cạnh thang máy, đây là minh họa hoàn hảo
cho hệ thống cấp bậc của hiệp hội này. Các nhóm phát triển bền vững và các vấn
đề của người hâm mộ ở dưới cùng, với chủ tịch ở trên cùng. Điều đầu tiên tôi sẽ
làm là phá vỡ hệ thống phân cấp này, đặt mọi thứ ở một cấp độ và đóng vai trò
là người giao tiếp trong mọi vấn đề với sự lãnh đạo kép rất rõ ràng. Sau đó,
tôi sẽ xem xét toàn bộ hiệp hội để hiểu tất cả các dòng tài chính. Nó cần sự
minh bạch.
No comments:
Post a Comment