Tại
sao ‘tiềm lực Việt Nam’ còn ‘ngái ngủ’?
Nguyễn
Bá Bình
25/11/2022
https://www.voatiengviet.com/a/tai-sao-tiem-luc-viet-nam-con-ngai-ngu-/6849911.html
Tuần lễ vừa qua, chính quyền Hà Nội đã dành cho cố
Thủ tướng Võ Văn Kiệt những thủ tục liên quan đến lễ tưởng niệm 100 năm ngày
sinh của ông là chưa từng có tiền lệ.
https://gdb.voanews.com/EE4514FC-E303-416D-8072-3F8118635C46_w1023_r1_s.jpg
Uy tín và ảnh hưởng
trên thực tế của ông Võ Văn Kiệt là quá lớn và hoàn toàn vượt trội những người
đương thời.
Người
chủ trương trang Viet-Studies.net bình luận chí phải: “Với ồ ạt chiến dịch
sách, báo, hội thảo, triển lãm, dâng hương... cho Võ Văn Kiệt mấy tuần qua, có
vẻ như "bộ sậu" của Đảng ta đã ra chỉ thị “ăn mày dĩ vãng”?”
Nhưng chớ ai ảo tưởng rằng, đấy là sự bật đèn
xanh cho một tinh thần “đổi mới toàn diện” Võ Văn Kiệt.
Nghĩ cũng tội cho ông Sáu Dân, những điều ông tâm đắc
nhất, cho đến nay, ĐCSVN không những không làm theo các kiến nghị của ông, mà
cũng không khuyến khích các thế hệ cán bộ đảng viên, nhất là thế hệ trẻ tìm hiểu,
còn xã hội thì lại càng mù tịt về những giá trị đích thực ấy…
Ngày 23/11/2022, phóng viên Bùi Thư từ BBC
News Tiếng Việt đã có một phóng sự độc đáo: Nhắc lại Võ Văn Kiệt – người “Đánh thức tiềm lực” mà
nay tiềm lực vẫn “ngủ”. Cô phóng viên đã dụng công phỏng vấn tác giả bài thơ
“đi cùng năm tháng” ấy. Nguyễn Duy đã không phụ lòng cô phóng viên và bạn đọc,
đã soi rọi một phần ánh sáng vào mảng mờ trong “Bi Kịch Võ Văn Kiệt”. Hy vọng rồi
đây sẽ có những sử gia (chứ không phải sử quan) có thể dựng lại ở một chừng mực
nào đấy, cuộc đời và sự nghiệp của ông Sáu Dân – “Người Thắp Lửa”. Võ Văn Kiệt
không phải là “người đốt đền”, ông thực tâm muốn “đổi mới” cái Đảng của ông để
trở thành một Đảng của Dân tộc, đại diện cho những tinh hoa của Dân tộc và giá
trị của Thời đại… Tiếc rằng, ông đã bất lực và đành ôm “giấc mộng Nam Kha” ấy
xuống suối vàng.
Thì đấy, bức tâm thư ông gửi các thành
viên trong Bộ Chính trị ĐCSVN ngày 9/8/1995 vĩnh viễn không bao giờ được
nhắc đến. Sau hai mươi năm có lẻ, bức thư ấy mới được bạch hóa, từ năm 2015.
Dân Thủ đô chưa quên vụ án rúng động Hà Thành xử một số nhà dân chủ đã “trót”
có trong tay mấy bản photocopy bức thư nói trên.
Ông Kiệt nêu bốn nội dung: i) Đánh giá tình hình, cục diện thế giới ngày nay;
ii) Vấn đề chệch hướng hay không chệch hướng; iii) Nâng cao năng lực quản lý
nhà nước; iv) Xây dựng Đảng. Lá thư có đoạn: "Để giữ được định hướng xã hội
chủ nghĩa, đòi hỏi bức xúc là phải nâng cao tính hiệu quả của kinh tế quốc
doanh, nhằm làm cho nó chiếm một vai trò chủ đạo trong thị trường nước ta chứ
không phải là dành cho nó quyền 'nắm' thứ nầy thứ khác." Về cục diện quốc
tế, ông Kiệt cho rằng, rằng "tính đa dạng, đa cực" đang chi phối quan
hệ giữa các nước, chứ
không phải là "mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế
quốc". Lập luận thế là ông Kiệt đã bác bỏ lý thuyết “hai phe bốn
mâu thuẫn”, một lý thuyết ngụy biện, phản khoa học nhưng đã được tung hô suốt một
thời và các “di chứng” của nó vẫn còn gây hại mãi cho đến tận ngày nay.
Người chấp bút cho lá thư “truân chuyên” nói
trên là Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Trung, được tác giả Huy Đức dẫn lời trong cuốn
sách “Bên Thắng Cuộc”: Năm 1995, uy tín bên trong, bên ngoài của ông Kiệt đều
lên cao, có nhiều khả năng ông trở thành Tổng bí thư, điều mà cả Trung Quốc, Đỗ
Mười, Lê Đức Anh, đặc biệt là Nguyễn Văn Linh đều không thích. Cũng theo nhà
báo Huy Đức, lá thư này có được đưa ra bàn trong Bộ Chính trị, nhưng ông Kiệt
"bị nhiều thành viên trong Bộ Chính trị chỉ trích kịch liệt". Và cho
đến những ngày này, bức thư này vẫn không hề được nhắc đến là tại làm sao nhỉ??? Vinh
danh ông Kiệt “xé rào” mà không vinh danh bức thư này thì liệu mọi việc còn ý
nghĩa gì nữa hay không? Ông Nguyễn Trung cũng bị “vạ lây”, hình như
còn bị ép “viết kiểm điểm”. Theo một người trong cuộc kể lại, Nguyễn Trung đã
chủ động “treo áo từ quan”. Ông Trung còn tếu táo: “Mình chẳng có ‘chiếc ấn
nào’, chỉ có chiếc áo sờn vai nên sẵn sàng ‘treo áo’ về hưu…”
“Với cương vị là một trong những người chèo
lái con thuyền Việt Nam qua khỏi vùng nước xoáy của thời kỳ chủ nghĩa xã hội đi
vào thoái trào, khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, ông Võ Văn Kiệt thực sự
là một trong những người đi đầu, có vai trò tiên phong trong quá trình
hoạch định đường lối đổi mới nói chung và đường lối đối ngoại nói
riêng của nước ta”, Ủy viên BCT, Phó TTg kiêm Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã
nhớ về ông Kiệt như thế… Phải là một chính khách dũng cảm, biết đặt lợi ích của
dân tộc lên trên hết, ông Võ Văn Kiệt mới có những chỉ đạo táo bạo trong các động
thái góp phần làm
tan băng quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển
khác (EU) vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ trước. Thật là kỳ
diệu! Một bài báo nghiêm túc (của Ủy viên BCT, PTTg kiêm Ngoại trưởng thì hiển
nhiên là nghiêm túc rồi) từng xuất hiện trên mạng một thời gian rồi bỗng dưng
biến mất, nay nhân dịp lễ lạt lại thấy xuất hiện, mà xuất hiện trên NDO mới
đáng nể!
Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn đau đáu một lĩnh vực
khác, đó là cuộc cải cách giáo dục trên quy mô cả nước. Ông đã
đầu tư nhiều công sức, huy động nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước
vào cuộc. Thủ tướng Võ văn Kiệt cũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT triệu tập các cuộc
họp với một số Giám đốc Sở Giáo dục trẻ, năng động để ông lắng nghe tiếng nói từ
cơ sở. Nhiều người làm công tác từ các cơ sở, vùng miền khác nhau lần đầu tiên
trong đời được họp với Thủ tướng, được
Thủ tướng lắng nghe tiếng nói từ lực lượng trẻ của cả nước, đó là điều rất mới! Ông
Kiệt từng nói đối với những vấn đề nan giải trong lĩnh vực GD&ĐT, một mình
bộ chuyên trách không đủ, mà phải huy động cả Bộ Chính trị vào cuộc thì mới hy
vọng. Vấn đề cốt lõi, theo ông, liên quan đến triết lý giáo dục. Tham khảo kinh
nghiệm quốc tế, ông Kiệt hiểu rằng các nước tiên tiến chú trọng đào tạo “con
người tự do – sáng tạo”, chứ không phải “con người công cụ – cho chế độ”.
Ông Võ Văn Kiệt rất tâm đắc với ý tưởng của
GS. Nguyễn Xuân Hãn khi cùng với GS. Hãn và một nhóm chuyên gia nổi tiếng đề xuất,
hiện nay, có 5 nước lớn là Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nga, họ đã có được những bộ sách
giáo khoa với kiến thức chuẩn, với Khoa học Tự nhiên, ta chỉ cần “bê” về, và
thiết kế lại cho phù hợp hơn với đặc điểm của nước ta, vừa nhanh, vừa tiết kiệm
lại chuẩn. Đó cũng là cách mà những nhà biên soạn sách giáo khoa các thế hệ trước
đã làm như GS. Hoàng Tụy, GS. Nguyễn Văn Huyên… Nhưng cả ông Thủ tướng năng động
lẫn vị GS. tận tụy với nghề đều
đã không thắng được các tập đoàn lợi ích trong và ngoài ngành giáo dục và đào tạo.
Cuối cùng nhưng rất quan trọng là câu
chuyện có triệu người vui mà cũng có triệu người buồn. Ông Kiệt cũng
là người có nhiều đóng góp thực sự cho hòa hợp, hòa giải dân tộc. Theo ông,
chính phủ không nên áp dụng "biện pháp hành chính đi đầu" với những
người bên kia chiến tuyến. Theo một nhà báo giấu tên từ Sài Gòn, ông Kiệt là
người tiên phong trong việc sử dụng trí thức miền Nam trước 1975 như Nguyễn
Xuân Oánh, Nguyễn Xuân Nghĩa, Lâm Võ Hoàng… Ông Võ Văn Kiệt được
đánh giá là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, có nhiều suy nghĩ và hành động đột
phá. Ông là lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam từng phát biểu công khai về hòa giải,
trong đó thừa nhận nỗi đau của những người ở bên thua cuộc. Việc ông sử dụng
các trí thức miền Nam trước 1975, tận dụng tri thức và kinh nghiệm của họ, cho
công cuộc xây dựng kinh tế thời hậu chiến cũng là một bước đi được
đánh giá là táo bạo, xét trong bối cảnh lúc bấy giờ.
Tuần lễ vừa qua, chính quyền Hà Nội đã dành
cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt những thủ tục liên quan đến lễ tưởng niệm 100 năm
ngày sinh của ông là chưa từng có tiền lệ. Tại sao chính quyền lại dành cho ông
đặc ân mà các nhà lãnh đạo khác, trước và sau ông, từ Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng đến
Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh… đều không có vinh dự ấy? Lý do
thật đơn giản: Uy tín và ảnh hưởng trên thực tế của ông quá lớn và hoàn toàn vượt
trội những người đương thời.
Người ta tôn vinh ông để “tô vẽ” cho chế độ đang ngày càng mất tính chính danh
trong con mắt người dân. Vinh danh nhưng lại cố tình bỏ qua những giá trị
đích thực liên quan các di sản ông để lại trong cả nội trị lẫn ngoại giao.
Chính vì ĐCSVN và Nhà Nước Việt Nam đã không
làm theo “di chúc” của ông, từ những điều tâm đắc nhất trong bức thư nổi tiếng
ngày 9/8/1995 ông gửi BCT đến hàng loạt các góp ý của ông cho các chủ trương
chính sách lớn. Vì vậy, những tiềm lực được ông đánh thức từ dạo ấy, cho đến
nay về cơ bản, vẫn đang trong tình trạng “ngái ngủ”.
No comments:
Post a Comment